Mar 1, 2015
– Chúa nhật II Mùa Chay năm B
Nuôi dưỡng đức tin
Các Bạn thân mến,
Phụng Vụ chúa nhật tuần trước cho
chúng ta biết Đức Giesu cô đơn chịu thử thách, chịu cám dỗ khi Ngài ăn chay cầu
nguyện một mình trong sa mạc. Tuần thứ II Mùa Chay hôm nay, Thánh Macco thuật
lại sự việc Đức Giesu biến đổi hình dạng cách công khai, vinh quang trên một
ngọn núi cao trước mặt cả những người chết và những kẻ sống.
Đây là một biến cố quan trọng trong
đời sống của Đức Giesu, vốn như bị một tấm màn kín bao phủ.
Thánh Maco ghi rõ:"Y phục của Người trở nên rực rỡ, trắng
tinh..."
Khi biến cố kết thúc, còn có một áng
mây che phủ họ. Và từ đám mây ấy có tiếng phán:"Đây
là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
Hiện tượng đám mây xuất hiện có thể là
lạ lùng đối với nhiều dân, nhiều nước; còn trong tư tưởng của người Do Thái,
thì sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn được kết hợp với đám mây. Nên việc
đám mây giáng xuống, hay bao phủ, là một cách nói rằng Đấng Mesia đã, đang và
sẽ đến. Vì thế bất kỳ người Do Thái nào cũng hiểu được như vậy.
Sự biến hình này rất cần thiết cho
Đức Giesu, cho các môn đệ cũng như cho chúng ta, vì nhiều ý nghĩa:
1. "Đây
là Con Ta yêu dấu":
- Đấy là lời
xác nhận thêm một lần nữa của Thiên Chúa về Đức Giesu, điều qúi báu và cần
thiết cho Ngài trong lúc này.
- Bởi trước
khi quyết định tiến về Gierusalem đối diện với cực hình thập gía, Đức Giesu cần
biết cách tuyệt đối về quyết định của riêng Ngài. Nên Ngài đã lên núi cầu
nguyện để xin ý kiến Chúa Cha.
- Và Thiên Chúa Cha
đã chấp thuận quyết định của Đức Giesu. Còn tỏ lòng Chúa Cha yêu thương Đức
Giesu và chúng ta biết chừng nào!
- Thật vậy,
Đức Giesu chính là ơn tuyệt vời nhất trong tất cả các ơn phúc Thiên Chúa ban
cho loài người. Món quà vượt qúa sự hiểu biết và sức tưởng tượng của muôn loài.
- Nhưng trong
cuộc sống thường nhật ở trần gian, Đức Giesu luôn biểu lộ nhân tính của Ngài như
một người bình thường, trừ tội lỗi. Còn thần tính của Ngài vẫn ẩn dấu trong một
thân xác nghèo nàn.
- Tuy nhiên,
biến cố này, thần tính của Đức Giesu tỏ hiện rõ ràng, rạng ngời đến độ ba môn
đệ đi theo Ngài phải choáng ngộp, hoảng sợ. Khi bình tĩnh trở lại, các ông mới
cảm thấy vui thích, hạnh phúc, muốn được sống mãi trên núi với tình trạng huy
hoàng, vinh quang của Thầy mình.
- Đức Giesu vinh hiển trên núi Tabor này cũng
chính là Đức Giesu rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ trên các đường phố
Palestin.
- Đức Giesu vinh quang sáng láng hôm nay cũng
chính là Đức Giesu buồn khổ trong vườn cây dầu, và bị treo trần truồng trên
thập gía.
- Đấy là gía trị đích thực của tình yêu, chính
do tình yêu mà Ngài đã biến hình, nên chúng ta cũng phải biến hình đổi dạng mỗi
ngày để phản ảnh vinh quang của Ngài.
- Hiện tượng nhân vật tối cao Mose, người
đã ban bố luật pháp của Thiên Chúa cho dân Israel, và Elia là vị tiên tri đầu
tiên, vĩ đại nhất được nhìn nhận là người mang chính lời Thiên Chúa đến cho
dân. Hai vị này cùng xuất hiện và đàm đạo với Đức Giesu, như là sự xác nhận
mạnh mẽ cho dân chúng biết để tin vào Đức Giesu, Đấng sẽ giải thoát họ.
- Khi hai nhân vật quan trọng lỗi lạc đó
hội kiến với Đức Giesu, thì chắc chắn là họ tôn kính, tin tưởng Ngài sẽ hoàn
thành tốt đẹp tất cả những gì họ từng nói, từng mong mỏi, từng chờ đợi và đã cùng
dân chúng bao nhiêu năm hướng về với tất cả kỳ vọng cao ngất.
- Họ còn như động viên,
đồng tình với quyết định tiếp tục công trình cứu chuộc nhân loại bằng cây
thập gía của Ngài.
- Việc biến hình còn
cho thấy cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là do Chúa Cha ấn định và cũng
để động viên tinh thần, giúp các môn đệ kiên vững lòng tin khi phải
chứng kiến cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu sau này.
- Thế nên trong cuộc sống, chúng ta cũng nên
thường xuyên suy nghĩ, nhớ tới biến cố hiển dung này của Đức Giesu, để có thể
thắng được những hoài nghi, thất vọng bởi những lúc cảm thấy Chúa như xa vời, như
mơ hồ… hoặc những lúc chúng ta không đủ sức, rồi băn khoăn lấn cấn không biết
cuộc đời sẽ ra sao, tương lai sẽ trôi dạt về đâu!?
- Bởi ngày nay, ơn
hiển dung của Đức Giêsu vẫn còn chiếu toả trên Giáo hội và thế giới. Nó có đủ sức mạnh tẩy não chúng ta từ những
tư tưởng bè phái, khép kín, giai cấp, đặc quyền, đặc lợi, loại trừ, xa lạ thành
những con người yêu thương, nhân ái, cởi mở, chấp nhận người khác như anh chị
em. Còn có khả năng thúc giục chúng ta nhìn Giáo hội như những dân cư "lều trại", để cùng đồng hành
với nhau vượt sa mạc hơn là các công nhân xây dựng những đền đài.
2. " Hãy nghe Lời Người":
- Trước những lời Đức
Giesu loan báo về viễn tượng đen tối của cuộc thương khó của Ngài, tâm trạng
của các môn đệ buồn lo não nề, cùng thất vọng, ngã lòng.
- Các ông
chẳng còn nhận ra được đâu là thần tính, đâu là nhân tính của Thầy mình.
- Ngã lòng vì khi
đối diện với đau khổ, chết chóc, các ông không hình dung được sự sống đời đời viên
mãn mà Đức Giesu đã loan báo.
- Điều này
còn gần như làm tiêu tan tất cả những gì họ đã được hiểu và hy vọng về một Đấng
Messia bách chiến bách thắng.
- Thấu hiểu
rõ nỗi lòng các môn đệ, Đức Giesu đã đưa các ông lên núi, để họ được chiêm ngưỡng
biến cố đặc biệt đầy ý nghĩa, mở ra cho họ con đường hy vọng và vinh quang.
-
Khi được chứng kiến sự việc xẩy ra với sự biến đổi hình dạng của Ngài,
cho họ cơ hội bám chặt vào Ngài, vì đã nghe được chính tiếng phán của Thiên Chúa
xác nhận Đức Giesu là Con yêu dấu của Thiên Chúa.
- Lại thêm:"Hãy
vâng nghe lời Người." Là lệnh truyền vâng Lời Đức Giesu chứ không
phải ai khác. Bởi Lời Đức Giesu chính là Lời của Thiên Chúa.
- Biến cố cũng
đã khiến các môn đệ trở thành chứng nhân cho sự vinh hiển của Đấng Cứu Thế theo
một ý nghĩa đặc biệt: chính họ đã thấy, và chính họ đã kể lại cho mọi người.
- Biến cố Tabor còn là biến cố chứng thực cách
hùng mạnh cho sự sống sau cái chết, khẳng định có Thiên Đàng, hỏa ngục.
- Bởi dân Do Thái ngày xưa cũng như nhiều dân tộc
hiện nay, quan niệm về sự sống lại, sự sống sau cái chết vẫn còn mơ hồ, khó
hiểu, khó tin.
- Nhưng trong biến cố có sự xuất hiện rạng ngời
vinh hiển của Mose và Elia như một bằng chứng hiển nhiên khẳng định cho mọi người
biết là có sự sống lại và có sự sống sau cái chết xác thịt ở trần gian.
- Để nói với các
môn đệ cũng như chúng ta hãy mạnh tin rằng có thế giới bên kia, nơi mà hai vĩ
nhân Mose và Elia đang sống hạnh phúc vinh hiển. Để vững tâm theo Đức Giesu, và
dù Ngài có chết thì rồi cũng sẽ sống lại vinh quang.
- Chúa tỏ
vinh quang lần này còn để củng cố đức tin cho các môn đệ khi gặp gian nan thử
thach, sẵn sàng đón nhận cuộc tử nạn để được phục sinh như Ngài.
- Và mọi người
hiểu rằng"vâng nghe Lời Người" là tin vào lời tiên báo
về những cực hình trong cuộc thương khó cùng chết nhục nhã trên thập gía của
Ngài, để không bị chao đảo, mất niềm tin trước những sự việc xẩy ra cho Đức
Giesu.
- "Lời Người"
còn là những dậy dỗ của Chúa, nghe, hiểu và giữ để cùng đi với Ngài, vượt qua
mọi gian nan thử thách nặng nề, mọi bế tắc nghiệt ngã trong cuộc sống, và chắc
chắn được chung phần vinh quang phục sinh với Ngài.
- Nhưng nghe theo Lời Ngài không hẳn dễ chịu,
dễ nghe, dễ làm! Một kinh nghiệm nhỏ ngoài những việc to lớn phải làm, là chúng
ta cần một sự lạc quan, yêu cuộc sống, thân thiện với mọi người, sẽ giúp chúng
ta vâng lời dễ dàng.
- Đức Giesu cũng hiện diện và biến đổi chúng
ta khi chúng ta vâng lời Ngài như chúng ta tha thứ cho nhau trong bình an và nhất
là khi rước lễ sốt sắng.
- Được giống như các tông đồ, Ngài cũng dẫn đưa
chúng ta đi riêng ra một chỗ, chỉ mình Ngài với chúng ta. Rồi trở lại đời sống
thường nhật, chúng ta sẽ cũng lại thấy Ngài tàng hình khéo léo trong muôn ngàn
trạng thái thần linh.
-
Trong đời sống hiện tại, chúng ta cũng nghe lời Đức Giêsu
dạy về nhiều điều đơn giản như đang mùa chay, chúng ta nên hãm mình đôi chút bằng
cách nhịn ăn, nhịn nói, nhịn làm những thứ không cần thiết.
-
Những
việc ấy giúp chúng ta nhớ đến Chúa và đặt Ngài trên hết mọi sự. Tiếng nói từ
trên mây"hãy vâng nghe lời Người", khiến chúng ta dễ dàng,
không những chỉ hãm mình đôi chút trong mùa chay, mà còn có thể giúp đỡ nhau, đóng
góp cho công ích số tiền mà chúng ta tiết kiệm được, thêm vào cho những chương
trình giúp người vô gia cư, người thiếu ăn, người thất nghiệp v.v..Đây là cách
vâng nghe tiếng Đức Giêsu thiết thực nhất.
- Dùng thời gian quý báu để đi hay gọi hỏi thăm
người bệnh, neo đơn, đau khổ, nghèo đói v.v… Đây là cách có thể nghe lời Đức Giêsu
trong mọi lúc, không chỉ trong mùa chay mà thôi.
3. Lưu ý:
- Sở dĩ Đức Giesu cấm các môn đệ không được tiết
lộ biến cố huy hoàng mà họ vừa được mục kích, là vì họ chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa
cuộc đời của Ngài. Ngài còn phải trải qua nhiều chống đối, đau khổ, nhục nhã và
cả sự chết. Chỉ khi nào họ chứng kiến Ngài sống lại và lên trời, lúc ấy mới
thấy được toàn bộ ý nghĩa sự hiện diện của Ngài giữa họ, giữa dân tộc Do thái
và giữa loài người.
- Chắc chắn Ngài
không thường xuyên biến đổi hình dạng. Nhưng sự biến hình của Ngài thường liên
tục xảy ra trong lời giảng dạy và công việc Ngài làm. Nó biến đổi nhiều người
nên tốt, nên bạn hữu với Ðức Chúa Trời: Kẻ có tội ăn năn thống hối, người nghèo
khổ, quân vô lại được mời vào bàn tiệc hoàng gia. Người tứ thế cô thân được
trao quyền bính nước trời. Hạng khố rách áo ôm được phong làm vua chúa. Người
quyền thế, kẻ giàu sang bán hết gia tài phân phát cho người nghèo hèn, trở
thành những môn đệ nhân từ, đạo hạnh. Người ốm đau được ban sức khỏe, què quặt
đi được, người câm nói được, người mù xem thấy ánh sáng...
- Mỗi ngày, như những
môn đệ, chúng ta có thể lập một thời gian biểu riêng để đưa tâm hồn“leo núi”. Đó là dành riêng một ít thời
gian như một sự tập luyện trong thinh lặng để đọc sách thánh, suy ngắm lời
Chúa, tham dự các lớp học hỏi về Kinh Thánh, Thánh linh…
- Đừng băn khoăn lo lắng khi đức tin của chúng
ta có lúc được nâng cao lên, có lúc bị hạ thấp xuống, như theo nhịp điệu lên
xuống, vui buồn, sáng tối, mạnh yếu...của cuộc sống hằng ngày.
- Nói cách khác, có những lúc đức tin của chúng
ta cháy sáng rực, nhưng cũng có những lúc leo lét dường như muốn tắt hẳn. Chúng
ta cũng hãy vững tin vào sự quan phòng của Chúa, đừng ngã lòng.
- Khi lên tinh thần, đức tin của chúng ta vững
mạnh và sáng lạn như đức tin của các tông đồ trong Tin Mừng hôm nay. Khi ấy
chúng ta cảm thấy gần gũi Đức Giêsu đến độ tưởng rằng có thể đụng được đến Ngài.
Chúng ta cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa Cha đến độ dường như đôi tay ấm áp của
Ngài đang bao bọc chúng ta. Chúng ta thấy đời sống thật tươi đẹp. Chúng ta có
thể yêu thương hết mọi người, thắm thiết với bạn bè, và chúng ta tha thứ cho
tất cả mọi thù địch.
- Trái lại, khi xuống tới điểm thấp, đức tin
của chúng ta yếu ớt như muốn mất hẳn, giống như đức tin của các môn đệ trong
vườn Giêtsêmani. Suốt thời gian đức tin ở điểm thấp như thế, chúng ta cảm thấy
Đức Giêsu dường như không còn ban sức lực cho chúng ta để chiến đấu nữa. Chúng
ta cảm thấy bị đè nén và cô đơn, bị hiểu lầm, chán nản, bị mất mát thiệt thòi.
Thấy mình có nhiều kẻ thù, và thấy bạn bè, ai cũng đều có lỗi với chúng ta.
- Khi gặp những giây phút đen tối như thế,
chúng ta hãy bắt chước gương của tổ phụ Abraham trong bài đọc I hôm nay. Niềm
tin của Abraham cũng yếu ớt và dường như phai mờ khi ông nghĩ rằng Thiên Chúa
đòi hỏi ông phải hy tế con trai duy nhất của ông là Isaac. Điều đó làm tâm hồn
ông rất đau khổ và bối rối. Nhưng Abraham vẫn tin cậy vào Chúa, và Thiên Chúa
không để ông thất vọng. Thiên Chúa đã ban phúc cùng nhiều ơn cho ông hơn cả
những ước mơ của ông.
- Cuộc đời là một thử thách không ngừng qua các lỡ làng, đau khổ hàng ngày, mà bản tính con người lại thích an hưởng, thích dừng lại và dựng lều nghỉ ngơi; nhưng thử thách cứ luôn xảy ra, và mỗi người chúng ta đều“phải chịu nhiều gian khổ mới được vào nước Thiên Chúa!” Chính Thánh Phêrô cũng muốn dựng lều để hưởng hạnh phúc êm đềm khi Chúa biến hình; nhưng không được, Thầy trò phải “xuống núi”, phải đối diện với thực tế, với bao khó khăn vất vả trong cuộc đời, với bản thân, với gia đình, trong công việc, với xã hội, trên đường truyền giáo, với chính quyền, với thiên nhiên, với ma qủi…rồi cũng phải chịu chết.
- Cuộc đời là một thử thách không ngừng qua các lỡ làng, đau khổ hàng ngày, mà bản tính con người lại thích an hưởng, thích dừng lại và dựng lều nghỉ ngơi; nhưng thử thách cứ luôn xảy ra, và mỗi người chúng ta đều“phải chịu nhiều gian khổ mới được vào nước Thiên Chúa!” Chính Thánh Phêrô cũng muốn dựng lều để hưởng hạnh phúc êm đềm khi Chúa biến hình; nhưng không được, Thầy trò phải “xuống núi”, phải đối diện với thực tế, với bao khó khăn vất vả trong cuộc đời, với bản thân, với gia đình, trong công việc, với xã hội, trên đường truyền giáo, với chính quyền, với thiên nhiên, với ma qủi…rồi cũng phải chịu chết.
- “Xuống núi”còn
để
chia sẻ hạnh phúc với người khác trong gian khổ, bất hạnh và gian truân. Không
đứng trên nơi cao nhìn xuống đồng loại đang quằn quại trong khổ đau. Đừng theo
khuynh hướng chung hiện thời là giống ký lục, biệt phái thuở xưa, "định chế hoá" đức tin bằng những
ngôi nhà thờ kiên cố, huy hoàng, rồi ngày ngày lui tới tận hưởng an toàn, ấm
cúng. Trong khi đáng lý phải quan tâm đến những nơi khác cần thiết hơn.
Lạy Thiên Chúa Cha, Ngài
kêu gọi chúng con hãy nghe lời Con của Ngài. Vậy xin cho chúng con luôn luôn
sẵn lòng làm theo mệnh lệnh của Con Ngài. Cùng xin ban cho chúng con điều khó
hơn cả, là ơn can đảm nhận ra thánh gía của Con Cha trong mọi thử thách của
cuộc đời đầy chông gai, vạn nẻo đau khổ của kiếp người chúng con. Để thánh gía
ấy trở nên mẫu gương cho chúng con, là ánh sáng soi đường đêm tối, nhờ đó chúng
con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu
chỉ cho thấy chúng con đang thuộc về Cha và nghe Lời Con Cha mãi mãi. Vì Đức
Giesu Kito Chúa chúng con. Amen
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét