Thứ năm, 4/4/2024, VnExpress.net
6 điều nên cân nhắc trước khi nhảy việc
Một khảo sát gần đây của
Anh cho thấy Gen Z không kỳ thị việc thường xuyên nhảy việc, với 70% Gen Z đang
chủ động hoặc thụ động tìm kiếm công việc mới.
Động lực chính để tìm
công việc mới bao gồm có lương và sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần tốt hơn. Tuy
nhiên, nhảy việc cũng có một số nhược điểm, đó là hiện tượng "cú sốc chuyển
đổi".
Một cuộc khảo sát vào năm
2022 do The Muse thực hiện cho thấy 72% người nhảy việc đã trải qua cảm giác nhận
ra "đây không phải là điều họ mong đợi hoặc khiến họ tin tưởng" khi bắt
đầu một công việc mới.
Theo Rob Phelps, người
sáng lập tổ chức AI Jobs, nhảy việc là một quyết định quan trọng. Do đó, bạn có
những điều cần cân nhắc trước khi có lựa chọn mới.
Đam mê với
công việc hiện tại có còn không?
Điều đầu tiên nên tự hỏi
là liệu bạn có cảm thấy đam mê với việc mình làm hay không. Nếu về cơ bản bạn
đang "âm thầm bỏ cuộc" (quiet quitting), không hào hứng tìm kiếm những
thử thách mới và chỉ làm những việc tối thiểu, thì mong muốn chuyển việc có thể
không hoàn toàn vô căn cứ.
Rob giải thích, sự thiếu
động lực này là một dấu hiệu chắc chắn rằng vai trò hiện tại không tiếp thêm động
lực cho sự nghiệp của bạn và có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm kiếm điều gì đó khiến
bạn hứng thú trở lại.
Sức khỏe
tinh thần của bạn có đang bị ảnh hưởng không?
Có sự khác biệt lớn giữa
khoảng thời gian căng thẳng tại nơi làm việc và các vấn đề sức khỏe tâm thần
liên quan đến công việc, có thể gây ra cảm giác kiệt sức, sợ hãi khiến bạn khó
tắt máy, thư giãn và tận hưởng cuộc sống cá nhân.
Rob khuyên mọi người hãy
lắng nghe cơ thể và tâm trí, đồng thời xem xét tác động mà công việc đang gây
ra cho giấc ngủ, sự thèm ăn và tính khí nóng nảy của bạn.
Công việc
có chỗ cho sự phát triển của bạn không?
Trong một số trường hợp,
bạn có thể yêu thích công việc của mình nhưng vẫn phải rời đi vì không còn chỗ
để phát triển.
Theo Rob, dấu hiệu nhận
biết điều này là bạn cảm thấy như mình đã học được mọi thứ có thể và không còn
chỗ cho sự phát triển hay tiến bộ, hoặc bạn liên tục vượt quá mong đợi của người
quản lý nhưng không được thăng chức.
Giữ một vai trò trì trệ
có thể cản trở sự phát triển nghề nghiệp của bạn và đôi khi cách duy nhất để
thăng tiến là chuyển sang công ty khác.
Nỗi sợ hãi
vào ngày chủ nhật có xuất hiện không?
Nếu ý nghĩ phải quay lại
làm việc vào thứ hai khiến bạn sợ hãi và phải suy ngẫm xin nghỉ ốm, điều này
cho thấy cơ thể đang chỉ ra nhu cầu thay đổi nghề nghiệp.
Bạn và đồng nghiệp có hợp nhau không?
Mặc dù bạn không nhất thiết
phải trở thành bạn thân với đồng nghiệp nhưng việc bị bao quanh bởi những điều
tiêu cực, những kẻ buôn chuyện, thiếu tôn trọng hoặc bắt nạt có thể khiến bạn gặp
rắc rối. Môi trường này có thể gây ra tình trạng lo lắng và căng thẳng liên tục
có thể ảnh hưởng đến bạn cả về tinh thần và thể chất.
Bạn có cân
bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân không?
Một số người gắn bó với
công việc hơn những người khác, tuy nhiên nhìn chung, bạn cần luôn có thời gian
để làm những việc bên ngoài văn phòng, cho dù đó là giao lưu với bạn bè, đeo đuổi
sở thích cá nhân...
Việc thiếu cân bằng giữa
công việc và cuộc sống có thể dẫn đến sự kiệt sức, mệt mỏi.
Charlotte Davies, chuyên
gia nghề nghiệp tại LinkedIn - mạng xã hội việc làm toàn cầu, cho biết điều
quan trọng trước khi nhảy việc là bạn cần cân nhắc xem bạn coi trọng điều gì nhất
trong sự nghiệp của mình: vị trí, tài chính, các mối quan hệ.
Nếu cuối cùng, bạn đi đến
kết luận rằng vai trò hiện tại không thể mang lại cho bạn những gì bạn muốn, có
lẽ đã đến lúc bạn nên tìm một nơi nào đó có thể đáp ứng được mong đợi.
Thùy Linh (Theo Metro)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét