Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

KẺ XÂM LƯỢC THÂN YÊU

 

KẺ  XÂM  LƯỢC  THÂN  YÊU

Thứ năm - 15/09/2022-tinvui

    

KẺ XÂM LƯỢC THÂN YÊU

Trong chuyến trở về từ cuộc thám hiểm trái đất, hai cư dân sao Hỏa tặng cho thủ lãnh của họ một chiếc ti-vi. Họ giải thích: “Chúng tôi không bắt được một ai trên trái đất, nhưng chúng tôi tóm được một trong những vị thần của họ”.

Truyền hình và gia đình

Chuyển ngữ: Ngọc Yến, FMA

Bruno Ferreo

GENITORI FELICI CON IL SISTEMA DI DON BOSCO



Trong chuyến trở về từ cuộc thám hiểm trái đất, hai cư dân sao Hỏa tặng cho thủ lãnh của họ một chiếc ti-vi. Họ giải thích: “Chúng tôi không bắt được một ai trên trái đất, nhưng chúng tôi tóm được một trong những vị thần của họ”.

Khi nói đến truyền hình trong gia đình, người ta hít thở bầu khí của cuộc nội chiến. Bóng ma tội phạm lờ mờ hiện ra nơi những người xem truyền hình và nơi các phụ huynh. Các đứa trẻ thì tôn thờ nó. Ông bà, cha mẹ ngày càng dán mắt vào máy truyền hình. Các chuyên viên cảnh báo về hậu quả khốc liệt của ngày tận thế. Chiếc máy truyền hình được dung nạp vào với mọi loại tội phạm, mọi hành động côn đồ đủ loại có thể. Chương trình truyền hình có thể được so sánh với một thứ lương thực, và nó trở thành đối tượng để làm việc hãm mình trong mùa Chay.

Có ai đó dự kiến về một “ngày hội truyền hình” dành riêng cho các bậc phụ huynh. Mọi người thảo luận, phát biểu những lời gây khiếp sợ, bực bội. Nhưng rồi, vào chiều tối, người ta lại đắm mình trong chiếc ghế bành và xem ti-vi. Tóm lại, khi đối diện với một trong những đề tài này, người ta cần phải có sự bình thản cao độ, vì một nhà hiền triết có nói: “Đứng trước điều không thể tránh thì tốt nhất là hãy thư giãn”.

Chúng tôi đề ra mười nhận xét đơn sơ để có thể suy nghĩ một cách quân bình về đề tài này.

Truyền hình tạo nên những vấn đề không phải do nội dung nó trình bày, nhưng bởi những gì nó khiến người ta không làm. Đời sống gia đình sẽ ra thế nào nếu không có truyền hình? Một cách chân thật, số liệu thống kê tại Ý cho thấy phần đa các gia đình quy tụ lại chỉ để “xem ti-vi”. Chính ti-vi phá hủy thời gian thân thương của gia đình, điều kiện hóa lối suy tư, cách dùng thời gian và nhất là phong cách sống của gia đình. Trong khi làm gia tăng vai trò của truyền hình thì người ta đã vô tình làm giảm bớt vai trò của gia đình. Thời trước, trong quá khứ, cha mẹ và ông bà chuyển trao cho người trẻ những giá trị về xã hội và gia đình còn ngày nay, chiếc ti-vi giữ vai trò chuyển trao cho cha mẹ và ông bà một nền văn hóa truyền hình. Từ đó tạo nên một thứ “đảo ngược” trong việc chuyển giao văn hóa giữa các thế hệ.

Đừng bao giờ cho rằng truyền hình là nguyên nhân trực tiếp, nhưng nó chỉ như một hệ quả làm gia tăng tính nghiêm trọng mà thôi. Điều này đơn giản có nghĩa là không nên nại đến việc xem ti-vi để bào chữa. Người ta không thể nói: “Truyền hình làm cho chúng ta không còn thời gian nói chuyện với nhau nữa!”. Nếu đó là sự thật thì chỉ cần tắt ti-vi, và như một phép màu, cuộc đối thoại trong gia đình lại được bắt đầu. Tuy nhiên, tất cả những ai đã thử làm điều này đều xác nhận rằng chẳng có gì xảy ra cả. Chẳng hạn như bé Mafalda phát biểu: “Tối qua, ti-vi nhà con bị hư. Ôi, thật là một buổi tối khiến con sửng sốt: Con không thể tin là cha mẹ con lại tẻ nhạt và đáng chán đến thế!”.

Ngược lại, xét như một hệ quả, người ta phải thốt lên: “Chúng tôi chẳng có gì để mà nói với nhau, vậy thì chúng tôi xem ti-vi”. Rồi người ta bước vào trò chơi tiếp sức khi nói: “…Chúng tôi xem ti-vi nhiều hơn để đỡ phải nói chuyện với nhau”. Như thế, tình trạng gia đình trở nên nguy kịch hơn, nhưng chắc chắn cái tội ban đầu không khởi đi từ cái ti-vi đáng thương kia.

Cần dạy con “dõi theo một chương trình” chứ không “xem ti-vi”. Nhiều người ngấu nghiến xem ti-vi theo kiểu cuồng ăn vô độ, chỉ vì họ chẳng có gì khác để mà làm. Họ nhìn mà không thấy. Họ chuyển hết kênh này sang kênh khác, nhìn xem những mảnh rời rạc của các chương trình như để tiêu phí thời gian, mà như thế thì thật là ngốc nghếch. Một chương trình được chọn lựa và chăm chú theo dõi có thể mang tính giáo dục, giải trí, thông tin. Việc sử dụng một băng hình video, một cuốn phim hay, cho phép nhà giáo dục kiến tạo nơi trẻ mối quan tâm đích thực đối với một nội dung đặc biệt nào đó.

Thanh thiếu niên cần một cái la bàn. Trẻ em không chỉ xem các chương trình dành cho các em, nhưng chúng cũng rất thích xem các chương trình dành cho người lớn. Do vậy, chúng xem mọi thứ, một cách lộn xộn, bát nháo, không để ý đến mức độ trưởng thành khác nhau, hoặc sự chọn lựa các giá trị của gia đình. Ngày nay, các trẻ sớm học biết rằng có những người chồng lừa dối vợ, rằng các thanh niên ăn cắp trong siêu thị, rằng thú vật (và cả giới mày râu) cắn xé lẫn nhau, rằng có thể kiếm được rất nhiều tiền qua việc cướp ngân hàng hoặc qua trò lừa đảo hơn là làm việc chân chính, …

Một đứa trẻ tiếp xúc với ti-vi trong thời gian quá dài sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng “rối loạn”, em cần phải có ai đó chỉ dạy cho biết “đoán xét” về các giá trị, và phân biệt được cái gì là tốt cái gì là xấu, cái gì là bình thường và cái gì là bất thường, cái gì là đẹp và cái gì là xấu xí.

Cần học biết cách để vô hiệu hóa quảng cáo. Ngôn ngữ quảng cáo tận dụng cách tuyệt vời mọi khả năng truyền thông của phương tiện truyền hình. Đó là thứ ngôn ngữ không đi qua để mà lý luận hay suy tư, nhưng chỉ nhắm đến điều duy nhất là “quyến rũ” ngang qua cảm xúc mạnh của hình ảnh và âm thanh. “Quảng cáo là chương trình dài nhất của ti-vi”. Chương trình quảng cáo mà trực tiếp nhắm vào trẻ em thì thật là quá đáng, vì chúng là những người tiêu dùng không được bảo vệ. Cha mẹ cần dạy cho trẻ em và thanh thiếu niên “giữ khoảng cách” với các sứ điệp quảng cáo.

Điều cốt yếu là phục hồi các phương tiện truyền thông khác. Bỏ qua các phương tiện truyền thông có lẽ là quên sót tồi tệ nhất trong giáo dục. Đứa trẻ cần phải học nói “trong khi nói”. Em sẽ chẳng học được kỹ năng này nếu trải qua quá nhiều giờ trong yên lặng, trong bóng tối, trong lắng nghe hay nhìn một “cái máy”. Thanh thiếu niên cần phải học cách đọc và học biết tưởng tượng, để thưởng thức và yêu mến một bức tranh hay một buổi hòa nhạc.

Cần phải tiếp xúc với thực tế. Những kinh nghiệm mà đứa trẻ sống trước màn hình là “hàng cũ đã qua sử dụng”, một loại “kinh nghiệm thứ cấp”. Kinh nghiệm này cũng có thể gây ra tác động nặng nề, bởi nếu người ta đã quá quen với thực tế ảo rồi thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để học biết kinh nghiệm từ thực tế sống động. Trẻ có nguy cơ sống trong một hình thức nhầm lẫn tai hại, vượt qua ranh giới giữa thực và giả, trong đó, thậm chí mọi thứ chỉ là sự giả dối.

Trẻ em phải được đụng chạm đến và được xem tận mắt một buổi hoàng hôn, một cây anh đào đang trổ hoa, một con bò thật sự. Trẻ em cũng phải thấy cha và mẹ chúng đang làm việc.

Dạy trẻ biết thưởng thức mùi vị của công việc, chứ không chỉ đứng nhìn. Việc mở rộng trí não của trẻ được phát triển ngang qua những giác quan. Như thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể làm sao, thì sự động chạm, các cảm giác, sự hoạt động, các hình ảnh, âm thanh, mùi vị, hương vị, cũng là “thức ăn” cơ bản cho sự chú ý, trí nhớ, suy nghĩ, cảm nhận của một đứa trẻ, và chúng cũng là chất liệu để hình thành căn tính của trẻ như vậy. Để tăng trưởng, phát triển, đạt đến sự tự tin, trẻ em cần phải đụng chạm, chơi đùa, làm việc, trải nghiệm về cái đẹp, tính đa dạng và phức tạp của thế giới. Trẻ em phải gia tăng niềm hứng thú trong các hoạt động, trong việc sáng tạo, chứ không chỉ quen với vai trò thụ động làm “khán giả chuyên nghiệp” trước cái ti-vi.

Kiến tạo những cái đầu biết tư duy. Truyền hình sẽ không bao giờ thay thế được nhà trường, nhưng nhà trường cũng không thể tiếp tục dạy dỗ như thể không có ti-vi. Truyền hình thật sự thúc ép nhà giáo dục thay đổi vai trò của mình. Nhà giáo dục thời hậu truyền hình không còn là người quản trị về tri thức (cứ xem sự phong phú về kiến thức mà phương tiện truyền thông đem lại), nhưng họ là những người giúp các thanh thiếu niên hấp thụ các kiến thức này và tổng hợp chúng một cách mạch lạc. Các phương tiện truyền thông cung cấp vô số những vật liệu lắp ghép nhiều màu sắc, các nhà giáo dục phải cung cấp “bản vẽ” trong đó các vật liệu được xếp vào sao cho có ý nghĩa. Dạy suy tư là một trong những mục tiêu cơ bản của việc giáo dục gia đình.

Quyền bật tắt ti-vi nằm trong tay các bạn. Thông thường, đó là quyền ảnh hưởng duy nhất mà các bạn có trên chiếc ti-vi của mình.

Trên hết, các bạn hãy luôn nhớ lời khẳng định của ngạn ngữ Trung Hoa: “Không phải rượu làm cho người ta say. Nhưng người ta say vì quá chén”.

Cha mẹ hãy thử trả lời câu hỏi: “Tối nay nhà mình sẽ làm gì nếu cái ti-vi bị hỏng?”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét