Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Cải thiện tâm tình

 

Tue, 25/07/2023 -  Huệ Minh

Cải  thiện  tâm  tình

          Thánh Giacôbê, quê quán tại Bethsaida, là con ông Giêbêđê và là anh em với thánh Gioan.  Ngài là một trong ba Tông đồ, ngoài những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa, còn được phúc chứng kiến sự kiện biến hình trên núi Tabor và thảm cảnh trong vườn Cây Dầu.  Lòng nhiệt thành của hai anh em đã khiến Chúa đặt cho cái tên là ‘Con Sấm Sét’.

          Thánh Giacôbê đã tiến hành công cuộc tông đồ tại Giuđêa và Samaria.  Theo truyền tụng, thánh nhân đã đến rao giảng Phúc Âm tại Tây Ban Nha.  Khi trở lại Palestine vào năm 44, ngài đã trở thành vị Tông Đồ đầu tiên được phúc tử vì đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa.  Thi hài thánh nhân được cải về Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha, và nơi đây đã trở thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng thời Trung Cổ, và là một đền thánh đức tin cho toàn thể Châu Âu.

          Khi đang đi dọc theo bờ biển Galilê, Chúa Giêsu nhìn thấy Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đang vá lưới, Người đã gọi họ, và đặt cho tên là Boannerges, nghĩa là “con của sấm sét”.

          Mọi sự bắt đầu khi một số ngư phủ trên biển hồ Tibêria được Chúa Giêsu thành Nagiarét mời gọi theo Người.  Họ đã đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu, đi theo, và sống với Người gần ba năm trời. Họ đã chia sẻ đời sống thường nhật của Chúa Giêsu, làm chứng nhân cho những lời cầu nguyện, cũng như lòng nhân lành và quyền năng của Người dành cho các tội nhân và những người đau khổ.  Họ chăm chú lắng nghe lời Chúa, những lời họ chưa từng bao giờ được nghe.

          Suốt ba năm chung sống với Chúa, các Tông Đồ cảm nghiệm một thực tại rồi ra sẽ chiếm đoạt họ mãi mãi, đó là cuộc sống với Chúa Giêsu.  Đó là một kinh nghiệm phá vỡ nếp sống trước kia của họ; họ phải từ bỏ mọi sự – gia đình, nghề nghiệp, và tài sản của họ – để đi theo Người.  Tóm lại, họ đã được dẫn vào một con đường sống hoàn toàn mới mẻ.

          Một ngày nọ, Chúa Giêsu mời gọi Giacôbê đi theo Người.  Giacôbê là anh của Gioan, và là con của bà Salômê, một phụ nữ đã dùng tài sản để giúp Chúa Giêsu và sau cùng cũng có mặt trên núi Canvê.  Giacôbê đã biết Chúa Giêsu trước khi được Chúa gọi.  Cùng với Phêrô và em trai mình, Giacôbê được Chúa Giêsu yêu thương cách riêng.  Ngài là một trong ba vị được chứng kiến biến cố Biến Hình trên núi Tabor.  Ngài cũng có mặt khi Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, và là một trong ba Tông Đồ cùng đi với Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu lúc khởi đầu cuộc Thương khó.

          Phúc Âm ngày lễ thánh Giacôbê kể cho chúng ta một biến cố lạ lùng trong đời Ngài.  Chúa Giêsu loan báo về cuộc Khổ nạn và cái chết sắp đến của Người: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp vào tay các trưởng tế và ký lục, họ sẽ kết án tử và giao nộp Người cho dân ngoại chế nhạo, chúng sẽ đánh đòn và đóng đinh Người vào thập giá.  Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Chúa cảm thấy cần chia sẻ những tâm tình sâu lắng nhất đang chất chứa trong lòng cho các môn đệ. Khi ấy, bà mẹ của các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu, và bà bái lạy và kêu xin Người một điều: Bà xin Chúa dành cho các con của bà hai chỗ ưu tiên trong nước vinh quang của Người sắp đến.  Chúa Giêsu quay sang hai anh em và hỏi họ có thể chia sẻ số phận với Người không. Chúa đề nghị họ hãy uống chung chén của Người. 

          Thời xưa, việc trao chén mình cho ai uống là một dấu chỉ của tình thân hữu.  Các vị liền đáp: “Thưa được!”  Những lời ấy nói lên một tấm lòng thuần thục và quảng đại.  Những lời ấy phản ánh thái độ của mọi người trẻ và của mọi tín hữu thành tâm, nhất là của những ai sẵn sàng làm tông đồ để loan báo Tin Mừng.  Chúa Giêsu đã chấp nhận lời đáp quảng đại ấy và phán bảo: ‘Chén của Ta, các con cũng sẽ uống”, các con sẽ chia sẻ những đau khổ của Ta, các con sẽ hoàn tất cuộc Khổ nạn của Ta nơi thân xác các con.  Không bao lâu sau đó, vào năm 44, Giacôbê đã bị xử trảm tử vì đạo.  Còn Gioan đã chịu bách hại đủ kiểu trong cuộc đời trường thọ của Ngài.

          Kể từ khi Chúa Kitô cứu chuộc chúng ta trên thập giá, tất cả đau khổ của các tín hữu là cùng uống chén của Chúa Kitô qua việc chia sẻ cuộc Thương khó, Tử nạn, và Phục sinh của Người.  Nhờ đau khổ, một cách nào đó, chúng ta hoàn tất cuộc Khổ nạn của Chúa, và kéo dài trong thời gian với những hoa trái của công cuộc ấy.  Những đau khổ nhân loại chỉ mang ý nghĩa cứu độ khi được liên kết mật thiết với sự khổ nhục Chúa Giêsu đã chịu.  Với lòng nhân lành, Chúa đã cho chúng ta chia sẻ chén đắng của Người. 

          Trước những khó khăn, bệnh tật hoặc đau khổ của chúng ta, Chúa Giêsu cũng nêu lên một câu hỏi: “Con có thể uống chén của Ta không?”  Nếu hợp nhất với Chúa, chúng ta sẽ tích cực đáp lại và chịu đựng tất cả những gian khổ về phương diện nhân loại vì danh Người.  Trong sự hợp nhất với Chúa Kitô, ngay cả những đau đớn và thất bại của chúng ta cũng sẽ biến thành niềm vui và bình an.  Cuộc cách mạng vĩ đại của Kitô giáo chính là việc đã biến đau khổ thành đau khổ hiệu quả, biến một điều xấu thành một điều tốt.  Chúng ta đã tước thứ vũ khí này của ma quỉ, và với thứ vũ khí này, chúng ta có thể đạt được sự sống vĩnh cửu.

          Từ lúc Giacôbê bày tỏ những tham vọng không được cao thượng của Ngài cho đến khi được chịu tử vì đạo là một cuộc biến chuyển nội tâm lâu dài.  Sự nhiệt thành của Ngài trước kia chống lại những người Samaria không muốn tiếp đón Chúa Giêsu – dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem – nhưng về sau đã biến nên lòng nhiệt thành vì các linh hồn.  Từng bước một, tuy không làm mất cá tính hăng hái, nhưng Giacôbê biết rằng nhiệt tâm vì quyền lợi Thiên Chúa không thể dính dáng đến bạo lực hoặc chua chát. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa là khát vọng duy nhất xứng đáng mà thôi.  Thánh Clêmentê thành Alexandria kể lại khi vị tông đồ nước Tây Ban Nha được điệu ra trước tòa xử, thần thái của ngài liêm chính đến độ kẻ tố cáo ngài sau đó đã đến xin ngài tha lỗi.  Thánh Giacôbê suy tư… và sau đó ôm hôn kẻ tố cáo mình, và nói: “Anh hãy bình an”.  Hai người sau đó cùng được lãnh nhận triều thiên tử đạo.

          Khi suy niệm về cuộc đời thánh Giacôbê tông đồ, chúng ta được lợi rất nhiều khi nhìn thấy những khuyết điểm của Thánh nhân cũng như của các Tông đồ khác.  Các Ngài không can trường, không khôn ngoan, mà cũng chẳng đơn sơ.  Chúng ta thấy các ngài đôi khi rất ham hố, hay tranh cãi, và thiếu đức tin.  Tuy nhiên, thánh Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên được tử đạo.  Như thế, hiển nhiên là sự phù trợ của Thiên Chúa cũng có thể thực hiện những phép lạ nơi chúng ta.  Ngày nay trên thiên quốc, thánh Giacôbê ắt phải tri ân Thiên Chúa rất nhiều vì đã hướng dẫn ngài trên con đường khác với con đường ngài đã mơ tưởng trước đó.  Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vô cùng khôn ngoan, và đầy yêu thương vượt quá trí tưởng của chúng ta.  Trong nhiều trường hợp, Người không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin, nhưng đó lại là điều thích hợp và lợi ích nhất cho chúng ta.

          Theo các trình thuật Phúc Âm, như các Tông đồ, Giacôbê cũng có những khuyết điểm rõ ràng và không thể chối cãi.  Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết ấy, thánh nhân cũng có một tâm hồn và một con tim vĩ đại.  Chúa Giêsu lúc nào cũng nhẫn nại với Ngài cũng như với các Tông đồ khác. Thầy Chí Thánh cho các ngài thời gian để hấp thụ những bài học mà Người đã dùng sự khôn ngoan và tình thương để truyền dạy cho họ.  Thánh Gioan Kim khẩu viết: “Chúng ta hãy xét Chúa đặt câu hỏi tương tự như một lời mời gọi và một lời kích lệ như thế nào.  Chúa không nói: ‘Ngươi có thể chịu thất bại được không? Ngươi có dám chịu đổ máu không?’ nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống…’ Để khích lệ họ, Chúa còn thêm: ‘… chén Ta sẽ uống hay không?’  Tưởng nghĩ đến việc uống chính chén của Chúa đã đưa các Tông đồ đến sự đáp ứng quảng đại hơn.  Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ nạn của Người là ‘phép rửa’ để nhấn mạnh những đau khổ của Người sẽ là nguyên nhân cho cuộc thanh tẩy toàn thế giới.”

          Chúa cũng đang mời gọi chúng ta.  Ước chi chúng ta đừng đầu hàng sự chán nản khi những khuyết điểm và yếu đuối của chúng ta trở nên rõ rệt.  Nếu chúng ta đến với Chúa Giêsu để xin phù giúp, Người sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm để tiếp tục trung thành dấn bước, bởi vì Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta thời giờ cần thiết để cải thiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét