Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Chàng trai về Việt Nam cống hiến...


Chàng  trai  về  Việt  Nam  cống  hiến  vì  'Mỹ  quá  phát  triển  rồi'
Thứ ba, 27/11/2018 - VnExpress.net

Hùng John cho rằng ở Việt Nam, một nước đang phát triển, anh có thể chủ động tham gia và đóng góp nhiều hơn. Ảnh: Nguyễn Phượng.

"Mỹ quá phát triển, tôi ở đó hay không cũng như nhau. Nhưng nếu ở Việt Nam, tôi sẽ đóng góp được nhiều hơn", Trần Hùng John nói.
- Gần 6 năm qua kể từ lúc đi bộ 80 ngày dọc Việt Nam với chiếc ví rỗng, đến giờ anh vẫn kiên định từ bỏ nước Mỹ để ở lại Việt Nam, lý do lớn nhất là gì?

Trần Hùng John sinh năm 1989, là thế hệ thứ ba của một gia đình người Việt ở Mỹ. Năm 2010, khi đang học ngành tâm lý, Đại học Berkeley, lần đầu tiên anh về Việt Nam, và sau đó thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt - cho ra đời cuốn "John đi tìm Hùng" được tái bản 7 lần. Từ đó, anh quyết định ở lại.

- Sau khi tôi hoàn thành chuyến đi, mong muốn ở lại Việt Nam lâu dài rõ nét dần. Trước khi tốt nghiệp, tôi dự định sẽ làm việc ở công ty đầu tư tài chính từng thực tập. Mức lương họ đưa ra khá hấp dẫn, tương đương khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy một mối liên hệ mạnh mẽ với Việt Nam.

Nếu ở đây, tôi sẽ đóng góp được cho đất nước nhiều hơn so với Mỹ. Mỹ là một đất nước quá phát triển, tôi có ở đó hay không không có gì khác, nhưng ở Việt Nam, một nước đang phát triển, tôi có thể chủ động tham gia và đóng góp nhiều hơn.

Tôi quyết định ở lại và lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống vì thế. Sau khi xuất bản cuốn sách đầu tiên viết về chuyến đi dọc đất nước, tôi viết cuốn thứ hai về đề tài giáo dục trẻ em, xuất bản năm 2016. Đồng thời tôi còn viết báo, làm quản lý nhà hàng, làm cho ngân hàng, làm trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản, truyền thông...

- Anh nói muốn ở lại Việt Nam là để cống hiến, các công việc hiện tại của anh giúp gì cho điều đó?

- Hiện tại, tôi sống ở Hà Nội và làm 3 công việc cùng lúc. Đầu tiên là cố vấn ở một trường liên cấp, giúp các bạn học sinh cấp 3 tổ chức câu lạc bộ, hội học sinh, tham gia các hoạt động giao lưu với các trường quốc tế. Tôi thấy khi được trao quyền, đa phần các bạn học sinh khá chủ động.

Công việc thứ hai là huấn luyện viên bóng rổ tại một trung tâm do tôi lập ra, dùng bóng rổ như một nền tảng, thông qua đó giúp học viên học tiếng Anh, đào tạo kỹ năng sống.

Bên cạnh đó, tôi còn làm giám đốc quốc gia ở Việt Nam của một công ty tạo ra nền tảng chia sẻ video (kiểu như Youtube). Công việc ở đây khá bận rộn, thường xuyên phải di chuyển. Đây là công việc chiếm phần lớn thời gian của tôi.

Xoay xở với 3 công việc, quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp. Một ngày làm việc của tôi có khi kéo dài từ 8 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm. Tuy nhiên, tôi vui vì được làm những gì mình đam mê, đồng thời làm việc nhiều giúp tôi đóng góp được nhiều hơn cho xã hội.


Trần Hùng John (trái) tại trung tâm bóng rổ do anh sáng lập. Ảnh: T.H.J.
Trần Hùng John (trái) làm việc với các đồng nghiệp tại trung tâm bóng rổ do anh sáng lập. Ảnh: T.H.J.

- Tại sao anh không làm các việc đúng chuyên ngành mình đã học - ngành tâm lý, Đại học Berkeley (Mỹ)?

- Tất cả những việc tôi đã làm và dự định sẽ làm có vẻ rất khác nhau, nhưng đều liên quan chặt chẽ đến chuyên ngành tâm lý mà tôi đã học. Tôi được quan sát, trải nghiệm và tìm thấy niềm vui trong các công việc đó.

Trong tương lai, ngoài việc duy trì 3 hướng công việc hiện tại, tôi mong muốn sẽ thành lập một trung tâm tư vấn tâm lý cho trẻ tuổi teen. Trò chuyện với một số em học viên ở trung tâm bóng rổ, tôi nhận ra bạn trẻ Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề. Nhiều phụ huynh nghĩ là con mình hiền lành, ngoan, nhưng thực tế là các bạn ấy đang gặp nhiều khủng hoảng. Các em có thể đã hút thuốc, chơi ma túy mà phụ huynh không hề biết. Tôi nghĩ có khoảng 30% những em học sinh tôi gặp đã từng thử hút thuốc. Một số em đã quan hệ tình dục rất sớm, thậm chí từ khi mới 12, 13 tuổi. Tôi đã tư vấn cho khoảng 20 em học viên như vậy và muốn phát triển việc này thành một dịch vụ để mở rộng và giúp đỡ nhiều người hơn.

- Người thân của anh giờ đây nói gì về quyết định ở lại Việt Nam?

- Năm 2015 tôi đưa bà ngoại về Việt Nam. Bà cảm động vô cùng. Giờ đây bà cũng rất vui vì tôi đã quyết định về sống và làm việc lâu dài ở quê hương. Điều này là một sự thay đổi lớn lao, vì trước đó, khi biết tôi về Việt Nam, cả bà ngoại và mẹ đều phản ứng rất dữ... Bà ngoại thậm chí còn khóc, nói: "Bà đã phải liều mạng để đi khỏi Việt Nam, sao bây giờ cháu muốn trở lại?".

Bạn gái tôi - người tôi quen và đính hôn khi còn học ở Hà Nội - cũng rất ủng hộ những việc mà tôi đang làm.

- Chuyến đi bộ xuyên Việt đã thay đổi cuộc đời anh như thế nào?

- Chuyến đi giúp tôi hiểu hơn về Việt Nam, quan trọng hơn nó giúp tôi khám phá bản thân mình. Trong hành trình ấy, tôi đã vượt qua hàng nghìn cây số, mệt mỏi rã rời. Tôi đã được rất nhiều người giúp, nhưng có lúc tôi bị lừa, bị lôi kéo, bị dọa ném vào tù. Có lúc tôi bị tai nạn rồi nằm liệt giường vài ngày...

Sau chuyến đi, tôi nhận ra mình không còn 100% là anh chàng đậm chất Mỹ như trước, nhưng tôi cũng không phải 100% là người Việt. Tôi là Trần Hùng John, và tôi bình thản, cân bằng chấp nhận con người đó của mình, không phải cố chứng tỏ mình là người Việt như trước.

- Chấp nhận ở lại một đất nước kém phát triển hơn nhiều so với Mỹ, tâm thế của anh bây giờ ra sao?

- Sau một thời gian trải nghiệm, đất nước Việt Nam trong tôi giờ đây không toàn là "màu hồng". Thiên nhiên tươi đẹp, con người nồng hậu, hiếu khách nhưng xã hội Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề chưa thuận lợi cho phát triển. Đặc biệt là những khủng hoảng trong gia đình, khoảng cách thế hệ quá lớn, sự phát triển của mạng xã hội càng kéo dãn khoảng cách đó...

Ở Việt Nam tôi không có nhiều tiền, tôi thuê một căn chung cư nhỏ để sống và đi làm bằng xe máy. Tuy nhiên tôi chấp nhận cả điểm tốt và điểm chưa tốt, vì Việt Nam không còn là quê hương, mà đã thực sự là "nhà".

Nghĩ lại, nếu như tôi quay về Mỹ sống và làm một công việc lương cao như tôi đã dự định, thì sẽ rất tốt cho tôi và gia đình, về mặt tài chính. Nhưng như thế, tôi đã từ bỏ lý tưởng, những gì mà tôi đam mê.

Tôi cảm thấy mỗi ngày mình đang sống thật ý nghĩa và có những niềm vui mà ở Mỹ, dù có nhiều tiền đến mấy, tôi cũng không "mua" được.

Thầy Đỗ Quý Toản, đồng nghiệp của Hùng tại trường liên cấp Olympia ở Hà Nội chia sẻ: "Làm việc với Hùng John qua các giải đấu bóng rổ, cảm nhận đầu tiên về Hùng là một người rất năng động, nhiệt huyết và làm việc chuyên nghiệp. Sau này tiếp xúc nhiều hơn, tôi thấy anh chàng này rất hài hước, hòa đồng và có nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống, có lẽ xuất phát từ trải nghiệm qua các chuyến đi".

Nguyễn Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét