Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Feb 14, 2015 - Chúa nhật 6 thường niên năm B

                                       
Feb  15,  2015 - Chúa  nhật  6  thường  niên  năm  B
Thiên  Chúa  muốn  tất  cả  được  lành  mạnh!


 Các Bạn thân mến,
Thời xưa, không hình ảnh nào đáng sợ, xấu xa bằng hình ảnh người bị bệnh phong cùi, phong hủi, còn gọi là bệnh cùi. Bởi máu mủ hôi thối chẩy ra từ những chỗ đang bị bệnh như tay, chân, mắt, mũi, miệng… Chỗ nào lành rồi thì để lại vết tích mất mát suốt đời như cụt tay chân, mất mũi, mắt hõm sâu, loét đỏ hỏn...
 Người Do Thái cho là ghê tởm, khủng khiếp, tuyệt vọng nhất. Bởi quan niệm đó là người tội lỗi bị Thiên Chúa phạt, nên họ bị mọi người từ trong gia đình đến ngoài xã hội khinh khi xa lánh, và Thiên Chúa xua đuổi. Thật đáng thương, vì họ không được than vãn, cầu cứu, đến gần ai, cả với Đấng Tạo Hóa. Sự đau đớn về tinh thần này còn khốn khó hơn là đau đớn về thể xác gấp bội.
Khi bệnh được chuẩn đóan xong thì tức khắc người bệnh bị cô lập, khai trừ hoàn toàn khỏi xã hội, cộng đồng, từ cách ăn mặc, thái độ, đến nơi ở đều phải xa cách dân chúng. Tiếp xúc với họ là phạm luật. Họ bị coi như đã chết. Luật pháp Do Thái liệt kê tới sáu mươi mốt trường hợp tiếp xúc với người phong cùi bị coi là nhơ bẩn, loại nhơ bẩn đứng sau sự lây bẩn khi đụng vào xác chết.
Không còn đắng cay nào chua xót hơn, bởi tất cả những gì người ta có thể nghĩ ra để dồn hết sự ghê tởm, khổ đau, tủi nhục, đầy ắp, đến tận cùng cho chính người thân, chính tín hữu mình bị bệnh phong hủi.
Đời sống của người bệnh cùi chẳng khác gì cuộc sống địa ngục. Người khác lấy làm gớm ghiếc đã dành, mà chính họ cũng kinh tởm họ nữa. Hình ảnh và cuộc đời họ bi đát ghê sợ như vậy, nhưng khi họ chạy đến gặp Đức Giêsu, Ngài vẫn giơ đôi tay trìu mến nâng đỡ và chữa lành cho họ.
Tin Mừng chúa nhật thứ sáu thường niên năm nay ngắn gọn, nhưng Thánh Macco đã ghi lại rất rõ và đầy đủ về nội dung, ý nghĩa câu chuyện Đức Giesu chữa lành cho một người phong cùi.
Câu chuyện người phong cùi này còn chứa đựng một sứ điệp quan trọng đối với tất cả chúng ta. Cho thấy những điều vẫn thường xuyên xảy ra trong cuộc đời, như một biến cố bi đát nào đó: người thân qua đời, bạn bè phản bội, tai nạn làm con cái bệnh tật, cha mất sở làm, mẹ nghiện cờ bạc… khi sự bất hạnh ấy chụp lên đầu chúng ta, lòng ai cũng đầy đớn đau, lo lắng, giống như người bệnh cùi lúc bị vướng bệnh, chúng ta cảm thấy cõi lòng tan nát, bị rơi vào tâm trạng hết sức khủng hoảng.
Và nhắc nhở chúng ta rằng khi lâm phải hoàn cảnh như thế, hãy nhớ rằng không có hoàn cảnh bi đát nào khủng khiếp đến mức không thể vượt qua. Không một tai hoạ nào tàn khốc đến mức không thể phục hồi. Dù cho rủi ro tàn phá đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhặt lên những mãnh vụn và bắt đầu khiến tạo lại thành một hình dạng mới.
Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng đời mình kể như vĩnh viễn tàn lụi, hư hỏng, chúng ta chỉ cần quay nhìn lên Đức Giêsu, Ngài sẽ chữa lành cuộc đời tan vỡ ấy cho chúng ta, Ngài sẽ biến một cuộc đời tan nát thành tốt hơn, đẹp hơn trước đó nữa.
Nghiã là dù chúng ta có gặp tai nạn thảm khốc đến mức nào, chúng ta cũng vẫn có thể được chữa lành. Bất cứ bệnh tật nào dù thê lương đến đâu xảy đến cho chúng ta như bệnh cùi chẳng hạn, chúng ta vẫn được chữa lành. Thêm vào nữa là dù Đức Giêsu có thể không chọn phương cách phục hồi toàn vẹn đời sống cho chúng ta, nhưng Ngài vẫn có thể dùng nghịch cảnh để biến đổi chúng ta trở nên tốt đẹp và có giá trị hơn trước.  
Hãy chú ý thái độ của người phong hủi và của Đức Giesu trong câu chuyện này:
A.   Thái độ của người phong cùi: chủ động đến gặp Đức Giêsu, quì xuống và van xin Ngài, đã biểu lộ lòng khiêm nhu, tin cậy phó thác và sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Một thái độ, một điều kiện để xứng đáng hưởng mọi ơn lành của Thiên Chúa.
   1.   Đến với lòng tin tưởng:
  Người phong hủi qùy xuống van xin:" Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."
-   Lời nói đó chứng tỏ anh ta khẳng định Đức Giesu có thể chữa lành cho anh.
-   Nếu không mạnh tin, anh đã chẳng dám làm thế, vì không người phong hủi nào dám vượt luật pháp để xuất hiện trước đám đông, hay đến gần một luật sĩ, bởi họ sẽ bị ném đá đuổi đi.
-   Và niềm tin của anh đã chiến thắng, dù anh bị mọi người xua đuổi nhưng đã được Chúa đón tiếp.
-   Đây là kinh nghiệm để chúng ta hiểu rằng không nên ngây ngô cho rằng mình nhơ nhớp tội lỗi thì không thể đến với Thiên Chúa.
  Hãy tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa tình thương, bởi quyền năng của Ngài có thể làm những điều bất ngờ vĩ đại mà không ai có thể.
  Đến với Ngài, không ai có thể nghĩ rằng mình không được chữa lành.
-   Xét về mặt thiêng liêng thì ai cũng mặc bệnh này tật kia, nặng nhẹ…, vì ai cũng có lỗi lầm, sai phạm.
-   Đức Giesu luôn luôn rất muốn chúng ta được sạch, bởi Ngài đến trần gian là để rửa gọt sạch sẽ tội lỗi cho cả nhân loại.
-   Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục muốn đụng vào chúng ta như đụng vào người cùi khi xưa, qua những ân sủng, các phép bí tích và đặc biệt qua Phép Thánh Thể.
   2.   Với lòng khiêm nhu:
-   Dù biết mình bệnh tật nhơ nhớp, chẳng xứng đáng, nhưng ao ước, tin tưởng  mãnh liệt vào quyền năng và lòng xót thương của Đức Giesu, chắc chắn Ngài sẽ dủ lòng thương kẻ bất hạnh nhưng chân thành như anh.
-   Chính lòng khiêm nhu nhận biết sự bất xứng và nhu cầu to lớn của mình, mà anh tìm đến với Đức Giesu, và anh đã được toại nguyện.
-   Cũng chính lòng khiêm nhu ấy mà Đức Giesu đối xử đặc biệt với anh, Ngài không xua đuổi, không tránh xa, mà để anh đến gần, rồi giơ tay đụng vào như đón nhận anh:"Tôi muốn, anh sạch đi!"
-  Thế là anh hoàn toàn sạch sẽ. Ngài đã chữa lành tinh thần của anh trước khi chữa bệnh thể xác cho anh.
-  Tin Mừng kể lại rất nhiều lần Đức Giesu chữa bệnh bằng cách chạm vào người bệnh tật, đau khổ, yếu đuối, tội lỗi, xác chết…mà có lòng khiêm nhu tin cậy chạy đến Ngài. Và tất cả những ai được Ngài chạm đến đều lành sạch.
   3.   Lòng tôn sùng:
-   Người cùi quỳ xuống van xin, đó là thái độ tôn kính trọng vọng, cầu khẩn người đối diện.
-   Chắc chắn rằng chính lòng tôn kính tăng cường đức tin giúp anh mạnh dạn nắm lấy cơ hội, can đảm vượt mọi luật lệ khắt khe để tìm đến Chúa.
-   Dường như anh biết mình đứng trước Đức Giesu là anh hiện diện trước mặt Thiên Chúa toàn năng nhân từ.
-   Không cần diễn tả tâm tình bằng ngôn ngữ thần học hay triết học, chỉ cần hiện diện trước Đức Giesu, là thấy mình đang đối diện với tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.
-   Chúng ta chỉ cần im lặng tôn kính, Thiên Chúa thấu biết mọi sự, Ngài sẽ làm những gì Ngài muốn.
B.  Thái độ của Đức Giê-su: Người chạnh lòng thương”, “Giơ tay đụng vào anh” cho thấy tình thương của Ngài đối với những kẻ bất hạnh. Ngoài ra, khi ra lệnh cho người phong hủi “trình diện tư tế” và “dâng lễ thanh tẩy” theo luật Môsê là để anh được hội nhập vào xã hội. Như vậy người phong cùi vừa được Đức Giêsu chữa lành bệnh cùi phần xác, lại vừa được chữa bệnh cùi tâm hồn, phục hồi nhân phẩm cho anh. Đây là thái độ tuyệt vời nhất của Đức Giesu đối với bệnh nhân.
   1. Bổn phận thương xót và thương yêu:
-   Đức Giesu bày tỏ lòng xót thương ngay khi thấy người phong cùi đến với Ngài:”Người chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh…”
-   Đụng chạm, tiếp xúc với người cùi là cả Đức Giesu và người cùi đều đã phạm luật, nhưng cả hai đều vượt ra ngoài qui ước, luật lệ để cứu và để được cứu.
-   Đối với Chúa, trong cuộc sống, chỉ có một bó buộc duy nhất là cứu giúp người khác, và chỉ có một luật duy nhất cần thiết là luật thương yêu.
-   Hai điều đó phải được đặt trước mọi qui định, mọi luật lệ, và cả mọi nguy hiểm.
-  Thế giới ngày nay có rất nhiều thứ bệnh tật hiểm nghèo hơn bệnh phong cùi nữa, lại lây lan nhanh chóng, khó và gần như không thể chữa trị, bị người ta coi thường, khinh rẻ…đó là các bệnh do tệ nạn xã hội gây ra như say sưa nghiện ngập ma túy, chơi bời, cờ bạc, rượu chè, và những đam mê khác thường nhưng khủng khiếp, lập dị …
  -  Ngoài bệnh phong cùi phần xác, còn có những bệnh phong cùi phần hồn thường thấy như đố kỵ, kiêu căng, ích kỷ, tham vọng, hèn yếu, ý nghĩ xấu rồi loan truyền những ý nghĩ ấy.
 -  Muốn chữa lành bất cứ loại phong cùi nào, cho ai, chúng ta cũng cần noi theo Đức Giesu, luôn ý thức rằng thương xót và thương yêu là bổn phận của mọi Kito Hữu, chứ không phải chỉ là lòng trắc ẩn.
   2. "Đừng nói gì với ai":
-   Đó là lời Đức Giesu thường thận trọng căn dặn bệnh nhân sau khi Ngài đã chữa lành cho họ.
-   Vì thời đó xứ Palestin bị chiếm đóng, dân Do Thái vẫn trông chờ Đấng cứu tinh đến giúp họ thực hiện giấc mơ chinh phục quân sự và chính trị; vì vậy rất dễ bùng nổ chiến tranh cách mạng. 
-   Đã có nhiều lãnh tụ liên tiếp khởi nghĩa, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi bị sức mạnh Lama dẹp tan.
-   Nếu mỗi lần chữa lành cho bệnh nhân hay làm một phép lạ nào đó, mà để người ta ca tụng, tán dương, đồn thổi khắp nơi, thì chắc chắn dân chúng sẽ đổ xô đến tôn vinh Đức Giesu làm lãnh tụ quân sự chính trị, lợi dụng Ngài để thực hiện giấc mơ của họ, thì thật rắc rối, nên Ngài luôn cẩn thận đề phòng, vì ngày giờ của Ngài chưa tới.
-   Ngài cần thời gian cho giảng dạy, uốn nắn tâm trí môn đệ và dân chúng, hầu thay đổi não trạng của họ, cho họ hiểu biết quyền năng của Ngài là tình yêu, không phải binh lực quân sự trần gian.
-   Nên cuộc đời công khai của Đức Giesu chỉ nhắm vào hai việc là rao giảng Tin Mừng và chữa lành. Ngài không giảng dạy suông, cũng không chữa bệnh suông.
-   Nghĩa là hai việc ấy song song, tương hỗ nhau, bởi rao giảng Tin Mừng là cách chữa bệnh tinh thần, còn chữa bệnh phần xác cũng là một cách rao giảng Tin Mừng.
-   Thật vậy, người phong hủi hôm nay không chỉ được chữa lành phần xác, mà còn đón nhận Tin Mừng của Ngài, rồi nhanh chóng"rao truyền và tung tin ấy khắp nơi… Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người."
3. Bệnh nhân phải xin xác nhận khỏi bệnh:
-   "Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moise đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."
-   Đây là điều Đức Giesu truyền cho bệnh nhân phải đi qua phương thức xác nhận lành bệnh theo qui định của xã hội Do Thái.
-   Tin Mừng nhiều lần ghi lại Đức Giesu luôn nhắc nhở người được chữa lành như thế. Ngài không lợi dụng quyền năng của mình, cũng không phá vỡ, kinh khi, ngăn cản…mà Ngài tôn trọng pháp luật chính quyền, xã hội đương thời, cả những qui định tỉ mỉ khắt khe của Do Thái giáo.
-   Ngài muốn dạy chúng ta rằng không được ỷ nại vào Thiên Chúa mà coi thường chính quyền, xã hội, địa phương liên đới với mình.
-   Mọi người cần phải nỗ lực hết sức trước khi có sự cầu cứu can thiệp của quyền năng Thiên Chúa.
-   Cũng như phép lạ không xẩy ra khi chúng ta bỏ qua những cách chữa trị theo kiến thức y khoa có săn.
-   Phép lạ cũng không đến do sự chờ đợi biếng nhác, phó mặc, khóan trắng cho Thiên Chúa làm hết.
-   Mà phép lạ chỉ xẩy ra khi có sự nỗ lực về đức tin của con người với ân sủng vô hạn của Thiên Chúa.
C. Lưu ý:
-   Hiện nay bệnh cùi thể xác đã có thể điều trị được, nhưng bệnh cùi tâm hồn mới thật sự đáng sợ. Tính bất nhân, vô cảm, gian manh, cùng những điều ác mới chính là chứng bệnh nan y, vô phương cứu chữa; nếu không tìm đến nguồn ơn cứu độ của Đức Kitô. Hãy đơn sơ bắt chước thái độ chân thành, tin cậy và quả quyết của người cùi trong Tin Mừng, mà nguyện xin: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch, chắc chắn không ai phải thất vọng.
-   Khi gặp bất hạnh: đến với mình hay gia đình như bệnh tật từ bẩm sinh hay mới mắc phải; tai nạn do bất cẩn, do thiên tai hoạn nạn; hậu quả của những tệ nạn do di truyền hay xã hội…khi mất mát, thiệt thòi, xáo trộn do số phận, tệ nạn, thời cuộc, gia đình, giáo dục…những nỗi bất hạnh ấy dù biết trước hay bất ngờ, chúng ta cũng bị rơi vào tình trạng phiền sầu và lo âu tuyệt vọng.
-   Đừng bi quan thất vọng: như người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành bệnh...cho ý nghĩa Thiên Chúa sẵn sàng cho chúng ta cơ hội để làm lại từ đầu.  Nên khi bị đau khổ, cuộc đời sắp đi vào ngõ cụt... thì đừng nản lòng thất vọng, hãy tin cậy nhìn lên Đức Giêsu. Ngài sẽ giúp chúng ta biến đỗi nỗi bất hạnh thành niềm vui. Hay ít ra cũng an lòng đón nhận nó.
-   Tuy nhiên, không phải lúc nào lời cầu của chúng ta cũng được Thiên Chúa đáp ứng trực tiếp, vì đường lối Chúa chẳng ai hiểu thấu, như tâm sự của ai đó:
      . Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm nên những vịêc vĩ đại, thế mà Ngài lại bắt tôi yếu đuối để tôi có thể làm những điều tốt đẹp hơn.
       . Tôi cầu xin được giàu có để sống hạnh phúc, thế mà ngài lại để tôi nghèo khổ hầu tôi được khôn ngoan hơn…
      . Tôi cầu xin nắm được quyền cao chức trọng để được mọi người tán dương, thế mà tôi vẫn phải chịu cảnh thấp hèn để tôi cảm thấy cần đến Chúa…
      . Tôi chẳng nhận được điều gì tôi cầu xin, nhưng tôi lại nhận được mọi điều tôi hy vọng.
       . Mọi lời cầu xin không thốt ra lời lại được đáp trả hầu như ngoài dự 
tính của tôi. Và như thế tôi được liệt vào số những người được Chúa chúc phúc nhiều nhất.

 Lạy Chúa, biết bao lần chúng con đã xua đuổi người khác bằng một lời nói tế nhị, một ánh mắt khéo léo, một cử chỉ gỉa vờ thân thiện…Xin Chúa rủ lòng thương thứ tha và chữa lành cho chúng con cũng như tất cả các bệnh nhân:
   . Đã bị bệnh tật thử thách dằn vặt lâu năm, đã phải đau khổ nhiều cả thể xác lẫn tâm hồn.
   . Không còn thấy hy vọng được chữa lành, và cảm thấy sức lực của mình càng ngày càng giảm sút nhiều.
   . Có trách nhiệm gánh vác gia đình nặng nề, nhưng vì sức khỏe đã hao mòn kiệt quệ, không còn có thể làm được gì.
   . Bỗng dưng bị bệnh tật đến làm tê liệt, phải từ bỏ mọi hoạt động công ích, mọi công việc thường xuyên của đòan thể, xã hội cũng như của chính mình.
   . Không thể lấy lại can đảm để chỗi dậy bởi đã bị ưu phiền thất vọng làm hao mòn sức khỏe và nghị lực.
   . Tất cả những bệnh nhân mà Chúa yêu thương, tất cả những ai kêu cầu lên Chúa để có thể hoàn thiện cuộc sống của mình. (Mượn lời)
Chúng con nguyện xin Chúa giơ tay chạm dến họ và cả chúng con nữa, để tất cả được thoát khỏi mọi sự dữ, vì Chúa luôn muốn như vậy. Amen

Than men,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét