Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

May 11, 2014 - Chúa nhật IV Phục Sinh ...

May 11, 2014 - Chúa  nhật  IV  Phục  Sinh  năm  A
Mục  Tử  Nhân  Lành
Mother’s  Day



Các Bạn thân mến,
Chúa nhật tuần nay, chúng ta được nhắc nhở bởi tất cả các bài đọc về Đức Giêsu Kitô là Đấng Chăn Chiên Lành, luôn chăm sóc lo lắng bảo vệ đàn chiên được no đủ, an toàn khỏe mạnh, mà không e ngại điều gì. Nên Ngài mời gọi chúng ta an tâm nghe tiếng Ngài, theo Ngài đến với ơn cứu rỗi,  để nhờ đó chúng ta có đời sống sung mãn và tràn đầy chân lý.
Hình ảnh mục tử nhân lành làm nổi bật mối tương giao và sự hiến thân của Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta.
 Riêng Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giêsu vừa là mục tử vừa là cửa chuồng chiên:
* Là Mục tử thật sự của dân Israel: Vì Ngài đi qua cửa chính mà vào chuồng.  Do đó, Người được đoàn chiên nghe theo. Còn các đầu mục Do thái chỉ là người lạ, nên chiên chạy trốn và không đi theo họ.
* Là cửa cho chiên ra vào: Các luật sĩ và biệt phái không tin Đức Giêsu và không được Thiên Chúa ủy nhiệm coi sóc đàn chiên. Họ leo rào mà vào chuồng nên chỉ là trộm cướp, đến giết hại và phá huỷ đàn chiên. Còn Đức Giêsu đến đem lại cho đàn chiên lương thực, sự an toàn, tự do, và sự sống dồi dào.
Đây là đoạn Tin Mừng đơn giản, dễ hiểu nhưng sâu sắc về mối quan hệ gắn bó chân thành mật thiết giữa người chăn chiên và đàn chiên ở Do Thái. Đức Giesu đã dùng hình ảnh này cho loài người hiểu được mối quan hệ giữa Ngài với con người cũng như vậy. Và hiển nhiên vì Ngài là Thiên Chúa nên quan hệ này còn trọn vẹn tuyệt vời hơn gấp bội.
 Để hiểu thấu tâm lòng Đức Giesu qua hình ảnh Người mục mà Ngài so sánh, chúng ta cần biết qua về nghề nghiệp chăn nuôi chiên ở Do Thái.           
   1.       Chuồng chiên:     
Ở Palestin có hai loại chuồng dùng cho đàn chiên: chuồng cố định tại địa phương và chuồng lưu động ngoài cánh đồng.
-    Vì chiên là loại động vật hiền lành, nên luôn được quan tâm bảo vệ cẩn thận chu đáo.
-    Và là loại vật chủ yếu về kinh tế của dân chúng, nuôi để lấy lông làm len, nên gần như gia đình nào cũng nuôi ít nhiều con chiên.
-    Tại gia đình, người ta làm chuồng an toàn cho chiên ở riêng, lớn, nhỏ, đơn giản hay vững chắc là do khả năng của chủ chiên. Nhưng chuồng nào cũng có cửa ra vào và có chốt khóa cẩn thẩn.
-    Ở các làng mạc, thị trấn, còn có những đàn chiên cộng đồng. Tất cả các bày chiên của địa phương đều nhốt chung khi chúng trở về vào chiều tối. Đó là những chuồng công cộng.
-    Phần đầu Tin Mừng, Đức Giesu nói tới loại chuồng công cộng này, đặc biệt nhắc đến lúc sáng sớm, khi người mục tử đến chuồng làng công cộng nhận bầy chiên của mình để dẫn chúng đi ăn cỏ trong ngày, Đức Giêsu nói: "Người giữ cửa mở cửa cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng anh; anh gọi tên từng con một rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh".
-    Chính sự nhốt chung này mà chúng ta hiểu được lời Đức Giesu nói là chiên nhận biết được tiếng của chủ mình và nghe theo, cũng như chủ chiên nhận biết từng con chiên của mình và gọi tên từng con một.
-    Và chỉ có người canh cửa mới được giữ chìa khóa cửa mà thôi.
-    Nhưng đến mùa nắng ấm, khi chiên được đưa ra ngoài, thả trên những triền núi, đồng cỏ, thì đêm xuống không lùa về làng, mà được nhốt trong các chuồng chiên ngoài sườn đồi.
-    Đó là loại chuồng lưu động, được dựng tại khu đất trống, có hàng rào bao quanh, nhưng không có cửa, không có khóa, chỉ có một chỗ trống cho chiên ra vào.
-    Đêm đến, khi đàn chiên đã vào chuồng an nghỉ thì người chủ chăn nằm ngay khoảng trống nơi chiên ra vào đó, coi như là một cái cửa đóng chuồng lại.
-    Chiên muốn ra ngoài phải bước qua người chủ, và bất kỳ ai không phải là chủ, muốn vào chuồng cũng phải bước qua, hay nhẩy qua người chủ này.
-    Người mục tử ấy chính là cái cửa chuồng chiên, ngăn không cho chiên ra và chặn không cho các thú dữ hay những kẻ phá hại, trộm cắp vào làm hại chiên.
-    Vì thế người mục tử luôn phải tỉnh thức canh phòng, đôi khi phải chiến đấu với thú giữ, với kẻ gian để bảo vệ bầy chiên trong chuồng của mình.
-    Không chỉ độc đáo, mà còn nói lên trách nhiệm, sự hết mình với đàn chiên, đến độ có thể hy sinh cả tính mạng của mình.
-    Đây là loại chuồng Đức Giêsu ám chỉ ở đoạn cuối của Tin Mừng, đặc biệt Ngài nói đến lối vào chật hẹp trong chồng mà bầy chiên phải đi qua. Ngài nói:"Tôi là cửa cho chiên ra vào. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ".
-    Đức Giesu đã so sánh Ngài với cửa chuồng chiên để chúng ta hiểu được tình yêu thương của Ngài đối với từng người.

  2. “ Tôi là cửa cho chiên ra vào”:
-    Thường thì người mục tử phải hiện diện với bầy chiên của mình 365 ngày một năm, và đủ 24 giờ một ngày.
-    Người mục tử phải biết rõ chiên mình đến mức biết con nào có móng mềm, con nào đau vì ăn bậy, con nào hay bỏ bầy chạy rông...
-    Là sự hiến thân sâu sắc của người mục tử cho bầy chiên, thậm chí liều mạng sống cho chúng.
-    Chính trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn điều Đức Giêsu mường tượng trong tâm trí khi Ngài muốn nói rằng, mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho chúng ta tương tự như mối tương giao và sự hiến thân của người mục tử cho bầy chiên mình.
-    Giống như người mục tử, Đức Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách thân mật sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường dễ ngã lòng, ai trong chúng ta thường hay bỏ bầy đi rông. ..
-    Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn ở đó để giúp đỡ chúng ta. Và nếu lỡ chúng ta bỏ bầy đi thì Ngài sẽ đi tìm kiếm chúng ta.
-    Ðiều Thiên Chúa nói với dân riêng Ngài qua miệng tiên tri Isaia, cũng chính là điều Đức Giêsu đích thân nói với mỗi người chúng ta: “Ðừng sợ! Này đây Ta ở với ngươi"
-    Giống như người mục tử, giống như Đức Giêsu, một bà mẹ luôn có mối tương giao gần gũi sâu sắc với bầy con mình. Không có gì mà bà  không làm để bảo vệ cho bầy con khỏi mọi nguy hiểm. Và bà sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào để tìm kiếm đứa con lầm đường lạc lối.
-    Sự hiến thân trọn vẹn của một bà mẹ cho gia đình là một phản ảnh hoàn hảo sự hiến thân trọn vẹn của người mục tử cho bầy chiên của anh. Và hơn tất cả, tình thân và sự hiến thân cho gia đình của một bà mẹ phản ảnh hoàn hảo tình thân mà Đức Giêsu dành cho chúng ta.
-    Hình ảnh ấy làm Đức Giesu xúc động nên Ngài dùng nó như một ẩn dụ, ấn tượng về Ngài:” Ta là cửa chuồng chiên.”
-    Chúa muốn cho chúng ta hiểu sâu sắc rằng Ngài quan tâm nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta như thế nào.
-    Ngài còn đến để dạy bảo, để chứng minh cho loài người thấy Thiên Chúa như thế nào. Và dẫn dắt loài người đến với Thiên Chúa.
-    Giống như Ngài đã mở cánh cửa để loài người vào được Nước Trời, vì chính Ngài là cánh của duy nhất để loài người từ đó đi qua.
-    Để mô tả một phần ý nghĩa của việc vào ra trước mặt Thiên Chúa, Đức Giesu đã dùng một câu nói rất quen thuộc của người Do Thái khi nói về sự tự do: “Chúng ta có thể đi vào và đi ra.”
-    Thật vậy, được đi vào, đi ra, mà không có gì trở ngại, khó chịu... là cách nói của nguoi Do Thai dùng để mô tả một đời sống được bảo đảm an toàn,  có hòa bình, luật pháp, trật tự, và chính nghĩa đang ở thế mạnh.
-    Cũng có nghĩa cho mọi người, mọi dân tộc được hòa bình tự do.
-    Kinh thánh nói về người vâng phục Thiên Chúa:” Người được phúc trong khi di ra và được phúc trong khi đi vào.”(TL 28,6)
-    Thánh vịnh đã tin quyết Thiên Chúa gìn gữi mình an toàn thoải mái lúc đi ra cũng như khi đi vào.
-    Nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi bước đường của chúng ta.
-    Khi khám phá được Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được một cảm thức về sự an toàn và bảo đảm cách tuyệt đối.
-    Nếu đời sống đã ở trong tay Thiên Chúa như thế thì mọi lo âu sợ hãi đều tan biến, kể cả cái chết, kể cả hỏa ngục.
-    Tuy nhiên đừng quên rằng, đã đến giờ mà chúng ta còn ở ngoài, cánh cửa đã khóa thì chẳng có cách nào vào được nữa; chỉ có thể trèo rào, trèo tường… nhưng đó là cách của kẻ ngoài đàn, kẻ phá hoại, trộm cướp… không được gì cả mà phải bị trừng trị nữa.

3.  Con đường đã được mở:
 -     Khi Đức Giesu đề cập đến Ngài là cửa chuồng chiên, điều đó được hiểu chỉ nhờ Ngài và chỉ qua Ngài, loài người mới có thể đến với Thiên Chúa.
 -     Nghĩa là Đức Giesu đã mở cửa, mở đường để con người đến được với Thiên Chúa nhân từ.
 -     Đừng nghĩ Thiên Chúa như một người rất xa lạ, một quan tòa nghiêm khắc hay một kẻ thù…
 -     Cần lưu ý rằng, Đức Giesu không có ý nói tới dòng tiếp nối vĩ đại của các tiên tri, các vị anh hùng đạo đức chân thành trung tín, mà Ngài muốn nói đến những kẻ phiêu lưu chính trị, bạo động vẫn thường nổi lên tại Palestine, hứa hẹn sẽ đưa dân chúng, đất nước đến thời đại hoàng kim. Tất cả những người này đều là những người gây xáo trộn, nổi loạn, dùng bạo lực để mong đọat chính quyền.
 -     Rồi nhiều người tự xưng là tiên tri, lãnh tụ này nọ do Thiên Chúa gởi tới.
 -     Những con đường họ vạch ra chỉ đưa đến chỗ xa cách Thiên Chúa mà thôi.
 -     Thời ấy và cả ngày nay, vẫn có nhiều người tin rằng đi đến thời đại hoàng kim phải bằng bạo hành, bằng đấu tranh giai cấp, bằng khủng bố, hận thù, hủy diệt…
 -     Còn thông điệp của Đức Giesu, chính là con đường của tình yêu thương, là phương pháp duy nhất dẫn đến Thiên Chúa trên thiên đàng, và thời đại hoàng kim dưới mặt đất.
 -     Lời Ngài khẳng định “đường lối Ta là đường lối hòa bình, yêu thương; là con đường dẫn đến sự sống. Nếu các ngươi chịu theo đường lối của Ta, các ngươi sẽ ngày càng được gần gũi Thiên Chúa hơn.”
 -    Và: "Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào."
 -    Ngài muốn dẫn chúng ta tới sự sống thật, nên chúng ta hãy nghe theo sự hướng dẫn của Ngài.
 -    Ðức Giêsu biết rất rõ từng người chúng ta và yêu thương chúng ta vô cùng, đừng vì lẽ gì mà hồ nghi tình thương của Ngài.
 -    Ngài cũng đã chịu bìết bao đau khổ vì chúng ta, vậy chúng ta cũng phải mạnh mẽ tin tưởng, sẵn sàng đón nhận đau khổ đến từ mọi phía.
 -    Nhưng nhiều khi chúng ta bị phân tâm bởi những thú vui trần tục và bắt đầu dần dần chấp nhận não trạng không có Thiên Chúa, cũng như nhiều dân nhiều nước đã quên Thiên Chúa, trở nên một quốc gia vô thần, phi luân lý và mất ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa Tạo hóa trong đời sống đang phát triển ở thời đại này.

Lạy Chúa, Ngài đúng là Chủ Chăn chân chính, vĩ đại, nhân từ mà Thiên Chúa sai đến, chủ của tất cả những đàn chiên trên khắp địa cầu, dù mập hay ốm, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, dù đang an bình hay còn lưu lạc…
Xin Chúa gìn giữ và ban cho Giáo Hội, hàng giáo phẩm, các linh mục… can đảm, quảng đại, nhiệt thành, đi theo ánh sáng hướng dẫn của Chúa, hầu khôn ngoan chăn dắt đàn chiên cùa Ngài còn tại thế đến bến bình an.
Cùng xin cho những người mẹ, là những mục tử của gia đỉnh nhỏ chúng con, luôn chu toàn bổn phận trách nhiệm Chúa trao để chúng con không bị đói khát, sợ hãi và xa đàn.  Vì Đức Giesu, mục tử nhân lành của chúng con. Amen.
 
  Thân mến,


   duyenky



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét