Tản mạn ngày Xuân
(Mon, 09/02/2015 - Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)
Mùa Xuân thật đẹp. Đẹp
về thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, con người, mơ ước, hy vọng,… Nếu có tầm
nhìn hướng thượng thì Mùa Xuân còn tốt đẹp hơn bội phần!
“Anh cho em
mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều Đông nào nhung nhớ. Đường lao xao lá đầy,
chân bước mòn hè phố, mắt buồn vin ngọn cây. Anh cho em mùa Xuân, mùa Xuân này
tất cả, lộc non vừa trẩy lá. Lời thơ ru cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng, trong
khói chiều chơi vơi…”.
Đó là lời ca trong
nhạc phẩm “Anh Cho Em Mùa Xuân” của
nhạc sĩ Nguyễn Hiền, phổ thơ Kim Tuấn. Hẳn là không món quà Tết nào quý bằng
cách tặng nhau cả mùa Xuân.
Tiết tấu nhẹ nhàng mà
vẫn rộn ràng đưa hơi thở mùa Xuân vào cuộc sống. Đây là một ca khúc Xuân rất
quen thuộc và dễ thương, ca từ đẹp và giai điệu cũng đẹp. Trong ca khúc này có
động từ “cho” được lặp đi lặp lại,
nói lên lòng quảng đại chứ không ích kỷ chỉ muốn “nhận”, vì “cho” (tặng,
biếu) là một động từ quan trọng trong cuộc sống thường nhật.
Khi có chuyện gì phấn
khởi, người ta thường nói “vui như Tết”
hoặc “Tết nhất”. Điều đó chứng tỏ là
Tết rất vui, luôn được mong chờ, luôn là ngày “nhất” trong năm. Ngày Tết, với trẻ em là niềm khao khát và vui
mừng, với người lớn là trách nhiệm và bổn phận – và đôi khi có người không mong
Tết, vì Tết đối với họ có thể buồn hơn ngày thường.
Đông lạnh qua, Xuân ấm
đến, đó là quy luật tự nhiên của đất trời. Mùa Xuân là mùa của sự sống, cây cối
nảy lộc, đơm bông, thể hiện tính trẻ trung và đổi mới. Mùa Xuân còn là dịp đoàn
tụ, yêu thương, tha thứ, cùng tận hưởng và chia sẻ niềm hạnh phúc. Gặp nhau, ai
cũng tay bắt mặt mừng, có gì sai sót trong năm cũ cũng bỏ qua hết, và trao nhau
những lời chúc tốt đẹp nhất. Đó là “tống
cựu, nghinh tân”, đặc biệt trong giây phút thiêng liêng nhất: Giao thừa.
Ngày xưa, đêm giao thừa còn được gọi là đêm trừ tịch – khoảng thời gian thiêng
liêng nhất trong năm, khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những
điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những muộn phiền đã qua.
Trong giây phút giao
thừa, các gia đình lập bàn thờ cúng tổ tiên, khói nhang nghi ngút, bánh trái
đầy bàn. Người ta thường đặt trên bàn các loại trái cây như: Mãng cầu, dừa, đu
đủ, xoài; theo phát âm tiếng Nam bộ là “cầu
vừa đủ xài”. Như vậy, kể ra người ta cũng không tham lam, còn giữ được “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Người có
máu khôi hài thì nói là bày trên bàn 4 thứ: Chôm chôm, xoài, cái líp, cái gác
baga; nghĩa là “chôm chỉa để xài líp
baga” (xài líp baga là xài thoải mái). Dù chỉ đùa vui, nhưng chứng tỏ con
người đã… biến chất “thiện”. Người ta
còn bói Kiều và làm những nghi lễ trừ ma quỷ, người Công giáo cũng có thói quen
đạo đức là rẩy nước phép quanh nhà để trừ ma quỷ. Người Việt có tục lệ tốt đẹp:
Xuân về, mồng Một tết Cha
Mồng Hai tết Chú, mồng Ba tết Thầy
Mồng Một tết Cha – Người Á Đông nói
chung và người Việt nói riêng, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được tôn trọng, đó một truyền thống tốt đẹp
đầy tính nhân bản. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người thân có công lao lớn
đối với chúng ta, thế nên chúng ta phải dành “ưu tiên số một”. Thật vậy, đó không chỉ là nghĩa vụ của mọi người
theo phần đời, vì “chim có tổ, người có
tông, sông có nguồn”, mà còn là nghĩa vụ theo Công giáo, vì Thiên Chúa đã
dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ” (x. Hc 3:1-16). Nghĩa vụ thì phải
làm, nhưng đồng thời có lợi cho chính mình: “Ai thờ cha thì bù đắp
lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng
lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3:3-6). Và Thiên Chúa cũng
cảnh báo: “Ai bỏ rơi cha mình
thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền
rủa” (Hc 3:16).
Mồng Hai tết Chú – Đó là các thân bằng
quyến thuộc, là họ hàng Nội Ngoại, là xóm giềng, là bạn bè, là ân nhân,… Sống
trên đời không ai có thể là một ốc đảo, vì cuộc sống là một xã hội, không trực
tiếp liên hệ thì cũng gián tiếp liên hệ bằng nhiều cách. Người này có liên đới
với người kia, dù có thể chỉ là một ánh mắt hoặc thái độ, thậm chí có thể chỉ
qua ý nghĩ. Người này có trách nhiệm và bổn phận với người kia, dù là người
dưng nước lã, dù là người chưa biết mặt quen tên. Hãy tết nhau bằng cách luôn
triệt để tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của nhau.
Mồng Ba tết Thầy – Thời phong kiến áp
dụng trật tự xã hội: Quân – Sư – Phụ. Ở đây chúng ta không nói chuyện “thứ tự trước sau” mà chú trọng tầm quan
trọng của 3 cấp bậc. Trong đó người thầy được đề cao theo tinh thần “tôn sư trọng đạo”, và người Việt cũng
khuyên: “Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Hán Việt dùng từ Sư
Phụ, người thầy không chỉ là người dạy mà còn được coi như “phụ mẫu”. Thế nhưng ngày nay người ta không còn coi trọng lòng “tôn sư trọng đạo”, đó là dấu hiệu sa
sút đạo đức!
Tết nhau không hẳn là
món quà cáp bằng vật chất, có “khả năng”
tết nhau một chút lễ vật thì cũng tốt, nhưng đừng câu nệ “quà cáp” mà “biến chất”,
quan trọng nhất là cởi mở gặp gỡ nhau với cả tấm lòng, tết nhau bằng những ước
muốn tốt đẹp, những lời cầu chúc chân thành, những lời cầu nguyện thành tín.
Tiếng Việt thật thú vị khi dùng từ “gặp
gỡ”: Gặp nhau thì phải “gỡ bỏ” mọi vướng mắc, không “gỡ” thì không thể nào “gặp” được. Đó là cách sống tích cực
theo đạo làm người và theo tôn giáo của mỗi người.
Người Công giáo
có “quy ước” riêng của Giáo hội đối
với 3 ngày Tết:
Mồng Một cầu xin Thiên
Chúa
Ban cho thế giới bình
an
Thể lý cũng như tâm
hồn
Kiên vững niềm Tin,
Cậy, Mến
Bình an là điều luôn
cần thiết đối với mọi người trong mọi thời và mọi nơi. Muốn sống bình an thì
bạn phải tạo hòa bình xã hội, bạn không thể bình an khi xã hội rối loạn hoặc
tinh thần chán nản. Bình an trước tiên là sức khỏe – tinh thần và thể lý. Đúng
như tục ngữ nói:“Sức khỏe là vàng”. Đó là hệ lụy tất yếu vậy!
Mồng Hai thành tâm khấn
nguyện
Xin cho mùa màng bội
thu
Công ăn việc làm thuận
hòa
An tâm không phải thao
thức
Sống không thể chỉ hít thở khí trời và uống nước lã, vì
thế con người cần mưu sinh. Muốn mưu sinh thì phải có nghề nghiệp, có công ăn
việc làm. Công việc lại có liên quan và tùy thuộc thời tiết. Mùa màng bội thu
thì con người hạnh phúc phấn khởi, mùa màng thất bát thì con người đói khổ. Nói
vậy không có nghĩa là thời tiết chỉ quan trọng đối với nông dân, không có nông
dân thì “kẻ sĩ” cũng không sống nổi.
Mọi người đều liên đới với nhau về nhiều phương diện, không thể nói “nhất sĩ, nhì nông” hoặc “nhất nông, nhì sĩ”. Giới nào cũng có
cái “nhất” và cái “nhì”, không ai “ưu thế” hơn ai.
Mồng Ba xin Chúa chúc phúc
Ban cho cha mẹ, ông bà
Luôn sống thánh thiện, an
hòa
Vui cùng đàn con, lũ cháu
Cầu nguyện cho người còn sống được an khang hạnh phúc là
chuyện dĩ nhiên, chúng ta còn có bổn phận cầu nguyện cho những người đã “ra đi” trước chúng ta. Xuân về Tết đến,
mọi người sum họp hữu hình, còn tổ tiên không thể sum họp hữu hình với đàn con,
lũ cháu, nhưng họ vẫn khả dĩ sum họp vô hình với chúng ta.
Mùa Xuân là dịp nghỉ
ngơi, vui chơi, cho phép người ta có thể tiêu xài “rộng tay” một chút. Tuy nhiên, đôi khi có thể người ta muốn chứng
tỏ “đẳng cấp” của mình mà “chơi nổi” kiểu công tử Bạc Liêu, chưa
tới mức “lấy tiền nấu trứng” nhưng
cũng có vẻ muốn tỏ ra “đại gia”. Năm
ngoái, có những người không ngần ngại chứng tỏ “bản lĩnh” đó: Có người mua cặp dưa hấu với giá 900.000 VNĐ, có
người mua bộ phản gỗ (bộ ngựa) 100.000 USD, có người “khoe” là bỏ ra 20 triệu VNĐ để sắm tết,… Và còn nhiều “cách chơi” khác nữa.
Trong khi có những
người “vung tay quá trán” như vậy thì
vẫn có những con người chưa hưởng trọn vẹn mấy ngày Tết hoặc không hề có mùa
Xuân. Một cậu bé 10 tuổi ở Đồng Tháp, ở với bà ngoại ngoài 80 tuổi, em chỉ mong
Tết đến để được ăn món “khổ qua xào với
trứng”. Được hỏi sao em ước mơ như vậy, em cười hồn nhiên và cho
biết: “Vì chỉ có ngày Tết ngoại mới để dành đủ tiền để làm món đó”.
Câu nói của em thật hồn nhiên nhưng sao nghe lòng nhói đau quá! Một ước mơ quá
bình dị như vậy mà sao khó với em bé này đến vậy? Quả thật, cuộc đời còn biết
bao con người khốn khổ, họ không mong Tết, mà có mơ cũng không thấy!
Xã hội khó có thể trở
thành thế giới đại đồng, nhưng cũng có thể tương đối, nếu người giàu biết bớt
phần lãng phí để chia sẻ với người nghèo. Thực ra, đó là trách nhiệm và bổn
phận của đạo làm người.
Chuyện giàu – nghèo là
lẽ tất nhiên ở đời, nhưng vẫn là một ẩn số vô cực. Mùa Xuân là mùa của ngàn hoa
tươi sắc, lòng người cảm thấy rạo rực khó tả, có những khuôn mặt rạng rỡ nụ
cười và cười “hết cỡ thợ mộc”, nhưng cũng có những khuôn mặt còn
ủ rũ, đôi môi khô héo, lòng luôn trĩu nặng…
Chúa Giêsu luôn hết
lòng quan tâm và chăm sóc người nghèo, Ngài đã “chắc nịch” xác định: “Mỗi lần anh chị em làm
điều gì cho một trong những người bé nhỏ nhất của Tôi, đó là anh chị em đã làm
cho
chính Tôi vậy” (Mt 25:40).
Ngài muốn chúng ta NÓI
và LÀM, không nói suông, không hứa lèo, không chỉ mở lòng mà còn phải mở đôi
tay và mở hầu bao. Mỗi ngày chúng ta nhiều lần cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Lc
11:1-4), chúng ta thấy Ngài nói thực tế, không hề bóng gió: “Không lẽ người ta xin cá thì lại lấy rắn mà
cho nó? Hoặc người ta xin trứng lại cho họ bò cạp?” (x. Lc 11:9-12).
Xuân về, Tết đến, đó
là mùa yêu thương, mà yêu thương thì phải chia sẻ, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh
thần, vì “đức tin không có việc làm là
đức tin chết” (Gc 2:17 & 26).
Hãy chân thành tặng nhau một mùa Xuân tươi đẹp nhất, rộn rã nhất và trọn vẹn
nhất!
Mùa Xuân thắm sắc mai vàng
Bình minh tỏa ánh nắng vàng lung linh
Giáo đường vang vọng lời kinh
Hồi chuông đổ nhịp ân tình ngàn năm
Tin yêu nở giữa mùa Xuân
Hồng ân Cứu độ tuôn tràn bao la…
Cầu mong cho xã hội
luôn biết tôn trọng công lý để xã hội có nền hòa bình đích thực. Cầu mong cho
mọi người biết yêu thương nhau bằng tình đồng loại trọn vẹn để ai cũng được tôn
trọng nhân quyền đúng nghĩa và có thể tận hưởng mùa Xuân viên mãn nhất. Nhờ vậy
mà “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như
trên trời”.
Lạy Thiên Chúa, Ngài
là Chúa-Xuân-Tuyệt-Đối và là Mùa-Xuân-Vĩnh-Hằng của chúng con, xin giúp chúng
con sống trọn ba đức đối thần (tin, cậy, mến) và các nhân đức đối nhân để chúng
con thể hiện Lòng Chúa Thương Xót trong từng hơi thở. Xin Ngài thương xót những
mảnh đời cơ cực, để họ có chút niềm vui ngày Xuân. Xin Ngài cũng thương chúc
phúc và ban cho chúng con được ơn Khôn ngoan, vì “tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời”
(Hc 1:1). Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con,
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét