Thứ bảy, 29/7/2023, 06:00 (GMT+7)
Người phát minh máy trợ tử
HÀ LANTháng 6/2023, buồng trợ tử sarco được thử nghiệm lần cuối và một trong những nhà thiết kế của nó là Philip Nitschke, người được mệnh danh 'bác sĩ thần chết'.
Năm 1997, Philip Nitschke ở Australia là bác sĩ đầu tiên trên thế giới hỗ trợ một bệnh nhân thực hiện cái chết êm ái. Đã gần 30 năm kể từ ngày đó, tranh cãi về cái chết êm ái chưa bao giờ dừng lại.
Hiện chỉ có Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ và một vài quốc gia khác hợp pháp hóa an tử, với điều kiện mắc bệnh nan y, tự nguyện yêu cầu được trợ tử và đã có nhiều lần đánh giá, xác nhận của bác sĩ.
Trước đây, người ta dùng thuốc tiêm cho bệnh nhân muốn chết êm ái. Tuy nhiên quá trình cũng rất phức tạp. Đó là lý do Philip tìm cách để mọi người chết êm ái hơn nữa. "Trong nhiều năm tôi nghĩ ra nhiều cách trợ tử, như thiết bị tự động tiêm thuốc, thuốc làm giảm nồng độ oxy trong tế bào, sử dụng nitơ và cuối cùng là cabin trợ tử", Philip Nitschke, 75 tuổi chia sẻ.
Buồng trợ tử đã hoàn thành thiết kế từ năm 2017, nhưng cuối tháng 6 vừa qua mới bắt đầu thử nghiệm.
Buồng trợ tử sarco như một con tàu vũ trụ nhỏ, xấp xỉ chiều dài người trưởng thành. Một người có thể chọn chết ở bất kỳ nơi nào, di chuyển cỗ máy đến đó, nằm bên trong và đóng cửa; trả lời một số câu hỏi đánh giá và nhấn nút. Sau đó, toàn bộ cabin sẽ chứa đầy nitơ. Khi lượng nitơ ngày càng nhiều, hàm lượng oxy sẽ giảm xuống.
Thời gian đầu, người trong buồng trợ tử sẽ không cảm thấy khó chịu, nhưng dần dần, họ có thể chóng mặt, tương tự như cảm giác mất phương hướng. Khi mức oxy giảm xuống hết cỡ, họ sẽ nhanh chóng mất ý thức nhưng toàn bộ quá trình sẽ rất thư giãn.
"Có rất nhiều điều cần xem xét bên cạnh các vấn đề đạo đức và pháp lý. Bởi vì trợ tử phải êm ái và không gây đau đớn, chúng tôi sẽ thực hiện rất nhiều thử nghiệm kỹ thuật trong vài tháng tới", Philip nói.
Người sử dụng cần làm một bài kiểm tra sự tỉnh táo qua ba câu hỏi: Bạn là ai? Bạn đang sinh sống ở đâu? Bạn có biết một khi nhấn nút chuyện gì sẽ xảy ra không?
Luật pháp Thụy Sĩ quy định bất kỳ ai chọn an tử đều phải được hỏi ba câu hỏi này và toàn bộ quá trình phải được ghi lại. Sau khi họ chết, các cơ quan liên quan sẽ đến giám định thi thể và xem lại video. Tất nhiên, chỉ hỏi những câu hỏi này là không đủ để kiểm tra khả năng tinh thần của một người. Trung tâm của Philip cũng sẽ cử một bác sĩ tâm thần đánh giá năng lực tinh thần của người dùng nhằm đảm bảo sáng suốt.
Cabin trợ tử cũng không cố định. Nhóm đã nghiên cứu công nghệ in 3D để cabin có thể di chuyển đến bất kỳ nơi nào theo nhu cầu cá nhân. "Tôi nghĩ nó rất lãng mạn, làm cho cái chết trở thành một buổi lễ trang nhã. Bạn có thể chọn thời điểm mình muốn chết, sau đó di chuyển đến một nơi có tầm nhìn tuyệt vời, gọi điện cho gia đình, bạn bè và khi bạn sẵn sàng rời đi, hãy vẫy tay chào tạm biệt", tiến sĩ Philip chia sẻ.
Philip Nitschke sinh ra trong một gia đình nhà giáo, nhận bằng tiến sĩ vật lý năm 1972. Vì sức khỏe yếu nên gần 40 tuổi ông mới học ngành y. Khi làm trong bệnh viện, ông thấy rất nhiều người đang hấp hối mà không thể làm gì giúp.
Năm 1996, luật an tử lần đầu tiên hợp pháp ở miền Bắc Australia nhưng bị phản đối kịch liệt. Một năm sau, Philip đã giúp bệnh nhân đầu tiên bị ung thư tuyến tiền liệt. Mỗi lần đến gặp, Philip đều nhìn thấy sự bất lực trong mắt bệnh nhân này.
Tuy nhiên ngày đó luật yêu cầu cần ít nhất bốn bác sĩ hỗ trợ. Philip đi vận động khắp bệnh viện và bị từ chối. Sau nhiều tháng cuối cùng có có bốn bác sĩ đồng ý tham gia vào ekip. "Trước ngày chết, anh ấy mời tôi đến nhà ăn trưa, chúng tôi đã nói chuyện nhiều và anh ấy không cảm thấy ngày mai chết là chuyện gì khủng khiếp", Philip kể.
Lúc đó, "bác sĩ thần chết" này thiết kế một thiết bị đơn giản, bệnh nhân ấn nút, thuốc sẽ tự động tiêm vào. Ngày hôm đó, vợ của bệnh nhân đã ngồi bên cạnh, ôm đầu chồng trên đùi. Khi nghe máy tính nói: "Nếu bạn nhấn nút, bạn sẽ chết", người chồng nói lời tạm biệt vợ và nhấn nút.
Trong hai năm tiếp theo, Philip đã hỗ trợ bốn người Australia chết với thiết bị này. Hiện nó được lưu giữ trong Bảo tàng Khoa học Anh ở London. Đạo luật Euthanasia ở miền bắc Australia chỉ kéo dài 8 tháng trước khi bị hủy bỏ vào tháng 3/1997.
Trong những năm đó, Philip vẫn gặp nhiều người muốn được an tử. Năm 2000 khi đang tham dự hội nghị an tử ở Perth (Australia) một người phụ nữ tìm đến Philip sau hội nghị. Bà là giáo sư đại học, nói rằng muốn chết sau bốn năm nữa và hỏi mua thuốc trợ tử ở đâu, đồng thời xin lời khuyên. Bà tâm sự khỏe mạnh, nhưng bốn năm nữa tròn 80 tuổi và cảm thấy nên chết ở tuổi này. "Lúc đó tôi không tin. Tôi nghĩ bà mắc bệnh nan y", Philip kể.
Sau đó cứ mỗi lần đến Perth, Philip lại được người này tìm đến hỏi về thuốc trợ tử. Ngày chết gần đến và bà không ngừng hỏi. Philip luôn an ủi, nói sức khỏe bà tốt, sao cứ nghĩ tới cái chết? Ông khuyên bà đi du lịch, viết sách.
Nhưng bà phản đối rằng Philip không có quyền nói với bà khi nào có thể chết. "Đây là quyết định của riêng tôi. Tôi chỉ muốn lấy một số thông tin y học từ anh, chứ không muốn bị răn dạy về cuộc sống và cái chết", bà nói.
Và bà một mực kết luận Philip đã đưa ra tiêu chuẩn sự sống, cái chết dựa trên tư cách một bác sĩ. "Tôi muốn có thông tin về thuốc trợ tử, tại sao anh lại giấu tôi?", bà chất vấn.
Lúc đó Philip đã bị sốc, điều này khác với những gì mọi người biết về cái an tử thời đó.
Ở tuổi 80, bà qua đời trong xe hơi của mình. Vụ việc gây tranh cãi ở Australia. Có người phản đối Philip, nhưng cũng nhiều người ủng hộ, rằng con người có quyền tự quyết định về cái chết của mình, miễn đầu óc minh mẫn.
Dần dần Philip thấy mình không thích hợp làm bác sĩ. Năm 2015, ông bỏ nghề chuyển đến Hà Lan, quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hành vi trợ tử. Tổ chức Exit International được ông thành lập năm 1997 đến nay có 25.000 thành viên, tất cả đều đã 70-80 tuổi. Tổ chức này chủ yếu thúc đẩy việc hợp pháp hóa an tử và cung cấp một số người khoa học về cái chết êm ái.
Bốn năm trước, Philip quay lại Australia tổ chức hội thảo, rất nhiều người lớn tuổi tham gia. Có nhiều lý do khiến họ muốn được chết êm ái. Có người cảm thấy càng già cuộc sống càng khó khăn; có người cảm thấy hiện tại mình đang hạnh phúc, chết là đủ rồi. Có người muốn chọn ra đi vào ngày lành tháng tốt.
Năm 2018, nhà thực vật học người Australia David Goodall nói Philip muốn được trợ tử. Ông đã làm việc ở trường đại học cả đời cho, ngay cả khi đã 100 tuổi. Đến năm 104 tuổi, ông muốn kết thúc cuộc đời, dù vẫn khỏe mạnh.
Có người khuyên ông giả vờ bị bệnh nếu muốn được trợ tử ở Australia. Ông khăng khăng: "Tôi không bị bệnh, tại sao tôi phải giả? Tại sao tôi phải đi đến các nơi khác trên thế giới để thực hiện quyền của mình?". Nhưng cuối cùng Philip đành phải đưa ông tới Thụy Sĩ để được chết.
Tại Hà Lan và Bỉ, trợ tử hiện được chấp nhận cho cả những người mắc bệnh tâm thần, chẳng hạn như thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ, tâm thần phân liệt và trầm cảm. Nhưng ở một số quốc gia vẫn cấm với nhóm này, dù cho đã hợp pháp an tử.
Nhóm của Phiplip hiện cũng đang nghiên cứu an tử cho những người mắc Alzheimer. Hiện Hà Lan cũng đang thảo luận về một dự luật có tên "luật trọn đời" dành cho những người trên 75 tuổi. Nếu bạn trên 75 tuổi và nghĩ mình đã đạt được một cuộc sống trọn vẹn và muốn kết thúc cuộc đời sớm, bạn có thể xin thuốc.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét