Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Khỉ Thật



Khỉ  Thật   Khỉ Thật   Khỉ Thật
(Gã siêu)


Theo “Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn Đức, thì khỉ là một loài động vật có vú, bốn chân có bàn trũng và ngón dài khả dĩ nắm được, trèo  giỏi, sống bằng trái cây và ngũ cốc.

Gã quen một anh bạn tên là Bảy. Anh Bảy là người rất tốt bụng, nhưng chẳng may bị trời phú cho một khuôn mặt hơi bị giống với khỉ. Vì thế, thiên hạ thường gọi anh ta là anh Bảy Khỉ. Tuy nhiên, thiên hạ cũng chỉ dám gọi lén sau lưng mà thôi, chứ đường đường mặt đối mặt mà gọi như thế, chắc chắn sẽ bị anh ta đấm cho vỡ mỏ, khi tự ái nổi lên đùng đùng. Và cũng thật trùng hợp, anh Bảy lại có tài leo trèo. Ngọn tháp nhà thờ thật cao, mà anh ta cứ phom phom bò lên, chẳng cần dây đai an toàn chi cả, hai tay và hai chân cứ dính chặt vào tường vách như con thạch sùng. Gã đứng dưới đất ngước nhìn mà còn chóng cả mặt. Thấy vậy, thiên hạ bèn ưu ái phong cho anh ta một tên gọi đậm đà khác nữa, đó là anh Bảy Tổ Tông.

Bốn chữ “Anh Bảy Tổ Tông” làm cho gã nhớ lại gần ba mươi năm về trước, hồi đất nước mình mới được giải phóng, bất kể giai hay gái, già hay trẻ, tất cả nam phụ lão ấu, từ thành thị cho đến thôn quê, đều được học tập về thuyết tiến hóa.

Dựa vào những mẩu xương được tìm thấy, cũng như dựa vào những di tích của ngành khảo cổ, một số nhà khoa học đã đưa ra cái giả thuyết: Người bởi khỉ mà ra và loài khỉ chính là tổ tiên của con người. Mục đích của việc phổ biến thuyết tiến hóa nhằm đả phá tôn giáo, để rồi đi tới kết luận: Vật chất đẻ ra vật chất, chẳng có Thiên Chúa hay thần thánh nào cả. Thế nhưng, theo gã nghĩ: Cho dù vật chất có đẻ ra vật chất và con người có bởi khỉ mà ra chăng nữa, thì bàn dân thiên hạ vẫn phải công nhận: Cái vật chất đầu tiên ấy do đâu mà có nếu không phải là đã được dựng nên bởi một Đấng Tạo Hóa, hơn thế nữa giữa người và khỉ luôn luôn có một sự khác biệt, để người luôn luôn là người và khỉ vẫn luôn luôn là khỉ.

Cũng trong chiều hướng ấy, Teilhard de Chadin đã đưa ra ý niệm về một cú nhảy vọt. Trong cú nhảy vọt ngoạn mục và tuyệt vời này phải có sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa, để trao ban cho con người một linh hồn, nhờ vậy người  mãi mãi là người và khỉ vẫn mãi mãi là khỉ. Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, cấu trúc AND của người và khỉ giống nhau đến 99,4%, thế nhưng giữa người và khỉ lại khác nhau một trời một vực. Và trong một bài viết trên báo “Kiến thức ngày nay”, thiên hạ đã liệt kê một số những khác biệt căn bản như sau:

Thứ nhất, đó là loài khỉ không biết nói. Rất có thể loài khỉ cũng  đưa ra những yêu cầu đơn giản nhưng không có khả năng gợi lên những gì tai không nghe, mắt không thấy hay những gì sắp xảy ra và càng không thể nào trao đổi tư tưởng như con người. Vì vậy, ngôn ngữ và tiếng nói là một đặc điểm của người và chúng ta có thể xác quyết: Người là một con vật có ngôn ngữ, có tiếng nói nhờ đó mà xích lại gần nhau và cảm thông với nhau hơn.

Thứ hai, đó là loài khỉ không biết cười. Rất có thể khi gặp điều gì vui thú, loài khỉ cũng khúc khích. Thế nhưng, tiếng cười của loài khỉ khác hẳn tiếng cười của con người. Thực vậy, loài khỉ chỉ biết khúc khích khi vui chơi, nhưng lại chẳng biết sử dụng tiếng cười để nổi giận, để châm biếm, để bỡn cợt. Và như vậy chúng ta cũng có thể xác   quyết: Người là một con vật duy nhất biết cười.

Thứ ba, đó là loài khỉ không biết cái chết là cái chi chi. Rất có thể khỉ mẹ vẫn tiếp tục chăm sóc cho những chú khỉ con chết yểu, nhưng chưa bao giờ người ta thấy loài khỉ chôn cất đồng loại hay làm nghi lễ an táng cho kẻ đã khuất.

Thứ tư, đó là loài khỉ chẳng có khái niệm về luân lý và đạo đức. Rất có thể loài khỉ cũng biết chia ngọt sẻ bùi, bảo vệ những kẻ yếu thế trong những cuộc xung đột, giúp đỡ kẻ tàn tật và tránh chuyện loạn luân! Tuy nhiên chúng ta cũng đừng vội kết luận là loài  khỉ cũng có luân lý và đạo đức riêng của mình. Thực ra, chúng chẳng phải là những con vật hiền lành. Để bảo vệ lãnh thổ, chúng sẵn sàng tấn công, thậm chí giết chết thành viên của bầy đàn bên cạnh, kể cả những chú khỉ con chúng cũng không tha.

Thứ năm, đó là loài khỉ không biết chế tạo dụng cụ. Rất có thể loài khỉ cũng dùng được một vài dụng cụ đơn giản như cành cây, búa, đe, nhưng chúng không có khả năng thực hiện những công việc khó khăn, cũng như không có khả năng học thêm những điều mới.

Sau cùng, đó là loài khỉ không biết nói dối. Rất có thể loài khỉ cũng dấu giếm thức ăn vừa kiếm được để xơi một mình, nhưng chẳng qua chỉ là một cách che dấu mà thôi, chứ còn nói dối, tức là đưa ra những thông tin sai  nhằm đánh lạc hướng và lừa gạt đối phương, thì loài khỉ hoàn toàn không thể thực hiện nổi.

Khỉ có nhiều loại và có những loại được kê tên trong sách đỏ, được liệt vào hàng quí hiếm, cần phải  bảo vệ cho khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Bình thường gã thấy có khỉ đột là loại khỉ to. Còn khỉ giả nhân hay đười ươi cũng là loại khỉ to, đi bằng hai chân giống như người, vì thế Cao Bá Quát đã có câu đối:

-  Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái.

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Trong khi đó vượn lại là một  loại khỉ có đuôi và chân rất dài. Chuyện rằng: Ngày xưa vua nước Sở có một con vượn rất đẹp, chẳng may nó bị xổng chuồng và chạy vào rừng. Nhà vua bèn truyền cho quan quân vô rừng tìm, nhưng tìm mãi tìm hoài cũng chẳng thấy. Cuối cùng nhà vua ra lệnh đốt rừng, để con vượn phải chạy ra. Và thế là chỉ vì một con vượn mà cả cánh rừng rộng lớn bị thiêu rụi.

Bây giờ, gã xin điểm qua một vài đặc tính của khỉ.

Trước hết khỉ là một loài vật tương đối có chỉ số thông minh khá cao. Vì thế, chúng ta đã thấy, khỉ có thể sử dụng một vài đồ dùng thô thiển như cành cây để tự vệ cũng như để tìm mồi. Nếu gã không lầm thì vào năm 1959, phi thuyền Jupiter đã đưa hai con khỉ gốc Á Châu, thuộc nòi “Macaca”, tên là “Aybơn” và “Baikơ” lên không gian, bay chung quanh trái đất với độ cao 450 ki lô mét. Sau khi trở về được hai ngày thì con “Aybơn” lăn đùng ra chết, còn con “Baikơ” sống thêm được một thời gian nữa. Tuy nhiên sự thông minh của khỉ chỉ là một sự thông minh “vốn sẵn tính trời”, được di truyền từ đời khỉ ông tổ xì hơi cho đến đời khỉ  con cháu chút chít, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, chứ chẳng được cập nhật hóa và phát triển thêm chút nào. Thành thử họ hàng nhà khỉ hôm nay vẫn cứ ngu như tổ tông chúng hàng ngàn năm về trước.


Có năm trăm con khỉ mặt đỏ đi trong rừng, đến dưới một gốc cây cổ thụ. Bên cạnh gốc cây cổ thụ lại có một cái giếng. Nước trong giếng phản chiếu ánh trăng vàng. Chú khỉ đầu đàn nhìn thấy, liền vội vã nói với đồng bạn: Mặt trăng đã bị rơi xuống giếng rồi kìa, chúng ta hãy cùng nhau kéo nó lên. Thế này nhé, tôi sẽ bám vào cành cây trên mặt giếng, sau đó các anh từng người một bám vào đuôi nhau mà trèo xuống, như thế mới có thể cứu được mặt trăng. Bầy khỉ mặt đỏ từng con và từng con liên tục treo thành một chùm dài. Lúc còn một chút xíu nữa thì đụng mặt nước, trọng lượng của bầy khỉ vượt quá sức chịu đựng của cành cây. Một tiếng “rắc” vang lên, cành cây bị gẫy và bầy khỉ mặt đỏ rơi xuống giếng, giẫy giụa mãi không thôi. Còn mặt trăng trong giếng cũng “mất tích” luôn.

Một câu chuyện khác chứng tỏ khỉ cũng ngu, chứ chẳng khôn ngoan gì cho lắm. Ở nước Tống có người khéo nuôi khỉ, sống bằng nghề dạy khỉ làm trò. Thầy dạy khỉ hiểu tâm lý loài khỉ và những con khỉ được ông nuôi dạy cũng hiểu được tiếng nói và cử chỉ của ông. Thầy dạy khỉ vẫn nuôi khỉ bằng hạt giẻ. Hạt giẻ bên Tàu rất lớn, có hạt lớn bằng cái chén uống nước chứ không nhỏ như hạt dẻ bên ta. Mỗi bữa ông phát cho mỗi chú khỉ bốn hạt giẻ. Ngày hai bữa như thế. Gặp hồi thầy dạy hết tiền mà giá hạt giẻ lại leo thang, nên ông thầy thấy cần phải giảm bớt số hạt giẻ cấp phát mỗi bữa cho lũ khỉ, ông liền nói với chúng: Từ nay ta phát cho chúng mày mỗi con bữa sáng ba hạt giẻ, bữa tối bốn hạt giẻ. Lũ khỉ trước đó vẫn quen được phát mỗi bữa bốn hạt, nay bớt đi một hạt, đều phản đối, kêu la chí chóe, nhất định không chịu. Ông thầy dạy khỉ bèn sửa lại: Nếu vậy, từ nay ta phát cho mỗi con bữa sáng bốn hạt, bữa chiều ba hạt. Chịu không? Lũ khỉ nghe nói bữa sáng đổi thành bốn hạt như cũ đều hài lòng, không còn la ó phản đối nữa.

Nhiều người trong chúng ta cũng hành động giống như khỉ, nghĩa là họ tham cái lợi nhỏ trước mắt, mà quên mất tiêu cái hại lớn sau lưng: Khỉ thật!

Tiếp đến, khỉ là một loài vật có tính tò mò và hay bắt chước. Thấy người ta làm gì, thì khỉ cũng bắt chước mà làm theo. Người ta nhăn mặt thì khỉ cũng nhăn mặt. Người ta gãi sườn, thì khỉ cũng gãi sườn. Người ta toét miệng cười, thì khỉ cũng toét miệng cười.

Biết tính khỉ là như thế, bọn thợ săn bèn bày mưu rượu uống, rồi cùng nhau đi guốc. Sau đó bỏ rượu và guốc dưới gốc cây rồi nấp vào một chỗ mà rình. Lũ khỉ kéo nhau ra, thấy guốc và rượu. Con đầu đàn tinh khôn, cho rằng người ta gài bẫy, nên giục những con khác hãy mau mau đi khỏi. Cả bầy cất bước, nhưng vẫn cứ ngoảnh lại. Cuối cùng chúng bảo nhau: Ta hãy nếm thử xem sao? Và thế là chúng tay chấm miệng mút, bén mùi làm mãi, cho tới khi say tít thò lò, quên cả lời nhắc bảo của con đầu đàn. Chếnh choáng nghiêng ngả, nói nói cười cười, chân đưa vào guốc và bước đi cà lơ thất thểu. Bọn thợ săn bấy giờ mới xông tới. Bầy khỉ lảo đảo chạy, con ngã nghiêng, con ngã ngửa, bị bắt sạch, không sót một con nào.

Nhiều người trong chúng ta cũng hành động giống khỉ, nghĩa là họ nhắm mắt bắt chước thiên hạ, không phân biệt cái tốt hay cái xấu, cái đúng hay cái sai. Thậm chí cái tốt và cái đúng thì không theo mà chỉ theo cái xấu và cái sai. Thấy cầu thủ bóng đá David Beckham húi trọc, thế là a-lê-hấp, để trở nên giống thần tượng của mình, họ cũng phó thác cái đầu bù xù của mình cho bác phó cạo trọc lóc. Thấy các ca sĩ nữ khi trình diễn mặc áo váy thiếu trước hở sau, thế là “a-la-mốt” mỗi khi ra đường họ cũng khoác vào mình những bộ váy áo mát mẻ và nghèo nàn, rất ư là chướng tai gai mắt, chỉ còn nước lẩm bẩm: Khỉ thật!

Ngoài ra, khỉ còn là một loài vật có tính láu cá và hay quậy phá. Thực vậy, biết bao nhiêu phen người nông dân trồng rẫy ven rừng đã phải khốn đốn vì lũ khỉ. Trồng được mấy trăm gốc bắp, sắp sửa đến ngày thu hoạch, thì chỉ một đêm bị lũ khỉ kéo đến phá cho một trận te tua, thành thử phải ca bài:  Xôi hỏng bỏng không, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì. Vì thế, người ta cũng hay la mắng những kẻ phá phách: Khỉ thật!

Ngày kia, con hổ tát chết hai con trâu và xé tan xác một con lạc đà. Hổ lấy làm kiêu hãnh rằng mình dũng cảm, bèn lên một mỏm đá nằm lăn ra, khoái chí và lớn tiếng khoe khoang: Không có con vật nào có thể đọ sức cùng ta được. Ngay cả đến voi cũng phải cúp đuôi chạy mất, nếu gặp ta và bị ta tát cho vài tát. Trời đã sinh ta như vậy. Chẳng thèm cầu cạnh nhờ vả ai. Bỗng nhiên, một phiến đá nhọn lở ra rơi từ đỉnh núi xuống, trúng lưng hổ làm hổ bị thương. Nhưng hổ vẫn không tỉnh ngộ. Lát sau, hổ trở dậy, đi ra suối uống nước và nằm trên bờ ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cạnh đấy có một tổ kiến lửa. Kiến bò ra, leo lên, chui vào vết thương của hổ và ra sức đốt. Hổ đau quá, chồm dậy, lồng lộn và gầm vang chuyển cả đồi núi. Cạnh đấy có một chú khỉ ngồi trên cây. Chú khỉ thấy hổ quay cuồng bèn phá lên cười và nói: Ê chàng dũng sĩ kia! Lòng can đảm và sức lực của ngươi bỏ đâu mất rồi? Ngươi vừa mới khoe khoang là chẳng có con vật nào địch nổi sức mạnh của ngươi cơ mà. Tại sao bây giờ ngươi lại hoảng hốt giãy giụa lên như thế. Rõ thật là bêu chưa? Hổ nghe nói rất lấy làm xấu hổ, liền năn nỉ: Tôi lạy anh, xin anh làm phúc phủi kiến ra khỏi vết thương hộ tôi. Ơn này suốt đời tôi thề sẽ chẳng bao giờ quên.

Một câu chuyện nữa chứng minh cho tính láu cá của khỉ. Ngày nọ, khỉ đang lang thang thì gặp bác bò đang cày ruộng. Khỉ nói: Tôi rất thích cày ruộng, bác để tôi giúp cho nhé. Cày được mấy luống, khỉ nói:

Ấy chết, tôi quên mất một việc quan trọng, tôi cần phải đi ngay đây. Đi được một quãng, khỉ gặp thím chim ưng đang làm tổ. Khỉ vội nói: Làm tổ là nghề của tôi, thím để tôi giúp cho nhé. Nhặt được mấy cọng cỏ khô, khỉ nói: Ấy chết, tôi quên mất một việc quan trọng, tôi cần phải đi ngay đây. Đi được một quãng, khỉ gặp chú thỏ đang đào hang. Khỉ nói: Tôi rất rành nghề đào hang, chú để tôi giúp cho nhé. Gãi  đất được mấy cái, khỉ nói: Ấy chết, tôi quên mất một việc quan trọng, tôi cần phải đi ngay đây. Thời gian trôi qua, khỉ trở về vào mùa lúa chín. Thấy mọi người ca tụng bác bò vì thửa ruộng bác cày thật trúng, khỉ vội nói: Ấy ấy, tôi cày ruộng đấy chứ. Thấy mọi người khen ngợi thím chim ưng vì chiếc tổ thím làm thật bền chắc, khỉ vội nói: Ấy ấy, tôi làm đấy chứ. Thấy mọi người chúc mùng chú thỏ vì chiếc hang chú đào thật ấm áp, khỉ vội nói: Ấy ấy, tôi đào đấy chứ. Nghe thấy vậy, nhiều người ấm ức trong bụng và đã phát ngôn thành lời: Có cái khỉ mốc gì đâu.

Nhiều người trong chúng ta cũng hành động giống như khỉ, nghĩa là họ nói thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu, họ nói thì hay mà làm lại chẳng hay chút nào. Họ thích làm giám đốc, giám xúi, chứ chẳng muốn giơ ngón tay lay thử một ly ông cụ nào sốt. Khỉ thật!

Tuy nhiên, có một nét nổi bật của loài khỉ thường các cụ ta ngày xưa nhắc đến qua văn chương chữ nghĩa, đó là một tình thương chan hòa và lai láng. Hẳn rằng khi học truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta đều thuộc lòng câu thơ bất hủ: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Hai chữ “đoạn trường” ở đây có nghĩa là đứt ruột, để chỉ những sự việc thảm thương đến cùng độ, khiến cho người ta nghe qua cảm thấy như đứt từng đoạn ruột, tan nát cả cõi lòng.

Theo sách “Sưu Thần Hậu Ký” thì có một người thợ săn bắt được một con khỉ con, đem về làm thịt. Khỉ mẹ trông thấy, cứ ở trên cây kêu la thảm thiết mãi, rồi buông tay té xuống đất mà chết. Đến khi mổ bụng ra, người thợ săn thấy ruột của khỉ mẹ đứt ra từng khúc.

Tương truyền rằng: Ở đất Vũ Bình có giống vượn, lông đỏ như vang, nõn như tơ, trông xa lấp lánh rất là đẹp mắt. Hai mẹ con nhà vượn, mẹ thì khôn ngoan và tai quái, còn con thì ngây ngô và nhẹ dạ, nhưng lúc nào cũng đi liền bên mẹ. Người thợ săn không thể nào nhử mồi, đánh bẫy được, mới lấy thuốc độc xát đầu mũi tên, rình lúc vượn mẹ vô ý, thì bắn ngay. Vượn mẹ bị bắn, biết  mình không thể sống được, vắt sữa xuống cỏ cho con uống, xong rồi lăn ra mà chết. Người thợ săn quay về phía vượn con, cầm roi quật vào xác vượn mẹ. Vượn con thấy thế, kêu gào thương xót, chạy ngay lại gần và người thợ săn bắt sống được. Lúc về nhà, cứ đêm đêm vượn con nằm phục bên xác mẹ, thì mới yên. Một đôi khi lại ôm lấy kêu gào, vật vã rất thảm thiết. Không được mấy hôm vượn con cũng chết. Than ôi! Vượn là giống vật còn biết thương mẹ, huống chi là giống người lại nỡ nhẫn tâm quên mẹ, phụ lòng mẹ ư?

Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại hành động thua kém cả loài khỉ. Cha mẹ thì đay nghiến và đánh đập con cái, còn con cái thì hất hủi và bạc bẽo với cha mẹ. Theo một bài viết trên báo Phụ nữ Chủ nhật số ra ngày 29.6.2003 thì tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra một vụ án đau  lòng. Vụ án đau lòng này rất đáng cho chúng ta dừng lại và suy gẫm. 

Một người mẹ nhẫn tâm đổ dầu sôi vào mặt con gái, người mẫu Võ Thị Thu Trâm, trước ngày cô lên đường tham dự cuộc thi “Hoa hậu liên lục địa” tại Đức. Lý do người mẹ ấy đưa ra sau khi sát hại con, đó là bà đã có hai mươi năm mua bán ve chai, vất vả nuôi con khôn lớn, để rồi khi bắt đầu nổi tiếng, cô cũng mặc cảm về thân phận người mẹ, lẩn tránh sự kiểm soát của bà và nhất là đã đối xử tệ bạc. Bài báo còn đưa ra những trường hợp điển hình khác nữa. Chẳng hạn mấy ngày trước, một phụ nữ ở huyện Bình Chánh trong khi cãi cọ với chồng, đã bị chồng đạp vỡ lá lách phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Tòa án tỉnh Vĩnh phú vừa tuyên án tử hình Trần Văn Nam, do ham chơi và đua đòi đã giết bà nội để lấy năm chỉ vàng và bảy trăm ngàn đồng. Một đứa con trai trong những cơn say triền miên thường hay quậy phá, gây sự với cha mẹ già và đã ra tay giết người cha 74 tuổi bằng bốn nhát dao. Đọc những mẩu tin trên, ai mà chẳng phải lắc đầu ngao ngán cho “cái tình đời lạnh lẽo và cái tình người bạc bẽo”: Khỉ thật!

Để kết thúc những chuyện lỉnh kỉnh về khỉ, gã xin giới thiệu một món  đặc sản cho dân bợm nhậu trong những ngày đầu xuân, đó là món óc khỉ. Tương truyền rằng khi bà Từ Hi Thái Hậu bên Tàu mở tiệc thết đãi các quan chức chính gốc Ăng Lê, thì trong thực đơn có món tuyệt chiêu này. Tuy là tuyệt chiêu, nhưng lại thật đơn giản. Phía dưới bàn ăn, người ta đóng những chiếc hộc nhỏ. Trong mỗi chiếc hộc nhỏ, người ta nhốt một con khỉ. Phía trên bàn ăn, người ta khoét lỗ để cái  chỏm đầu của con khỉ được nhô lên. Tới lúc các quan chức dùng, thì người hầu bàn mang dao tới, rồi phụt một cú, cái chỏm đầu của con khỉ bị cắt ngang, để lộ ra bộ óc còn nguyên vẹn và đỏ hỏn. Bấy giờ các quan chức chỉ cần vắt chanh, nêm muối tiêu, rồi lấy thìa xúc mà ăn. Ăn vào, thập phần bổ béo, còn đầu óc thì trở nên minh mẫn và thông suốt.

Không hiểu các quan chức lúc bấy giờ cảm nhận như thế nào, chứ riêng gã khi nhìn thấy người ta làm thịt khỉ thì đã rùng mình khiếp sợ. Con khỉ bị cạo lông trông giống y chang một đứa con nít, làm sao mà nuốt cho nổi. Riêng những ai mình mẩy đau nhức, mắt mũi kèm nhèm thì trong năm mới này, hãy tìm mua cho được một lạng cao khỉ, đem về ngâm với rượu mà uống. Uống vào, mình mẩy sẽ khỏe khoắn. Ngoài ra, cao khỉ còn có tác dụng tuyệt vời, đó là làm  sáng mắt mình mà tối mắt thiên hạ. Khỉ thật!
Gã Siêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét