Nguồn gốc Mùa Chay
(Tue, 03/02/2015 - Trầm Thiên Thu-Yhanhlinh.net)
Mùa Chay là thời gian
đặc biệt để cầu nguyện, sám hối, hy sinh và làm việc lành để chuẩn bị mừng lễ
Phục sinh. Muốn canh tân phụng vụ Giáo hội, Hiến pháp về Phụng vụ Thánh
của Công đồng Vatican II nói: “Hai yếu tố là đặc tính của mùa Chay – nhớ lại
Bí tích Thánh Tẩy hoặc chuẩn bị cho Bí tích này, và sám hối – nên được nhấn
mạnh trong phụng vụ và giáo lý. Qua đó, Giáo hội chuẩn bị cho các tín hữu về
việc cử hành lễ Phục sinh, trong khi họ lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn và dành
thời gian cầu nguyện nhiều hơn” (số 109). Chữ Lent (mùa Chay) được rút ra từ chữ
Lencten trong ngôn ngữ Anglo-Saxon, nghĩa là “mùa Xuân”, và Lenctentid không chỉ có nghĩa là “mùa Xuân” mà còn có nghĩa là “tháng
Ba”, vì mùa Chay thường rơi vào tháng này.
Từ thời Giáo hội sơ
khai, có chứng cớ về mùa Chay để chuẩn bị lễ Phục sinh. Chẳng hạn, Thánh Irênê
(qua đời năm 203) đã viết cho Thánh Giáo hoàng Victor I, nói về việc cử hành lễ
Phục sinh và sự khác nhau giữa hai việc cử hành này trong Giáo hội Đông phương
và Tây phương: “SỰ tranh luận không chỉ về ngày này, mà còn về đặc tính của
việc ăn chay. Một số người nghĩ rằng họ nên ăn chay một ngày, một số người nghĩ
nên ăn chay hai ngày, một số người khác lại nghĩ nên ăn chay nhiều ngày hơn;
một số người khác lại nghĩ nên ăn chay 40 giờ cuối cùng. Sự khác nhau trong
cách giữ luật như vậy đã không có nguồn gốc như ngày nay, mà rất khác trước, từ
thời xa xưa”(Eusebius, Lịch sử Giáo hội, V, 24).
Khi Rufinus dịch đoạn
văn này từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin, có dấu phẩy giữa số 40 và chữ “giờ” khiến ý nghĩa hóa thành 40 ngày,
mỗi ngày 24 giờ. Do đó, tầm quan trọng của đoạn văn vẫn là từ thời tổ tiên xa
xưa – luôn được diễn tả là thời các tông đồ, và thời gian 40 ngày mùa Chay đã
xuất hiện. Tuy nhiên, việc thực hành thực sự và thời gian mùa Chay vẫn chưa
tương ứng trong cả Giáo hội.
Mùa Chay trở nên phổ
biến hơn sau khi Kitô giáo được công nhận năm 313 (sau công nguyên). Công đồng
Nicê (325), trong giáo luật ghi rằng hai công nghị nên được tổ chức hằng năm, “một công nghị trước 40 mùa Chay”. Thánh Athanasiô (qua đời năm 373)
trong các “Lễ Thư” (Festal Letters)
kêu gọi giáo đoàn ăn chay 40 ngày trước khi ăn chay nghiêm ngặt hơn trong Tuần
Thánh. Thánh Cyril thành Giêrusalem (qua đời năm 386) nói trong các
bài giảng giáo lý, ngày nay gọi là RCIA (Rite of Catholic Initiation for
Adults, nghi thức khai tâm Công giáo cho người lớn), trong đó có 18 điều hướng
dẫn trước khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội được trao cho các tân tòng trong mùa
Chay. Thánh Cyril thành Alexandria (qua đời năm 444) viết trong một loạt “Lễ Thư” cũng cho biết rằng việc thực
hành đó trong mùa Chay chú trọng thời gian 40 ngày ăn chay.
Cuối cùng, Thánh Giáo
hoàng Leo (qua đời năm 461) đã giảng rằng các tín hữu phải “hoàn tất việc ăn chay 40 theo luật”, đồng thời chú ý nguồn gốc mùa
Chay. Có thể kết luận rằng, vào cuối thế kỷ IV, thời gian 40 ngày ăn chay chuẩn
bị lễ Phục sinh được coi là mùa Chay như ngày nay, cầu nguyện và ăn chay đã tạo
nên các bài luyện tập tâm linh thời sơ khai.
Dĩ nhiên, con số 40
luôn có có ý nghĩa tâm linh đặc biệt quan tâm sự chuẩn bị. Trên núi Hô-rép (núi
Sinai), chuẩn bị nhận Mười Điều Răn, “Môsê
ở đó với Đức Chúa 40 ngày và 40 đêm, không ăn không uống, và ông viết trên
những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều” (Xh 34:28). Êlia
đi bộ “40 ngày và 40 đêm lên núi Hô-rép
để gặp Thiên Chúa” (1 V 19:8).
Quan trọng nhất là Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện “40 ngày và 40 đêm” trong hoang địa trước khi Ngài công khai sứ vụ
(Mt 4:2).
Khi 40 ngày chay được
thiết lập, việc kế tiếp là quan tâm mức độ ăn chay. Chẳng hạn, tại Giêrusalem,
người ta ăn chay 40 ngày, các ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu trong tuần, nhưng
không ăn chay vào thứ Bảy hoặc Chúa nhật, do đó mùa Chay kéo dài 8 tuần. Tại
Rôma và Tây phương, người ta ăn chay 6 tuần, các ngày từ thứ Hai tới thứ Bảy
trong tuần, do đó mùa Chay kéo dài 6 tuần. Cuối cùng, người ta ăn chay 6 ngày
mỗi tuần trong 6 tuần, thứ Tư lễ Tro được thiết lập để tăng số ngày cho đủ 40
ngày trước lễ Phục sinh. Luật ăn chay có khác nhau.
Thứ nhất, một số vùng
kiêng cữ các loại thịt và các sản phẩm làm từ động vật, một số vùng lại trừ các
thực phẩm như cá. Chẳng hạn, Thánh Giáo hoàng Grêgôriô (qua đời năm 604), viết
cho Thánh Augustine thành Canterbury, nói về quy luật này: “Chúng ta
phải kiêng những đồ tươi như thịt, và các loại tươi khác như sữa, bơ và trứng”.
Thứ nhì, luật chung
cho mọi người là mỗi ngày chỉ ăn một bữa, buổi tối hoặc lúc 3 giờ chiều.
Luật ăn chay trong mùa
Chay cũng thay đổi. Cuối cùng, được phép ăn nhẹ trong ngày để giữ sức khỏe mà
làm việc. Được phép ăn cá, và sau đó cũng được phép ăn thịt suốt tuần, trừ thứ
Tư lễ Tro và thứ Sáu. Rồi được phép ăn các sản phẩm làm từ sữa, và cuối cùng
luật này được hoàn toàn nới lỏng. Tuy nhiên, kiêng cữ cả các sản phẩm sữa cũng
dẫn đến việc ăn trứng Phục sinh và ăn bánh kẹp vào thứ Ba béo (Gras Mardi,
Shrove Tuesday), trước thứ Tư lễ Tro.
Thời gian trôi qua,
luật được thay đổi dần, thế nên ngày nay việc ăn chay không chỉ đơn giản mà còn
quá dễ. Thứ Tư lễ Tro vẫn là khởi điểm mùa Chay, từ đó kéo dài 40 ngày, không kể
Chúa nhật. Luật ăn chay và kiêng thịt ngày nay rất đơn giản: Chỉ giữ vào thứ Tư
lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, các tín hữu ăn chay (một bữa no, hai bữa nhẹ) và
kiêng thịt; còn các thứ Sáu khác trong mùa Chay chỉ phải kiêng thịt. Giáo hội
khuyến khích “từ khước cái gì đó” để
hy sinh trong mùa Chay. Có điều thú vị vào các Chúa nhật và lễ trọng như lễ
Thánh Giuse (19 tháng Ba) và lễ Truyền Tin (25 tháng Ba), người ta “được miễn trừ” và có thể tận hưởng bất
cứ thứ gì phải kiêng trong mùa Chay.
Hãy hy sinh từ khước
điều gì đó vì Chúa. Làm thật lòng chứ đừng như người Pharisêu (giả hình) để
được người ta “chú ý”. Hãy chú trọng
hoạt động tâm linh, như tham dự đi Đàng Thánh Giá, Thánh lễ, chầu Thánh Thể,
cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, xưng tội và rước lễ. Hãy tập trung vào hoạt
động mùa Chay: Sám hối, canh tân đời sống, thể hiện đức tin và chuẩn bị cử hành
Mầu Nhiệm Cứu Độ.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ
từ CatholicEducation.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét