Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

CHẤP NHẬN


CHẤP NHẬN   CHẤP NHẬN  CHẤP NHẬN
TRẦM THIÊN THU


THIÊN CHÚA NHÂN TỪ BAN ƠN CỨU ĐỘ
THẾ NHÂN TỤC LỤY HƯỞNG PHÚC BÌNH AN

Cuộc sống luôn nhiêu khê, phức tạp hơn người ta tưởng. Vì thế, cần hiểu biết quá khứ, tin tưởng vào tương lai, chấp nhận chính mình và người khác để có thể “nhẹ lòng” mà sống hết phần đời mình. Biết chấp nhận mình là tự tặng món quà cho mình, biết chấp nhận người khác là trao tặng món quà cho họ. Thật vậy, Brian Tracy (Canada) nói: “Món quà lớn nhất mà bạn có thể trao cho người khác là món quà của tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện – The greatest gift that you can give to others is the gift of unconditional love and acceptance”.
Đó là điều phù hợp với Mùa Vọng vì Mùa Vọng là mùa chia sẻ yêu thương – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cả cụ thể lẫn trừu tượng. Sắc Tím Mùa Vọng không phủ màu tím “buồn” mà là sắc tím thủy chung khi mong đợi Đấng Thiên Sai đến cứu độ nhân loại.
Hai ngọn nến tím đã được thắp lên, ngọn nến thứ ba được thắp lên mang sắc hồng vui mừng vì chúng ta đã kiên trì chờ đợi Chúa được nửa chặng đường Mùa Vọng, cũng đồng nghĩa rằng Ngài sắp đến: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4:4).
Mùa Vọng càng rút ngắn thì niềm hân hoan vui mừng càng dâng cao vì nhân gian sắp được đón Chúa Giêsu đến giải thoát nhân gian khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi, vì được lãnh nhận Ơn Cứu Độ. Niềm hy vọng ấy không mơ hồ, mà chắc chắn được toại nguyện.

VUI VẺ CHẤP NHẬN
Chấp nhận trái ngược với khước từ, nhưng chấp nhận cũng có hai kiểu khác nhau: chấp nhận vì yêu thích thì vui mừng, còn chấp nhận vì miễn cưỡng thì chẳng vui chi. Điều không vui hoặc điều buồn thì người ta thường muốn giữ kín, chỉ muốn ngồi một mình và tự gặm nhấm nó, nhưng niềm vui thì người ta muốn người khác cũng biết, đó cũng là một dạng chia sẻ – chia sẻ trong niềm vui nỗi mừng.
Thuở xưa, ngôn sứ Xôphônia phấn khởi mời gọi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi!” (Xp 3:14). Sao lại thế nhỉ? Lý do rất đơn giản mà kỳ diệu: “Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Ngài đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ” (Xp 3:15). Và rồi vào chính ngày ấy, người ta sẽ nói với Giêrusalem: “Này Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời” (Xp 3:16). Thật vậy, chớ hoang mang hoặc run sợ vì Thiên Chúa của chúng ta đang ngự giữa chúng ta, chính Ngài là Vị Cứu Tinh, là Đấng Anh Hùng. Không ai lại sợ hãi khi ở bên một vị oai phong lẫm liệt như vậy.
Mạnh mẽ xác định, ngôn sứ Xôphônia cho biết: “Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương Ta đã cất khỏi ngươi tai hoạ khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa” (Xp 3:17-18). Đó cũng là lời dành cho mỗi chúng ta – đặc biệt là ngay ngày hôm nay. Quả thật, chúng ta vui mừng có Chúa, và Ngài cũng vui mừng ở giữa chúng ta để chia vui sẻ buồn với chúng ta, dù chúng ta hoàn toàn bất xứng. Niềm vui tột đỉnh, hạnh phúc dạt dào. Thật tuyệt vời biết bao!
Trong niềm vui khôn tả đó, ngôn sứ Isaia quả quyết: “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (Is 12:2). Và ông cũng nói với tất cả chúng ta: “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó: Hãy tạ ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Ngài, vĩ nghiệp của Ngài, loan báo giữa muôn dân, và nhắc nhở: danh Ngài siêu việt” (Is 12:3-4). Như vậy, chúng ta cũng phải thể hiện cho mọi người biết niềm vui đang rạo rực trong lòng mình: “Đàn ca lên mừng Đức Chúa, vì Ngài đã thực hiện bao kỳ công. Hãy reo hò mừng rỡ, vì Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại!” (Is 12:5-6). Chắc chắn không ai có thể trì hoãn cái sự sung sướng đó.
Người ta nói rằng “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, thế nhưng chúng ta đang có những niềm vui trùng lặp – không chỉ theo cấp số cộng mà là cấp số nhân. Niềm vui nối tiếp điều mừng, Thánh Phaolô cũng chẳng giấu được nên phải lặp đi lặp lại lời động viên: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4). Thế nhưng không thể nói suông, mà phải thể hiện niềm vui đó qua cách sống “sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi” (Pl 4:5), lý do chính xác là “vì Chúa đã gần đến”. Lý do đơn giản mà to lớn và đặc biệt lắm.
Như đoán biết chúng ta còn e dè, ngần ngại, Thánh Phaolô tiếp tục động viên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:6-7). Niềm vui của Kitô hữu khác hẳn niềm vui của người không có niềm tin tôn giáo. Đạo Chúa là đạo của tình yêu thương, đạo của niềm vui mừng. Và dù có thế nào cũng vẫn vui, vui vì có Chúa, vui cả ngay trong nỗi buồn, vui vì luôn hy vọng và tin tưởng – tích cực chứ không tiêu cực.

TIN TƯỞNG CHẤP NHẬN
Chấp nhận là điều không dễ, cũng là dạng quyết định, càng khó hơn khi phải chấp nhận điều gì đó quan trọng, và lại càng khó hơn gấp bội khi điều đó cần có niềm tin. Thánh Bernadette lý luận đơn giản mà chí lý: “Đối với người tin thì không cần giải thích, đối với người không tin thì giải thích cũng vô ích”.
Xã hội Việt Nam ngày nay khiến dân chúng mất niềm tin, bởi vì những người hữu trách chỉ nói mà không làm – nói thẳng ra là “lừa đảo đúng quy trình”. Cướp giỏi mà hèn hạ khi phải đối mặt với sự thật. Nói hay mà làm dở thì quá tệ, hoàn toàn vô ích, không có tác dụng. Tân Ước nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10). Cựu Ước nói: “Con chó quay lại chỗ nó mửa, đứa ngu lặp lại chuyện ngu đần. Nếu con gặp một kẻ tự cho mình là khôn, thà hy vọng vào đứa ngu còn hơn” (Cn 26:11).
Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả là con ông Dacaria, và mệnh danh là Tiếng-Hô-Trong-Hoang-Địa, nhưng ông là người đầy uy tín. Khi đám đông hỏi: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Ông trả lời ngay: “Ai có hai áo thì CHIA cho người không có; ai có gì ăn thì cũng LÀM như vậy” (Lc 3:11). Ui da, sao mà khó quá! Ông này đúng là dị nhân chính tông đây. Ấy thế mà vẫn có những người thu thuế đến chịu phép rửa, và tôn ông là Sư phụ. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Ông bảo họ: “ĐỪNG ĐÒI HỎI gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3:13). Ngay cả binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì PHẢI LÀM GÌ?”. Ông bảo họ: “CHỚ hà hiếp ai, cũng ĐỪNG tống tiền người ta, HÃY an phận với số lương của mình” (Lc 3:14). Một câu ngắn mà có ba mệnh lệnh – hai xác định, một phủ định.
Ông Gioan chấp nhận “sống bụi” và muốn chia sẻ cách sống giản dị với mọi người – nghĩa là ông muốn chúng ta hành động như ông vậy: Chấp nhận đức tin và chia sẻ đức tin. Đó là sống theo chân lý, công bình, bởi vì mọi người có thể hiện công lý thì xã hội mới khả dĩ có nền hòa bình đích thực. Thể hiện công lý là tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của người khác. Những điều ông Gioan kêu gọi ngày xưa thì ngày nay là những điều thuộc lĩnh vực Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo. Ngày xưa “dị ứng” với chính trị, nhưng ngày nay đã có cách nhìn khác. Thánh GH Phaolô VI nói: “Chính trị là một trong những hình thức bác ái cao nhất”. Chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2019 (ngày 1-1, tết dương lịch) đề cập mối quan hệ giữa chính trị và hòa bình: “Chính Trị Tốt Phục Vụ Hòa Bình”.
Ngày xưa, trong khi tha thiết trông mong Đấng Cứu Thế, dân chúng thấy ông Gioan có phong cách lạ nên họ đặt vấn đề: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia?” (Lc 3:15). Thế nhưng ông xác định với mọi người thẳng thắn và rạch ròi: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi KHÔNG ĐÁNG cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: THÓC MẨY thì thu vào kho lẫm, còn THÓC LÉP thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3:16-17). Mùa Vọng là cơ hội tốt, là dịp may để thóc lép “hút” các dưỡng chất tâm linh mà có thể trở nên thóc mẩy.
Là người được Thiên Chúa đề cao, nhưng ông Gioan khiêm nhường nhận mình bất xứng, không đáng “cởi quai dép” chứ đừng nói chi là “xách dép” cho Chúa Giêsu. Ông biết người và biết mình nên ông chấp nhận. Vả lại, chính ông cũng đang mong đợi Đấng đến sau ông, vì người đó mới đích thực là Đấng Thiên Sai – Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.
Bất cứ lúc nào chúng ta mong chờ ai đó thì cũng chỉ vì quý mến người đó. Mong đợi Chúa, chắc chắn chúng ta cũng phải yêu mến Ngài, nếu không thì… “kẹt” lắm! Thật vậy, Thánh Phaolô đã khẳng định: “Nếu ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22). Rất rõ ràng, rất rạch ròi.

Lạy Thiên Chúa, hôm nay chúng con hân hoan vì Ngôi Lời sắp sửa đến ở với chúng con, để chia vui sẻ buồn, đồng lao cộng khổ, thông phần số phận với chúng con, và dạy chúng con những điều tốt lành. Xin giúp chúng con biết yêu mến Con Chúa, hiện thân của Chúa, mà dám sống “khác người”, đồng thời can đảm chấp nhận và chia sẻ mọi thứ với bất cứ ai – nhất là với những người hèn mọn nhất. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét