Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Thầy giáo tin học tạo hệ thống nuôi tôm thông minh


Thầy  giáo  tin  học  tạo  hệ  thống  nuôi  tôm  thông  minh
Thứ bảy, 8/12/2018-VnExpress

Anh Đào Phước Xoàn (áo đỏ) giới thiệu cho khách tham quan về cách vận hành hệ thống nuôi tôm thông minh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hệ thống có thể tự động cho tôm ăn, hút cặn bã thải, tạo oxy trong ao nuôi giúp tôm phát triển khỏe mạnh.
Tại khu triển lãm Techfest 2018 vừa tổ chức tại Đà Nẵng, mô hình khởi nghiệp sáng tạo nuôi tôm thông minh của Đào Phước Xoàn (29 tuổi, ấp An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) thu hút nhiều khách quan tâm.

Sinh ra ở vùng quê nghèo, Xoàn theo học Cao đẳng Bến Tre ngành tin học rồi liên thông lên Đại học khoa học tự nhiên ngành công nghệ thông tin với ước mơ thoát nghèo.

Tuổi thơ của Xoàn chứng kiến nhiều gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu phát triển, lợi nhuận cao nhưng rủi ro do nguồn nước ô nhiễm đã khiến nhiều hộ trắng tay.

Ra trường về dạy học tại Tiểu học An Thạnh và giúp gia đình nuôi thủy sản, Xoàn âm thầm nghiên cứu, chế tạo hệ thống nuôi tôm để người nhà thoát khỏi cảnh vất vả canh cho tôm ăn, nước ô nhiễm tôm chết hàng loạt.

Bằng kiến thức công nghệ thông tin vốn có, anh chế tạo hệ thống nuôi gồm máy cho tôm ăn, bộ hẹn giờ chạy quạt, bộ hẹn giờ xi-phông đáy ao (hút cặn bã đáy ao).

Anh Xoàn cho biết, toàn bộ hệ thống từ quạt chạy oxy, máy cho tôm ăn, máy hút chất thải, máy bơm nước từ ao cá sang ao tôm sẽ được vận hành tự động theo chu kỳ định sẵn tuần tự, giúp người nuôi tôm có thời gian quan tâm nhiều hơn đến từng chi tiết, đến môi trường sức khỏe của tôm thay vì phải vất vả đi tới từng cầu dao để mở quạt theo giờ và cho tôm ăn, hút chất thải của tôm.

Thêm nữa chất thải trong ao nuôi sẽ được giải quyết triệt để trong quá trình nuôi thông qua bộ hẹn giờ xi - phông đáy ao mà không phải chờ đến cuối vụ nuôi mới cải tạo ao.

Nhờ việc xử lý và tuần hoàn nước liên tục, nước trong quá trình nuôi được tái sử dụng mà không cần thay đổi. Khi thu tôm xong ao nuôi có thể thả giống mới sau 3 ngày thu hoạch cho kịp thời vụ và tăng được số lần nuôi trên một năm.

Quá trình vận chuyển nước được lắng tụ từ ao cá qua ao tôm và nước có cặn bã chất thải từ ao tôm qua ao cá thông qua máy bơm và ống trả nước

Cứ đến giờ cài đặt sẵn là máy vận hành cho tôm ăn, máy chạy quạt tạo oxy, máy xi-phông hút cặn bã trong ao khởi động, người nuôi đang ở nơi xa cũng có thể quan sát ao tôm của mình qua màn hình vi tính hoặc điện thoại thông minh.

Với máy nuôi tôm, người nuôi tiết kiệm được thời gian, công lao động, thức ăn, thuốc kháng sinh, khiến lãi thu về gấp 2-3 lần nuôi tôm thủ công.


Mô hình kết hợp nuôi tôm và cá rô phi được nhiều người quan tâm. Ảnh: Nguyễn Đông.

Điểm khác biệt khi sử dụng máy này sẽ giúp người nuôi có thể hạn chế thức ăn dư thừa ở đáy ao. Khi máy chạy 7 giây, quan sát thấy tôm ăn không hết, người nuôi có thể giảm thời gian máy phun thức ăn còn lại 5 giây.

Máy tự động phun thức ăn cho tôm còn có thể điều chỉnh viên nhỏ phun xa, viên lớn phun gần. Máy có thể cài đặt giờ phun và thời gian máy chạy cho tôm ăn trong 5-7 giây theo sức ăn của tôm.

Xoàn giới thiệu, với hệ thống này thay vì người nuôi tôm phải thường trực ở ao nuôi thì bây giờ chỉ cần cài đặt tự động các thiết bị. Hệ thống sẽ tự động cho ăn, sục khí và xử lý cặn bã trong ao nuôi.

Chế tạo thành công, anh Xoàn đưa vào vận hành hệ thống tại 1.500 m2 nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình. Mô hình từ cho ăn, chạy quạt, tự loại bỏ chất cặn bã giúp cải thiện môi trường nước, tôm lớn nhanh.

Để tận dụng thức ăn thừa, cặn bã của tôm, ở gia đình mình anh Xoàn còn thiết kế thêm ao nuôi cá rô phi bên cạnh. Tức là ao nuôi tôm, ao cá phi liền ranh và được thông nhau qua đường ống có lưới ngăn cá sang ao tôm. Ở ao nuôi tôm thiết kế máy cho tôm ăn cùng bộ hẹn giờ cho tôm ăn, bộ hẹn giờ chạy quạt, bộ hẹn giờ xi-phông.

Lý giải vì sao cần có ao cá phi cạnh ao tôm, anh Xoàn cho biết bệnh của cá phi không lây cho tôm và ngược lại. Khi bơm nước từ ao lắng nuôi cá sang ao tôm, nước trong ao tôm đảo chiều sang ao cá, cuốn theo cặn bã, tảo, xác tôm lột trong ao tôm sang ao cá, làm mồi cho cá ăn mau lớn, mập mà không phải tốn thức ăn.

Thấy gia đình anh áp dụng hệ thống vừa tiết kiệm chi phí, thời gian nuôi lại lợi nhuận tăng, nhiều bà con trong vùng đã đặt mua thiết bị.

Chỉ trong một năm anh bán được trên 700 bộ máy cho tôm ăn, doanh thu gần 2 tỷ đồng, lợi nhuận 283 triệu đồng.

Xoàn cho biết anh đang phát triển dòng sử dụng năng lượng mặt trời để những khi bị mất điện hệ thống vẫn chạy bình thường. Anh sẽ đăng ký bảo hộ thương hiệu để phát triển sản phẩm ngày càng xa hơn.

Bích Ngọc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét