Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Feb 22, 2015 - Chúa nhật thứ I Mùa Chay năm B


          Feb 22, 2015 -  Chúa  nhật thứ  I  Mùa  Chay  năm  B  
 “Hãy  sám  hối  và  tin  vào  Tin  Mừng”            

                 
Các Bạn thân mến,
Thứ tư vừa qua chúng ta đã tham dự Lễ Tro, với nghi thức xức một chút tro trên trán. Hình ảnh những bụi tro cùng với lời Thánh ca:"Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro" làm chúng ta nhớ tới thân phận hèn yếu mong manh, và như hậu qủa của tội lỗi. Phận người nhỏ bé, nhưng đừng tuyệt vọng vì Giáo Hội đã cho chúng ta mỗi năm có một Mùa Chay, là thời kỳ thuận tiện giúp chúng ta hoán cải với những phương thế linh nghiệm như cầu nguyện, ăn chay, sám hối, chừa cải, làm việc lành để được trở lại với Chúa.
Ăn chay là một trong những phúc hạnh của Kito hữu, mang lại nhiều ích lợi lớn lao cho đời sống thiêng liêng, nên đã có từ trong Cựu Ước, được tiếp tục tới Tân Ước và cho đến ngày nay.
 Ăn chay giúp chúng ta sám hối, đền tội. Nhưng tự nó, không có công hiệu xóa bỏ tội lỗi, mà nói lên lòng ăn năn, chừa cải, xin Chúa lắng nghe, xót thương thứ tha mọi lỗi phạm.
Nó cũng giúp chúng ta ngăn ngừa những điều vượt ra khỏi luật lệ của Thiên Chúa và Giáo hội, do tư tưởng, lời nói, việc làm phóng túng, theo dục vọng. Nên Giáo Hội mời gọi chúng ta ăn chay để tập luyện, tự chế, biết làm chủ mình. Thân xác biết tuân phục linh hồn, linh hồn tuân phục Chúa, sẽ tránh được nhiều tội lỗi.
Ăn chay còn bằng cách quên mình, dẹp ý riêng, giảm bớt chi tiêu phí phạm, để dùng vào việc ích lợi, mở rộng tấm lòng, giúp đỡ, hòa giải, chia sẻ, đền bù. Bởi ai trong chúng ta cũng có lỗi lầm, vì:
.  Vi phạm luật lệ của Chuá, của Giáo Hội.
.  Thiếu sót, không biết trân trọng ân phúc của Thiên Chúa.
. Chưa sống xứng đáng với ơn huệ đức tin mà tiền nhân đã phải trả gía bằng những đau khổ, mất mát.
. Chưa đủ nhiệt thành loan báo Tin Mừng.
. Lối suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành động trái ngược Tin Mừng…
 Để hiệu qủa, tiên tri Isaia đã liệt kê những cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích:"mở rộng xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm. Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục."
Những cách ăn chay này có thể hiểu cả về nghĩa bóng, có tác dụng hai chiều nên nó mở rộng tâm lòng để tha thứ, hòa giải, chia sẻ, chữa lành, cứu giúp. Cách ăn chay này đang được nhiều nơi, nhiều người thực hành.
 Vì thực tế chung quanh chúng ta, đặc biệt ở quê hương mình, còn rất nhiều người đói khát, thiếu thốn, bị giam cầm về nhiều mặt.
Nên ăn chay không chỉ là từ khước những nhu cầu vật chất, mà còn từ chối cả những nhu cầu tình cảm, tinh thần không giúp chúng ta sống lành mạnh thánh thiện.
 Tự chế bản thân về sự ăn uống phần xác, cùng những tham vọng, những thói hư tật xấu giúp chúng ta vượt qua mọi gía trị trần gian để vui thích tìm kiếm những gía trị thiêng liêng, tiến đến khao khát Thiên Chúa.
 Như vậy việc ăn chay không chỉ nhịn đói phần xác một hai ngày ngắn ngủi theo luật, mà nên hiểu cần ăn chay trong mọi lãnh vực, gắn liền với đời sống, như sự rèn luyện nhân cách con người. Có như thế chúng ta mới có thể tránh được những cám dỗ, những cạm bẫy tinh xảo.
  Nếu chúng ta muốn tìm một phương thế đặc biệt để sống tinh thần mùa chay năm nay, thì không có phương thế nào tốt hơn là coi mùa chay như một cơ hội thuận tiện để tái khám phá ra quyền năng của Bí tích hoà giải và sự bình an.
Bài Tin Mừng hôm nay dẫn chúng ta vào mùa chay một cách tốt đẹp. Qua các thế kỷ, các Kitô hữu đều nhận thấy mùa chay là thời gian Thiên Chúa ban ân sủng cách đặc biệt, nhất là để giúp chúng ta cải thiện đời sống.
1.          Những cạm bẫy:
-  Sống an lành đạo đức là ươc mơ của con người, nên phải là sự quan tâm hằng đầu của Kito Hữu.
- Muốn như vậy cần rèn luyện các nhân đức Tin, Cậy, Mến đối với Thiên Chúa. Những đức tính nhân bản như trung thực, công bằng, liêm chính, nhân hậu, tín trung với mọi người.
- Tuy nhiên cuộc đời đầy những cạm bẫy, xã hội càng văn minh, con người càng gặp nhiều cám dỗ do:
       . Thân xác luôn đòi hỏi được hưởng thụ, và muốn chiếm đọat sở hữu nhiều thứ.
       . Con tim mù quáng, đam mê, phóng túng, tham lam theo bản năng tự nhiên.
         . Đầu óc cao ngạo, tham quyền sang chức trọng, muốn thống trị quyền uy, tri thức, sự giàu có…
- Cám dỗ nào cũng có thể cho ít nhiều ngọt ngào, hoan lạc, nhưng thật ra lại làm chúng ta nghèo nàn vì sự tự giam mình trong cái tôi ích kỷ, hiếu thắng.
- Cám dỗ lại không phải chỉ đôi ba lần cho một kiếp người, mà nó đeo bám chúng ta thường xuyên, triền miên suốt cả cuộc đời.
- Làm chúng ta phải chiến đấu không ngừng, đặc biệt với những cám dỗ khêu gọi, mời mọc, tinh vi khéo léo, khích thích giác quan.
- Chắc chắn đôi khi cám dỗ không hẳn là những điều xấu, nhưng ngay cả những điều tốt cũng làm chúng ta bối rối, khó khăn trong việc xa tránh, chống cự hay chọn lựa.
- Những lúc đó, hãy nhìn lên bầu trời, khi thấy chiếc cầu vồng bẩy sắc mầu hiện ra, chúng ta sẽ nhớ lại để tin vào lời cam kết, giao ước đơn phương của Thiên Chúa với ông Noe sau nạn đại Hồng Thủy, là Ngài sẽ thiết lập trở lại tình trạng tốt đẹp như ban đầu cho loài người. Khi đó chúng ta sẽ được an ủi, thêm kiên nhẫn, can đảm chiến thắng sự dữ, rồi sẽ được cứu thoát. (ý nghĩa của hình ảnh cầu vồng được Cựu Ước ghi lại trước khi khoa học có thể giải thích về cầu vồng)
- Cũng đừng quên rằng chính Đức Giesu cũng bị Thánh Thần đẩy vào hoang địa để chịu thử thách:"Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa." Và Ngài đã không tránh né các cám dỗ và cạm bẫy của Satan.
- Để sống thân tình với Chúa Cha bằng việc cầu nguyện và ăn chay trong suốt 40 ngày. Đây cũng là thời gian Đức Giesu chịu ma quỉ thử thách. Nhờ luôn chọn theo lời Thánh Kinh, Ngài đã chiến thắng Satan, và chứng minh lòng trung thành đối với sứ mệnh Thiên Sai được Chúa Cha trao phó.
 - Bốn mươi ngày: con số 40 tượng trưng cho một thời gian dài. Chẳng hạn:
      . Trong Đại Hồng Thủy, ông Noe đã mở cửa sổ tàu sau khi nước rút được 40 ngày;
      .Trong cuộc Xuất Hành, Môsê đã lên núi tiếp xúc với Đức Chúa suốt 40 ngày đêm;
      . Dân Israel phải lưu lạc trong sa mạc suốt 40 năm trường;
      . Vua Đavit đã cai trị thời gian 40 năm;
      . Ngôn sứ Elia đã chạy trốn lên núi Khorep mất 40 ngày đêm;
      . Đức Giêsu đã vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 ngày.
- Cám dỗ không nhằm mục đìch khiến chúng ta phải sa ngã, chúng được đưa đến để củng cố"gân cốt" của trí tuệ, tâm lòng và linh hồn chúng ta.
- Chúng cũng không được đưa đến để tàn hại hủy diệt, nhưng nhằm đem lại lợi ích cho chúng ta.
- Nên cám dỗ là cơ hội lập công, tạo cho chúng ta chứng minh nhân cách của mình, để được vững vàng mạnh mẽ hơn.
- Hãy khẳng định rằng trên đời này có Chúa Trời, là thế lực của ánh sáng, của điều thiện; và kẻ thù chống lại Ngài, là Satan, thế lực của bóng tối, của điều ác, tiêu biểu cho mọi thù địch.
- Cả Cựu Ước, Tân Ước đều cho thấy khi bị thử thách, bao giờ cũng có sự thêm sức của Chúa Trời:
      .  Khi tiên tri Elia và tôi tớ bị bao vậy không lối thoát, Chúa Trời đã giải thoát bằng cách mở mắt cho tôi tớ của ông.
      .  Đức Giesu đã không bị bỏ mặc một mình cô đơn chiến đấu trong sa mạc mà Ngài được Chúa Cha ban:“Sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người”.
-  Hiển nhiên chúng ta đừng dại khờ đi tìm cám dỗ, lập cạm bẫy; cũng đừng tinh khôn trốn tránh, tiêu diệt cám dỗ; nhưng với ý thức, chúng ta chấp nhận nó như một thực tại của đời sống; và với ơn Chúa, chúng ta an tâm đi hết quãng đường Chúa muốn.
- Satan: nghĩa là“kẻ thù”,“kẻ chống đối”,hay còn được gọi là“ma quỉ” hay Diabolos nghĩa là“kẻ kiện cáo”,“kẻ vu khống”. Đây là nhân vật vô hình có hai hoạt động: nhập vào một người để bắt họ nói hay làm theo ý của nó và cám dỗ, xúi giục người ta phạm tội chống lại Thiên Chúa.
-  Cám dỗ: Cơn cám dỗ của ma quỉ gồm 3 giai đoạn:
      . Gợi lên trong đầu óc người ta một hình ảnh hợp với nhu cầu hiện tại của họ.
      . Làm cho người ta vui thích với hình ảnh ấy hoặc ước muốn làm điều xấu xa độc ác.
      . Người bị cám dỗ nếu quyết định chiều theo ma quỉ thì phạm tội, không theo sự xúi giục của ma quỉ thì tránh được lỗi phạm.
- Đối với Đức Giêsu, Satan chỉ có thể cám dỗ ở giai đoạn thứ nhất, nghĩa là gợi lên trong tâm trí Ngài một tư tưởng hay một hình ảnh phù hợp với nhu cầu.
- Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng cơn thử thách cám dỗ của Satan. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng ấy là Ngài đã được Thiên Chúa che chở để sống hòa hợp với dã thú và còn được các thiên thần đến hầu hạ phục vụ Ngài.
- Đấy là quang cảnh của thời Thiên Sai: một thời kỳ thái bình và đầy tình yêu thương huynh đệ, trong đó mọi loài mọi vật sẽ sống hòa hợp với nhau và sẽ không có chỗ cho sự ghen ghét và hận thù.
2 . Gặp gỡ Thiên Chúa:      
- Tổ phụ Mose đã ăn chay cầu nguyện trên núi Sinai 40 ngày, được gặp Thiên Chúa và nhận được Mười Điều Răn.
- Tiên tri Elia ăn chay cầu nguyện 40 ngày trên núi Horep, được gặp Thiên Chúa và nhận được hướng dẫn của Ngài, tiếp tục thi hành công việc Chúa trao.
- Ông Noe ở trong tầu 40 ngày, chiến đấu với phong ba bão táp do nạn đại Hồng Thủy.
- Đức Giesu ăn chay 40 ngày trong hoang địa, là một thiên nhiên thù nghịch.
- Trong thời gian đó các Ngài tìm hiểu đường lối Thiên Chúa, nhận được ơn phúc và bắt đầu sứ vụ công khai.
- Riêng Đức Giesu bị cám dỗ, như ngày xưa, tổ phụ Adam và Eva đã bị cám dỗ trong vườn địa đàng, và dân Do Thái bị cám dỗ trong sa mạc.
- Ngài bị thử thách gay go nhưng Ngài chiến đấu và đã thắng được nghịch cảnh và mọi kiểu cám dỗ của Sa tan.
- Rồi Ngài được sống bình yên, hài hòa giữa một vũ trụ đã được cảm hóa với cả dã thú và các thiên sứ.
- Hình ảnh các thiên sứ hầu hạ Ngài như là những ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho người biết tin cậy Ngài.
- Như Adam và Eva hạnh phúc giữa dã thú và muôn loài nơi địa đàng khi xưa.
- Hồi đó, khi mơ tới ngày tìm lại địa đàng đã mất, tiên tri Isaia tưởng tượng cảnh con người và dã thú sống chung hòa thuận với nhau.
- Đó là giấc mơ của dân Do Thái về một hoàng kim thời đại, ngày mà sự thù nghịch giữa loài người với lòai vật sẽ không còn.
- Đây chính là bức tranh mà Thánh Macco vẽ về câu chuyện Đức Giesu chịu cám dỗ, đã chiến thắng, đã được hưởng sự an vui như đang sống trong vườn địa đàng và được Thiên Chúa che chở giữ gìn.
- Phần thưởng của Đức Giesu khuyến khích chúng ta can đảm chiến đấu với các cám dỗ để được gặp Thiên Chúa.
3. Loan báo Tin Mừng:
- "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
- Sám hối là hối tiếc về những tội lỗi, thiếu sót của mình và hoán cải, tức thay đổi suy nghĩ, hành động, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận, không theo thói quen và tập quán thiếu lành mạnh của người đời, mà theo tinh thần và cung cách mới của Phúc âm.
-  Bởi tội tổ tông mà con người bị loại ra khỏi địa đàng, bị đầy ải với cuộc sống vất vả đau khổ và phải đấu tranh không ngừng với muôn vàn cạm bẫy.
-  Cuộc sống thiên đàng dã mất, nay Đức Giesu đến tái tạo lại, cho chúng ta được hưởng cuộc sống hạnh phúc thiên đàng như xưa.
-  Đó là báu vật lớn lao Thiên Chúa tặng, ban ơn, ban sự sống lại cho chúng ta. 
-  Cải thiện hay cải tà qui chánh là nhìn nhận những gì xấu, không tốt đẹp trong đời sống, thẳng thắn đối diện với tội lỗi trong đời sống của chúng ta, sau đó là từ bỏ chúng, cương quyết không tái phạm.
- Cải thiện cũng là đối diện với những khuynh hướng xấu trong đời sống chúng ta và làm một cái gì để sửa đổi những khuynh hướng đó.
- Tin vào Tin Mừng là tin vào chính Đức Giêsu là Tin Mừng mà sứ thần loan báo khi Ngài sinh ra ở Bêlem. Tin vào lời rao giảng của Ngài là Thiên Chúa làm Người, đã được Thánh Thần xức dầu và đưa vào trần gian để loan báo Tin Mừng và ban ơn cứu độ cho mọi người.
- Tin vào Tin Mừng còn là tin vào Tình Thương và lời Đức Giêsu yêu cầu chúng ta. Nghĩa là tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài đến để cứu chúng ta. Là tìm kiếm Đức Giêsu đặc biệt trong Bí Tích Hoà Giải, nhận nơi Ngài sự tha thứ và chữa lành, trung n giữ lời hứa của Thiên Chúa.
- Chúng ta cần ý thức về những khuynh hướng xấu thỉnh thoảng làm hỗn loạn đời sống. Như tính ích kỷ khiến chúng ta đặt quyền lợi của mình lên trên nhu cầu của tha nhân. Tính cao ngạo khiến chúng ta không muốn nhìn nhận những sai trái của mình. Tính lười biếng khiến chúng ta ngại giúp đỡ tha nhân…
- Bài Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta thực hiện hai điểm quan trọng ấy. Nó mời gọi chúng ta nhìn nhận mình là những kẻ có tội, và quay về với Đức Giêsu để được cứu độ.
- Chúng ta phải đền đáp ơn nghĩa này, cùng mong muốn cho mọi người được diễm phúc như chúng ta, bằng cách vâng lời Ngài, loan truyền Tin Mừng của Ngài.
- Lời rao giảng của Đức Giêsu: được tóm kết trong 3 tư tưởng sau:
      . Thời kỳ đã mãn: Các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ là thời hiện tại và thời cánh chung. Giờ đây Đức Giêsu loan báo thời kỳ hiện tại đã kết thúc để bắt đầu một thời kỳ mới là thời cánh chung, trong đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu hộ.
     . Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến Vương Quyền của Thiên Chúa đối với Israel là dân riêng của Ngài. Từ đó, dân Israel luôn trông chờ Thiên Chúa sớm thiết lập Vương Quyền của Ngài. Giờ đây, Đức Giêsu đã khẳng định rằng: Nơi Ngài, Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần.   
     . Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: thay đổi hướng đi, triệt để từ bỏ tội lỗi để quay về với Giao Ước, và bước vào một đời sống mới. Rồi tin vào Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng.
-  Ngày nay loan báo Tin Mừng không còn giới hạn bởi phương cách duy nhất như xưa là phải đến tận nơi, trực tiếp loan truyền cho mọi người.
- Mà nhờ văn minh tiến bộ, chúng ta có rất nhiều phương tiện đề tầng lớp nào cũng có thể làm được công việc đem Chúa đến cho mọi người, ngoài những phương cách tích cực cố hữu như cầu nguyện, gương sống các tín hữu.
- Phương tiện đa dạng, phong phú, nhanh chóng, tiện lợi, phục vụ hiệu quả việc truyền thông đại chúng của báo chí, sách vở tài liệu, văn nghệ, nhạc thơ họa kịch, truyền thanh truyền hình, băng đĩa, điện thoại, internet… đủ loại tối tân, dủ loại ngôn ngữ.
- Chúng ta dễ dàng chọn phương tiện hợp với khả năng, hoàn cảnh của mình, để loan báo Tin Mừng. Vậy hãy mạnh dạn và khẩn trương các Bạn nhé!

 Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng những cám dỗ của xác thịt, của Satan, xin  giúp chúng con can đảm thắng lướt những tật xấu của mình, tránh những cạm bẫy trong cuộc sống, nhờ tỉnh thức, cầu nguyện, chay tịnh, làm chủ bân thân. Và ngay cả khi yếu đuối sa ngã, xin cho chúng con can đảm đứng lên, vững tin vào Chúa, vì bị cám dỗ là thân phận của con người, nhưng thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa.
Xin cũng sai Thánh Thần canh tân đời sống chúng con trong Mùa Chay Thánh này, để chúng con mở rộng tâm hồn, miệng lưỡi, đôi mắt,  đôi tai, và cả đôi tay đôi chân, hầu đem tình yêu Chúa đến với mọi người. Vì chúng con xác tín rằng Chúa là niềm vui, hạnh phúc, tín trung và luôn tha thứ. Amen.
Than men,
duyenky

  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét