Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Bí quyết nào giúp một người sống đến trăm tuổi

 

Thứ bảy, 28/1/2023, VnExpress.net

Bí  quyết  nào  giúp  một  người  sống  đến  trăm  tuổi

Di truyền, hoạt động thể chất, lối sống lành mạnh và cộng đồng vui vẻ có thể ảnh hưởng đến cơ hội sống đến trăm tuổi của một người.

Sơ André, một nữ tu Công giáo người Pháp, người sống thọ nhất thế giới hiện nay, vừa qua đời ở tuổi 118. Hiện tại, hai người già nhất còn sống là María Branyas Morera, một phụ nữ Tây Ban Nha, 115 tuổi và cụ bà Fusa Tatsumi, sống ở Osaka, Nhật Bản, cũng 115 tuổi nhưng trẻ hơn Morera 52 ngày, theo dữ liệu của Nhóm Nghiên cứu lão khoa (GRG).

Theo một ước tính của Liên Hợp Quốc vào năm 2022, có 593.000 người trăm tuổi trở lên trên khắp thế giới và nhóm này đang phát triển nhanh. Liên Hợp Quốc dự báo đến năm 2050, có 3,7 triệu người sống trăm tuổi trên thế giới.

Dưới đây là những yếu tố quyết định tuổi thọ trăm tuổi:

"Trúng xổ số" di truyền

Các chuyên gia nghiên cứu về tuổi thọ cho biết lý do giúp một người có thể sống 100 tuổi bắt đầu từ DNA của họ, tức những gene tốt được thừa hưởng từ cha mẹ.

S. Jay Olshansky, giáo sư sức khỏe cộng đồng của Đại học Illinois ở Chicago, nói: "Bạn không thể sống lâu 100 tuổi nếu không 'trúng xổ số' di truyền khi mới sinh. Vì vậy, yếu tố quan trọng bậc nhất để giúp bạn sống trên 100 tuổi sẽ là di truyền học".

Theo chuyên gia, nếu cha mẹ bạn sống càng lâu, bạn càng có nhiều khả năng sống khỏe mạnh và trường thọ hơn. Luigi Ferrucci, Giám đốc khoa học tại Viện Lão hóa quốc gia, ở Maryland, cho biết con cái của những người sống trăm tuổi thường sống khỏe mạnh và lâu hơn so với những người cùng thế hệ họ.

Nir Barzilai, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở Bronx, đã nghiên cứu cuộc sống của hàng trăm người sống thọ cùng vợ chồng và con cái của họ. Nghiên cứu chỉ ra rằng con cái của những người sống trăm tuổi có thể chất "khỏe mạnh hơn khoảng 10 năm" so với những người cùng tuổi.

Barzilai cùng với các chuyên gia khác đang tuyển chọn 10.000 người trăm tuổi, con cái của họ và một nhóm tình nguyện từ cộng đồng để xác định các gene khác nhau góp phần kéo dài tuổi thọ. Barzilai có kế hoạch sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp tìm ra các gene trường thọ và phát triển các loại thuốc dựa vào chúng.

Còn giáo sư Olshansky cho biết trong tháng 2, ông và các đồng nghiệp sẽ ra mắt một nền tảng, nơi mọi người có thể tải dữ liệu lên từ một dịch vụ xét nghiệm gene để xác định xem họ có gene liên quan đến tuổi thọ đặc biệt hay không. Từ đó, giúp họ lập kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu.

"Ví dụ, tôi là người mang hai chuỗi gene liên quan đến tuổi thọ cao, có lẽ tôi cần trì hoãn nghỉ hưu", Olshansky nói.

Cụ Maria Branyas Morera, 115 tuổi, tại Tây Ban Nha. Ảnh: Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới

Môi trường và lối sống

Các nhà khoa học vẫn tranh cãi về mức độ di truyền ảnh hưởng đến tuổi thọ của một người so với lối sống của họ. Nhưng hầu hết chuyên gia nhất trí rằng gene tốt chỉ có tác động ở mức hạn chế đến tuổi thọ.

Jamie Justice, giáo sư lão khoa tại Đại học Wake Forest (Mỹ), cho biết một số nghiên cứu gợi ý rằng yếu tố di truyền quyết định khoảng 25% tuổi thọ, 75% liên quan đến môi trường và lối sống, tức nơi bạn sống, những gì bạn ăn, tần suất bạn tập thể dục và cộng đồng của bạn thông qua bạn bè hoặc gia đình.

Đối với những người không được trời phú cho một bộ gene tốt, mục tiêu không phải là vượt qua giới hạn về tuổi thọ của con người. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu muốn tìm ra cách mọi người có thể có cuộc sống trọn vẹn, khỏe mạnh với thời gian họ có.

"Mục tiêu của chúng ta không nhất thiết phải sống đến 118 tuổi, mà là phải sống tốt những năm ta có trong đời", Justice nói, thêm rằng nếu có một hệ thống chăm sóc y tế tốt, bạn sẽ có tuổi thọ cao hơn.

Nhật Bản có tỷ lệ người sống trăm tuổi trên bình quân đầu người cao nhất thế giới, theo Robert Young, Giám đốc nghiên cứu siêu trăm tuổi tại nhóm GRG. Young cho rằng nơi mà con người sinh sống có thể đóng một vai trò quan trọng đối với tuổi thọ của họ. Chẳng hạn, nơi đó có thuộc khu vực thường xuyên xảy ra chiến tranh hay không, có hệ thống chăm sóc y tế tốt và dễ dàng tiếp cận hay không. Ngoài ra, nếu khu vực bạn sống là nơi ô nhiễm hoặc là một nước phát triển, nơi mọi người chủ yếu làm việc bàn giấy, điều đó có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn

Dành thời gian cho hoạt động thể chất

Luigi Ferrucci cho biết gần đây, các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng sự căng thẳng của cuộc sống ảnh hưởng trực tiếp đến một số cơ chế sinh học của quá trình lão hóa. Ông cho biết thêm việc chúng ta tiếp xúc với các loại ô nhiễm khác nhau cũng có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng bí quyết để có sức khỏe tốt không chỉ phụ thuộc vào hành vi của chúng ta mà còn liên quan đến những gì xã hội chúng ta hành động để nâng cao sức khỏe của người dân", Ferrucci nói, thêm rằng các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy rằng những người lớn tuổi khỏe mạnh thường có xu hướng duy trì hoạt động thể chất, dành thời gian ở thiên nhiên và có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với bạn bè và gia đình.

Ferrucci cho rằng cần đi dạo bên ngoài thôi cũng tạo nên sự khác biệt to lớn cho sức khỏe của bạn.

"Lời khuyên quý giá của tôi dành cho những người muốn sống lâu và khỏe mạnh là hãy dậy sớm và ra ngoài vào buổi sáng. Đó thực sự là món quà tốt nhất mà bạn có thể tự tưởng thưởng cho mình nếu muốn trường thọ", ông cho hay.


Sơ Andre khi còn sống. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Ferrucci cho biết những người sống trăm tuổi và đặc biệt là những người siêu trăm tuổi thường là có đặc điểm sinh học khác biệt. Họ có sự dẻo dai và bền bỉ về sinh học để sống lâu bất chấp mọi thứ chống lại họ.

Các chuyên gia cho biết lời khuyên về tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh thường áp dụng cho tất cả người lớn tuổi. Nhưng đối với một số người sống trăm tuổi, có những ngoại lệ đối với quy tắc này. Barzilai từng đến thăm một cụ bà trăm tuổi và chứng kiến bà ấy đang hút thuốc.

"Tôi nói: 'Helen, không ai bảo cụ ngừng hút thuốc à?' Và cụ ấy bảo: 'Ông biết đó, bốn bác sĩ từng khuyên tôi ngừng hút thuốc. Tất cả họ đều đã chết'", Barzilai kể lại.

Hồng Vân (Theo Washington Post)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét