Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Những thông điệp lạ






Những  thông  điệp  lạ  kêu  gọi  phụ  nữ

Các Bạn thân mến, 
 Các Bạn đã từng đọc những tựa đề mà người viết gọi là thông điệp như thế này bao giờ chưa? 
   -    Phụ  nữ  ơi!  Hãy  ngừng  hy  sinh!
-    Đừng  làm  việc  nhà  một  mình  nữa,  phụ  nữ  ơi!
Rồi :

-    Thức dậy đi phụ nữ, đừng mù quáng nữa!

-    Phụ nữ làm hết việc nhà là tệ nạn.
-    Làm thế nào để chồng lười thành chăm chỉ?

-   Đừng giam mình trong nhà tù hôn nhân nữa.

-  ...

       
Ngày ấy, đọc tin trên VnExpress.Net thấy những tựa đề là lạ này, còn kèm  thêm dòng chữ “Rộ thông điệp”, nghĩa là thời điểm ấy, nhiều nơi  phát ra những thông điệp đại loại như thế, để diễn tả phái đẹp, phe yếu như đang ấm ức với phái mạnh! Thật ngạc nhiên, mình vội mở ngay ra đọc, thì hóa ra chị em ta kêu mời, hô hào, rủ nhau đòi bình đẳng đúng đắn, bình đẳng thật sự…vì cái chuyện nam nữ bình quyền mà cả thế giới phụ nữ đấu tranh vất vả khó khăn dai dẳng mãi mới đạt được ấy thì ở Việt Nam nó vẫn chưa được thực hiện đủ, chưa đúng, chưa cân, còn khập khiễng lắm lắm! Gần như chỉ có thể bình đẳng, bình quyền ngoài xã hội, còn trong gia đình thì chỉ khá hơn ở những nơi văn minh, những thành phố lớn, những ông chồng trẻ trung thức thời, “galang”, chu đáo, thật sự yêu và tôn trọng vợ vì ý thức vợ đúng là cái xương sườn, là một nửa của mình!




Thật vậy, từ khi luật nam nữ bình đẳng, bình quyền ban hành thì phụ nữ được tự do nhiều hơn: từ việc ăn học, chuyên môn nghề nghiệp, chính trị, quân sự đến tình yêu và hôn nhân… Từ đó, ngoài xã hội phụ nữ được đón tiếp nồng hậu bởi nhiều thành công to lớn, gần như không còn bị công khai chống đối, và phân biệt nam nữ nữa. Tuy nhiên trong sâu thẳm tâm lòng một số phe phái, một số người khắt khe, cố chấp thì có lẽ phụ nữ vẫn chưa phải và chẳng bao giờ có thể“ngang cơ”với nam giới được! Đặc biệt trong gia đình nhỏ, lớn của họ. Không sai, vì chúng ta có thể thấy sự bất công ngay trong gia đình mình, nơi gia đình bạn bè, họ hàng, chòm xóm, cộng đoàn và cơ quan của mình. Hiển nhiên không phải là tất cả, nhưng phần lớn người phụ nữ có chồng con hay chưa, hay không, thì sau giờ làm việc, dù làm công sở hay tự do, gần như ai cũng phải đi đón con, chợ búa, rồi vào ngay bếp để nấu nướng, cơm nước, xong còn tắm rửa cho con cái, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cho ngay mai cả cho chồng, cho mình, cho con, cho ông bà cha mẹ nữa…Còn nam giới, là chồng, anh, em trai hay con trai, thì về đến nhà như có quyền thoải mái,  nghỉ ngơi hay ra ngoài với bạn bè…


Nếu quan niệm rằng phái mạnh làm những công việc to lớn quan trọng, còn phái yếu làm những việc nhỏ bé nhẹ nhàng, con cái, cơm nước lặt vặt… rõ ràng trong phân chia như vậy, thì phụ nữ cũng toại nguyện, cũng có thể hy sinh cam chịu, mặc dù nhiều chuyện không phải nhỏ như vấn đề con cái. Nhưng thực tế, nhiều người vợ, nhiều đứa con đã phải than rằng chồng mình, bố mình giống như người khách trong gia đình, hoạc như người đứng trước cửa nhà! Bởi mọi việc nặng nhẹ, khó khăn, vất vả đối phó trong ngoài của gia đình đều để vợ con giải quyết, thậm chí có ông còn chẳng bao giờ thắc mắc lấy tiền ở đâu mà vợ nuôi các con ăn học, chia vui xẻ buồn với họ hàng xóm giềng và đóng góp các công việc tiện ích chung cuả xã hội!? Có thể lương lậu ông ít ỏi, có thể ông thất nghiệp dài dài, có thể ông chẳng muốn đi làm gì cả, có thể ông bệnh hoạn, có thể ông vẫn muốn quan liêu…Hoàn cảnh nào thì các ông cũng chẳng dại gì thắc mắc, vì“há miệng mắc quai”, một mình các ông biết, một mình các ông hay rồi nhắm mắt bịt tai cho yên phận là xong! Điều này có thật đấy nhé, mặc dù sống ở thời điểm văn mình tuyệt đỉnh với rất nhiều cơ hội thăng tiến, thành công cho tất cả những ông nào muốn giữ vững vị trí độc tôn, muốn gia đình thật sự là của mình, muốn chính mình là người bảo vệ và tạo hạnh phúc cho vợ con mình. 

 
Thế nhưng nhiều ông lại cố ý hay vô tình đánh mất, làm rơi rớt dần dần chức năng, bổn phận trách nhiệm làm chồng, làm cha của mình để rồi than phiền:“trong nhà ngoài ngõ, cái gì, điều chi bà ấy cũng quyết!”
Con cái có hỏi han xin xỏ điều gì thì ông phán như cái máy:“Hỏi mẹ mày!” Thế là càng ngày nhiều ông càng như cái bóng trong nhà, rồi  không chỉ nghe theo lời vợ, mà nhiều khi còn phải nghe theo luôn cả lời của con cái! Thật đáng buồn, nhưng tại ông thôi, ông đã bán trách nhiệm, chức năng, quyền hành của ông một cách rẻ mạt, không văn tự giấy tờ rồi mà!
Bởi sự thật vợ con, ai cũng muốn được dựa vào vai chồng, vào ngực cha, ai cũng muốn sống trong căn nhà có nóc an toàn, có mái hiên che nắng che mưa. Không người vợ nào muốn vất vả đầu tắt mặt tối, đi sớm về khuya, càng không ai muốn cướp quyền chồng, cũng không người vợ nào không muốn nhường nhịn, hy sinh cho chồng con. Không người vợ, người con nào muốn thấy chồng, cha mình sống như, sống kiểu“đàn bà, con nít”, hoạc dân bụi, say sỉn linh tinh, bước đi loạng quạng, ăn uống nhơ nhớp, nói năng thô lỗ, hành động cục cằn, thấy phụ nữ đẹp thì lé mắt, lạc lối quên đường về! Mà trái lại, ai cũng muốn tự hào, hãnh diện, khi được đi bên cạnh người chồng, người cha không chỉ biết quan tâm chu đáo, mà còn quyến rũ, hào hiệp nữa! Vợ con nào không sung sướng hạnh phúc khi người chồng người cha luôn cho họ cảm giác an toàn, bảo đảm một đời cơm no áo ấm, một cuộc sống có lý tưởng đúng đắn, văn minh hiện thực…An toàn hạnh phúc thì vợ con sao lại có thể lơ là bổn phận trách nhiệm? Sao lại tránh làm việc nhà, ngại ngùng hy sinh, là những đặc tính đã tạo nên, và gắn liền với người phụ nữ?

  Thực tế đã chứng mình điều đó, chúng ta có thể thấy đầy dãy chung quanh mình những người vợ, những đứa con gái hằng ngày vất vả lao vào xã hội với công kia việc nọ, cao trọng hay tầm thường, thì chiều chiều trên đường về nhà, cũng phải ghé đón con lớn, rước con bé, tạt chợ này, quẹo tiệm kia để mua bán, trao đổi, chuẩn bị cho bữa tối của gia đình, bữa tiệc cho họ hàng bạn bè; vất vả mệt mỏi nhưng vẫn chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ, vì họ rất vui khi thấy chồng con ăn uống ngon miệng, nhà của gọn gàng sạch sẽ ấm cúng, họ hàng bạn hữu chòm xóm vui vẻ thân tình. 


 Vì vậy khi đọc những hàng chữ kêu gọi phụ nữ đừng hy sinh, đừng làm việc nhà một mình nữa…thì mình cảm thấy những lời kêu mời ấy thật táo bạo, như trái khoáy, như ngược đời, như phản cảm… vì bản chất phụ nữ là như thế, họ không thể không làm việc nhà, không thể không hy sinh, không thể bỏ lơ chồng con, không thể không tha thứ… chỉ những phụ nữ quá cá biệt, hư hỏng, bất mãn… mới ngại ngùng hy sinh, mới vô cảm, mới để con cái lêu lỏng, nhà cửa bừa bộn nhớp nhơ, mới lạnh nhạt với bà con láng giềng…
Vì thế mình nghĩ nên dành các thông điệp, các lời kêu gọi ấy cho quí ông, cho nam giới thì sẽ hiệu quả hơn đấy. Thật vậy, chắc các ông khi nghe lời mời gọi: “Nam giới ơi, hãy hy sinh thêm chút nữa nhé!”“ Hãy làm việc nhà chung với phụ nữ đi, nam giới ơi!” Thì có lẽ các ông sẽ hưởng ứng ngay phải không các đấng mày râu? Các ông chồng chu đáo tuyệt vời? Các cậu con trai bặt thiệp“galang”? Mặc dù vẫn biết rằng thời buổi khoa học tiến bộ như vũ bão hiện nay thì các ông, phái nam cũng đã bị áp lực nhiều lắm rồi phải không các Bạn?! Phụ nữ chúng ta thì gần như có lợi hơn, nên chúng ta cần hiểu biết, thức thời để cảm thông, rộng lượng, và công bằng với chồng cùng con trai mình nghe! 

Xin Happy Mother’s Day tất cả các Bà Mẹ trên toàn thế giới nhé!
Thân mến,
duyenky
..  Mời các Bạn cùng đọc hai thông điệp đã phổ biến:


“Phụ  nữ  ơi!  Hãy  ngừng  hy  sinh”
(Thứ bảy, 20/10/2012 - Giađình - VnEpress.net)
"Là chị, phụ nữ phải nhường nhịn em. Là người yêu, nàng phải cố làm vừa lòng bạn trai. Khi làm vợ, làm mẹ họ lại tiếp tục hy sinh cho chồng con. Tại sao chị em phải khổ mãi thế?"
Đó là thông điệp kêu gọi nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, được chia sẻ trên các diễn đàn mạng.
Nhìn nhận về thân phận người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, tác giả một bài viết nhận được nhiều lượt "like", lý giải: "Từ ngàn năm dưới lũy tre làng, “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, người ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, ngay từ khi cất tiếng khóc oe oe thì thân phận của người phụ nữ đã gắn chặt với hai từ “hy sinh”.
Sự hy sinh vô bờ bến ấy như được"mặc định" trong xã hội. Nó bám riết trong tâm tưởng của người phụ nữ xưa cũng như nay, có lúc sự vất vả khiến đôi chân"phái yếu" quỵ xuống, nhưng rồi họ lại cam chịu. Nhiều gương người chị, người mẹ phải sống cả cuộc đời hy sinh tảo tần lo cho cha mẹ, anh, chị, em mà bỏ mặc bản thân mình cũng được nhắc đến.
"Nghĩ cho cùng, khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục “hy sinh”, đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên vai chị em gầy guộc mà thôi", tác giả nhắn gửi. Thông điệp này ngay sau đó được cư dân mạng truyền tay nhau như một "lời hiệu triệu" xuất hiện trên hàng trăm diễn đàn, trang mạng xã hội, blog...

Trong một bài viết khác có tên "thức dậy đi phụ nữ, đừng mù quáng nữa", chị em được khuyên không nên sống hết mình cho người khác mà hãy nghĩ đến bản thân hơn. "Bởi ngay cả trong tình yêu đàn ông vốn sinh ra để làm kẻ đi săn". Nếu quen được một cô gái hiền ngoan, chăm chỉ, hy sinh thì anh ta yêu, nhưng chỉ là yêu những gì cô mang đến cho anh. Chàng cảm thấy thoải mái khi mình không phải bỏ quá nhiều công sức mà vẫn có người cung phụng nhiều thứ. Tuy nhiên nhiều câu chuyện thực tế phũ phàng: vợ hy sinh, chồng vẫn ngoại tình, tức là đến với cô gái khác không chăm anh ta (vì theo bản năng đi săn và hám của lạ).
Vì thế lời khuyên của tác giả bài viết này cho các chị em là: "Nếu thấy mệt mỏi, hãy dừng chăm sóc anh ta. Hãy chăm sóc chính bạn, bỏ mặc anh ta, để bản năng “săn mồi và chiếm giữ” của anh ta trỗi dậy và cũng để anh ta “siêng” yêu bạn hơn. Còn nếu anh ta vẫn không hăng hái hơn để yêu bạn, thì bạn biết rồi đấy: Trái tim anh ấy chưa có bạn và có thể là sẽ không bao giờ có bạn".
Nhiều người cũng đưa ra ví dụ về những câu chuyện gia đình éo le: Người vợ đầu tắt mặt tối lo cho chồng con mà trở nên xấu xí, già nua. Đến khi người chồng ngoại tình, chị lại trách: "Tôi đã hy sinh cho anh thế cơ mà". Câu trả lời mà chị nhận lại chỉ là tiếng cười nhạt, ánh mắt coi thường của người đầu ấp tay gối "tôi không cần như thế, tôi không mướn cô hy sinh!" "Bởi khi đàn ông đã chán chường thì chẳng có gì níu kéo anh ta lại được. Phụ nữ hãy hiểu rằng sau khi cưới nhau, chị cũng cần giữ gìn nét đẹp và hấp dẫn về ngoại hình với chính chồng mình. Bởi đàn ông cả thèm chóng chán và hay so sánh. Dù chị hy sinh đến đâu đi nữa mà trông chị ngày càng tàn héo, xấu xí cũng là lúc chị dâng hiến người đàn ông của mình cho người phụ nữ khác chí ít chỉ sạch sẽ hơn chị một chút", lời nhắn nhủ dành cho các bóng hồng.
Đồng tình với quan điểm "phụ nữ không nên hy sinh quá nhiều", nick name nga_phuongnguyen cho rằng, nhìn chung là con người, nếu phải mang cái tâm lý hy sinh và nhận hy sinh thì làm sao sống thoải mái với nhau. Vì thế tốt nhất là biết cách dung hòa giữa cái mình thích và "nửa kia" thích, cái mình muốn làm và người kia muốn làm. Cụ thể phụ nữ thích tề gia nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa, nấu nướng. Đàn ông thích bù khú bạn bè, tán dóc chuyện trên trời dưới đất, ngoại giao...
"Chăm sóc gia đình là mình thích làm, mình thích như thế chứ không phải hy sinh. Mình làm chuyện mình thích thì đàn ông họ cũng vậy. Tuy nhiên ở mức độ tôn trọng nhau, tôn trọng cái riêng của mỗi người và dung hòa nó với nhau sẽ thấy thoải mái hơn". Và theo thành viên này, nếu việc gì đó không thích làm, không làm nổi mà cố ôm đồm rồi ảnh hưởng tới tình cảm gia đình thì là phá hoại gia đình chứ không phải hy sinh.
Còn thành viên Aquagreen.jsc nhận định, con gái sinh ra đã được chính bố mẹ đào tạo tư tưởng "là con gái phải chịu thiệt thòi". Tư tưởng đó đã ngấm sâu vào tính cách của người phụ nữ nên phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ châu Á mặc định cho chính mình là phải hy sinh vì gia đình. Theo thành viên này: "Hy sinh cho gia đình mình không có gì là sai, không có gì là không tốt nhưng hãy biết san sẻ cho người bạn đời của mình, đừng một mình hy sinh".
Có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, hy sinh là một trong những đức tính làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Do đó "không việc gì phải ngừng hy sinh. Thử hỏi nếu bà, mẹ, chị, vợ của chúng ta không hy sinh, không hết mình chăm lo cho gia đình thì liệu tổ ấm của chúng ta có được như ngày hôm nay không? Bình đẳng giới không có nghĩa là làm cho phụ nữ biến thành đàn ông", nick name NguyenAtu bình luận.
                                                                                                Thi Trân

“Đừng  làm  việc  nhà  một  mình  nữa,  phụ  nữ  ơi!”

Sau khi tham dự talk show về chủ đề đàn ông và phụ nữ cùng chia sẻ việc nhà, thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân đùa rằng anh bận rộn hơn với những bức thư tâm sự từ các bà vợ. "Đừng làm việc nhà một mình nữa, phụ nữ ơi""khuyến cáo" của anh dành cho chị em.
Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, cố vấn khoa học, giảng viên cao cấp tại Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt cho rằng, có lẽ những điều mà đạo diễn Lê Hoàng, nhà văn Trang Hạ và anh chia sẻ tại talk show "Một tuần một chuyện - Đối thoại với Lê Hoàng " đã bắt trúng “mạch” của nhiều phụ nữ.
Chuyên gia tâm lý Bùi Hồng Quân đã chia sẻ đôi điều về chủ đề đang "hot" này và đưa ra những lời khuyên thiết thực để chuyện làm việc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn và là niềm vui của gia đình trong những ngày Tết.
-  Một độc giả tên Thùy Dung gửi thư về chia sẻ: "Tết đến, việc nhà của tôi rất nhiều. Tôi đi làm về là phải tất tả tranh thủ dọn dẹp, hết phòng thờ đến phòng khách, hết phòng ngủ đến bếp, toilet... Tôi than mệt, nhờ chồng giúp thì anh nhăn mặt bảo: Em thuê người giúp việc theo giờ đi, có mấy việc của đàn bà mà cũng than tới than lui". Là một chuyên gia tâm lý, anh nghĩ sao về chuyện này?
-  Câu chuyện của chị Dung không phải là tình trạng cá biệt. Thậm chí, tôi đã từng tiếp xúc với những "ca" khó hơn, người vợ đến than thở rằng chồng về nhà nếu thấy cơm nước chưa xong, nhà cửa chưa gọn gàng còn quay sang… gây gổ, quát tháo vợ, thay vì chung tay vào dọn dẹp, dù rằng vợ cũng đi làm giống hệt như mình. Họ không nghĩ rằng, những việc nhỏ nhỏ đó có thể tạo ra sự ức chế ở người phụ nữ, khoảng cách và sự bất hòa giữa 2 vợ chồng. Điều đó lâu dần tạo ra hình mẫu không tốt cho các con…
-  Anh từng chia sẻ trên talk show "Một tuần một chuyện - Đối thoại với Lê Hoàng" rằng để thay đổi tình trạng này cần phải có sự tham gia của cả đàn ông, phụ nữ?
-  Đúng vậy, đối với đàn ông, họ cần thay đổi suy nghĩ của mình, gia đình là của chung, hạnh phúc là của chung nên không có lý do gì mà việc nhà lại dành riêng cho vợ. Còn phụ nữ cần bản lĩnh hơn, cần thay đổi suy nghĩ, xem việc nhà là việc chung, là trách nhiệm của cả hai chứ đừng nghĩ đó là việc của mình và mình đang "nhờ" chồng "giúp", chồng không giúp thì chỉ biết buồn, tủi thân. Đối với những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn hay những đôi vợ chồng trẻ, các bạn hãy thảo luận một cách hết sức thẳng thắn, thành thật với nhau về vấn đề chia sẻ việc nhà để có sự thống nhất.
- Còn về phía "đối tượng thứ ba" là những người mẹ chồng trong gia đình thì sao, thưa anh?
-  Thực tế có nhiều anh chồng rất thương vợ, muốn chia sẻ với vợ việc nhà nhưng mẹ chồng lại cản. Rồi thì bạn bè "nói ra, nói vào", thế là đành bỏ cuộc. Đây là một thực tế đáng suy nghĩ. "Đối tượng thứ ba" có khả năng ảnh hưởng đến chuyện chia sẻ việc nhà, tôi muốn nhắc tới chính là định kiến xã hội, quan niệm của mọi người xung quanh. Định kiến này giống như một thách thức, cản trở đàn ông chia sẻ việc nhà với vợ.
Tuy nhiên, khi mỗi cá nhân thay đổi quan niệm của mình thì chắc chắn cộng đồng sẽ có cách nhìn khác, đầy trân trọng với những người đàn ông biết chia sẻ việc nhà cùng vợ.
-  Là một chuyên gia tâm lý, tiếp xúc với nhiều người và các hoạt động xã hội, anh thấy định kiến xã hội đã thay đổi thế nào trong việc kêu gọi nam giới chia sẻ việc nhà cùng phụ nữ?
-  Thời gian gần đây, tôi để ý thấy trong cộng đồng đã có nhiều cuộc tranh luận thú vị, nhiều hoạt động kêu gọi chia sẻ gánh nặng việc nhà cùng phụ nữ. Chẳng hạn như cuộc tranh luận hấp dẫn giữa đạo diễn Lê Hoàng và nhà văn Trang Hạ vừa qua, rồi cuộc thi "Góp thêm tay, cùng giúp mẹ" để mọi người gửi hình ảnh cả nhà dọn dẹp về dự thi… Hoặc tôi thấy các website chỉ bạn những bí quyết làm đẹp tổ ấm một cách đơn giản, các ông, các anh có thể tham khảo, đó cũng là cách hay để tạo bất ngờ cho chị em.
Thực tế mà nói, cùng nhau chia sẻ việc nhà còn là cách để hâm nóng tình cảm, bồi đắp mối quan hệ vợ chồng, con cái, từ đó tạo nền tảng cho hạnh phúc gia đình, hiểu như vậy thấy việc nhà có lợi quá đi chứ.
-  Theo anh, các hoạt động của cộng đồng trong việc khuyến khích đàn ông chia sẻ việc nhà với vợ có tác dụng như thế nào?
-  Cá nhân tôi đánh giá, những chương trình, cuộc thi, website… như vậy đã cho thấy cộng đồng rất có trách nhiệm và quan tâm đến chủ đề này. Mỗi chương trình, mỗi hình thức có những tiếng nói riêng, tác động đến một phạm vi riêng nhưng cùng hướng đến mục đích chung là sự bình đẳng trong đời sống vợ, chồng, góp phần tạo dựng hạnh phúc gia đình Việt Nam. Đó là điều không chỉ cá nhân tôi mà chắc chắn rất nhiều người cùng mong mỏi.
Ngọc Bích




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét