MÈO - CHUYỆN PHIẾM CỦA GÃ SIÊU
(CGVN)
Mão, miêu hay mèo đó
là một loại thú nhỏ thuộc giống ăn thịt, lông mềm, râu trắng, cứng và cử động
được, vấu bén, mình nhẹ, leo giỏi và có tài bắt chuột. Có lẽ chính nhờ tài bắt
chuột mà mèo được nhiều người, nhất là nông dân ưu ái muôi ở trong nhà. Đối với
lũ chuột thì mèo chính là đại vương sư tử. Người tàu thì bảo: Sát nhất miêu, cứu vạn thử. Nghĩa là
giết được một con mèo thì cứu được vạn con chuột. Còn
người tây thì nói: Absent le chat, les souris dansent. Đã có lần gã quan sát
khi chuột thấy mèo thì hình như tứ chi bị tê liệt, co rúm và bất nhóc nhách.
Mặc dù mèo có làm ngơ, ngoảnh mặt đi, thì chuột cũng không thể chạy thoát khỏi
móng vuốt của mèo. Hồi còn bé, gã được học về một câu chuyện ngụ ngôn mang tựa đề
là “Hội đồng chuột”. Câu chuyện ấy
đại khái như thế này:
Họ
hàng nhà chuột, sau một cuộc kiểm tra hộ khẩu, thấy dân số bị sút giảm trầm
trọng, khả dĩ đi tới chỗ tuyệt chủng. Thế là họ hàng nhà chuột bèn vội vã tổ
chức đại hội bất thường, sớm hơn định kỳ để tìm phương thế cứu vãn tình hình.
Trong cuộc đại hội này, vì sự sống còn của dòng tộc, tất cả từ chuột già đến
chuột trẻ, từ chuột đực đến chuột cái, đều tích cực và hăng hái góp ý kiến.
Những ý kiến này được ghi nhận, bàn bạc và thảo luận. Cuối cùng, ý kiến được
coi là tuyệt vời nhất và được toàn thể hội nghị vỗ tay tán đồng, đó là tìm cách
cột một chiếc chuông nhỏ vào cổ mèo. Hễ mèo đi tới đâu, chiếc chuông sẽ phát ra
những tiếng leng keng báo động để họ hàng nhà chuột có đủ thời gian di tản
chiến thuật, rút vào những nơi bảo đảm và an toàn nhất. Mọi chuột đều nhất trí
và đồng ý với kế sách này. Thế nhưng khi hỏi xem có ai sẵn sàng đăng ký thực
hiện, thì chẳng một chuột nào dám ghi tên. Và thế là từ chuột già đến chuột
trẻ, từ chuột đực đến chuột cái, tất cả đều yên lặng rút lui có trật tự. Thậm
chí cho tới ngày hôm nay, mèo vẫn còn là một tai họa to lớn cho dòng họ nhà
chuột.
Câu
chuyện này làm cho gã băn khoăn, bởi vì trong đời thường, rất nhiều kẻ và ngay
chính bản thân gã cũng giống như loài chuột bởi vì mình nói thì nhiều mà làm
chẳng được bao nhiêu. Nói thì đao to búa lớn, còn làm thì chỉ như cây tăm. Thậm
chí trăm voi chưa chắc đã được một bát nước xáo.
Tuy
nhiên, trong những năm gần đây, tại Việt Nam dòng họ nhà chuột khấp khởi mừng
thầm, bởi vì dân bợm nhậu Việt Nam và Trung Quốc rất khoái món thịt mèo, được
kê theo thực đơn nhà hàng là món “tiểu
hổ”. Những tay lái buôn lùng sục khắp
hang cùng ngõ hẻm để tìm mua mèo. Mèo mua về được bán cho các nhà hàng, khách
sạn và nhất là được xuất khẩu sang Trung quốc. Thế là dòng họ nhà chuột phát
triển theo cấp số nhân. Vì không còn mèo giám sát và canh chừng, nên dòng họ
nhà chuột tha hồ, mặc sức đục khoét mọi kho lẫm. Và chuột bỗng trở thành một
quốc nạn làm cho chính phủ phải lo lắng và ra tay can thiệp bằng cách trừng trị
đích đáng những tay lái…mèo. Không hiểu thiên hạ chế biến món thịt mèo ra sao.
Chứ người dân quê, chỉ cần một mớ rau má đem nấu hay xào với thịt mèo, thì đã
là tuyệt vời. Nhất là ruột mèo vừa trắng lại vừa dòn quả là hết ý.
Từ
cái tài bắt chuột, mà mèo bỗng được nhảy tót vào lãnh vực chính chị chính em.
Bởi vì nếu gã không lầm, thì một vị chính khách cỡ bự, thuộc hàng đầu của Trung
quốc, đó là ông Đăng tiểu Bình, đã lấy mèo làm biểu tượng cho đường lối của
mình khi tuyên bố: Mèo trắng, mèo đen không hệ gì, miễn là bắt chuột. Phải
chăng lời phán dạy này đã khai đường dẫn lối cho chính sách mở cửa, tự do kinh
doanh, ngoại quốc đầu tư… miễn sao làm cho dân được giàu và nước được mạnh?
Được
ưu ái nuôi ở trong nhà, nên mèo rất gần gũi với người bình dân, đồng thời
cũng đã đi vào nếp sống và kinh nghiệm đời thường. Thực vậy, mèo vốn là dấu chỉ
của sự xui xẻo và xúi quẩy: Mèo đến nhà
thì khó, chó đến nhà thì sang.
Bởi đó mấy anh lơ thường không cho hành khách mang mèo lên xe đò, kẻo gặp sự
chẳng lành trong suốt cuộc hành trình của mình.
Rồi
mỗi khi tự khen về những thành công và ưu điểm của mình, thì liền bị những kẻ
thối mồm kê ngay tủ đứng vào miệng: Rõ thật, mèo khen mèo dài đuôi. Câu kê tủ đứng này còn nặng hơn cả câu: Mẹ hát con khen hay. Hoặc câu: Lươn ngắn
lại chê trạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
Với tuổi đời chồng chất, chúng ta thu tích được một mớ kinh
nghiệm, thế nhưng nếu lỡ biến chúng thành những kinh nghiệm…sống sượng bởi
những ý đồ đen tối, thì chúng ta lập tức trở nên giống mèo, bởi vì: Mèo già
hóa cáo, cáo già hóa chằng tinh. Liệu chúng ta đã trở nên “cáo già” hay “chằng tinh” chưa?
Thỉnh
thoảng một đôi khi trong cuộc sống, chúng ta được vận may thăm viếng hay
thần tài gõ cửa vào giữa lúc nghiệt ngã nhất. Thiên hạ không ngại liệt chúng ta
vào hàng mèo, bởi vì lúc bấy giờ mắt chúng ta sáng rực như “mèo thấy mỡ” và thiên hạ sẽ không ngần
ngại gọi chúng ta là “mèo mù vớ cá rán”.
Và sau cùng, mèo hiền, mèo ngoan thường được yêu thương, chẳng ai nỡ đánh tập
nó, như tục ngữ đã bảo: Mèo lành ai nỡ
xách tai, gái hư chồng để khoe tài nỗi chi. Trong đời thường, hình như mối
liên hệ giữa mèo và những người bạn sống quanh nó không được tốt đẹp cho lắm.
Trước
hết là mối liên hệ với chuột. Như chúng ta đã thấy, hình như sự thù ghét chuột
đã in sâu vào bản tính của mèo. Vì thế, hễ gặp chuột là mèo liền xơi tái, chẳng
chút xót thương. Còn họ hàng nhà chuột, vốn ý thức thân phận nhược tiểu và yếu
kém của mình, nên theo sự diễn tả của người bình dân, luôn tỏ ra biết điều và
lễ độ: Bốn con chuột đưa xác con mèo, tò
te tò tò tí tí te.
Tiếp đến là mối liên
hệ với chó. Mèo ghét chuột thế nào, thì có lẽ chó cũng ghét mèo như thế. Nhà gã
nhiều chuột, định nuôi vài con mèo cho bớt sự phá phách. Thế nhưng hễ xin được
mèo con nào, nếu không canh giữ cẩn thận, thì liền bị chó cắn chết. Đang đêm mà
nghe thấy mèo tru lên hai ba tiếng, thì thế nào sáng hôm sau cũng thấy mèo con
phơi xác trên trận địa. Vì thế người Pháp đã bảo:
Vivre comme le chien et le chat. Nghĩa là yêu nhau cũng thể như chó với mèo.
Tuy nhiên một đôi lúc chúng ta cũng thấy mèo và chó sống chung hòa bình với
nhau. Có những tay săn ảnh tình cờ chộp được những bức hình mèo ngủ yên trong
vòng tay yêu thương của chó.
Xét về những đặc tính của
mèo, gã ghi nhận mấy điều sau đây. Trước hết mèo có nhân đức “sạch sẽ”, bởi vì mỗi khi phóng uế, mèo
đều vùi dấu thật kỹ, chứ không phóng uế một cách bừa bãi, thiếu văn hóa như
nhiều người. Vì sạch sẽ mà vùi dấu, thế nhưng chính vì sự vùi dấu này mà mèo
lại trở thành biểu tượng cho sự thiếu ngay thẳng, bởi vì thiên hạ thường bảo: Lấm la lấm lét như mèo dấu cứt!
Có lẽ vì phải thức đêm
bắt chuột, mà suốt ngày mèo nằm ngủ li bì. Với sự nằm ngủ li bì như thế, mèo bị
mang tiếng là lười biếng, lười đến độ chảy thây chảy xác, đồng thời tượng trưng
cho những kẻ chểnh mảng, bôi bác, qua loa, đại khái, bởi vì họ làm như mèo mửa
hay như mèo rửa mặt. Thực vậy, mèo tuy có nhân đức “sạch sẽ” nhưng lại rất sợ nước. Vì thế, để rửa mặt, mèo thường
liếm vào bàn chân rồi đưa lên và quẹt quẹt vào mặt, giống như gã hồi còn nhỏ.
Phải, hồi còn nhỏ, mỗi khi trời trở lạnh, gã rất thích nằm ngủ nướng, cuộn mình
trong chăn sướng rên mé đìu hiu. Mẹ đánh thức như gọi đò sang sông, thế mà gã
chỉ ú ớ: Từ từ cái đã. Khi mở được
cặp mi nặng trĩu, thì đã sáng bạch, thiếu điều ông mặt trời chiếu xỏ vào lỗ
mũi. Và thế là phải ù té gấp gáp làm một số những công việc cần thiết, như: đi
đái lấy nước súc miệng đánh răng! Thấy vậy, bao giờ mẹ gã cũng mỉm cười và bảo:
Con làm cứ như mèo rửa mặt vậy.
Một đặc tính khác của mèo
là thích được vuốt ve, mơn trớn và chiều chuộng. Gã nuôi một con mèo, ban sáng
ngủ dậy, vừa ngồi vào ghế, thể nào nó cũng đến và cạ vào chân gã. Cạ một
vài lần mà không thấy gã nhúc nhích hay động tĩnh gì, thì thế nào nó cũng cắn
nhẹ vào chân gã, khiến gã đau điếng. Vì thế, nhiều hôm vừa mới bắn xong điếu
thuốc lào, mà theo dân ghiền thì điếu quan trọng nhất trong ngày, chính là điếu
đầu tiên ban sáng, chắc chắn thế nào cũng…phê. Đang thả hồn theo khói thuốc,
cũng phải cố gắng đá nhẹ cho nó một phát thì nó mới chịu để cho gã được yên.
Ngoài ra mèo còn mắc phải
một thói xấu khác là thích ăn vụng. Gã nhớ hồi còn bé, mỗi lần bố gã dọn tiệc
hay chị gã dọn cơm, thế nào gã cũng được phân công canh chừng, để đuổi ruồi và
trông mèo. Có lẽ vì thích ăn vụng và thích được vuốt ve mà mèo được dùng để
chỉ…bồ nhí. Tiếng Việt Nam thật là phong phú. Có người yêu thì hoàn toàn khác
với có bồ nhí hay có…mèo. Bởi vì có người yêu thường phải công khai và hợp
pháp. Trong khi đó có bồ nhí hay có mèo bao giờ cũng phi pháp và thầm lén vụng
trộm. Gã thành thật “khẩu phục tâm phục”
những đấng đờn ông, vợ con đề huề, thế mà còn can đảm đèo bồng thêm tí bồ nhí.
Vừa hao tiền tốn bạc, vừa mất thời giờ và chỉ tội đau lưng. Còn địa vị và sự
nghiệp thì dễ dàng đi đoong, một sớm một chiều thân bại danh liệt chóng như trở
bàn tay. Chiều được một cô bồ nhí quả là một nghệ thuật. Bởi vì cũng giống như
mèo, cô bồ nhí nào mà chẳng thích được vuốt ve, cưng chiều. Cô bồ nhí nào mà
chẳng hay hờn, hay dỗi, hay nhõng nhẽo và hay đỏng đảnh. Biết vậy thế mà khối
anh đờn ông vẫn cứ nhào vô như con thiêu thân lao đầu vào lửa.
Ngoài ra, thiên hạ còn
thích dùng hình ảnh mèo để so sánh với con gái, bởi vì giữa mèo và con gái có
nhiều điểm giống nhau.
Điểm thứ nhất giống nhau
đó là cái khoản ăn. Mèo ăn ít mà con gái cũng ăn ít, vì vậy người đời mới bảo: Nam thực như hổ, nữ thực như miu. Nghĩa là đờn ông con giai thì
ăn nhiều như hổ, còn đờn bà con gái thì ăn ít như mèo. Ấy là thiên hạ tự giới
hạn vào việc ăn chính thức trong bữa cơm, chứ còn ăn lai rai trong ngày hay ăn
hàng với đủ thứ quà vặt thì khác. Đem cộng và cân tất cả mọi thứ quà vặt này
vào thì chưa chắc mèo nào thắng mèo nào, vì đờn bà con gái vốn là chúa ăn vặt
cơ mà: Đi chợ mất tám tiền quà, chồng
thương chồng bảo về nhà đỡ cơm!
Điểm thứ hai giống nhau,
đó là chuyện không và có. Con mèo ngoáy đuôi bên trái thì sẽ nhảy qua bên phải,
cũng vậy con gái bảo có thì chắc chắn là không, bảo không thì chắc chắn lại là
có, như một bài hát của Ngọc Lễ: Con gái nói một là hai, nói hai là một, con
gái nói ghét là thương, nói thương là ghét. Vì thế, đừng nghe những gì
con gái nói!
Điểm thứ ba giống nhau.
Đó là về thái độ hiền và dữ. Thực vậy, mèo thật hiền lành khi nó nằm dài
ngủ yên, khi nó cạ nhẹ vào chân mình. Thế nhưng mèo cũng thật dữ dằn khi nó nhe
răng gầm gừ và giơ móng nhọn chiến đấu với chó, hay vồ chuột nhanh như chớp. Con
gái cũng vậy, bình thường thì nhỏ nhẹ dễ thương và dễ mến, nhất là khi cô nường
nhõng nhẽo hay mần duyên. Thế nhưng một khi đã nổi cơn tam bành vì bị chạm tự
ái hay bị phỗng tay trên mất mối lợi, thì phải biết. Đang là một cô em bắc kỳ
nho nhỏ bỗng hóa kiếp thành một bà chằng lửa, chửi đến nơi đến chốn, chửi có
bài có bổn, chửi có cung có điệu, tay chân thì múa may quay cuồng thiếu điều
lăn xả vào người ta như muốn ăn tươi nuốt sống vậy.
Tuy nhiên, có một điều
hoàn toàn khác biệt giữa mèo và con gái, đó là mèo thì luôn có râu, bất kể là
mèo đực hay mèo cái. Còn đờn bà con gái thì lại chẳng có râu. Họa lắm mới có.
Và nếu có, thì quả là hết nước nói.
Tác giả: Chuyện phiếm của
gã siêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét