Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Bệnh do chấy rận

 

Thứ tư, 24/4/2024, VnExpress.net

Bệnh  do  chấy  rận


Chấy rận xuất hiện nếu quần áo hay môi trường không sạch sẽ, cắn hút máu người và động vật, gây ngứa ngáy khó chịu.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.

Bệnh do chấy rận là gì?

- Chấy hay chí (gọi theo phương ngữ vùng miền) là loài côn trùng ký sinh cư trú ở trên da và tóc đầu người.

- Chấy sinh sống bằng cách hút máu vật chủ người cũng như thú vật. Chúng có cấu trúc ở phần miệng được thiết kế đặc biệt để xuyên qua da người và lấy máu.

- Chấy cắn gây ngứa, khó chịu cho con người, thường gặp nữ nhiều hơn nam.

- Chấy xuất hiện trong những điều kiện vệ sinh cá nhân kém hoặc sinh hoạt tập thể dùng chung các đồ dùng như quần áo, lược chải tóc, đặc biệt là trẻ tuổi đi học và học bán trú.

- Chấy thường phát tán qua sự tiếp xúc như chỗ ngủ chật chội, khu tập thể, doanh trại, nhà trọ hay trường học...

- Chấy không có cánh, kích thước cỡ 1,5-3 mm, mắt thường có thể nhìn thấy. Miệng có 6 đôi móc để bám vào da và một mũi nhọn chích hút máu người.

- Chấy rận có vòng đời với 3 giai đoạn là trứng, thiếu trùng và trưởng thành. Quá trình phát triển từ trứng đến trưởng thành mất khoảng 2 tuần. Chấy đẻ khoảng 200-300 trứng sau khi giao phối, trứng hình bầu dục, màu hơi vàng và thường nằm ở gần chân tóc. Trứng nở và trưởng thành trong khoảng 7 đến 12 ngày. Trung bình chấy sống khoảng 30 ngày, có thể sống sót suốt 48 tiếng dù không được hút máu.

- Chấy, rận trưởng thành có thể sống nhờ việc hút máu vài lần trong một ngày, nhất là môi trường ấm, như trên da người và động vật. Nếu vài ngày không được tiếp xúc với cơ thể người hay động vật, chấy sẽ chết.

- Ngoài ra, chấy rận có thể là vật trung gian truyền bệnh quan trọng, truyền bệnh sốt phát ban, sốt hồi quy, sốt chiến hào... Những vụ dịch sốt phát ban do chấy rận gây ra có thể gây biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Triệu chứng

- Khi bị chấy cắn, người ta có cảm giác ngứa ngáy phải gãi đầu liên tục, có cảm giác kim chích trên da đầu, xuất hiện vệt đỏ trên da đầu, cổ hoặc vai, có vảy vùng da đầu.

- Chấy là loài hoạt động về đêm, do đó hay gây khó chịu nhất cho con người là vào ban đêm.

- Trường hợp chấy rận quá nhiều có thể làm nhiễm trùng da đầu và gây rụng tóc.

Chẩn đoán

- Bác sĩ kết hợp khám lâm sàng, xác định triệu chứng qua việc hỏi thăm những thói quen vệ sinh, sinh hoạt để có định hướng bệnh chấy rận.

- Các kỹ thuật chẩn đoán như tìm trứng chấy rận, tìm con trưởng thành để chẩn đoán.

Điều trị

- Có nhiều loại thuốc có khả năng điều trị hiệu quả. Tùy từng trường hợp và tình trạng người bệnh, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp đạt kết quả điều trị cho người bệnh.

- Bản thân người bệnh cũng có thể tự điều trị:

Bắt trứng và chấy trưởng thành bằng lược đặc biệt.

Kiểm tra kỹ các nơi trên cơ thể có nguy cơ bị chấy rận để đảm bảo bệnh được điều trị tận gốc.

Kiểm tra các vị trí có thể nguy cơ chấy rận trú ngụ như quần áo, tủ quần áo, giường, chiếu, đệm...

Đảm bảo nơi ở được vệ sinh sạch sẽ, không còn nguồn bệnh lây lan.

- Người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được kê toa và dùng theo chỉ định, tránh tác dụng phụ do thuốc.

Phòng ngừa

- Giặt quần áo, vật dụng bằng nước nóng. Chấy và trứng chấy không thể chịu được nhiệt độ cao. Chúng có thể chết sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao ít nhất 60 độ C và làm khô bằng nhiệt ít nhất 20 phút.

- Giặt bất cứ thứ gì chạm vào da hoặc da đầu của người bệnh, như áo khoác, mũ, khăn quàng cổ, vỏ gối, ga trải giường, băng đô...

- Đối với quần áo không giặt được, nên phơi nắng hoặc ủi bằng bàn là trước khi sử dụng. Có thể cho vật dụng dễ lây nhiễm này vào trong túi nylon ít nhất trong hai tuần.

- Hút bụi thảm, ghế sofa, vải bọc, đồ nội thất, sàn nhà để loại bỏ lông có thể có trứng chấy bám vào.

- Đối với những bề mặt như ghế sofa hay nệm, dùng các loại thuốc xịt diệt chấy rận và trứng của chúng. Sau khi xịt thuốc diệt, bạn không nên sử dụng những đồ vật này ngay. Hãy đợi khoảng hai tuần rồi sử dụng lại.

- Khu vực tập thể, như lớp mẫu giáo, cần giữ vệ sinh chung sẽ giảm được bệnh do chấy rận và rất nhiều lợi ích khác.

- Dùng thuốc trị chấy rận (Pediculicides) dưới dạng dầu gội, sữa tắm, kem xả... Nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn mỗi khi sử dụng thuốc này, nhất là cho trẻ nhỏ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét