Dê trắng Dê đen
(Lm Giuse Nguyễn Hữu An - 2/8/2015-Vietcatholic)
(Lm Giuse Nguyễn Hữu An - 2/8/2015-Vietcatholic)
Xuân Ất Mùi đang về, tản mạn ngụ ngôn “Dê đen - Dê trắng” và tính cách người tuổi Mùi.
1. Ngụ ngôn Dê đen và Dê trắng
Một gia đình nông dân nọ có nuôi một đàn dê, trong đó có một chú Dê đen. Các con Dê trắng rất kiêu ngạo vì bộ lông trắng phau như tuyết, thường tỏ ra coi thường Dê đen, mô tả dê đen “giống như một kẻ nghèo hèn với chiếc áo bẩn thỉu”.Ngay cả ông chủ cũng coi thường Dê đen, ông ta chỉ cho Dê đen ăn những loại cỏ kém chất lượng, thỉnh thoảng còn đánh đập Dê đen vì “tội” tranh ăn với Dê trắng. Dê đen rất đau lòng khi phải sống những ngày tháng cô đơn vì bị mọi người phân biệt đối xử, ghét bỏ và xa lánh.Một ngày đầu Xuân, cả đàn dê cùng ra ngoài ăn cỏ, chúng đi rất xa. Đột nhiên trời đổ một trận mưa tuyết lớn, cả đàn đành nấp vào một bụi cây. Một lúc sau, xung quanh bụi cây đã phủ đầy tuyết trắng. Do tuyết dày nên cả đàn dê không sao ra được, chỉ còn cách ngồi chờ chủ đến cứu.Ông chủ lên núi tìm đàn dê của mình, nhưng vì xung quanh toàn tuyết trắng, nên ông không sao phát hiện ra đàn dê ở đâu. May mắn thay, từ xa ông nhìn thấy có một đốm đen. Khi chạy tới, quả nhiên cả đàn dê đang bị kẹt ở đó, và đốm đen kia chính là Dê đen. Ông chủ ôm lấy Dê đen và thốt lên: “May mà nhờ có mày, nếu không cả đàn đã chết cóng vì tuyết rồi”. Các Dê trắng cũng ôm lấy Dê đen và cảm ơn rối rít. (x. Ephata 640, Bản dịch của Trầm Thiên Thu).
Ngụ ngôn “Dê trắng và Dê đen” gợi nhớ câu chuyện Phúc Âm: hai người lên Đền Thờ cầu nguyện (Lc 18,10-14). Sự tương phản giữa hai thái độ của con người. Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đức ái hơn nguời khác. Người thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát, khinh chê. Hai mẫu người đối lập cùng bước vào Đền thờ và làm cùng một công việc là cầu nguyện. Tại đây, sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét khi tâm tính và thái độ sâu kín được bộc bạch trước nhan Thiên Chúa. Người Biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Chúa vì con không giống các người khác, không tham lam, không bất công, không ngoại tình hay như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng một phần mười thu nhập của con. Người Biệt phái đang báo cáo thành tích. Ông nói điều ông đã làm và những gì ông làm thì không chê vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi, thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy. Thường người ta chỉ ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông ăn chay hai ngày trong tuần. Luật buộc các nông dân nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân tất cả thu nhập của ông. Đây là lời cầu nguyện mà nhiều người Do thái thời ấy mơ ước. Không thấy ông xin gì cho bản thân. Lời cầu nguyện chỉ là lời tạ ơn. Điều đáng tiếc là lời cầu nguyện của ông đầy nét tự hào, tự mãn và khinh bỉ tha nhân: Vì tôi không như bao người khác, tôi không như tên thu thuế kia. Rõ ràng người Biệt phái tốt lành quảng đại nhưng lại tự phụ khoe khoang, khinh người. Đây là biểu tượng cho hạng người hay chúc tụng, tôn thờ bản thân mình. Thật đúng, kiêu căng đứng trước trong danh sách bảy mối tội đầu.
Người thu thuế đến thú tội, anh ý thức mình là tội nhân nên run rẩy xấu hổ, đầu cúi xuống chẳng dám ngước lên. Anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người Pharisiêu (hay như tên thu thuế kia), nên anh thấy khỏi cần cáo tội mình. Anh chỉ còn đặt mình trước nhan Thiên Chúa một cách trung thực và khẩn khoản nài xin: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hoà với anh em. Anh chỉ đứng xa xa vì thấy mình bất xứng. Lời cầu hết lòng khiêm tốn đó có sức an ủi anh ngọt ngào biết bao. Anh cảm thấy đầy niềm tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, vì anh biết rằng: dù tội lỗi như Aaron đúc bò vàng cho toàn dân thờ, dù thủ đoạn như vua Đavít đã cướp vợ giết chồng người khác nhưng họ đã hết lòng ăn năn sám hối và Thiên Chúa đã sẵn lòng tha thứ; dẫu rằng cả toàn dân bỏ Chúa và bị bắt lưu đày Babylon, lại bị thủ tướng Aman ra tay diệt trừ nhưng trong cơn cùng khốn như thế, hoàng hậu Ette cùng toàn dân đã biết ăn năn sám hối tội lỗi, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ; hay tội lỗi như dân ngoại Ninivê, Thiên Chúa còn thương, bắt buộc Ngôn sứ Giona đến rao giảng cho họ biết cải tà qui chính, Thiên Chúa liền tha thứ cho họ khi họ sám hối chân thành. Thấy tất cả những sự kiện lịch sử thống hối đó, người thu thuế càng thêm tin tưởng vào lòng thương xót khoan dung cùa Thiên Chúa, anh càng đấm ngực hết lòng ăn năn.
Đức Giêsu kết luận: Người thu thuế trở nên công chính còn người biệt phái thì không được…. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Người thu thuế ra về và được tha hết mọi tội, tâm hồn thành trắng trong. Người biệt phái ra về tội lỗi vẫn cứ còn đó. Cái tôi nặng quá nên còn phải gánh thêm sức nặng của tội lỗi nữa, thật đáng thương cho đời một người quá tự kiêu tự mãn.
Tội lỗi hay hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn thói kiêu căng. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi nên đã làm mất đi sự công chính, nhưng hành động khiêm tốn biết nhìn nhận mình tội lỗi và hết lòng thống hối nên được công chính trước Thiên Chúa. Khiêm nhường có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính. Trái lại, kiêu ngạo tự mãn có thể biến điều tốt thành điều xấu. Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, là gốc rễ của các nhân đức. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã nói: Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và gái điếm, nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hoả ngục có cả Hồng Y, Giám Mục nhưng không có người khiêm nhường.
Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút kiêu ngạo cũng quá nhiều. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở tâm hồn ra để đón nhận. Tội lỗi hay công đức đều có thể làm người ta khép lại hay mở ra. Điều quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa.
2. Năm Dê và người tuổi Mùi
Ngụ ngôn “Dê đen và Dê trắng” gợi lên ý tưởng sống đẹp. Trong một nhóm, một hội đoàn, một tổ chức…mỗi người một tài năng, mỗi người một tính cách “bá nhân bá tánh”, ai cũng có sở trường và sở đoản, không ai bất tài vô dụng và cũng chẳng ai toàn diện tài giỏi về mọi lĩnh vực. Vì vậy mình không nên thiển cận, đừng thành kiến và không đánh giá người khác theo hình thức bề ngoài. Cuộc sống luôn luôn cần tình yêu thương trong lối nhìn lối nghĩ về tha nhân.
Người tuổi Mùi sinh vào năm 1943, 1955, 1967, 1979, 1991, 2003. Năm Ất Mùi cầm tinh con Dê là con vật dịu dàng và ôn hòa. Người tuổi Mùi vui vẻ, chân thật, thân thiết, sâu sắc, tốt bụng, dễ động lòng trắc ẩn với nỗi bất hạnh của người khác. Do đó, họ cũng được người khác quan tâm. Cần phát huy hết sở trường, người tuổi Mùi có tâm hồn nghệ sĩ, có năng khiếu thẩm mỹ, có thể trở thành những nghệ nhân có tính sáng tạo cao. Ngược lại, nếu không có những thành công về sự nghiệp, người tuổi Mùi có thể trở thành người bi quan, chán nản, yếm thế, vì họ là dạng người đa sầu đa cảm. Tính cách của người tuổi Mùi là hiền lành, bẽn lẽn, dễ mắc cở, nhưng hòa đồng. Họ hướng nội, sống khép kín, không thích chống đối, không thích đấu tranh, không muốn “đụng chạm”. Tuy nhiên, người tuổi Mùi vẫn gặp may mắn trong sự nghiệp và tài chính. Người tuổi Mùi không thích bị bó buộc, thích cuộc sống phẳng lặng. Thái độ làm việc của người tuổi Mùi có thể khiến người ta khó chịu, nhưng biết sao được vì đó là thuộc tính của họ. Khi gấp, người khác có thể cuống cuồng, nhưng người tuổi Mùi vẫn từ từ, thản nhiên. Với đặc tính ôn hòa, người tuổi Mùi có thể kết bạn với những người mạnh mẽ, biết “khống chế” họ. Họ cần ở những nơi có nội quy nghiêm khắc để phát huy hết sở trường.
Con Dê có những đặc tính tốt như vui tươi, lanh lẹ và dễ nuôi. Cầu chúc mỗi người bước vào năm mới Ất Mùi luôn hân hoan, nhanh nhẹn và dễ dàng sống thích nghi hoà hợp với mọi người.
Xuân đến, ánh thái dương của tiết trời nắng ấm toả xuống chan hoà cho trái đất hồi sinh, cây cỏ xanh tươi, muôn hoa đua nở khoe sắc tỏa hương, lòng người phấn khởi, vui tươi hạnh phúc, ai cũng chúc cho nhau những lời tốt đẹp: sức khỏe, an khang, thành công, may lành. Trên mọi lời chúc, tuyệt vời nhất chính là lời chúc của Đức Giêsu Kitô: “Bình an cho anh em”(Ga 20,19). Gặp nhau, đến thăm nhau những ngày Tết, mỗi người ghi nhớ Lời Chúa: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét