Wed, 25/01/2023 - Lm
Anmai, CSsR
CÔNG CHA – NGHĨA MẸ
Mùng 2 Tết! Nói gì? Viết gì? Nói và
viết gì đây khi nhìn đến công ơn sinh thành và dưỡng dục của Cha – Mẹ.
Khó giảng, khó nói và khó viết lắm.
Đơn giản là khoảng cách giữa lời nói và hành động là khoảng cách quá xa. Điều
đó ngày hôm nay ta cũng nghe Chúa nói : “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói
tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi
miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng
dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”.
Thật thế! Thiên Chúa là cội nguồn của
con người nhưng rồi để Chúa phải nói: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng
lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những
giáo lý và những luật lệ loài người”.
Thật đau lòng! Với Thiên Chúa con
người cũng giả dối và hậu quả giữa con người với nhau họ cũng giả dối vậy.
Thiên Chúa mà họ còn giả dối được thì huống hồ chi là con người.
Bầu khí 3 ngày Tết cổ truyền, Tết
Nguyên Đán thật ý nghĩa, nhất là về mặt thiêng liêng.
3 ngày đầu, Giáo Hội mời con người
hướng đến 3 chiều kích của con người đó là Thiên – Nhân và Địa.
Ngày đầu năm, con người hướng về
Thiên Chúa để xin ở bình an.
Ngày thứ hai, hôm nay, Giáo Hội mời con người
hướng về chiều kích nhân. Nhân ! Con người phàm là người sinh ra chắc chắn có
cha có mẹ và có cội nguồn. Chỉ những ai tin cũng như xem tổ của con người là khỉ
thì không phải bàn đến. Thế nhưng làm người và nhất là với người tin thì luôn
luôn tin và xác tín rằng mình có Cha và có Mẹ.
Có lẽ do ồn ào quá, do náo nhiệt
quá, do vịn vào chuyện cơm áo gạo tiền quá để rồi người ta đánh mất đi chiều
kích gọi là đối nhân. Giữa con người với nhau đối xử với nhau cũng rất tệ chứ đừng
nói gì đến cha mẹ.
Chúa cũng đã nói rất rõ : Còn các
ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp
cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)”, rồi
các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời
Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau”.
Chả phải ngày xưa người ta hành xử
cũng như đối xử với nhau như thế nhưng ngày hôm nay cũng vậy. Giới trẻ, đa phần
vì không dám nói là tất cả, đều hướng ngoại và dường như quên đi chiều kích
nhân bản, quên đi chuyện hướng về với Cha và với Mẹ. Có lẽ họ thành tài, họ học
giỏi hơn Cha Mẹ và họ kiếm tiền nhiều hơn Cha Mẹ để rồi họ coi khinh Cha Mẹ.
Không ít phụ huynh than phiền với
tôi điều đó. Nhà mỗi người mỗi cảnh, cây mỗi quả e cũng là chuyện tất nhiên.
Tôi không xét đoán cũng như không lên án ai cả. Chỉ tiếc rằng những người không
hiếu kính với Cha Mẹ là quá tệ. Họ không nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của
Cha Mẹ mình nữa.
Sáng hôm nay, trong bài
giảng, tôi kể cho cộng đoàn nghe câu chuyện như thế này:
Hai cha con ngồi đọc báo
trong vườn, người cha ngoài 70 tuổi, trông có vẻ hơi chậm chạp, mắt ông nhìn
quanh khu vườn trong khi con trai ông ngoài 30 tuổi đang chăm chú đọc báo… Bỗng
có một con chim sẻ đậu trên cành cây gần nơi 2 người ngồi.
Người cha cất tiếng hỏi
con: Con gì vậy con?
Người con liếc mắt trả lời:
Con chim sẻ ba ạ. Xong lại đọc tiếp tờ báo.
Con chim sẻ tiếp tục chuyền
cành. Người cha lại hỏi: Con gì thế con?
Người con liếc mắt trả lời:
Vẫn là con chim sẻ ba ạ….
Con chim bay lên tán cây,
lần này ông bố lại hỏi: Con gì thế con?
Lần này, người con bực
mình, đứng bật dậy và gào vào mặt người cha: Con chim sẻ, chim sẻ, chim sẻ… ba
có nghe không???
Người cha lẳng lặng đứng
lên và đi vào trong nhà…
… mang ra một cuốn nhật
ký nhỏ, nhẹ nhàng lật từng trang và đưa cho người con đọc: ”Ngày… tháng … hai
cha con đi chơi trong công viên, lúc ấy con 4 tuổi, lần đầu tiên con nhìn thấy
con chim sẻ và con đã hỏi: “Ba ơi, con gì thế?”, ba đã trả lời cho con rằng:
“Đó là một con chim sẻ, con yêu ạ”.
… Hôm ấy, vì không nhớ
tên con chim mà con đã hỏi ba tổng cộng 21 lần, 21 lần ba đều nhẹ nhàng trả lời
câu hỏi của con… Mỗi lần trả lời, ba lại ôm đứa con ngây thơ, bé bỏng vào lòng
và cười hạnh phúc…
… Đọc xong người con òa
khóc và ôm lấy ba: Ba ơi, con xin lỗi… con xin lỗi…
Và rồi, giảng lễ ở nghĩa trang làng
khác tôi kể câu chuyện : Cái Chén Gáo Dừa
Ngày xưa, ở một vùng nọ,
có vợ chồng kia hiền lành và chăm chỉ, thường đem của cải bố thí cho người
nghèo. Họ có một đứa con trai tên là Phúc. Thằng Phúc rất khôn ngoan, mới lên
ba mà đã ăn nói như người lớn vậy. Hai vợ chồng cảm thấy vô cùng sung sướng và
hạnh phúc.
Ngờ đâu, cảnh đầm ấm này
chẳng được dài lâu. Vài năm sau, người vợ lâm bạo bệnh rồi qua đời. Người chồng
khóc thương vợ nhiều nên mắt sưng lên, vài tháng sau thì mờ dần, không nhìn rõ.
Năm đó lại xảy ra nạn đói
vì hạn hán, mất mùa. Một đêm nọ, bọn gia nhân của ông ngày trước đột nhập vào
nhà bắt trói cha con ông lại. Vì sợ lộ tung tích, bọn cướp phang ông một gậy rồi
vơ vét hết tài sản của ông.
Để nuôi con thoát qua khỏi
mùa đói khắc nghiệt năm ấy, ông lùng sục khắp nơi để lặt từng mớ rau; đào từng
củ khoai, củ chuối; rồi mò cua bắt ốc.
Ông không ngại cực khổ,
làm thuê làm mướn bất cứ việc gì để gầy dựng cơ nghiệp và lo cho con ăn học.
Năm tháng qua đi, Phúc mỗi
ngày một khôn lớn và người cha mỗi ngày một già đi.
Ngày con trai lên kinh ứng
thí là ngày người cha mừng đến rơi nước mắt, vì ước vọng của ông bao lâu nay đã
thành hiện thực. Quả nhiên, Phúc đỗ á khoa kỳ thi năm ấy và được cử làm quan
tri huyện trong vùng.
Hai năm sau, quan tri huyện
Phúc lấy vợ và cũng có một người con trai kháu khỉnh, sáng dạ như thằng Phúc
khi xưa. Người cha lấy làm mãn nguyện vì quan tri huyện lo lắng chăm sóc cho
ông rất chu toàn.
Ngày đứa cháu nội lên bốn
thì sức ông đã yếu lắm, tay chân run lẩy bẩy. Mỗi lần ăn uống, ông thường lỡ
tay làm rơi chén đũa của mình.
Người con dâu tiếc của,
bèn bảo chồng:
─ Hay là ta kiếm cái gáo
dừa làm chén cho cha ăn. Nếu lỡ rơi xuống đất thì cũng không bể.
Sau một hồi phân vân, người
chồng lấy cái gáo dừa đẽo gọt miệng cho phẳng để làm chiếc chén
Cầm chiếc gáo dừa trong
tay, ông cảm thấy tủi hổ, xót xa, nhưng không dám nói ra.
Một hôm, vợ chồng quan
tri huyện thấy con trai mình đang cầm dao đẽo gọt hai cái gáo dừa khô. Họ hỏi đứa
bé thì nó hồn nhiên thưa:
─ Dạ, con đang làm hai
cái chén. Sau này khi cha mẹ già yếu, dọn cơm cho cha mẹ ăn, lỡ có đánh rơi
cũng không bị bể.
Hai vợ chồng điếng người
nhìn nhau rồi bật khóc. Họ hối hận vì đã đối xử tệ bạc với người cha già đáng
kính. Họ chạy vào phòng, quỳ sụp dưới chân người cha, vừa khóc vừa xin lỗi:
─ Chúng con đã ngu dại
khi đối xử với cha như vậy. Dù muôn nghìn chén vàng, chén bạc cũng không sánh nổi
lòng cha đối với chúng con. Xin cha tha cho tội bất kính này.
Từ đó vợ chồng người con
đối xử với cha rất là hiếu thảo cho tới ngày ông qua đời.
Qua hai mẫu chuyện, tôi gợi
đến giáo dân và giáo dân nghe và ai ai cũng hiểu mình sẽ phải sống như thế nào
trước công Cha và nghĩa Mẹ. Phần tôi, mãi mãi không bao giờ quên được ân tình
đó. Ngày mỗi ngày luôn cầu nguyện cũng như xin Cha Mẹ tiếp tục phù hộ cho tôi
trên mọi nẻo đường đời.
Mùng 2 Tết Quý Mão
Lm. Anmai, CS