Công nghệ thao túng tâm trí con người như thế nào? (Phần 1)
Là một nhà Đạo đức học Thiết kế tại Google, Tristan Harris cũng là một chuyên gia nghiên cứu về hiện tượng công nghệ khống chế tâm lý con người. Trong suốt 3 năm làm việc tại Google, Tristan Harris chuyên thiết kế những công cụ, nguyên lý, và quy luật giúp bảo vệ suy nghĩ của con người khỏi sự khống chế khó nhận biết này.
Theo Tristan Harris, khi sử dụng công nghệ, chúng ta thường quá lạc quan mà tập trung vào những gì công nghệ làm cho chúng ta. Nhưng trong nhiều trường hợp công nghệ trở nên phản tác dụng và quay ngược trở lại lợi dụng điểm yếu trong tâm trí của con người.
Điều này có nhiều nét tương đồng với ảo thuật. Các nhà ảo thuật thường tìm kiếm các điểm mù, biên duyên, lỗ hổng và giới hạn trong nhận thức của con người để từ đó tác động đến hành động của con người, khiến họ thậm chí không nhận ra là mình đang làm gì. Và đây cũng chính là cái mánh mà các nhà thiết kế sản phẩm sử dụng để đánh lừa tâm lý khách hàng. Họ lợi dụng sơ hở trong tâm lý (một cách hữu ý và vô ý) trong cuộc đua nhằm thu hút sự chú ý của bạn.
Bài viết này sẽ chỉ ra 10 cách thao túng cơ bản như sau.
Cách thao túng số 1: Nếu bạn kiểm soát Menu, bạn sẽ kiểm soát các lựa chọn
Trong chúng ta, không ai là không nỗ lực nhằm bảo vệ quyền “tự do” lựa chọn của mình, nhưng chúng ta lại không để ý rằng những lựa chọn đó lại bị khống chế bởi cái menu mà ban đầu mình không chọn.
Đây chính xác là những gì các nhà ảo thuật làm. Họ khiến mọi người ảo tưởng mình được tự do lựa chọn, trong khi đó lại thiết kế menu sao cho phần thắng thuộc về họ, cho dù thứ bạn chọn là gì. Chẳng hạn, khi được đưa cho một cái menu, hiếm có ai hỏi:
- “Còn gì chưa có trong menu này không?”
- “Tại sao tôi chỉ có những lựa chọn này mà không phải là cái khác?”
- “Cho tôi biết mục tiêu của người thiết kế menu này được không?”
- “Menu này có đáp ứng được nhu cầu ban đầu của tôi không, hay những lựa chọn này thực ra lại đánh lạc hướng tôi?” (Chẳng hạn như bày ra một dãy la liệt kem đánh răng)
Hãy hình dung bạn đi chơi với bạn bè vào tối thứ Ba và muốn tìm chỗ nói chuyện tiếp. Bạn mở ứng dụng Yelp để tìm địa điểm gần đó và thấy danh sách các quán bar. Thế là cả nhóm ai cũng “cắm cúi” vào điện thoại mà so sánh bar này với bar kia. Họ “soi” ảnh của từng quán bar rồi so sánh các loại cocktail. Cái menu này liệu còn liên quan gì đến ý định ban đầu của nhóm không?
Không phải những quán bar đó không phải là lựa chọn tốt, mà là Yelp đã biến câu hỏi ban đầu của nhóm (Chúng ta đi đâu để nói chuyện tiếp) thành một câu hỏi khác (Quán bar nào có hình cocktail ngon), chỉ đơn giản bằng cách thiết kế menu.
Hơn nữa, cả nhóm bị rơi vào ảo tưởng rằng menu của Yelp thể hiện đầy đủ các lựa chọn để họ xác định là nên đi đâu. Khi xem điện thoại, họ đâu có nhìn thấy công viên bên kia đường đang có ban nhạc chơi nhạc sống. Họ bỏ lỡ phòng tranh vừa mở bên kia đường có phục vụ bánh ngọt với cà phê. Không có cái nào trong đó xuất hiện trên menu của Yelp.
Công nghệ mang lại cho chúng ta càng nhiều lựa chọn trong hầu như mọi mặt của cuộc sống (thông tin, sự kiện, chỗ đi chơi, bạn bè, hẹn hò, công việc) thì chúng ta càng lầm tưởng rằng điện thoại là menu hữu ích và thuận tiện nhất. Nhưng có thực sự là như vậy không?
Menu “chú trọng vào nhu cầu người dùng nhất” khác với menu có nhiều lựa chọn nhất. Tuy vậy khi mù quáng phụ thuộc vào cái menu người ta đưa cho thì chúng ta rất dễ bị lạc hướng. Chẳng hạn:
- “Tối nay ai rảnh để rủ đi chơi nhỉ?” sẽ thành một menu gồm những người gần đây nhất nhắn tin cho chúng ta (những người chúng ta có thể gọi đi chơi).
- “Điều gì đang diễn ra trên thế giới?” trở thành một menu các tin tức trên newsfeed.
- “Ai còn đang độc thân để hẹn hò đi chơi đây?” trở thành một danh sách những khuôn mặt trên Tinder (thay vì tham gia các sự kiện gặp gỡ bạn bè, hay những chuyến đi gần đó).
- “Tôi phải trả lời email này” trở thành một menu các phím để gõ câu trả lời (thay vì những phương thức để giao tiếp giữa người với người).
Buổi sáng thức dậy, mở điện thoại và xem các thông báo, điều đó sẽ khiến chúng ta rơi vào cảm giác “thức dậy vào buổi sáng” chỉ để xem danh sách “những gì tôi đã chưa xem từ hôm qua đến giờ” thay vì những việc khác.
Như vậy, bằng cách lập menu cho chúng ta lựa chọn, công nghệ đã kiểm soát chúng ta trong việc xác định lựa chọn của mình và thay những lựa chọn đó bằng những cái mới. Nhưng càng tập trung vào những lựa chọn được đưa ra, ta sẽ càng thấy chúng chẳng ăn nhập gì với nhu cầu thực tế của mình cả.
Cách thao túng số 2: Trong mỗi chiếc túi có 1 cái “máy đánh bạc”
Giả sử bạn là một ứng dụng, bạn làm thế nào để mọi người liên tục sử dụng bạn? Hãy biến mình thành cái “máy đánh bạc”.
Trung bình, người ta kiểm tra điện thoại 150 lần mỗi ngày. Tại sao phải làm thế? Liệu chúng ta có thực hiện 150 lựa chọn một cách có ý thức không?
Lý do chính giải thích vì sao “máy đánh bạc” lại mang các yếu tố tâm lý số 1 là: chốc chốc lại có phần thưởng mới.
Nếu bạn muốn khiến người dùng nghiện nặng hơn, tất cả những gì các nhà thiết kế công nghệ cần làm là gắn hành động của người dùng (như lên bài chẳng hạn) với một phần thưởng mới. Bạn lên bài và lập tức nhận được một phần thưởng hấp dẫn (một đối tác tiềm năng, một giải thưởng) hoặc không có gì. Phần thưởng càng đa dạng thì khả năng gây nghiện càng cao.
Hiệu ứng này có thực sự có tác dụng với con người không? Có. Ở Mỹ, máy đánh bạc kiếm được nhiều tiền hơn cả bóng chày, phim ảnh và công viên giải trí cộng lại. Theo giáo sư Natasha Dow Schull của Đại học New York (NYU), so với các loại cờ bạc khác, người ta thường bị nghiện máy đánh bạc nhanh gấp 3-4 lần.
Nhưng đây là sự thật đáng tiếc – hiện có tới hàng tỷ người có “máy đánh bạc” trong túi:
- Khi rút điện thoại trong túi ra là ta dùng “máy đánh bạc” để xem có thông báo gì.
- Nhấn nút cập nhật hòm thư là ta dùng “máy đánh bạc” để xem có email mới nào không.
- Khi trượt ngón tay cuộn Instagram là ta dùng “máy đánh bạc” để xem cái ảnh tiếp theo là gì.
- Khi nhấn phím # trong các thông báo đỏ là ta dùng “máy đánh bạc” để xem tiếp theo có cái gì.
Các ứng dụng và trang web liên tục thay đổi phần thưởng trên tất cả các sản phẩm của họ bởi vì nó có tác dụng tốt cho việc kinh doanh.
Nhưng trong những trường hợp khác, “máy đánh bạc” lại tự động xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Chẳng hạn, đằng sau những email kia không có công ty nào lại chủ ý biến sản phẩm của mình thành cái “máy đánh bạc”. Sẽ chẳng có ai được lợi khi hàng triệu người kiểm tra email mà không có gì trong đó. Nhà thiết kế của Apple và Google cũng không muốn điện thoại hoạt động như “máy đánh bạc”. Nó xuất hiện một cách ngẫu nhiên.
Nhưng hiện nay, các công ty như Apple và Google phải có trách nhiệm giảm những hiệu ứng này bằng cách chuyển đổi các phần thưởng hay liên tục đổi thành những loại ít gây nghiện hơn, dễ dự đoán hơn với thiết kế đẹp hơn. Chẳng hạn, họ có thể để người dùng tự hẹn giờ trong ngày hoặc trong tuần cho khớp với thời điểm muốn kiểm tra các ứng dụng “máy đánh bạc” và khi tin nhắn mới đến.
Cách thao túng số 3: Sợ lỡ mất thông tin quan trọng
Một cách khác mà các ứng dụng và trang web kiểm soát tâm trí con người khác là tạo ra “1% khả năng bạn bị lỡ mất thứ gì đó quan trọng”.
Nói một cách dễ hiểu là như thế này: “Nếu tôi thuyết phục được bạn rằng tôi là kênh cung cấp thông tin quan trọng, tin nhắn từ bạn bè thì bạn khó mà có thể từ bỏ tôi, hủy đăng ký, hay xóa tài khoản, bởi vì bạn có thể bỏ lỡ điều gì đó quan trọng.”
- Nó khiến ta cứ phải đăng ký nhận những bản tin mà đến nay chẳng còn bổ ích gì nữa (“chẳng may tôi bỏ lỡ một thông báo sắp tới thì sao?”)
- Nó khiến ta cứ phải “kết bạn” với những người mà ta chẳng nói chuyện bao giờ (“chẳng may tôi bỏ lỡ điều gì đó quan trọng về họ thì sao?”)
- Nó khiến ta sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (“chẳng may tôi bỏ lỡ mất tin tức quan trọng hay không theo kịp những gì bạn tôi đang bàn tán thì sao?”)
Nhưng nếu phóng to sự lo lắng đó, ta sẽ khám phá ra rằng nó không có giới hạn: lúc nào ta cũng có thể bị lỡ mất điều quan trọng tại bất cứ thời điểm nào nếu ngừng sử dụng ứng dụng nào đó.
- Ta sẽ lỡ mất những khoảnh khắc kỳ diệu trên Facebook nếu không mở nó ra trong 6 giờ (chẳng hạn như một người bạn cũ sắp tới khu vực mình ở).
- Ta sẽ lỡ mất những khoảnh khắc kỳ diệu trên Tinder (chẳng hạn như đối tác lãng mạn trong mơ của mình) nếu không trượt tới đối tượng thứ 700 được ghép cho mình.
- Ta sẽ lỡ mất những cuộc điện thoại khẩn cấp nếu không kết nối 24/7.
Nhưng chúng ta không phải sinh ra để sống từng khoảnh khắc với nỗi lo có thể bị lỡ mất gì đó.
Một khi buông bỏ nỗi lo đó, chúng ta sẽ thoát ra khỏi những ám ảnh kia nhanh đến nhường nào. Khi ta ngắt kết nối Internet hơn một ngày, hủy đăng ký nhận những thông báo kia, hay đi cắm trại trong rừng thì những mối lo mà ta cứ tưởng sẽ xảy ra thực sự lại chẳng hề tồn tại.
Chúng ta chẳng bỏ lỡ gì cả nếu không nhìn thấy chúng.
Ý nghĩ “nếu tôi bỏ lỡ điều gì đó quan trọng thì sao” sinh ra trước khi chúng ta ngắt kết nối, hủy đăng ký hoặc tắt máy – chứ không phải là sau đó. Hãy hình dung nếu các công ty công nghệ nhận ra điều đó và giúp chúng ta chủ động điều chỉnh mối quan hệ với bạn bè và công việc theo định hướng “sử dụng thời gian hợp lý” cho cuộc sống của mình, thay vì chạy theo những điều chúng ta bỏ lỡ.
Cách thao túng số 4: Sự công nhận từ xã hội
Đa số mọi người đều có xu hướng cảm thấy tổn thương nếu không được xã hội công nhận. Nhu cầu phải thuộc về nhóm nào đó, được những người cùng nhóm công nhận hoặc đánh giá cao là một trong những động cơ lớn nhất của con người. Nhưng giờ đây, việc chúng ta có được xã hội công nhận hay không lại nằm trong tay của các công ty công nghệ cao.
Khi một người bạn trên mạng xã hội tag chúng ra, thì đó dường như là lựa chọn có ý thức. Nhưng trước hết, chúng ta không thấy Facebook làm thế nào để người bạn này tag được mình.
Facebook, Instagram hoặc SnapChat có thể điều chỉnh tần suất mọi người được tag trong ảnh bằng cách tự động gợi ý khuôn mặt của những người nên tag (chẳng hạn bằng cách hiển thị khung hình kèm theo nút xác nhận bằng cú nhấp chuột, “Tag ai đó trong ảnh này”).
Vì vậy, khi một người bạn tag tôi, thực ra, người đó đang đáp ứng lời đề nghị của Facebook, chứ không phải là thực hiện một lựa chọn độc lập. Nhưng thông qua những lựa chọn định sẵn như thế này, Facebook đã kiểm soát việc nhân rộng tần suất trải nghiệm được xã hội công nhận nhận qua mạng của hàng triệu người.
Khi đổi ảnh đại diện của mình, ta cũng sẽ gặp tình huống tương tự – Facebook biết đó là lúc ta dễ bị tác động bởi tâm lý ‘có được xã hội chấp nhận hay không’: “Bạn bè tôi sẽ nghĩ sao về cái ảnh mới của mình nhỉ?” Facebook có thể cho mẩu tin này hiện ra trước tiên trong chuỗi tin trên Facebook nên nó sẽ gắn ở đó lâu hơn để nhiều bạn bè sẽ ‘thích’ hoặc bình luận về nó. Mỗi lần họ ‘thích’ hoặc bình luận về nó, chúng ta sẽ quay trở lại đó để xem và không rời khỏi được.
Ai cũng có phản ứng nào đó trước việc được xã hội công nhận như thế nào, nhưng một số đối tượng (thanh thiếu niên) dễ bị tổn thương hơn so với những người khác. Chính vì thế, điều quan trọng là ta cần phải nhận ra các nhà thiết kế có khả năng lớn đến đâu khi họ lợi dụng sự tổn thương này.
Cách thao túng số 5: Tâm lý có đi có lại trong xã hội
- Bạn làm ơn giúp tôi – Tôi nợ bạn một việc.
- Bạn nói, “cảm ơn” – Tôi phải nói “không có gì”
- Bạn gửi cho tôi một email – thật thô lỗ nếu tôi không trả lời bạn.
- Bạn theo dõi (follow) tôi – thật thô lỗ nếu tôi không theo dõi bạn. (đặc biệt đối với thiếu niên)
Điểm yếu của con người là nhu cầu được hồi đáp, có qua có lại.Nhưng với tâm lý muốn được xã hội công nhận của con người, các công ty công nghệ hiện nay lại thao túng được tần suất chúng ta trải nghiệm cảm giác này.
Trong một số trường hợp, đó là do tình cờ. Các ứng dụng email, tin nhắn và nhắn tin là các nhà máy tạo ra sự tương tác qua lại trong xã hội. Nhưng trong những trường hợp khác, các công ty này lại khai thác điểm yếu của con người một cách có mục đích.
LinkedIn là một ví dụ rõ ràng nhất. LinkedIn muốn có càng nhiều người tạo ra các nghĩa vụ xã hội cho nhau càng tốt, bởi vì mỗi lần họ đáp lại (bằng cách chấp nhận một kết nối, trả lời một tin nhắn, hoặc đánh giá ai đó về một kỹ năng nào đó) thì họ lại phải vào lại Linkedin.com để khiến mọi người dành nhiều thời gian cho nó hơn.
Cũng như Facebook, LinkedIn khai thác sự phiến diện trong nhận thức. Khi bạn nhận được lời mời kết nối của ai đó, bạn hình dung rằng người đó chọn mời bạn một cách có ý thức, trong khi thực tế là họ có thể vô tình phản ứng theo danh sách địa chỉ liên hệ mà LinkedIn đề xuất mà thôi. Nói cách khác, LinkedIn biến các động cơ vô thức của bạn (để “thêm” một người) vào các nghĩa vụ xã hội mới mà hàng triệu người cảm thấy có nghĩa vụ phải đáp lại. Cái lợi mà họ thu được chỉ là thời gian người ta dành cho việc đó.
Hãy hình dung hàng triệu người bị can thiệp chen ngang như thế này suốt cả ngày, chạy lòng vòng cả ngày chỉ lo phản hồi, đáp ứng lẫn nhau – tất cả đều là được thiết kế bởi các công ty thu lợi nhuận từ thời gian của bạn.
Hãy hình dung xem liệu có lúc nào đó, các công ty công nghệ có trách nhiệm giảm thiểu sự qua lại trong quan hệ xã hội. Hoặc nếu có một tổ chức độc lập đại diện cho lợi ích của công chúng – hiệp hội công nghiệp hoặc FDA về công nghệ – giám sát khi các công ty công nghệ lạm dụng những thiên kiến này?
(Còn tiếp)
Theo Medium
Vy Vy
Công nghệ thao túng tâm trí con người như thế nào? (Phần 2)
Các nhà ảo thuật thường tìm kiếm các điểm mù, biên duyên, lỗ hổng và giới hạn trong nhận thức của con người để từ đó tác động đến hành động của con người, khiến họ thậm chí không nhận ra là mình đang làm gì. Và đây cũng chính là cái mánh mà các nhà thiết kế sản phẩm sử dụng để đánh lừa tâm lý khách hàng. Họ lợi dụng sơ hở trong tâm lý (một cách hữu ý và vô ý) trong cuộc đua nhằm thu hút sự chú ý của bạn.
Tiếp theo phần trước, chúng ta cùng tìm hiểu thêm một số cách mà công nghệ thao túng tâm trí con người.
Cách thao túng số 6: Những chiếc bát không đáy – Nguồn cấp dữ liệu vô hạn và tự động
Một cách khác để thâu tóm người khác là khiến họ tiêu thụ mọi thứ, ngay cả khi họ không còn đói nữa.
Bằng cách nào? Rất dễ. Chỉ cần xem xét những thứ có giới hạn và hữu hạn, xóa đi điểm dừng của chúng, để biến chúng thành một dòng chảy vô hạn khiến bạn cứ thế xem tiếp.
Giáo sư Brian Wansink của Đại học Cornwell đã chứng minh điều này trong nghiên cứu của mình và cho thấy bạn có thể lừa mọi người tiếp tục ăn súp bằng cách cho họ một cái bát không đáy và tự động đầy lên trong khi họ ăn. Với những chiếc bát không đáy này, người ta sẽ ăn nhiều hơn 73% calo so với bình thường và đồng thời đánh giá lượng calo họ đã ăn vào thấp hơn so với thực tế 140 calo.
Các công ty công nghệ cũng khai thác chính nguyên tắc này. Các bản tin được thiết kế có mục đích để tự động tải thêm dữ liệu khiến bạn xem tiếp, từ đó khiến bạn không còn lý do nào để tạm dừng, xem xét lại hoặc rời đi.
Đó cũng là lý do tại sao các trang video và mạng xã hội như Netflix, YouTube hoặc Facebook tự động phát video tiếp theo sau khi đếm ngược thay vì chờ bạn thực hiện một lựa chọn có ý thức (trong trường hợp bạn không muốn). Một lượng lớn traffic trên những trang web này đến từ việc tự động mở nội dung tiếp theo.
Các công ty công nghệ thường tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ giúp người dùng dễ xem video họ muốn xem hơn” trong khi thực ra là họ phục vụ lợi ích kinh doanh của họ. Còn bạn không thể đổ lỗi cho họ, bởi vì ta càng “dành nhiều thời gian” thì càng tăng số doanh thu cho họ.
Vậy thì giải pháp là gì? Các công ty công nghệ cần trao cho bạn quyền tìm kiếm và xem một cách có ý thức sao cho bạn “sử dụng thời gian một cách hiệu quả”. Không chỉ giới hạn thời gian bạn dành cho nó, mà còn phải đảm bảo hiệu quả của việc “sử dụng thời gian” của bạn.
Cách thao túng số 7: Can thiệp tức thời và “Tôn trọng” trong việc cung cấp thông tin
Các công ty biết rằng những thông điệp khiến mọi người lập tức bị gián đoạn phải hấp dẫn hơn thì mới khiến họ hồi đáp nhanh hơn so với những thông điệp gửi không đồng bộ (như email hoặc hộp thư chờ).
Facebook Messenger (hay WhatsApp, WeChat hoặc SnapChat) đã thiết kế mặc định hệ thống nhắn tin để khiến người nhận bị lập tức ngừng việc khác lại (và hiển thị một hộp trò chuyện) thay vì giúp người dùng tôn trọng sự chú ý của nhau. Muốn không bị làm phiền, bạn phải tùy chỉnh lựa chọn trong Setting.
Nói cách khác, việc gián đoạn mọi người làm lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.
Họ còn muốn nâng cao cảm giác cấp bách và tương tác xã hội. Ví dụ, Facebook tự động báo cho người gửi khi nào bạn “xem” thông điệp của họ, thay vì cho phép bạn tránh tiết lộ điều đó (“bây giờ bạn biết tôi đã nhìn thấy thông báo rồi, vậy là rõ ràng tôi có nhiệm vụ phải phản hồi”).
Ngược lại, Apple tôn trọng người dùng hơn khi cho phép người dùng bật hoặc tắt tính năng “nhận báo cáo đã đọc thông điệp”.
Vấn đề là, việc tối đa hóa sự gián đoạn dưới danh nghĩa kinh doanh đã gây ra thảm họa cho nhận thức chung, phá hoại sự tập trung của con người khắp thế giới và gây ra hàng tỷ lần gián đoạn không cần thiết mỗi ngày. Đây là một vấn đề rất lớn mà chúng ta cần phải khắc phục bằng các tiêu chuẩn thiết kế chung (để có thể đảm bảo thời gian sử dụng hiệu quả).
Cách thao túng số 8: Xen lý do của họ vào lý do của bạn
Các ứng dụng còn có một cách khác để đánh cắp thời gian của bạn là lợi dụng lý do của bạn khi truy cập vào ứng dụng (để thực hiện một việc nào đó) rồi khiến những lý do đó gắn liền với mục đích kinh doanh của ứng dụng (tăng tối đa thời gian bạn sử dụng ứng dụng đó một khi đã truy cập).
Lấy ví dụ các cửa hàng tạp hóa trong thực tế, lý do phổ biến nhất thứ 1 và thứ 2 khiến người ta tới là để mua thuốc và sữa. Nhưng các cửa hàng tạp hóa muốn khiến người mua mua nhiều hàng nhất nên họ đặt kệ thuốc và sữa ở phía sau cửa hàng.
Nói cách khác, họ khiến điều khách hàng muốn (sữa, dược phẩm) không thể tách rời với những gì doanh nghiệp muốn. Nếu người ta muốn sắp đặt sao cho cửa hàng thực sự có thể hỗ trợ khách hàng, họ sẽ đặt những mặt hàng chủ yếu nhất của cửa hàng ở phía trước.
Các công ty công nghệ thiết kế trang web của họ cũng làm theo cách này. Chẳng hạn, khi bạn muốn tìm kiếm sự kiện xảy ra tối nay trên Facebook (lý do của bạn) thì ứng dụng Facebook không cho bạn tiếp cận sự kiện đó trước khi lướt qua các tin tức khác (lý do của họ) và họ thực hiện điều đó có chủ ý. Facebook muốn chuyển đổi mọi lý do của bạn khi sử dụng Facebook thành lý do của họ nhằm lợi dụng tối đa thời gian của bạn cho họ.
Thay vào đó, hãy hình dung nếu …
- Twitter cho bạn một cách khác để Tweet mà không phải xem tin tức của họ.
- Facebook cho bạn một cách khác để tìm kiếm sự kiện Facebook xảy ra tối nay mà không phải xem tin tức của họ.
- Facebook cho bạn một cách khác để sử dụng Facebook Connect như một hộ chiếu để tạo tài khoản mới trên các ứng dụng và trang web của bên thứ ba mà không bị buộc phải cài đặt toàn bộ ứng dụng, các bản tin và thông báo của Facebook.
Hãy hình dung một “dự luật về quyền” kỹ thuật số đưa ra các tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc các sản phẩm mà hàng tỷ người sử dụng để họ hướng trực tiếp đến những gì họ muốn mà không cần phải qua những can thiệp có chủ ý.
Hãy hình dung xem các trình duyệt web có cho phép bạn hướng trực tiếp đến những gì bạn muốn – đặc biệt là các trang web cố tình đánh lạc hướng bạn mà đi theo lý do của họ.
Cách thao túng số 9: Những lựa chọn bất tiện
Chúng tôi cho rằng việc các doanh nghiệp “đưa ra các lựa chọn có sẵn” như thế là đã quá đủ.
- “Nếu không thích, bạn luôn có thể sử dụng một sản phẩm khác.”
- “Nếu không thích, bạn luôn có thể hủy đăng ký.”
- “Nếu nghiện ứng dụng của chúng tôi, bạn luôn có thể gỡ cài đặt nó khỏi điện thoại của bạn.”
Các doanh nghiệp tự nhiên muốn tạo ra những lựa chọn mà họ muốn bạn dễ chọn hơn, và những lựa chọn mà họ không muốn bạn khó chọn hơn. Các nhà ảo thuật cũng làm thế. Bạn làm cho khán giả dễ chọn điều bạn muốn họ chọn, và khó chọn những thứ bạn…
Ví dụ như, NYTimes.com cho phép bạn “tùy ý lựa chọn” khi muốn hủy đăng ký trên mạng. Nhưng thay vì hiển thị nút nhấn “Hủy đăng ký”, họ sẽ gửi cho bạn một email có thông tin về cách hủy tài khoản của bạn bằng cách gọi một số điện thoại mà chỉ hoạt động vào những thời điểm nhất định.
Thay vì đưa ra quyết định thông qua việc xem xét những lựa chọn sẵn có thì chúng ta nên nhận định những tác nhân cần thiết để đưa ra lựa chọn. Hãy hình dung một thế giới với những lựa chọn mà trên đó ghi rõ mức độ khó khăn để đáp ứng (như hệ số ma sát) và có một tổ chức độc lập – hiệp hội ngành công nghiệp hoặc phi lợi nhuận – có nêu cụ thể những khó khăn này và đặt ra các tiêu chuẩn quy định việc chuyển hướng phải dễ dàng ra sao.
Cách thao túng số 10: Lỗi dự đoán – Chiến thuật “đặt chân lên cửa”
Cuối cùng, các ứng dụng có thể lợi dụng việc mọi người không có khả năng dự báo trước hậu quả của một cú nhấp chuột.
Thông qua một cú nhấp chuột, mọi người không thể dự đoán trước được chi phí thực tế của hành động này chỉ bằng trực giác. Những người bán hàng sử dụng các kĩ thuật “đặt chân lên cửa” bằng cách bắt đầu đưa ra một đề nghị vô hại nho nhỏ (VD: “chỉ với một click để xem tweet nào vừa được tweet lại”) rồi nâng dần mức độ (VD: “tại sao bạn không nán lại một lúc?”). Vậy là bạn sẽ dễ dàng bị lãng phí thời gian mà không tự biết. Hầu như các trang web tương tác đều sử dụng thủ thuật này.
Hãy hình dung nếu các trình duyệt web và điện thoại thông minh, các cổng thông tin mà mọi người thực hiện những lựa chọn này, đang thật sự quan sát mọi người và giúp họ dự đoán hậu quả của cú nhấp chuột (dựa trên dữ liệu thực về những lợi ích và chi phí thực của nó?).
Khi bạn đặt “chi phí thực sự” của một sự lựa chọn trước mặt mọi người, bạn đang đối xử với người dùng hoặc đối tượng bằng sự tôn trọng . Trong một thế giới lý tưởng như vậy, thì chi phí dự kiến và lợi ích của lựa chọn phải được xác định rõ, như thế mặc định là người ta phải được hỗ trợ để đưa ra lựa chọn có cơ sở chứ không phải là thực hiện thêm các việc khác.
Vậy làm sao để khắc phục vấn đề này?
Đây chỉ là 10 cách mà công nghệ thao túng tâm trí con người tiêu biểu nhất, song trên thực tế có tới hàng ngàn cách thức khác. Hãy hình dung toàn bộ giá sách, hội thảo, và chương trình đào tạo dạy những công nghệ kinh doanh đầy tham vọng như thế này. Hãy hình dung hàng trăm kỹ sư hàng ngày tìm ra những phương thức mới nhằm khiến bạn tiếp tục sử dụng sản phẩm của họ ra sao.
Sự tự do tối thượng là tự do về tâm trí, và chúng ta cần công nghệ hỗ trợ để chúng ta tự do sống, cảm nhận, suy nghĩ và hành động. Chúng ta cần điện thoại thông minh, màn hình thông báo và trình duyệt web trở thành phương tiện phục vụ cho tâm trí mình và các mối quan hệ với mọi người mà trước hết ưu tiên giá trị của chúng ta, chứ không phải đối kháng với chúng ta. Thời gian của mọi người rất quý giá. Và chúng ta cần bảo vệ nó cẩn thận cũng như bảo vệ quyền riêng tư và các quyền sử dụng ứng dụng kỹ thuật số khác.
Vy Vy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét