Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Mẹo không tăng huyết áp mùa lạnh

 

Chủ nhật, 8/1/2023-VnExpress.net

Mẹo  không  tăng  huyết  áp  mùa  lạnh

Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp khiến huyết áp tăng cao dẫn đến các bệnh tim mạch, nên dự phòng bằng cách bớt ăn mặn, tập thể dục, hạn chế rượu bia, ngủ ngon.

Tăng huyết áp là khi đo huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Do huyết áp mùa lạnh thường tăng cao hơn mùa hè, việc kiểm soát huyết áp là rất quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi và nhóm nguy cơ tai biến.

Thay đổi lối sống của người bệnh có thể giúp kiểm soát và quản lý huyết áp cao.

Giảm thừa cân

Huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng lên. Thừa cân có thể gây gián đoạn hô hấp khi người bệnh ngủ (ngưng thở khi ngủ), làm tăng huyết áp hơn nữa. Giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Người bệnh thừa cân hoặc béo phì, giảm dù chỉ một lượng nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm huyết áp.

Tập thể dục thường xuyên

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 8 mmHg. Điều quan trọng là phải tiếp tục tập thể dục để giữ cho huyết áp không tăng trở lại. Mục tiêu chung là dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày.

Tập thể dục cũng có thể giúp giữ huyết áp không chuyển thành huyết áp cao (tăng huyết áp). Đối với những người bị tăng huyết áp, hoạt động thể chất thường xuyên có thể đưa huyết áp xuống mức an toàn hơn

Ăn uống lành mạnh

Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa ít béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao.

Giảm muối (natri) trong chế độ ăn uống

Giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 6 mm Hg. Ảnh hưởng của lượng natri lên huyết áp khác nhau giữa các nhóm người. Nói chung, giới hạn natri ở mức 2.300 miligam (mg) mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, lượng natri thấp hơn 1.500 mg mỗi ngày hoặc ít hơn là lý tưởng cho hầu hết người lớn.

Để giảm natri trong chế độ ăn uống cần, đọc nhãn thực phẩm, tìm kiếm các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng natri thấp, ăn ít thực phẩm chế biến sẵn.

Hạn chế rượu bia

CÁc bác sĩ khuyến cáo nam uống ít hơn 3 cốc/ngày, nữ ít hơn 2 cốc/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc/tuần (nam), ít hơn 9 cốc/tuần (nữ). Một cốc chuẩn chứa 10 g ethanol tương đương với 330 ml bia hoặc 120 ml rượu vang, hoặc 30 ml rượu mạnh.

Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Vì vậy, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả. Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng huyết áp. Ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, kéo dài tuổi thọ.

Ngủ ngon

Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm trong vài tuần, có thể góp phần làm tăng huyết áp. Một số vấn đề có thể làm gián đoạn giấc ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ, chứng khó ngủ nói chung (mất ngủ).

Giảm căng thẳng

Căng thẳng cảm xúc lâu dài (mãn tính) có thể góp phần làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, không thể xác định được nguyên nhân gây ra căng thẳng, chẳng hạn như công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật và tìm cách giảm căng thẳng.

Điều dưỡng Hoàng Thị Bích

Khoa khám bệnh Cán bộ cao cấp, Bệnh viện 108

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét