Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Giữ ấm theo cách của người Nhật



Giữ ấm theo cách của người Nhật
(Th ba, 26/1/2016-VnExpress.net)




Không có hệ thống sưởi trung tâm, hạn chế dùng điều hòa nhưng người Nhật có bàn gắn sưởi ở dưới, bồn cầu ấm hay chiếc đệm nhỏ bảo vệ tay chân...
Khác với các nước châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật không sử dụng phổ biến hệ thống sưởi trung tâm. Không chỉ vậy, dù thời tiết giá lạnh nhưng người Nhật thường có thói quen không bật điều hòa quá ấm. Tuy nhiên, người Nhật cũng có những cách để nhà và cơ thể không bị lạnh:



Thay vì sưởi ấm cả nhà, bạn chỉ cần tập trung vào một khu vực. (Xem thêm về bàn kotatsu).
Kiểu bàn kotatsu hay được sử dụng ở phòng khách là bàn gỗ phủ chăn dày, phía dưới có hệ thống sưởi. Sản phẩm này có nguồn gốc từ thế kỷ 14, được lắp đặt cố định, sử dụng than. Hiện nay, bàn sử dụng sưởi điện, có thể di chuyển được. Các nhà thiết kế Nhật cũng sáng tạo thêm nhiều tiện ích cho mẫu bàn truyền thống. Các gia đình có thể sử dụng bàn này thành chỗ ngủ, nơi làm việc, bàn ăn.

2. Máy sưởi

Ảnh: Tofugo.

.
Ngoài điều hòa hai chiều, ở Nhật còn phổ biến các loại máy sưởi công suất nhỏ dễ dàng di chuyển sang các khu vực khác nhau. Điều đó thích hợp với điều kiện nhà ở Nhật thường có phòng bé.

3. Thảm điện, chăn điện

  Ảnh: Ratuken


Ở nơi tiếp khách khách, phòng ngủ, phòng trà, người Nhật thường trải chiếu, ngồi trực tiếp xuống sàn. Hiện nay, nhiều gia đình mua thêm các loại thảm điện, chăn điện để đôi bàn chân luôn được ấm.
4. Đệm nhỏ giữ ấm tay chân



Ảnh: Ratuken.
Với một chiếc đệm tích điện nhỏ, bạn có thể yên tâm ngồi làm việc, xem tivi. Tay, chân luôn là các bộ phận cần giữ ấm nhất. Bạn có thể bảo vệ cho chúng bằng chiếc đệm này.


Dù WC không có điều hòa, máy sưởi, bạn cũng sẽ không cảm thấy buốt giá. (Xem thêm WC kiểu Nhật).
Khu vệ sinh của Nhật nổi tiếng bởi tiện lợi nhưng có phần rắc rối với nhiều người nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều rất hài lòng với chức năng giữ ấm chỗ ngồi trong mùa đông.

6. Giữ ấm cho cơ thể

 giu-am-theo-cach-cua-nguoi-nhat-5

 Ảnh: Ratuken




Dù chủ yếu đi bằng tàu điện ngầm, xe bus và ôtô cá nhân, nhưng người Nhật cũng phải đi bộ khá nhiều trong thời tiết mùa đông xuống tới âm độ. Bởi vậy, họ sáng chế ra nhiều loại giữ nhiệt cho cơ thể như quần áo heat-tech vừa ấm vừa nhẹ, túi sưởi, miếng dán giữ nhiệt...
Ban Mai


Năm mới này xin Chúa xót thương con



Năm  mới  này  xin  Chúa  xót  thương  con
(Thứ sáu - 22/ĐGM GB Bùi Tuần 01/2016 –thanhlinh.net)




1.    Mấy ngày nay, tôi thấy lòng mình rộn ràng. Rộn ràng vì năm mới, tôi có quá nhiều khát vọng, có quá nhiều điều muốn xin với Chúa.
Với nhận thức mình dễ sai lầm, tôi đã đến với Đức Mẹ. Tôi xin Mẹ dạy tôi nên khát vọng những gì hơn hết, nên xin với Chúa những gì cần hơn cả.

2.    Đức Mẹ âm thầm chỉ bảo cho tôi nên để ý nhất một điều quan trọng trong năm mới này, đó là được ơn biết phân định, điều gì là đúng và điều gì là sai, điều gì là chân thực và điều gì là gian dối.
Cụ thể, Mẹ dạy tôi hãy tha thiết cầu xin Chúa mấy điều sau đây, dựa theo ý của thánh Gioan tông đồ:

3.    Tôi xin Chúa xót thương, đừng để tôi rơi vào cảnh “Chúa đến nhà của mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Cảnh phũ phàng, mà thánh Gioan tông đồ mô tả trên đây xưa đã xảy ra, nay vẫn xảy ra một cách ngang nhiên. Tôi sợ chính tôi và cộng đoàn của tôi nhiều khi cũng không đón nhận Chúa, khi Chúa nhắc bảo chúng ta hãy đi vào cửa hẹp và đường hẹp.

4.    Chúa phán: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14)

5.    Lối sống tục hoá, lối sống thực dụng, lối sống tự do hưởng thụ đang lan tràn hiện nay chính là cách người ta không đón nhận Chúa vào lòng mình.

6.    Với ơn phân định, tôi sẽ thấy sự thực đó hiện nay là rất đau lòng. Chính chúng ta cũng đang quay đi, khi Chúa xin đi vào lòng chúng ta.
Hãy phân định đúng sai ngay tại chính mình, để mà ăn năn sám hối.

7.    Tôi xin Chúa xót thương, đừng để tôi rơi vào cảnh “Nhiều tên phản Kitô đã xuất hiện…chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta…Những ngôn sứ giả đang lan tràn khắp nơi” (1Ga 2, 18-19; 4, 2).
Cảnh đau đớn, mà thánh Gioan đã thấy xưa, nay cũng đang xảy ra một cách trầm trọng.

8.    Nhiều cách sống phản chứng ở nhiều nơi đang được đề cao. Nhất là cách sống phản lại “Tám mối phúc”, do Chúa Giêsu đã rao giảng. Đặc biệt là cách sống phản lại Thánh giá.

9.    Nếu được ơn phân định, tôi sẽ nhận ra lối sống phản chứng cũng không thiếu nơi chính tôi và nơi cộng đoàn của tôi. Xin Chúa xót thương cho tôi khỏi phải nhìn thấy lối sống phản chứng nguy hiểm nhất nơi chúng ta, đó là thiếu khiêm nhường sám hối, nên không trở về với Chúa.

10.     Tôi xin Chúa xót thương cho tôi được mang dấu chỉ đích thực của người môn đệ Chúa, như lời Chúa phán: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 14, 34-35).

11.           Với ơn phân định, tôi nhận ra dấu chỉ đích thực, mà Chúa xác định trên đây, hiện nay vẫn còn mờ nhạt nơi tôi và trong cộng đoàn của tôi.
Thực tế cho thấy, nhiều khi chúng ta tự hào về những dấu chỉ khác, nhiều khi chúng ta lo cho được những dấu chỉ khác.
Nếu không biết phân định, để nhận ra đúng sai trong vấn đề dấu chỉ, thì việc tăng thêm số người tự phong là môn đệ Chúa sẽ rất nguy hại cho Hội Thánh.

12.     Tôi xin Chúa xót thương cho tôi được “Nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để chịu chết đi, thì mới trổ sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
Đây là một ước mơ tốt, để nên giống Chúa Giêsu. Nhưng rất nhiều khi, mong được làm việc nọ, được ở chỗ này, được lãnh chức kia, là mong được những lợi ích rất khác với “hạt lúa gieo vào lòng đất, để được thối đi”.

13.       Khi có ơn phân định, tôi sẽ rất hoảng sợ nhận ra có sự giả dối nào đó trong nhiều hình thức được coi là đạo đức phục vụ nơi nhiều con người.

14.         Thú thực, là khi đọc kỹ đoạn Phúc âm thánh Mathêu ghi lại những lời Chúa khiển trách các kinh sư và các người Pharisiêu giả hình, (Mt 23, 1-36), tôi rất sợ cho tôi và cho cộng đoàn của tôi.
Bề ngoài, thì các kinh sư và các người Pharisiêu là những người đạo đức. Nhưng với ơn phân định, Chúa Giêsu đã gọi họ là những kẻ bị chúc dữ. “Khốn cho các ngươi”.

15.          Xin Chúa xót thương cho tôi và cộng đoàn của tôi được biết khao khát khả năng phân định.
Vì năm mới này sẽ nổ ra những xung đột gay gắt. Bên nào cũng cho mình là thiện. Bên nào cũng cho mình là chân lý. Bên nào cũng cho mình là đạo đức. Bên nào cũng cho mình là vì ích chung. Bên nào cũng cho là cứu đời. Chúng ta cần phân định đúng sai. Bởi vì áp lực của sự gian dối và gian ác sẽ rất mạnh.

16.          Xin Chúa xót thương ban cho chúng ta được ơn phân định. Vàng thau sẽ lẫn lộn. Nhưng, có ơn Chúa, chúng ta sẽ nhận ra.
Đúng thì nhận ra là đúng, dám nói là đúng, dám bảo vệ điều đúng, dám làm điều đúng.
Sai thì nhận ra là sai, dám nói là sai, dám tránh xa và đẩy lùi điều sai.
Ơn phân định đòi chúng ta phải rất khiêm nhường và có trách nhiệm. Thước đo đúng sai trong cách sống là Lời Chúa và gương Chúa.
Với chia sẻ chân thành trên đây, tôi xin cầu chúc cho mọi người chúng ta được một năm hạnh phúc, luôn có những chọn lựa đúng, luôn có những phân định đúng nhờ Chúa Thánh Thần.

Long Xuyên, ngày 09. 01. 2016

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Tự Tôn và Khinh Người (Chúa Nhật IV TN, năm C)





Tự  Tôn  và  Khinh  Người
(Chúa  Nhật  IV  TN,  năm  C)
(Tue, 26/01/2016 -Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)


Tự tôn và khinh người là hai động thái có liên quan lẫn nhau. Vì tự tôn, người ta cho mình là “số dzách” hoặc “ngon” hơn nên khinh miệt người khác. Tự tôn là tự kiêu, là kiêu ngạo, trái ngược với khiêm nhường. Khiêm nhường như tòa nhà, khó khăn lắm mới xây dựng nên; kiêu ngạo như đốm lửa, nó có thể thiêu rụi cả tòa nhà bất cứ lúc nào. Pascal nhận xét rất chí lý: “Cái tôi là đáng ghét”.

Nữ văn sĩ Jane Austen (1775-1817), người Anh, tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như “Sense and Sensibility” (Tri Thức và Tri Giác), “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến), so sánh: “Kiêu căng và kiêu hãnh là hai chuyện khác nhau, dù các từ ngữ này thường được dùng như đồng nghĩa. Một người có thể tự hào về bản thân mà không tự cao tự đại. Kiêu hãnh liên quan nhiều tới quan điểm của chúng ta về bản thân; kiêu căng là những gì chúng ta muốn người khác nghĩ về mình”.

Có lẽ ai cũng đã từng hơn một lần cảm nhận được sự khinh miệt của người khác – qua ánh mắt, lời nói, cử chỉ, động thái. Với người khiêm nhường, họ cảm thấy buồn nhưng im lặng. Với người chưa khiêm nhường đủ mức, họ cảm thấy tức giận, uất ức hoặc căm phẫn, và họ phản ứng dữ dội, thậm chí có người dám ra tay hại đối phương. Đã có những vụ giết người chỉ vì người ta thấy “đối phương” dám “nhìn đểu” mình hoặc “nhìn thấy ghét”.

Chúa Giêsu đã từng bị người ta coi thường, bị ghét tới “tận cùng bảng số”, dù Ngài chỉ làm những điều tốt lành, là Đấng chí thánh. Còn chúng ta, nếu có bị khinh thì cũng dễ hiểu, là lẽ thường tình. Thật vậy, chúng ta là phàm nhân còn nhiều lầm lỗi, có bị khinh cũng chẳng lạ chi cả. Vả lại, chính chúng ta cũng có những lúc cảm thấy “khó ưa” người khác – tức là coi thường hoặc khinh người khác. Vậy nếu chúng ta có bị khinh thì cũng đâu có… oan!

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự (x. Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6). Chính Thiên Chúa cũng xác định rạch ròi với ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1:5). Rõ ràng Ngài biết trước từ đời đời, quan phòng và tiền định từ khi chúng ta chưa là “hạt bụi” nào trên thế gian này. Ngài biết mọi sự đã và sẽ xảy ra để nâng đỡ chúng ta, để bảo bọc chúng ta theo lòng thương xót của Ngài: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:1-5).

Thiên Chúa đã tuyển chọn Giêrêmia làm ngôn sứ, và Ngài giao trách nhiệm cho ông: “Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy NÓI với chúng tất cả NHỮNG GÌ Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn. Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1:17-19). Thế thì an tâm rồi, có Chúa là thành lũy, là sức mạnh, là khiên thuẫn,… đâu sợ gì nữa!

Tuy nhiên, chúng ta dễ “ngủ quên trong chiến thắng” và dễ ảo tưởng. Phàm nhân là thế đó! Biết vậy, tác giả Thánh Vịnh đã không dám ỷ lại, mà luôn phải cầu xin: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài. Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ, khỏi móng vuốt phường nham hiểm và bọn dã man” (Tv 71:1-4). Cuộc sống rất nhiêu khê, “căng” lắm, ba thù (xác thịt, thế gian, và ma quỷ) lúc nào cũng trực chiến. Mà ma quỷ như virus, chỗ nào cũng có, lúc nào cũng có. Sơ sảy một chút là “chết” với nó ngay thôi!

Cảnh giác với ma quỷ và thế gian là chuyện dễ hiểu, nhưng đặc biệt là phải cảnh giác mới chính mình. Ngoại gián là đáng sợ, nhưng nội gián còn đáng sợ hơn. Vì thế, tác giả Thánh Vịnh không dám lơ là, phải luôn tâm niệm ngày đêm: “Lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân. Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi” (Tv 71:5-6). Chắc chắn chúng ta cũng không thể làm khác hơn được, vì đó là “bí quyết” tự bảo vệ mình để làm khỏe mạnh hệ miễn nhiễm tâm linh.

Không chỉ vậy, chúng ta còn phải quyết tâm và không ngại miệng thân thưa với Chúa: “Miệng con công bố Ngài chính trực, suốt ngày tường thuật ơn cứu độ Ngài ban. Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:15 và 17). Vâng, đó là điều cần thiết, và như Thánh Phêrô đã xác định với Sư phụ Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68-69).

Thánh Phaolô động viên và chỉ “mẹo” cho chúng ta: “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả” (1 Cr 12:31). Bí quyết đó là gì? Đức ái, hoặc đức mến.

Trong Thư I gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô dành cả chương 13 (1 Cr 13:1-13) để giải thích chi tiết và cụ thể: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

Đức mến là đức ái, là biết yêu thương, biết động lòng trắc ẩn, biết thương xót – đặc biệt đối với những người hèn mọn, thấp cổ bé miệng. Thương xót từ ánh mắt, ý nghĩ, đôi tay, đôi tai, cái miệng, con tim,… Mẹ Teresa Calcutta nói: “Có tin thì mới yêu”. Còn Thánh Gioan nói: “Ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3:15). Con tim luôn quan trọng hơn các chi thể khác.

Tự tôn trái ngược với khiêm nhường, khinh người trái ngược với yêu thương, với lòng thương xót. Thế mà đôi khi chúng ta lại không cho là vậy, mà cứ tưởng mình đang tốt lành, vì chúng ta thể hiện lòng thương xót nhưng có điều kiện, có chọn lựa, tùy đối tượng. Đúng là ảo tưởng và giả hình mà!

Thánh Luca cho biết rằng Đức Giêsu được quyền năng Thần Khí thúc đẩy nên Ngài trở về miền Galilê, đến hội đường, mở sách và đọc Kinh Thánh, xong rồi ngồi xuống. Cả hội đường chăm chú nhìn Ngài. Ngài bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21). Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài.

Rồi Ngài nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Lc 4:23). Ngài nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4:24). Một sự thật quá đỗi phũ phàng!

Người Việt nói: “Giòi trong xương giòi ra”. Những người khinh chúng ta không ai xa lạ, những người ở gần chúng ta, thân nhân và bạn bè, vì người xa kẻ lạ có biết gì đâu. Thật vậy, chính các thân nhân đã bảo Chúa Giêsu là người mất trí, bị điên khùng, tâm thần (x. Mc 3:21) nên họ tìm cách bắt Ngài về. Còn các kinh sư nói Ngài bị quỷ ám (x. Mc 3:22). Kinh khủng thật!

Con gà tức nhau vì tiếng gáy. Con người cũng có máu… gà! Không làm được gì thì người ta chê là dở, nói là hèn, chửi là ngu, rồi người ta khinh miệt và “đì” tới bến; làm được gì thì người ta không tin, nói là khoe mẽ, rồi người ta gièm pha, giật dây, trù dập. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, cỡ nào cũng nói được, kiểu nào cũng bị khinh.

Thật vậy, Chúa Giêsu “đi guốc” trong bụng họ nên biết rõ mười mươi. Ngài đặt vấn đề với họ: “Vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi” (Lc 4:25-27). Tại sao thế nhỉ? Họ chỉ “bới bèo ra bọ, vạch lông tìm vết”, chứ không chịu “soi gương” xem mặt mình thế nào. Và ngày nay, chúng ta cũng có hơn gì họ đâu, vẫn mỉa mai, ghen tức, phe cánh,… Vậy mà vẫn tưởng mình “ngon”, thế mới chết chứ!

Y như rằng, nghe Chúa Giêsu nói vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực. Cháy nhà ra mặt chuột. Nham hiểm thật! Thế nhưng họ không làm gì được Chúa Giêsu, và Ngài băng qua giữa họ mà đi.

Chúa còn bị ghen ghét thì chúng ta chẳng là chi cả! Tuy nhiên, nói với kẻ vừa ngu vừa cố chấp thì không bằng nói với đầu gối, nói với cục đá, vì họ cứ trơ trơ cái mặt dày ra. Hãy ghi nhớ triết lý này: “Đừng cãi lý với kẻ say, đừng bắt tay với kẻ xấu, đừng chiến đấu với kẻ liều, đừng nói nhiều với kẻ ngu!”.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết nhận thức đúng đắn, biết mình và biết người, để không ảo tưởng mà tự tôn, không kiêu ngạo mà khinh người. Vâng, lạy Chúa, tất cả đều là Hồng Ân của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.


TRẦM THIÊN THU