Mon, 29/05/2023 - Huệ Minh
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống
Thánh Thần: nguồn mạch Tình
Yêu
Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của
Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là
ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa
công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai.
Đối với chúng ta hôm nay, thì lễ Hiện
Xuống cũng chính là cao điểm, kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Như ngày Hiển
Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ
Phục Sinh. Tôi xin đưa ra một vài hình ảnh để so sánh.
Trong ngày lễ Phục sinh, Đức Kitô như
mặt trời hừng đông ló dạng. Còn trong ngày lễ Hiện xuống thì mặt trời ấy đã đứng
bóng, chói loà và đem lại sức sống. Trong ngày lễ Phục sinh thửa vườn của Giáo
Hội nở bông với những tín hữu mới được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Còn trong
ngày lễ Hiện xuống, những bông hoa ấy đã kết thành trái chín vàng trên cành
cây. Người làm vườn là Đức Kitô đã trồng những mầm non mới. Còn mặt trời làm
cho trái chín vàng đó là Chúa Thánh Thần.
Trong ngày lễ Phục sinh chúng ta mới
chỉ là những trẻ nhỏ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sữa mẹ là Chúa Thánh Thần.
Chúng ta lớn lên trong nhà mẹ là Giáo Hội, một cách vô tư và hạnh phúc như những
em nhỏ. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, Giáo Hội, người Mẹ hiền của chúng ta,
không ngần ngại bảo cho chúng ta biết rằng khoảng thời gian êm đẹp và thơ mộng ấy
đã qua đi, giờ đây chúng ta là những lữ khách, sẽ gặp phải nhiều đau khổ, nhiều
buồn phiền. Với lễ Hiện xuống, chúng ta trở nên là những người trưởng thành. Với
lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần làm việc và tác động.
Thánh Cyrillo đã so sánh: Chúa Thánh
Thần tác động trong chúng ta như ánh sáng mặt trời tác động trên con mắt. Nếu
đi từ bóng tối ra ánh sáng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vật trước kia chúng ta
không nhìn thấy. Cũng vậy, với Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ nhìn xem tất cả bằng
cặp mắt siêu nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra những giá trị thiêng liêng cho cuộc
sống tạm gửi này, để rồi chúng ta sẽ không dừng lại, sẽ không đầu tư cho những
vui thú chóng qua, nhưng sẽ tìm kiếm và đầu tư cho hạnh phúc vĩnh cửu.
Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn
trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì
bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội
lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Kytô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bỏ con
người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới.
Vậy con người mới ấy là như thế nào? Chắc hẳn bề ngoài chúng ta vẫn như trước vẫn
giống với mọi người, có đầu, có mắt, có trái tim, nhưng cách thức chúng ta nhìn
ngắm, cách thức chúng ta suy nghĩ, cách thức chúng ta yêu mến thì lại hoàn toàn
thay đổi, như lời tiên tri Êgiêkiel đã diễn tả: Ta sẽ rảy nước tinh tuyền trên
các ngươi và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim bằng
đá, nhưng sẽ ban cho các ngươi một trái tim bằng thịt. Ta sẽ ban cho các ngươi
một trái tim mới và một thần khí mới.
Với Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn,
chúng ta sẽ nhìn cuộc sống, nhìn những người anh em, nhìn thế giới, nhìn dòng lịch
sử một cách khác. Chúng ta sẽ nhìn những khổ đau, những thử thách và những đắng
cay một cách khác. Chúng ta sẽ tìm thấy được những giá trị siêu nhiên của
chúng.
Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu
thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi
Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần
chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần
cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình
thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.
Đức Kitô vâng theo thánh ý của Chúa
Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần đã chết đi để đem lại sự sống cho trần
gian. Kể từ khi được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, chúng ta đã được Ngài
yêu thương như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu
Thiên Chúa được toả lan trong tâm hồn chúng ta. Để rồi từ đó, tất cả những tình
yêu trong lành nhất của chúng ta đều là một tia sáng, một phản ánh trung thực
cho tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta chỉ có
thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi liên kết với Ngài.
Đúng thế Ngài ở giữa những cặp vợ chồng
để họ biết trung thành và hy sinh cho nhau. Ngài ở giữa những người con để họ
biết nói lên hai tiếng thưa ba, thưa má với tất cả tấm lòng chân thành của
mình. Ngài ở giữa những người bạn để họ biết tâm đầu ý hiệp với nhau.
Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay,
Giáo Hội mừng kính Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng kính tình yêu của Thiên Chúa,
được tượng trưng qua hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ. Giáo Hội cũng muốn
chúng ta thành khẩn kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngập
tràn tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu
Chúa. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa vô danh và bị quên lãng. Trái lại
Ngài luôn ở giữa chúng ta và hoạt động. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cộng tác
với Ngài bằng cách thắp lên một ngọn lửa yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới
có thể làm tiêu tan thù hận, thất vọng và tăm tối.
Thứ Hai trong tuần thứ
Tám Mùa Quanh Năm
Hc 17:19-27; Tv
32:1-2,5,6,7; Mc 10:17-27
Từ bỏ tận
căn
Trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi
khuyên anh thanh niên bán hết tài sản mà cho người nghèo rồi đến theo mìnhnhưng
bị từ chối, Đức Giê-su đã nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người
giàu vào Nước Thiên Chúa.” Xét một cách tổng quát thì không một con lạc đà nào
có thể chui qua lỗ kim được. Điều này có nghĩa là không một người giàu nào có
thể vào được Thiên Đàng. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà quý tộc và ngay cả một số
vị vua, hoàng tử… cũng được Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô suy tôn lên bậc hiển
thánh. Như vậy, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì khi tuyên bố điều đó?
Thật ra, tiền bạc cũng chỉ là những
thụ tạo vật chất. Chúng không phải là thần thánh và tự nó cũng chẳng thể ban ơn
cứu độ cho ai hay làm cho ai mất ơn cứu độ. Nhưng có chăng là thái độ của mỗi
chúng ta đối với chúng mà thôi.Người ta vẫn thường nói: “Tiền bạc là một ông chủ
xấu nhưng lại là một đầy tớ tốt”. Thật thế, nếu ta biết sử dụng tiền bạc một
cách đúng đắn, biết đặt để cho chúng một vị trí thích hợp và biết làm chủ
chúng thì chúng cũng có thể tỏ ra là một cái gì đó tốt đẹp. Chúng
không những không gây hại cho ta mà còn giúp ta sống tốt đời đẹp đạo và lập
được nhiều công phúc trước mặt Chúa nữa. Trái lại, nếu ta quá say mê tiền bạc
và để chúng xỏ mũi và điều khiển chúng ta thì thật là tai hại cho đời sống trần
thế cũng như đời sống đức tin của mỗi chúng ta. Thật ra, tiền bạc chẳng có lý
trí và cũng chẳng có sức mạnh đủ để có thể dẫn dụ một ai. Nhưng nhiều người vẫn
gục ngã dưới tay của nó là bởi họ tình nguyện “hạ mình”làm người tôi tớ tôn thờ
và phục vụ nó.
Sự giàu có mà Chúa Giêsu nói tới ở
đây không chỉ căn cứ trên tổng số tài sản của một người nhưng còn dựa trên thái
độ sống của người đó nữa. Khi nghe câu Lời Chúa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim
còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”, lắm lúc ta cảm thấy dường như Chúa
đang nói đến người khác vì mình vẫn là một người nghèo. Đôi khi ta lại cảm thấy
an toàn hơn một số người khác vì ta chưa phải là một người giàu có.
Nhưng không chừng, những người mà ta
nghĩ là họ ít cơ hội vào Thiên Đàng hơn chúng ta lại có thể vào Nước Thiên Đàng
trước chúng ta. Bởi số tài sản mà ta có cũng không nguy hiểm cho bằng thái độ
giàu có của mỗi chúng ta. Có thể chúng ta không có nhiều tài sản nhưng vẫn là
những người giàu có khi sống với một thái độ tự mãn, tự kiêu, tự coi mình là
trên hết mà không cần biết đến ai kể cả Thiên Chúa.Sự giàu có này thật là nguy
hiểm vì nó làm ta cảm thấy mình quá đầy đủ đến nỗi không cần dựa vào một ai kể
cả Thiên Chúa. Và như thế, ta khước từ lòng nhân hậu, tình thương và ơn cứu độ
Chúa dành sẵn cho ta. Như vậy, với thái độ sống giàu có, ta tự đóng của Nước Trời
và tự loại mình ra khỏi những người được Chúa kêu gọi.
Tiền bạc tự nó không xấu mà
cũng chẳng tốt. Điều quan trọng là chúng ta cần sống với một thái
độ thanh thoát và làm chủ được chúng. Nếu không, chúng sẽ trở nên
nguồn tai hại và là những sợi dây vô hình trói buộc ta. Nó khiến ta
không thể đáp trả tiếng Chúa mời gọi và lôi kéo chúng ta ngày một
xa Ngài hơn.
Người khôn ngoan theo lối hiểu của
Kinh Thánh chính là khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, biết đặt cuộc đời mình
trong thánh ý của Thiên Chúa chứ không phải tiền bạc, danh vọng và lợi thú… Biết
tìm đến với kho tàng vĩnh cửu, chứ không bám víu và phụ thuộc vào những thứ mau
qua, chóng hết ở đời.
Hôm nay, có một chàng thanh niên tốt
lành đến để gặp Đức Giêsu nhằm xin Ngài chỉ cho con đường dẫn đến hạnh phúc. Thấy
thế, Đức Giêsu đã đem lòng yêu mến và mời gọi anh đi theo mình trên con đường
mà chính Ngài đang đi. Tuy nhiên, khi buộc phải để lại mọi sự cho người nghèo
thì anh đã không dám và từ từ rút lui!
Như vậy, ơn cứu độ đã đến được với
anh thanh niên này, nhưng anh đã để mất bởi sự tham lam, ích kỷ của mình. Anh
ta đã coi tiền bạc, của cải là số một trong cuộc đời của anh, nên chính Chúa
cũng không còn chỗ đứng nơi tâm hồn người thanh niên đáng thương này thì làm
sao ơn cứu độ có thể đến được!
Tình yêu của người thanh niên chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh làm điều nên làm và phải làm. Thánh Phaolô có nói: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm”. Ngài cho đó là tội lỗi trong ta đã hành động, và chỉ tin vào Chúa mới giải thoát ta khỏi tình trạng ù lì đó.
Tinh yêu phát sinh sức mạnh. Thánh
Augustinô quà quyết: “Cứ yêu rồi làm điều gì mình muốn”. Tình yêu sẽ thúc đẩy
ta phải làm một cái gì đó cụ thể, một cái gì đó anh chị em đang thực sự mong đợi.
Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại làm ngơ trước nhu cầu cấp bách của
anh chị em.
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ
hơn người giàu có vào Nước Chúa”. Đây là kiểu nói Á Đông, diễn tả một việc rất
khó. Đức Giêsu đã tông dự bữa tiệc sang trọng của người Biệt phấi giàu có. Từng
ăn uống tại nhà người thu thuế lắm tiền, từng chịu ơn những người phụ nữ nhân đức
nhiều của.
Vậy, Ngài chỉ lên án những ai ham mê
của cải, coi đồng tiền là chúa tể, làm nô lệ cho nó, để không dám mở tay ra vđi
anh chị em và quảng đại với công việc của Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta hãy biết đặt bậc thang giá trị, và biết lựa chọn đúng để được hạnh
phúc đời đời. Hãy cẩn trọng với vấn đề tiền bạc vì tiền bạc có thể sẽ là rào cản
lớn chắn đường về trời nếu nó trở thành ông chủ.
Nếu bao lâu chúng ta vẫn còn chạy đua
với đồng tiền, bất chấp mọi thủ đoạn để chiếm lĩnh, hay sống ích kỷ, dửng dưng
với người nghèo khổ, thì bấy lâu lời mời gọi đánh đổi kho báu Nước Trời sẽ là lời
mời gọi xa lạ với chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét