Thứ Hai, 3 tháng 7, 2023

Những đứa trẻ bị biến thành máy kiếm tiền

 

Thứ tư, 10/5/2023, VnExpress.net

Những  đứa  trẻ  bị  biến  thành  máy  kiếm  tiền

Sức hút từ các hợp đồng tài trợ, tiền quảng cáo khiến nhiều phụ huynh quyết tâm biến con cái thành ngôi sao mạng xã hội.

Thường xuyên được bố mẹ ghi lại những khoảnh khắc đầu đời là điều trẻ em sinh ra trong thế kỷ 21 từng trải qua. Nhưng thay vì lưu giữ kỷ niệm, nhiều bậc cha mẹ đang biến những thước phim thành lợi nhuận, nhất là khi các video có thể thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, bình luận.

Ngôi sao mạng xã hội Ryan Kaji, 12 tuổi, ở Mỹ là ví dụ. Với những video hài hước, "đập hộp" đồ chơi nổi tiếng, kênh YouTube của Ryan do bố mẹ cậu bé quản lý hiện có 33 triệu người đăng ký. Trước sức hút của con trai, gia đình Ryan còn xây dựng một thương hiệu đồ chơi riêng. Với các ước tính khác nhau, giá trị tài sản ròng cậu bé 10 tuổi sở hữu có thể lên đến hàng chục triệu USD.

Ryan Kaji kiếm được rất nhiều tiền không chỉ ở một kênh YouTube mà còn ở đế chế kinh doanh riêng mang tên cậu Ryans World. Ảnh:cyzone

Ryan Kaji kiếm được rất nhiều tiền không chỉ ở một kênh YouTube mà còn ở đế chế kinh doanh riêng mang tên cậu Ryan's World. Ảnh:cyzone

Điều này càng thúc đẩy nhiều bậc phụ huynh liên tục đăng tải những video, hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội, mong thu hút tiền quảng cáo.

Sớm thu lợi nhuận nhưng các chuyên gia cảnh báo những đứa trẻ có thể đối mặt với tình trạng kiệt sức, bị gia đình bóc lột tài chính, thiếu an toàn và mất quyền riêng tư.

Tháng 5/2022, Ủy ban Nghị viện Anh công bố báo cáo về những người có ảnh hưởng đến trẻ em, nhấn mạnh không phải tất cả các bậc cha mẹ đều hành động vì lợi ích cho con cái. Nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu lên tiếng về việc này.

Catalina Goanta, phó giáo sư luật tại Đại học Maastricht (Hà Lan) cũng đặt câu hỏi số tiền những đứa trẻ kiếm được sẽ đổ về đâu khi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể kiếm được hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD nhờ video.

Hôm 3/5, tiến sĩ Catherine Archer của Đại học Edith Cowan (Australia) kêu gọi chính quyền cần siết chặt các quy định về việc cho trẻ nhỏ hoạt động trên mạng xã hội, với tư cách là những influencer (người có ảnh hưởng) được trả phí.

Từng chia sẻ trên tạp chí M/C, nữ tiến sĩ lập luận sự phát triển của mạng xã hội đã giúp các đơn vị bán hàng tiếp cận trẻ em 24/7. Bên cạnh đó, số lượng trẻ nhỏ sở hữu máy tính bảng tăng từ 1% năm 2011, lên 42% năm 2017 và có xu hướng tiếp tục tăng.

 

Nhiều trẻ nhỏ đang trở thành người kiếm tiền chính của cả gia đình. Ảnh minh họa: Gettyimages

Chuyên gia cũng nghiên cứu các bài đăng của người nổi tiếng nhí, bao gồm Pixie Curtis, 11 tuổi và em trai Hunter Curtis, 8 tuổi, ở Australia. Trang cá nhân của cặp chị em nhà Curtis hiện có hàng chục nghìn người theo dõi được quản lý bởi mẹ của họ là Roxy Jacenko, người điều hành một công ty quản lý influencer riêng.

Theo đó, bài đăng trên trang cá nhân của Pixie và Hunter từ tháng 3 đến tháng 7/2022 đều tập trung quảng cáo đồ chơi trẻ em. Đáng chú ý, các món đồ chơi được giới thiệu đều phân loại theo giới tính và cấp độ xa xỉ.

"Các kidfluencer (trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đang làm mờ ranh giới giữa những thứ được coi là đồ chơi truyền thống dành cho trẻ nhỏ và các món đồ người lớn muốn sở hữu. Ví dụ như các sản phẩm cao cấp dành cho người lớn như đồ trang điểm, quần áo và ôtô lén lút trộn lẫn với đồ chơi truyền thống", nhà nghiên cứu nói.

Hay năm 2020, một nghiên cứu khác cho thấy những người có ảnh hưởng nhí trên YouTube đang "lén lút" quảng cáo đồ ăn vặt cho khán giả. Sau phân tích video từ 5 tài khoản hàng đầu trong độ tuổi 3-14, các nhà nghiên cứu xác định có gần 50% nội dung giới thiệu đồ ăn; 90% video xuất hiện hình ảnh đồ ăn nhanh đến từ nhiều thương hiệu.

Trước thực trạng trên, tiến sĩ Archer kêu gọi chính quyền cần thiết lập nhiều quy định hơn nằm siết chặt các hoạt động của các "kidfluencer".

Minh Phương (Theo NyPost, Cnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét