Fri, 12/04/2024 - Trầm
Thiên Thu
THUYẾT JANSEN hay KITÔ GIÁO?
Sau Công Đồng Vatican II,
nhiều người Công giáo, đặc biệt là các linh mục và chủng sinh trẻ, đã thấm nhuần
cái gọi là “tinh thần Vatican II” – một tinh thần hy vọng thực hiện những cải
cách Giáo Hội vượt xa những cải cách thực sự được Công Đồng chỉ định.
Tôi nhớ một linh mục trẻ
đã nói với chúng tôi trên bục giảng vào một ngày Chúa Nhật rằng Giáo Hội, mặc
dù đã tồn tại hơn 1.900 năm, nhưng chưa bao giờ thực sự hiểu được ý nghĩa của
Công giáo cho đến khi có Công Đồng Vatican II.
Bây giờ, đây là một linh
mục tốt, và ngài vẫn là một linh mục tốt (mặc dù bây giờ đã khá già), và ngài
đã mang lại lợi ích đáng kể cho cá nhân tôi. Tôi đánh giá rất cao về ngài. Dù
sao đi nữa, tôi chưa bao giờ nghe bài giảng nào ngu ngốc hơn bài giảng mà ngài
nói với chúng tôi rằng Công Đồng Vatican II lần đầu tiên tiết lộ ý nghĩa của đạo
Công giáo – và tôi bảo đảm rằng tôi đã nghe hàng trăm, nếu không phải hàng
ngàn, bài giảng ngu ngốc.
Nếu ngài nói đúng thì
trong số những người không hiểu đạo Công giáo có các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ của
Giáo Hội và vài trăm giáo hoàng, chưa kể đến chính các Tông Đồ.
Trong số những điều mà
người Công giáo trước đây không hiểu được (theo tinh thần điển hình của Công
giáo Vatican II) là nhân đức khiết tịnh, mặc dù là điều tốt, nhưng hầu như
không phải là điều tốt như chúng ta thường nghĩ. Trước Công Đồng, chúng ta nghĩ
rằng khiết tịnh là nhân đức có tầm quan trọng tối thượng, có thể sánh ngang với
đức ái. Nhưng dưới thời kỳ mới, giờ đây những người Công giáo hậu Công Đồng
Vatican II biết rõ hơn. Chúng ta thấy rằng khiết tịnh chỉ là nhân đức “thứ yếu”
so với việc yêu thương người lân cận, và cũng không đáng kể so với công lý, đặc
biệt là công bằng xã hội.
Thật tốt (theo những người
Công giáo tiến bộ như vậy) đối với những người Công giáo, thậm chí cả những người
khác, tránh xa những người không phải là vợ/chồng của mình. Nhưng tốt hơn – và
tốt hơn nhiều, hãy nhớ đến những người nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số, kể cả
những nhóm thiểu số về giới tính, đặc biệt là những người đồng tính luyến ái.
Có dấu vết của thái độ đó trong Tuyên ngôn “Infinite Dignity” (Phẩm Giá Vô hạn)
vừa được Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành đầu tháng 4-2024.
Sự nhấn mạnh thái quá về
đức khiết tịnh đến từ đâu (theo sự khôn ngoan hậu Công đồng)? Chắc chắn không
phải từ Chúa Giêsu, Đấng thường xuyên nói về việc yêu thương người lân cận,
nhưng hiếm khi nói về đức khiết tịnh. Vào dịp đáng nhớ nhất khi Ngài nói đến sự
dâm ô, Ngài đã từ chối tham gia cùng những người theo Thanh giáo thời của Ngài
để trừng phạt một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.
Khi nói chuyện trực tiếp
với cô nàng, Ngài khiển trách cô, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ nhàng. Nếu Ngài ôn hòa
như vậy khi đáp lại hành vi ngoại tình, hãy tưởng tượng thái độ của Ngài phải
ôn hòa như thế nào đối với tội gian dâm nhẹ hơn. Còn về vấn đề đồng tính luyến
ái, Ngài chưa bao giờ đề cập đến vấn đề đó.
Vậy tại sao chúng ta lại
tưởng tượng sai lầm rằng gian dâm là một tội nặng “chết người” chứ? Những người
theo tinh thần Công Đồng Vatican II đã có lời giải thích. Công giáo Hoa Kỳ đã bị
ảnh hưởng quá mức bởi Công giáo Ireland, vốn bị định hình một cách sai lầm bởi
tà thuyết Jansen. [*]
Thuyết Jansen là thần học
phổ biến tại các chủng viện ở Pháp và Bỉ có sự tham dự của các linh mục tương
lai đến từ Ireland, những người, trong 200 năm trước 1795 (năm thành lập Chủng
viện Maynooth), không thể học làm linh mục ở nước nhà vì kẻ đàn áp theo Tin
Lành gốc Anh của họ không cho phép mở chủng viện Công giáo ở Ireland.
Những người theo thuyết
Jansen là ai? Họ là những người theo chủ nghĩa Calvin theo Công giáo. Có nghĩa
là, họ là những người Thanh giáo. Ireland là một quốc gia Thanh giáo (giống như
Massachusetts thời kỳ đầu), trong thế kỷ 19 và 20, các linh mục người Ireland,
trong cách đọc lịch sử này, đã áp đặt Thanh giáo của họ lên người Công giáo Mỹ.
Nhưng nhờ “tinh thần
Vatican II” phát hiện ra rằng khiết tịnh không phải là một nhân đức thực sự vĩ
đại, các chủng viện Công giáo trong những năm 1970 và 1980 đã sản sinh ra nhiều
linh mục mềm mỏng về đức khiết tịnh, nhiều người trở thành đồng tính luyến ái,
và hơn thế nữa, một số lạm dụng tình dục các thiếu niên. Làm cho tình hình trở
nên tồi tệ hơn, một số linh mục đồng tính hoặc có cảm tình với người đồng tính
đã vươn lên làm giám mục và làm ngơ trước các vụ bê bối lớn về linh mục đồng
tính.
Nhưng tại sao những người
theo Kitô giáo thời kỳ đầu, chẳng hạn như những người ở Ai Cập, Syria và Hy Lạp,
mặc dù họ không được các linh mục người Ireland dạy dỗ, lại tin rằng khiết tịnh
là một nhân đức có tầm quan trọng to lớn? Bởi vì các yếu tố này:
1.
Kitô giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo, vốn đặt trọng tâm lớn vào đức khiết tịnh
– mặc dù người Do Thái cổ đại, ngoại trừ người Essenes, không đi quá xa đến mức
khuyến khích việc sống độc thân như những người Kitô giáo thường làm.
2.
Những người ngoại cải đạo sang Kitô giáo bị thu hút bởi lý tưởng khiết tịnh của
Kitô giáo, ít nhất một phần là do phản ứng tiêu cực của họ đối với tình trạng
buông thả tình dục phổ biến ở phần lớn Đế chế La Mã.
3.
Chúa Giêsu chưa bao giờ kết hôn, và chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài, một người
Do Thái tốt lành, chưa kể đến thần tính của Ngài, chưa bao giờ có quan hệ tình
dục.
4.
Địa vị rất cao được trao cho Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu trong Tân Ước và Kitô
giáo thời kỳ đầu nói chung – Đức Maria đã thụ thai Chúa Giêsu khi là một trinh
nữ.
5.
Đức Mẹ là trinh nữ suốt đời. (Điều này không được đề cập trong Tân Ước nhưng được
nhiều người theo Kitô giáo thời sơ khai đã tin như vậy.)
6.
Chúa Giêsu dạy rằng những người ở trên Thiên Đàng không kết hôn. Từ đó, dường
như cuộc sống giống Thiên Đàng nhất trên trái đất sẽ là cuộc sống khiết tịnh độc
thân.
7.
Chúa Giêsu dạy: “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không
có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những
người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.” (Mt 19:12)
8.
Chúa Giêsu lên án không chỉ các hành vi dâm ô mà cả những ham muốn dâm đãng nữa,
vì chúng tương đương với tội ngoại tình trong lòng.
Tóm lại, Giáo Hội sơ khai
coi đức khiết tịnh là nhân đức lớn lao. Vì vậy, những người Công giáo hiện đại
coi khiết tịnh là đức tính cao cả sẽ không cúi đầu trước ảnh hưởng xấu xa của
tà thuyết Jansen ở Ireland. Họ đang cúi đầu trước ảnh hưởng thiêng liêng của
Kitô giáo nguyên thủy. Nghĩa là họ đang cúi đầu trước ảnh hưởng của Chúa Giêsu,
Mẹ Maria và các Tông Đồ.
DAVID CARLIN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
[*] Thuyết Jansen
(Jansenism) của thần học gia Công giáo Cornelis Jansen (1585–1638), khoảng
1656-1657, dựa trên thuyết tiền định luân lý (moral determinism). Các nguyên tắc
thần học của Cornelis Jansen nhấn mạnh sự tiền định, phủ nhận ý chí tự do, cho
rằng bản chất con người hư hỏng, không thể tốt lành, còn Chúa Kitô chỉ chết cho
những người được chọn chứ không chết cho mọi người. Giáo Hội Công giáo kết án
thuyết này là lạc giáo. Thuyết này bị những người cải cách trong giới giáo sĩ,
tu sĩ và học giả Công giáo Âu châu Tây phương phản đối, và bị kết án là tà thuyết.
Bị ảnh hưởng các tác phẩm của thánh Augustinô, nhất là sự tấn công của thánh
Augustinô đối với thuyết Pelagianism (phủ nhận tội tổ tông) và thuyết ý chí tự
do, Jansen theo thuyết của thánh Augustinô về sự tiền định và sự cần thiết của
Ơn Chúa, một lập trường bị Công giáo La Mã coi là gần với thuyết của Calvin, đã
cấm lưu hành cuốn The Augustinus của ông năm 1642. Sau khi Jansen chết năm
1638, những người theo ông đã lập cơ sở tại tu viện ở Port-Royal, Pháp. Blaise
Pascal, một đệ tử trung thành của Jansen, đã bảo vệ các giáo huấn của họ trong
Provincial Letters (1656–1657). Năm 1709, vua Louis XIV ra lệnh bãi bỏ tu viện
này. Những người theo Jansen bắt đầu lập Giáo Hội Jansen năm 1723 và tồn tại tới
cuối thế kỷ 20.
*************
TÁI LẬP ĐỀN THỜ
Cả bốn Tin Mừng đều kể về
việc Chúa Giêsu dọn dẹp Đền Thờ. Tuy nhiên, Tin Mừng Thánh Gioan cung cấp chi
tiết nhất về những gì đã diễn ra, làm chứng rằng thánh sử đã có mặt tại sự kiện
này. (Ga 2:13-22) Chúa Giêsu lên Giêrusalem để cử hành Lễ Vượt Qua, lễ kỷ niệm
việc dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và giao ước mà Thiên Chúa thiết
lập với dân Do Thái trong hoang địa.
Chúa Giêsu thấy trong Đền
Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Ngài
liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ;
còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.
Ngài nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng
biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
Khi gọi Đền Thờ là “nhà
Cha tôi,” Chúa Giêsu tiết lộ rằng ngài là Con của Chúa Cha. Là Con nhập thể của
Chúa Cha, Chúa Giêsu là người trông coi Nhà Chúa Cha – ngôi đền nơi Chúa Cha ngự.
Sự khác biệt rất đặc biệt của Ngài với tư cách là Con nhập thể của Chúa Cha đem
lại cho Ngài quyền lực vô song đối với Nhà Cha, và do đó có quyền tẩy sạch Đền
Thờ khỏi tất cả những gì vô đạo. Sau này các môn đệ nhớ đến câu Kinh Thánh: “Vì
nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.” (Tv 69:10) Chúa Giêsu đã ứng
nghiệm lời tiên tri đó.
Tuy nhiên, trước hành động
của Chúa Giêsu, những người Do Thái sửng sốt và giận dữ đòi một dấu lạ chứng thực
thẩm quyền của Ngài trong việc thực hiện một hành động chưa từng có như vậy, và
Chúa Giêsu đáp lại: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây
dựng lại.” Người Do Thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây
xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”
Chữ “này” có ý nghĩa về mặt
thần học. Một mặt, “đây” là ngôi đền đá ngay trước mặt họ. Mặt khác, đó là
chính Ngài: “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài. Vậy, khi
Ngài từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Ngài đã nói điều đó, họ tin vào
Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.”
Với tư cách là Con Thiên
Chúa nhập thể, Chúa Giêsu là Đền Thờ mới và sống động, “nơi Ngài, tất cả sự
viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể.” (Cl 2:9) Trước sự hiện diện của
Thiên Chúa, người ta không cần phải hành hương lên Giêrusalem và vào Đền Thờ nữa.
Đúng hơn, Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, và do đó, Thiên Chúa hiện là nhà tạm
giữa loài người.
Chúa Giêsu là “Nhà Chúa
Cha” mà Con Ngài đang ngự. Để hiệp thông với Chúa Cha, người ta phải ở trong
Người Con nhập thể. Bây giờ Đền Thờ trở nên thừa. Đó là sự báo trước mang tính
tiên tri về Sự Nhập Thể, và giờ đây, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, nó đã mất
đi mục đích mà nó được xây dựng.
Hơn nữa, nếu Chúa Giêsu,
với tư cách là Con Thiên Chúa nhập thể, là Đền Thờ mới và sống động, thì bây giờ
Ngài phải dâng hy lễ Vượt Qua hoàn hảo, trong đó Ngài sẽ thiết lập một giao ước
mới và vĩnh cửu. Tương tự, qua giao ước mới này, Chúa Giêsu phải tẩy sạch thế
giới tội lỗi và loại bỏ sự chết, vì chỉ khi được tẩy sạch tội lỗi và lời nguyền
chết chóc, nhân loại mới có thể bước sang một cuộc sống mới thánh thiện. Chúa
Giêsu thực hiện điều này qua cái chết hy sinh và sự phục sinh vinh quang của
Ngài.
Người Do Thái đã tiêu diệt
Chúa Giêsu, Đấng là “Đền Thờ” này, bằng cách đóng đinh Ngài. Nhưng với tư cách
là Đền Thờ sống động, Chúa Giêsu trở thành vị Thượng Tế hoàn hảo qua việc bị
đóng đinh, người dâng hy lễ Vượt Qua hoàn hảo của giao ước mới. Việc hy sinh
chính mình trong Lễ Vượt Qua có hiệu nghiệm được thấy ở việc Chúa Giêsu sống lại
từ cõi chết một cách vinh quang vào ngày thứ ba. Khi làm như vậy, với tư cách
là Người Con phục sinh của Chúa Cha, Chúa Giêsu giờ đây trở thành Đền Thờ vinh
hiển trên trời, là Nhà Mới của Chúa Cha, trong đó mọi người đều được đến với
Cha trên trời của Ngài.
Thánh Phêrô trình bày một
cách tuyệt vời về mối quan hệ giữa Chúa Giêsu là Đền Thờ phục sinh và những ai ở
trong Ngài: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại
bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng
anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy
để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp
lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2:4-5)
Chúa Giêsu phục sinh là
viên đá sống động bị con người loại bỏ nhưng được Thiên Chúa chọn làm đá góc tường
của Đền Thờ sống động và trao ban sự sống. Những ai ở trong Chúa Giêsu phục
sinh cũng trở thành những viên đá sống động trong ngôi nhà thiêng liêng mới của
Chúa Cha, vì họ đã trở thành những tư tế thánh thiện dâng hy lễ thiêng liêng nhờ,
với và trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh.
Là một phần của sự tàn
phá thành Giêrusalem, “Đền Thờ này” cũng bị người La Mã phá hủy. Các môn đệ đã
chỉ cho Ngài vẻ đẹp của Đền Thờ. Nhưng Ngài nói: “Anh em nhìn thấy tất cả những
cái đó, phải không? Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào
trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ.” (Mt 24:2) Và điều đó đã xảy ra vào
năm 70 sau Công Nguyên.
Hầu hết mọi người có thể
cho rằng sự phá hủy đó chỉ là một sự kiện lịch sử đơn giản cần được ghi nhận.
Tuy nhiên, nó không thể đứng vững được nữa, vì nếu nó vẫn còn, nó sẽ là một dấu
hiệu đối lập với “Đền Thờ này” là Chúa và Đấng Cứu Thế phục sinh – Chúa Giêsu
Kitô. Hiện nay, sự vắng mặt của nó vẫn là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Đền
Thờ sống động không thể phá hủy.
Trong sách Khải Huyền,
Thánh sử Gioan có một thị kiến về Giêrusalem trên trời: “Trong thành, tôi không
thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của
thành.” (Kh 21:22) Tại Giêrusalem trên trời, không cần có Đền Thờ, vì trên Trời
người ta ở trọn vẹn, hiệp thông với Con Chiên hằng sống, trong Nhà Chúa Cha –
ngôi nhà không bao giờ bị phá hủy.
LM. THOMAS G. WEINANDY,
OFM, CAP.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét