Wed, 11/01/2023 - Huệ Minh
Làm việc và cầu nguyện
Trang Tin Mừng hôm nay có một phần
thuộc về một toàn bộ gọi là “ngày ở Caphácnaum”. Nhưng “một ngày ở Caphácnaum” lại thuộc về
toàn bộ rộng lớn hơn (1,14-39), trong đó Chúa Giêsu tỏ mình ra tại miền Galilê,
đến bờ Biển Hồ, vào thành Caphácnaum, đi đến hội đường, ra khỏi đó, đến chiều
thì ra cổng thành, sáng hôm sau thì rời thành để rảo khắp miền Galilê, và cứ thế,
“rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ” (1,39). Nói cách khác, Người làm khắp
nơi những gì Người đã làm tại hội đường Caphácnaum: giảng dạy và trừ quỷ.
Cũng như ở Caphácnaum, Chúa Giêsu đã
tiếp nối lời giảng dạy uy quyền bằng việc trừ quỷ, Người tiếp tục nối tiếp lời
loan báo bằng việc dùng uy quyền trục xuất các sức mạnh đang đối kháng lại
Thiên Chúa và hành hạ loài người. Lời nói của Người được chứng thực bằng việc
làm của Người.
Tại nhà Simôn, Đức Giêsu đã chữa mẹ vợ
ông khỏi sốt cao. Như thế, Người cho thấy Người làm Chúa tể trên một thứ tai họa
khác của loài người, đó là bệnh tật. Nhưng trong nhãn quan của Tin mừng Maccô,
bệnh tật cũng là do ma quỷ, nên chữa lành bệnh tật cũng là chiến thắng trên ma
quỷ. Ở đây, chúng ta ghi nhận là lần đầu tiên Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật là
cho một phụ nữ, trong khung cảnh đơn sơ và thân tình của một ngôi nhà và của mộtgia
đình. Bằng chứng cho thấy bà này đã thực sự được lành bệnh là bà đã ân cần chu
đáo phục vụ các khách quý. Cũng như Đức
Kitô đã đỡ bà mẹ vợ Simôn trỗi dậy khi mà bà đang bị cơn sốt bắt nằm bất động
như một người đã chết, Người cũng nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống lại, để
chúng ta có thể phục vụ Người (x. thêm 9,27).
Hành vi đó của Chúa Giêsu trong ngày đầu
tiên hoạt động công khai đưa tới hậu quả là dân chúng hiểu là khi ở trong tình
trạng quẫn bách, họ có thể trông mong được ai giúp đỡ. Khi chiều đến, họ đưa tất
cả mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám đến với Người. Chúa Giêsu như bị cả một
đại dương đau thương và bần khốn vây quanh và tấn công; toàn thể niềm hy vọng
được đặt để nơi Người. Người có thể đương đầu với tình trạng quẫn bách này. Người
có khả năng giúp đỡ và trong thực tế Người đã giúp đỡ.
Vì Chúa Giêsu đã đánh thức và củng cố
lòng tin tưởng của dân chúng, không lạ gì khi chúng ta thấy họ muốn giữ Người lại
và như thế chắc chắn là luôn luôn có sự trợ giúp của Người. Nhưng Chúa Giêsu
tránh khỏi tay họ: từ sáng sớm, Người đã vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Và
Người không để cho người ta cầm giữ lại. Người biết rằng nhiệm vụ của Người
không phải là trợ giúp thường xuyên dân Caphácnaum, nhưng là loan báo trong
toàn miền Galilê rằng Triều Đại Thiên Chúa đã gần kề.
Gương Chúa Giêsu đi cầu nguyện khiến
chúng ta phải xem lại cách chúng ta đánh giá ý nghĩa của việc cầu nguyện cũng
như những tiêu chuẩn giúp chúng ta sử dụng thì giờ. Nếu chúng ta không thể hoặc
không muốn dùng thì giờ mà làm cho mình được tự do để sống cho Thiên Chúa, các
động lực đang nâng đỡ hoạt động của chúng ta rất có thể cần được xét lại. “Nếu
Đấng không có tội mà còn cầu nguyện như thế, những lẻ tội lỗi còn phải cầu nguyện
đến thế nào. Nếu Người đã thức qua đêm mà cầu nguyện liên lỉ, chúng ta phải cầu
nguyện liên lỉ và cũng phải canh thức đến độ nào” (Thánh Xýprianô).
Cũng nên coi lại giá trị chúng ta gán
cho sự thinh lặng, sự yên tĩnh, sự cô tịch. “Chính Đức Giêsu, với sức mạnh
không cần được nâng đỡ trong một cuộc tĩnh tâm, cũng không bị ngáng trở bởi xã
hội loài người, đã quan tâm để lại cho chúng ta một gương sáng. Trước khi thực
hiện sứ vụ rao giảng và làm phép lạ, Người đã vào nơi cô tịch chịu thử thách
cám dỗ và nhịn đói (Mt 4, 1t). Kinh Thánh kể lại cho chúng ta rằng, Người đã bỏ
lại đó đám đông môn đệ, mà leo lên núi để cầu nguyện (Mc 6, 46). Rồi khi giờ
Thương Khó đã đến gần, Người bỏ các môn đệ, và ra đi cầu nguyện một mình (Mt
26, 36): gương sáng này giúp chúng ta hiểu sự cô tịch có lợi cho việc cầu nguyện
đến thế nào, bởi vì Người không muốn cầu nguyện bên cạnh các bạn đường, ngay cả
các tông đồ.
Không được bỏ qua một mầu nhiệm liên
hệ đến tất cả chúng ta như thế. Là Đức Chúa, là Đấng Cứu Độ loài người, Người
đã cung cấp nơi bản thân một gương sáng sống động. Một mình nơi hoang địa, Người
chỉ lo cầu nguyện và tập tành đời sống nội tâm – ăn chay, canh thức và những
hoa trái khác của việc sám hối – nhờ đó thắng vượt các cám dỗ của Đối Thủ bằng
vũ khí của Thánh Thần.
Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời
giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện
trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có
đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ
Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt
đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với
cha mình".
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng
ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho
chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng
ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét