CẦN TÂY - CÀ CHUA - MĂNG TÂY (ASPARAGUS) - ACTISÔ (ARTICHOKE)
(BS Nguyễn Ý Đức)
Cần Tây
Những người sợ mập mà lại muốn ăn nhiều sẽ thấy cần tây (Celery) là người bạn tốt, vì cần tây cung cấp rất ít năng lượng. Một nhánh cần chỉ cho khoảng 5 calori, nên nhiều người nói đùa rằng để nhai hết một nhánh cần tây cần đến nhiều năng lượng hơn là số năng lượng thu được.
Cần tây cũng được nhiều người ưa thích vì có một hương vị đặc biệt, nhất là khi nấu với các thực phẩm khác.
Hai nhánh cần có 125mg muối sodium, 5g carbohydrat,1g đạm, 2g chất xơ và một lượng nhỏ các sinh tố C, A, một chút calci, sắt, kali. Cần tây có tới 95% nước, nên có thể dùng với các loại rau trái khác để làm món giải khát rất bổ và mát.
Nhiều người có thói quen ăn cần bỏ lá, nhưng lá lại nhiều sinh tố, calci, kali hơn là phần cuống.
Khi mua, nên lựa cần tây có lá xanh đều, cuống càng đậm càng nhiều sinh tố A và phải rắn chắc, giòn khi bẻ.
Không cất giữ cần tây gần cà chua và táo, vì hai thứ này tiết ra hơi ethylene mà cần tây rất dễ bắt mùi.
Cần tây có thể ăn sống như xà lách, ăn khai vị hoặc nấu chung với các thực phẩm khác.
Cần tây cũng có một số tác dụng trong y hoc.
Kinh nghiệm dân gian dùng lá và hột cần tây để chữa thống phong ( gout), sưng khớp, hạ huyết áp. Một số người còn cho là cần tây cũng có khả năng ngăn ngừa ung thư.
Theo một số người khác, ăn cần tây có thể làm giảm triệu chứng của bệnh sa sút trí nhớ Alzheimer, làm tăng khẩu vị, ăn chóng tiêu, thư giãn cơ thể và giúp ngủ ngon giấc
Trong cần tây có vài hóa chất có thể gây dị ứng da hoặc viêm da khi người ăn nhiều cần tây và sau đó tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Cà chua
Vì có nhiều hương thơm lạ và vị hơi chua nên cà chua có thể nấu nhiều cách khác nhau với nhiều loại thực phẩm.
Người Âu châu khám phá ra cà chua từ Trung Mỹ châu vào thế kỷ thứ 16, rồi sau đó cà chua được di dân từ châu Âu mang đến Hoa Kỳ.
Ngày nay, cà chua được giồng khắp nơi trên thế giới và là một trong những loại rau trái được trồng nhiều nhất. Mùa thu hoạch cà chua cho phẩm chất tốt nhất là đúng vào thời gian nóng của những tháng Hè. Vào các thời điểm khác, cà chua thường nhạt hơn nên nhiều người dùng thay thế bằng cà chua hộp.
Vào mùa Hè, cà chua được hái chín trên cây và đưa ra thị trường. Mùa Đông, cà chua được hái khi còn xanh và có thể để lâu. Khi mang bán, cà chua xanh được xịt chất ethylene để có mầu đỏ nhưng cà vẫn còn cứng và cần được cất trong tủ lạnh cho khỏi hư.
Cà chua chế biến
Cà chua có thể được chế biến để dành dưới nhiều dạng:
- Cà chua đóng hộp để dành dùng quanh năm. Cà chua này thường có nhiều muối và cung cấp nhiều năng lượng.
Để tránh ngộ độc, cà chua hộp cần được nấu kỹ trước khi ăn và loại bỏ những hộp phồng lên vì có thể bị nhiễm loại vi khuẩn botulinum rất độc .
- Cà chua phơi nắng hoặc sấy khô, gói riêng hay với dầu ăn.
- Cà chua dưới dạng bột nhão đã được nấu chín, loại bỏ bớt nước, thêm gia vị.
- Nước xốt cà chua là cà được nấu sơ qua, loại bỏ bớt nước, thêm gia vị.
- Nước cà chua đóng hộp cũng rất thông dụng và đều được khử trùng bằng sức nóng.
Các loại nước xốt chế từ cà chua như (ketchup, chili sauce, pasta sauce)thường có thêm nhiều đường, muối và dầu béo nên rất hấp dẫn khi ăn.
Mua và để dành
Khi mua, lựa trái cà tròn hay bầu dục, cầm nặng tay, nắn thấy chắc chứ không nhũn nước.
Ăn ngay thì lựa trái chín đỏ. Muốn để dành vài ngày thì lựa trái hơi vàng.
Cà chín cần cất trong tủ lạnh còn cà xanh có thể để ngoài phòng cho mau chín.
Cà chua đỏ có nhiều sinh tố A hơn cà chua xanh, nhưng cả hai loại đều có giá trị dinh dưỡng như nhau.
Muốn cà mau chín mùi, cho cà chua vào túi giấy chung với vài quả táo.
Có nhiều loại cà chua: loại cherry tomato mầu đỏ hoặc vàng, nhỏ bằng đầu ngón chân cái rất tiện làm xà lách; grape tomato nhỏ con; green tomato vỏ còn xanh, vị cay rất tốt khi rán, đút lò (broiling); beefsteak tomato rất lớn, tiện lợi khi thái mỏng làm bánh mì kẹp hoặc để nướng; teardrop tomato nhỏ, giống trái lê; vine tomato trái to, thường được hái khi đã chín trên cây nên có nhiều hương vị thơm ngon.
Thành phần dinh dưỡng
Cà chua có nhiều chất xơ ở vỏ và hột, nhiều sinh tố A, sinh tố B, folate và rất nhiều sinh tố C ở phần chất lỏng chung quanh hột.
Một quả cà chua cỡ trung bình chỉ có 25 calori nhưng có chứa trong đó 20mg sinh tố C và 360mcg sinh tố A dưới dạng beta carotene.
Tác dụng trị bệnh
Ngoài công dụng như một thực phẩm, cà chua cũng có vài tác dụng tốt trong việc phòng ngừa bệnh tật.
Nghiên cứu tại đại học Harvard cho hay đàn ông ăn cà chua bốn lần một tuần có thể giảm nguy cơ ung thư nhiếp tuyến tới 20 %, và cà chua nấu chín dường như có công hiệu hơn cà chua sống. Sự kiện này được giải thích là nhờ có chất bioflavonoid, tương tự như beta carotene, có trong cà chua.
Cà chua có chất lycopene. Kết quả nhiều nghiên cứu tại Hoa Kỳ, Do Thái, Ý cho thấy chất này có khả năng làm giảm các rủi ro gây ra ung thư phổi, đường tiêu hóa. Quan sát cho hay sở dĩ dân chúng sống ở Hawai ít bị ung thư bao tử, dân Na Uy ít bị ung thư phổi vì họ ăn nhiều cà chua.
Đã có một thời, dân Pháp coi cà chua như có tính kích thích tính dục và gọi cà chua là Pommes d'Amour.
Có điều chắc chắn là cà chua có nhiều kali nên rất tốt cho người cao huyết áp phải uống thuốc lợi tiểu, mất kali.
Vài tác hại của cà chua
Một số ý kiến nghi ngờ rằng cà chua có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp xương, nhưng điều này chưa được xác nhận.
Thực tế thì cà chua có thể gây chứng nhức đầu ở người quá mẫn cảm với chất solanine có trong cà chua.
Cà chua cũng là một trong nhiều thực phẩm gây dị ứng.
Một hóa chất khác trong cà chua cũng gây ra chứng khó tiêu và ợ chua ở bao tử.
Ngoài ra, ta cũng nên cẩn thận với lá cà chua vì lá có hóa chất alpha-tomatine rất độc đối với dây thần kinh.
Măng Tây ( Asparagus)
Măng được thổ dân Hy Lạp và La Mã trồng từ cả vài trăm năm trước Công nguyên, nhưng chỉ du nhập Hoa Kỳ vào thế kỷ 17. Măng được trồng nhiều vào khoảng tháng 2 tới tháng 7.
Măng Tây hấp cách thủy hoặc chần nước sôi là món ăn khai vị rất ngon miệng mà lại bổ dưỡng. Măng cũng được trộn làm xà lách, nấu súp cua thịt hoặc xào.
Măng có nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng. Sáu đọt măng cung cấp 25 calori, 1g chất xơ, 150mcg sinh tố A, 10mg sinh tố C, 130 mg folacin.
Măng tây rất mau hư, nhất là không để tủ lạnh, nên cần được ăn càng sớm càng tốt sau khi hái. Măng đóng hộp mất nhiều dinh dưỡng và có nhiều muối. Măng có thể để đông lạnh và giữ được sinh tố C.
Khi mua lựa măng xanh sáng, đầu măng đỏ tía, thân chắc.
Măng chỉ ăn được từ phần còn xanh, khúc dưới trắng thường cứng nhắc nên bỏ đi; da của măng đôi khi khá dầy, có thể bóc ra, để dành nấu xúp.
Nhiều người cho rằng ăn măng sẽ bớt bị phong thấp khớp. Nhưng măng có nhiều Purine, nguyên thể của uric acid, nên ai bị bệnh thống phong ( Gout) không nên ăn nhiều măng tây.
Măng đôi khi cũng làm nước tiểu có mùi hăng khó chịu, nhưng vô hại.
Actisô ( Artichoke)
Đây là loại cây giống như cây kế, thuộc họ Cúc, cao tới hai thước, lá dài, mọc cách; hoa hình đầu mầu tím nhạt. Phần gốc của cánh hoa và đế hoa mềm có thể ăn được.
Actisô có nhiều chất dinh dưỡng như các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali.
Actisô thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn.
Actisô có thể được dùng tươi, để đông lạnh hoặc đóng hộp.
Nhiều nghiên cứu cho biết Actisô có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết, kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện.
Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làm thuốc chích chữa các bệnh về gan. Trà Actisô là thức uống được rất nhiều người ưa dùng.
Theo nhiều nhà dinh dưỡng, actisô không gây tác hại cho cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.
Tác giả: Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét