Tue, 04/07/2023 - Lm Xuân
Hy Vọng
ĐẾN VỚI GIÊ-SU, HỌC CÙNG
GIÊ-SU, MANG LẤY ÁCH GIÊ-SU
Kính thưa cộng đoàn Phụng
Vụ! Đọc bài Tin Mừng ngày hôm nay, con nhớ đến một câu hỏi mà một chị giáo dân
người Nhật đặt ra cho con khi con dạy chuyên đề về Chúa Ki-tô. Cũng đoạn Tin Mừng
này, đặc biệt ở câu 25 (Mt 11, 25), chị ấy suy niệm xong, bèn hỏi con: “tại sao
Thiên Chúa lại giấu những chương trình, kế hoạch của Ngài, không cho những người
hiền triết và khôn ngoan biết; ngược lại, Ngài mạc khải cho những người bé mọn?”
Vừa nghe câu hỏi ấy, thì con đã có câu trả lời! Chẳng phải vì con giỏi giang
đâu, mà nếu chúng ta đọc tiếp câu 26 thì sẽ thấy câu trả lời do chính Chúa
Giê-su khẳng định: “Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy” (Mt 11, 26).
Có lẽ chúng ta đôi lúc
cũng có câu hỏi như chị giáo dân ấy, rồi cuộc sống cứ dần trôi, công việc, gia
đình, những nỗi lo toan, muộn phiền, v.v…dường như đưa chúng ta đến một dấu chấm
hỏi lớn hơn thay vì đi tìm câu trả lời! Nhưng thiết nghĩ, qua Lời Chúa hôm nay,
lời cầu nguyện chân thành của Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha; Ngài cảm tạ,
tán tụng vì chương trình và ý định cao vời của Chúa Cha, và sau đó Ngài mời gọi
mỗi chúng ta hãy đến với Ngài, học nơi Ngài sự hiền lành và lòng khiêm nhượng,
sau cùng mang lấy ách của Ngài.
Trước hết, ‘đến với Chúa
Giê-su’: “…hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ
sức” (x. Mt 11, 28). Chúa mời gọi tất cả mọi người hãy tựa nương bình yên nơi
Thánh Tâm Ngài. Khó nhọc, vất vả không chỉ về thể xác, mà cả về tinh thần và
linh hồn nữa! Những ai đang mang gánh nặng đời, nặng gánh gia đình, gánh nặng
tâm hồn, muộn phiền, đau buồn vì mất mát, tan thương, vì sự xung đột, chiến
tranh hoặc vì thù hận, ghét ghen giữa các bộ tộc, sắc dân, v.v…Chúa mời gọi họ
và tất cả chúng ta nữa, hãy đến dâng hết cho Ngài, và thầm thỉ với Ngài
‘Giê-su, con…(tên) đây!” Mỗi lần chúng ta chạy đến với Chúa với tất cả tấm
lòng, nỗi niềm chân thành chất chứa sự tín thác thì Chúa thương đón nhận, ‘nâng
đỡ, bổ sức’ (x. Mt 11, 28). Lúc ấy, chúng ta phần nào hiểu được lời nguyện của
Chúa Giê-su (Mt 11, 25) “Thiên Chúa mạc khải cho những kẻ bé mọn…”, họ là những
ai đặt niềm tin tưởng vào Chúa, thay vì quá tin vào bản thân; họ là những ai biết
trông cậy vào Chúa, thay vì hy vọng vào trần thế chóng qua, điều lệ khập khiễng
của xã hội vật chất; họ là những ai yêu mến, nhận lấy sự hướng dẫn của Chúa,
thay vì ‘tôn thờ’ lí trí, sự hiểu biết giới hạn của con người, sùng bái sự khôn
ngoan hư mất; họ là những người sống theo Thần Khí như Thánh Phao-lô nói một
cách đanh thét: “Anh (chị) em không bị tính xác thịt chi phối, mà được
Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh (chị) em”
(x. Rm 8, 9).
Thứ đến, ‘học cùng Chúa
Giê-su, và học nơi Chúa Giê-su’: “…vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”
(x. Mt 11, 29). Dẫu là Con Thiên Chúa làm người, nhưng Chúa Giê-su ‘đã trút bỏ
vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế…’ (x. Phil 2, 6-7).
Ngài hiền lành không từ chối một ai, đón nhận những người tội lỗi, chữa lành bệnh
nhân, tật nguyền; Ngài chẳng hề xua đuổi ai đến với Ngài, kể cả những thành phần
không được xã hội thời ấy ghi nhận như đàn bà, con trẻ, người goá bụa, người
ngoại kiều…Sự diệu hiền của Ngài biểu lộ rõ nét qua lòng thương xót, cảm động đến
rơi lệ của vị Vua tình yêu khi nhìn thấy sự đau khổ, bệnh tật, sự hất hủi của
thần dân mọn hèn. Và hơn nữa, Ngài luôn khiêm nhường và khiêm nhu, ‘chậm bất
bình, và rất mực khoan nhân’ (x. Tv 102, 8-9), cũng như lời tiên tri Da-ca-ri-a
tuyên sấm về Ngài “kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Ngài là
Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một
con lừa con vẫn còn theo mẹ” (x. Dcr 9, 9). Những ai khiêm tốn đích thật, những
ai học tính khiêm nhường, khiêm nhu là người biết đặt Thiên Chúa nơi trung tâm
đời sống của mình, thay vì đặt cái tôi to tướng làm tâm điểm cuộc đời! Những ai
khiêm nhượng thật sự là người biết vị tha, hướng đến anh chị em, nghĩ cho anh
chị em thay vì ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân, muốn người khác ‘xoay quanh
trục cái tôi’ của mình! Chỉ có những ai học cùng Giê-su khiêm cung thì tâm hồn
người ấy sẽ gặp được bình an (x. Mt 11, 29). Trở lại lời tán tụng của Chúa
Giê-su dâng lên Chúa Cha “…vì Cha đã giấu, không cho những người hiền triết,
khôn ngoan biết; ngược lại, Cha lại mạc khải cho kẻ bé mọn biết” (x. Mt 11,
25). Thiên Chúa không che giấu chương trình yêu thương của Ngài, và Ngài không
phải là người nhỏ mọn, ích kỷ; nhưng tại sao những ai khôn ngoan, hiền triết lại
không nhận ra ý định cao vời của Thiên Chúa? Thiết nghĩ, đó là vì sự kiêu căng,
ngạo mạn, lòng tự cao tự đắc của họ đã ‘che’ mất, khiến họ không nhận ra kế hoạch
yêu thương của Thiên Chúa mà thôi. Trái lại, những người khiêm tốn đích thật (sống
như Giê-su) là ‘kẻ bé mọn’ lại nhờ ân sủng bình an nơi tâm hồn, sự tín thác,
tin tưởng của họ vào Thiên Chúa, giúp họ nhận ra và đón nhận ý định của Ngài.
Sau cùng ‘hãy mang lấy
ách của Chúa Giê-su’: “…vì ách của Ta êm ái, và gánh của Ta nhẹ nhàng” (x. Mt
11, 30). Ở đây Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy mang lấy ách và gánh của Ngài,
thay vì mang lấy ách nô lệ của sự đam mê, thú vui, thói đời, nhỏ nhen, ích kỷ,
tội lỗi (hình ảnh cái ách: khi chúng ta muốn sử dụng con ngựa, trâu, bò,
v.v…thì chúng ta dùng ách đặt lên cổ của nó), và nhận lấy gánh của Ngài, thay
vì gánh gồng những muộn phiền, ưu hoài, não nề của sự lo lắng trần thế, hay
gánh những chất chứa hiềm tị, hận thù, oán trách trong lòng! Những ai mang lấy
ách của Chúa Giê-su và nhận lấy gánh của Ngài thì tâm hồn luôn thảnh thơi vì
‘ách của Ngài êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng” (x. Mt 11, 30). Nếu chúng ta sống
được như vậy thì quả thật như Thánh Phao-lô viết trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma
“chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt.
Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ
Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em
sẽ được sống” (x. Rm 8, 12-13). Thật vậy, khi chúng ta sống theo Thần Khí,
chúng ta bỏ những ách tội đời, thói quen không tốt, tránh thú vui, đam mê, ước
muốn mà thân xác mang lại. Hơn nữa, đời sống thiêng liêng, cầu nguyện, hy sinh,
hãm mình, bác ái sẽ giúp chúng ta chạy đến với Chúa Giê-su, học cùng với Ngài
hiền lành, khiêm nhượng và nhận lấy ách êm ái, dịu hiền của Ngài.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể
Mỗi lần con đến dâng lễ tạ
ơn,
Cho con suy gẫm hồng ân,
Năn chạy tới Chúa, ân cần
nguyện xin.
Được nâng đỡ, mãi hy sinh
Học nơi gương Chúa, huyền
linh diệu hiền.
Khiêm nhu, nhân hậu mãi
liên
Xót thương, tha thứ,
ngoan hiền, khoan dung.
Trọn đời mang ách thuỷ
chung
Dịu ngọt êm ái, gánh cùng
Giê-su. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét