Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Tòa Thánh...

Tòa  Thánh  và  vấn  đề  tra  tấn
(Vũ Văn An 5/6/2014 – Vietcatholic.net)


Ai cũng biết năm 2002, Tòa Thánh đã ký vào Công Ước chống Tra Tấn của LHQ, một Công Ước đã được thông qua vào năm 1984 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1987. Khi ký vào Công Ước này, Tòa Thánh hành động nhân danh Thị Quốc Vatican, chứ không nhân danh Giáo Hội Công Giáo, như lời xác nhận của Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, ngày 15 tháng Tư vừa qua. Làm thế, Giáo Hội đã phản ảnh các điều 2297-2298 của Sách Giáo Lý, là các điều vốn dạy rằng: 
“Tra tấn thể xác hay tinh thần để điều tra, để trừng phạt tội phạm, đe dọa đối phương, để trả thù, là đều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá con người… Trong quá khứ các chính phủ hợp pháp thường sử dụng những biện pháp tàn bạo để duy trì lề luật và trật tự; thường các mục tử của Hội Thánh chẳng những đã không phản kháng việc đó, mà còn áp dụng các qui định của bộ luật Rôma về tra tấn trong tòa án của mình. Bên cạnh những sự kiện đáng tiếc đó, Hội Thánh luôn luôn dạy phải nhân từ và thương xót, lại nghiêm cấm các giáo sĩ không được gây đổ máu. Ðến nay, người ta thấy rõ là các biện pháp tàn bạo đó không cần thiết cho trật tự công cộng, cũng chẳng phù hợp với những quyền chính đáng của con người. Ngược lại, những thực hành đó lại còn đưa đến những suy thoái tệ hại hơn. Chúng ta phải đấu tranh để hủy bỏ chúng. Phải cầu nguyện cho những nạn nhân và các lý hình”.
Và trên thực tế, Giáo Hội luôn nhân danh Tin Mừng lên án mọi hành vi tra tấn của bất cứ thẩm quyền nào và đã sử dụng mọi phương tiện hiện có để cổ vũ một thế giới nhân đạo hơn. Ấy thế nhưng gần đây, Ủy Ban Chống Tra Tấn của LHQ đã cố tình bóp méo nội dung của Công Ước chống Tra Tấn để lồng vào đó vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em và buộc Tòa Thánh phải trả lời các câu hỏi của họ liên quan tới khía cạnh này dưới cây dù Công Ước Chống Tra Tấn.
Trong cuộc họp báo ngày 2 tháng Năm vừa qua, Cha Lombardi, giám đốc phòng báo chí và là phát ngôn viên của Tòa Thánh một lần nữa đã nhắc tới Công Ước này. Cha cho hay Ủy Ban Chống Tra Tấn của LHQ nên khách quan, chỉ bàn tới những vấn đề liên quan tới chính Công Ước và các mục tiêu của nó mà thôi. Nếu không, họ sẽ bóp méo nó dưới áp lực ý thức hệ thay vì kích thích các tiến bộ thực sự trong việc phát huy sự tôn trọng các nhân quyền.
Cha cũng nhắc lại rằng Tòa Thánh ký Công Ước này nhân danh Thị Quốc Vatican, “cho nên trách nhiệm pháp luật trong việc thi hành (Công Ước) chỉ liên quan tới lãnh thổ và năng quyền của Thị Quốc Vatican” mà thôi.
Theo Cha Lombardi, Công Ước “liên quan chính yếu tới các vấn đề về luật lệ hình sự, thủ tục hình sự, hệ thống nhà tù, các liên hệ quốc tế trong lãnh vực luật lệ” và từ tường trình mới đây nhất của mình về Công Ước, Toà Thánh đã chấp thuận hai đạo luật “để bảo đảm rằng luật hình sự và luật thủ tục phù hợp với Công Ước”.
Nhưng về phía Ủy Ban Chống Tra Tấn, họ “lại thường xuyên đặt ra các câu hỏi phát sinh từ những vấn đề không thực sự dính dáng tới bản văn của Công Ước, mà đúng hơn dính dáng tới nó một cách gián tiếp hoặc dựa vào lối giải thích khá rộng rãi”.
Cha lấy cuộc điều trần tại Ủy Ban Nhi Quyền hồi tháng Giêng vừa rồi làm thí dụ để nói rằng “một nhân tố góp phần là nhiều khi áp lực đã được đưa ra đối với các Ủy Ban và cả ý kiến của những tổ chức phi chính phủ với xu hướng nặng về ý thức hệ nữa”. Áp lực và ý kiến ấy đã khiến Ủy Ban Nhi Quyền vặn hỏi Tòa Thánh cả về giáo huấn đối với đồng tính, ngừa thai và phá thai, thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi bảo vệ trẻ em.
Lần này cũng thế, Ủy Ban Chống Tra Tấn đã đem vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên vào cuộc thảo luận chống tra tấn; vấn đề này thuộc Công Ước Nhi Quyền, chứ đâu thuộc Công Ước Chống Tra Tấn!
Về khía cạnh này, cần nhắc lại lời Đức Phanxicô tuyên bố rằng “Giáo Hội đã làm rất nhiều theo hướng này. Có lẽ hơn bất cứ ai khác. Giáo Hội Công Giáo có lẽ là định chế công duy nhất đã hành động một cách trong sáng và với tinh thần trách nhiệm. Không định chế nào khác đã làm như vậy. Ấy thế mà Giáo Hội lại là định chế duy nhất bị tấn công!”

Cực lực phản bác
Ngày 5 tháng Năm vừa qua, Đức TGM Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh bên cạnh LHQ tại Genève, đã trình bày với Ủy Ban Chống Tra Tấn về việc thi hành Công Ước Chống Tra Tấn. Trước nhận định của một số thành viên của Ủy Ban cho rằng Tòa Thánh phải chịu trách nhiệm đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, vì đây là một hình thức tra tấn, Đức TGM Tomasi cực lực bất đồng ý kiến; ngài nói rằng Tòa Thánh không thể chịu trách nhiệm đối với các vi phạm luật lệ của các quốc gia khác.
Ngài nhấn mạnh rằng Toà Thánh thỏa thuận ký vào Bản Công Ước với một cái hiểu minh nhiên rằng khả năng đem thi hành hiệp ước chỉ áp dụng cho lãnh thổ của Thị Quốc Vatican mà thôi. Ngài nói: “Cần phải nhấn mạnh, nhất là giữa lúc có những mơ hồ lớn lao như hiện nay, rằng Tòa Thánh không có quyền lực pháp lý nào, theo nghĩa đã được hiểu ở khoản 2.1 của Công Ước, đối với mọi thành viên của Giáo Hội Công Giáo”.
Trong lời nhận định sau đó với Đài Phát Thanh Vatican, Đức TGM Tomasi cho rằng nhiều người không đồng ý với tuyên bố trên vì họ chủ trương rằng Tòa Thánh có thẩm quyền đối với các định chế và các người Công Giáo nói chung. Nhưng trên quan điểm pháp chế, chủ trương như thế không chính xác. Người ta cần phân biệt giữa trách nhiện pháp chế và trách nhiệm tinh thần, trách nhiệm thiêng liêng hay trách nhiệm mục vụ.

Ngài nhắc lại quan điểm của Tòa Thánh: Thị Quốc Vatican không có bất cứ pháp quyền nào đối với người Công Giáo ở ngoài lãnh thổ của nó. Đúng hơn, họ nằm dưới luật lệ quốc gia và thẩm quyền của quốc gia liên hệ.
Tuyên Ngôn Giải Thích
Khi đệ nạp Phúc Trình Định Kỳ Sơ Khởi lên Ủy Ban LHQ về Công Ước Chống Tra tấn, Đức TGM Tomasi cho rằng: “Tòa Thánh chấp nhận Công Ước Chống Tra Tấn (CAT) vào ngày 22 tháng Sáu, 2002. Tòa Thánh làm thế với một ý định rõ ràng và trực tiếp là Công Ước này áp dụng cho Thị Quốc Vatican (VCS). Trong khả năng chủ thể có chủ quyền của Thị Quốc Vatican, Tòa Thánh đã đưa ra một ‘Tuyên Ngôn Giải Thích’ quan trọng cho thấy cách tiếp cận của mình đối với CAT. Tuyên Ngôn này cho thấy rõ các động lực khi chấp nhận Công Ước và nói lên sự ủng hộ tinh thần đối với Công Ước, tức là việc bảo vệ con người nhân bản như đã được ấn định trong Tuyên Ngôn Phổ Quát Về Nhân Quyền”.
Đức TGM nói rõ: “Đối với Tòa Thánh, Tuyên Ngôn Giải Thích này cung cấp lối giải thích cần thiết để hiểu các động lực khi chấp nhận Công Ước và cũng để xem xét việc thi hành Công Ước bởi qui định luật lệ của Thị Quốc Vatican là việc thi hành mà chúng tôi đang bàn tới vào lúc này khi xem sét Phúc Trình Định Kỳ Sơ Khởi của Tòa Thánh gửi CAT”.
Theo Đức TGM Tomasi, ngoài việc ca ngợi Công Ước như là phương tiện có giá trị và thích hợp để bảo vệ phẩm giá con người nhân bản, chống lại các hành vi tra tấn, cũng như nói lên giáo huấn cố hữu của Giáo Hội Công Giáo luôn chống đối mọi hành vi bạo lực và cam kết “hỗ trợ và cộng tác tinh thần với cộng đồng quốc tế trong việc loại bỏ việc sử dụng tra tấn, một điều vốn không thể chấp nhận được và phi nhân”, Tuyên Ngôn Giải Thích nói rõ ràng rằng: “Tòa Thánh, khi trở thành một bên của Công Ước nhân danh Thị Quốc Vatican, cam kết áp dụng nó bao lâu nó tương hợp, trên thực tế, với bản chất đặc thù của Thị Quốc này”.
Do đó, Đức TGM Tomasi nhấn mạnh với các thành viên của Ủy Ban Chống Tra Tấn rằng: “liên quan tới việc áp dụng Công Ước và bất cứ việc khảo sát, tra vấn hay chỉ trích nào, hoặc thực thi nào, Tòa Thánh có ý định chỉ tập chú chuyên nhất vào Thị Quốc Vatican, luôn tôn trọng chủ quyền quốc tế của Thị Quốc này và thẩm quyền hợp pháp và chuyên biệt của Công Ước và của Ủy Ban có năng quyền khảo sát các phúc trình của các quốc gia. Do đó, Phái Đoàn của tôi thấy hữu ích cần phải trình bày một cách ngắn ngọn nhưng rõ ràng các phân biệt chủ yếu giữa Thị Quốc Vatican và Tòa Thánh, như đã mô tả trong Phúc Trình Sơ Khởi”. Theo Đức TGM Tomasi, “là thành viên của cộng đồng Quốc Tế, Tòa Thánh có liên hệ nhưng biệt lập và tách biệt với lãnh thổ của Thị Quốc Vatican, dù trên đó, Tòa Thánh có chủ quyền. Nhân cách quốc tế (international personality) của Tòa Thánh không bao giờ bị lẫn lộn với các lãnh thổ trên đó nó vốn thực thi tính chủ quyền quốc gia của mình. Trong hình thức hiện nay, Thị Quốc Vatican được thành lập năm 1929 để bảo đảm cách hữu hiệu hơn sứ mệnh thiêng liêng và tinh thần của Tòa Thánh. Bởi đó, việc thường tình gọi Tòa Thánh là ‘Vatican’ có thể dẫn tới hiểu lầm. Như đã nói, theo nghĩa này, Tòa Thánh, trên phạm vi hoàn cầu, khuyến khích các nguyên tắc căn bản và các nhân quyền chân chính được thừa nhận trong CAT, trong khi thực thi Công Ước bên trong lãnh thổ của Thị Quốc Vatican, phù hợp với Tuyên Ngôn Giải Thích”.
Khi đi vào chính Phúc Trình, ở phần Thông Tri Tổng Quát, Đức TGM Tomasi cho biết thêm: “hệ thống luật pháp của Thị Quốc Vatican độc lập đối với hệ thống luật pháp của Giáo Hội Công Giáo. Thực vậy, không phải mọi qui định của Bộ Giáo Luật đều có liên quan tới việc quản trị lãnh thổ Thị Quốc. Nói tới chủ đề tội ác và trừng trị, có những đạo luật riêng để kết tội các hoạt động phi pháp và đưa ra các hình phạt tương xứng tại Thị Quốc Vatican. Tại Thị Quốc nhỏ bé này, sự cần thiết của hệ thống nhà tù hết sức nhỏ nhoi, nhất là khi xét đến một số khía cạnh của Hiệp Ước Lateran (Điều 22) là điều dành cho lãnh thổ này được quyền chọn sử dụng hệ thống pháp lý của Nhà Nước Ý Đại Lợi nếu thấy cần”.
Cũng cần lưu ý, Thị Quốc Vatican, trong khi tiếp nhận 18 triệu khách hành hương và du khách hàng năm, nhưng con số tội phạm lại hết sức nhỏ nhoi, không đáng kể. Ngược lại, qua các phương tiện truyền thông đa dạng của mình bằng nhiều thứ tiếng, các sứ điệp phát đi từ Thị Quốc này, trong đó, có các sứ điệp chống bạo lực, chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo, đã có một tác dụng hoàn cầu hết sức đáng kể. Mặt khác, từ ngày ký Công Ước, Thị Quốc này đã đưa ra nhiều biện pháp có ý nghĩa nhằm phù hợp với Công Ước. Ai cũng biết việc tu chính luật lệ của Thị Quốc Vatican với việc công bố Tông Thư của Đức Phanxicô ngày 11 tháng Bẩy, 2013 tựa là “Về Quyền Hạn Thẩm Quyền Pháp Lý của Thị Quốc Vaticn Trong Các Vấn Đề Hình Sự” nhất là điều 3 của Luật Số VIII, đặc biệt liên quan tới Tội Tra Tấn.
Đức TGM Tomasi cho rằng với việc tu chính này, nhiều điều khoản của Công Ước đã được lồng vào nguyên văn, như Điều 1 (định nghĩa tra tấn). Đoạn 6, điều 3 của Luật Số VIII thực sự đã chỉ viết lại điều 15 của Công Ước tức điều ngăn cấm không được dùng bất cứ lời khai nào do tra tấn mà có làm bằng chứng.
Đức TGM Tomasi còn trích dẫn nhiều cải tiến nữa của luật Thị Quốc Vatican nhằm phù hợp hơn với Công Ước.
Ngài cũng lớn tiếng cho rằng “tiếng nói tinh thần của Tòa Thánh, trong lúc cổ vũ và bảo vệ mọi nhân quyền chân chính, đã tới tai các thành viên của Giáo Hội Công Giáo trong cố gắng phát huy sự hồi hướng nội tâm để yêu mến Thiên Chúa và người lân cận. Tình yêu này, ngược lại, sẽ biến thành các thực hành tốt trên phạm vi địa phương, phù hợp với luật lệ các quốc gia”
Về phương diện phù hợp với luật lệ các quốc gia, Đức TGM lưu ý điều này: “Cần nhấn mạnh, nhất là trong lúc có sự mơ hồ như hiện nay, rằng Tòa Thánh không có pháp quyền nào, hiểu theo nghĩa điều 2.1 của Công Ước, đối với mọi thành viên của Giáo Hội Công Giáo. Tòa Thánh muốn nhắc lại rằng người hiện sống tại một quốc gia đặc thù là sống dưới quyền tài phán của các thẩm quyền hợp pháp tại quốc gia đó và do đó, vâng theo luật lệ trong nước và chịu mọi hậu quả của luật lệ này. Các nhà cầm quyền các quốc gia có bổn phận phải bảo vệ, và khi cần, phải truy tố những người sống dưới pháp chế của mình. Tòa Thánh cũng thi hành cùng một thẩm quyền như thế đối với những ai sống tại Thị Quốc Vatican theo luật lệ của nó. Do đó, khi tôn trọng các nguyên tắc độc lập và chủ quyền của các quốc gia, Toà Thánh nhấn mạnh rằng thẩm quyền quốc gia, một thẩm quyền có năng quyền hợp pháp, hành động như các tác nhân công lý có trách nhiệm liên quan tới tội ác và các lạm dụng do người dưới pháp quyền của mình vi phạm. Phái Đoàn của tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này không chỉ bao gồm các hành vi tra tấn hay các hành vi trừng phạt dã man và bất nhân, mà còn bao gồm các hành vi khác được coi là tội ác do bất cứ cá nhân nào vi phạm và cá nhân này, bất kể có liên hệ với một định chế Công Giáo, đều lệ thuộc một thẩm quyền quốc gia. Nghĩa vụ và trách nhiệm cổ vũ công lý trong các trường hợp này thuộc pháp quyền có khả năng của từng nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét