Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Tế Nhị (Chúa Nhật II TN, năm C)



Tế  Nhị
(Chúa  Nhật  II  TN,  năm  C)
(Tue, 12/01/2016 - Trầm Thiên Thu –thanhlinh.net)


Tế nhị là điều rất cần thiết trong cuộc sống. Đó là khả năng nhận thức tinh tế một tình huống và nói hoặc làm điều thích hợp hoặc tử tế nhất. Một người tế nhị có thể cảm nhận cảm xúc của người khác và nhận biết lời nói hoặc hành động của mình tác động như thế nào đến họ. Người tế nhị luôn được yêu quý, vì họ lịch lãm, khéo léo, tinh tế, khôn ngoan, biết đối nhân xử thế khi giao tiếp.

Tế nhị là cử chỉ cao đẹp, là sự thận trọng, là loại ngôn-ngữ-không-lời mà ai cũng hiểu được, không cần người khác thông dịch hoặc phiên dịch. Thánh Phaolô khuyên: “Hãy thận trọng trong mọi sự” (2 Tm 4:5). Và Franklin so sánh: “Thiếu thận trọng còn tai hại hơn thiếu hiểu biết”. Đáng sợ quá!

Trình thuật 2 V 4:8-37 là một câu chuyện dài nói về cách giao tiếp tế nhị của người phụ nữ Su-nêm và ông Ê-li-sa.

Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm, nơi có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó”. Quả thật phụ nữ này có “thiên nhãn”,“con mắt thứ ba” rất tinh tường, hơn cả thầy tướng số, vì bà chỉ nhìn dáng người mà biết được Ê-li-sa là thánh nhân của Thiên Chúa.

Và rồi một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó. Ông bảo tiểu đồng Giê-kha-di đi gọi bà Su-nêm. Nó đi gọi bà và bà đến. Ông Ê-li-sa bảo nó nói với bà ấy đừng quá lo lắng bận rộn vì thầy trò ông, và hỏi bà: “Chúng tôi biết phải làm gì cho bà đây? Có cần chúng tôi phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy quân đội cho bà không?”. Bà khiêm nhường trả lời: “Tôi sống yên hàn giữa dân tôi”. Tuy vậy, ông Ê-li-sa nói với tiểu đồng: “Nên làm gì cho bà ấy?”. Giê-kha-di đáp: “Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già”. Ông Ê-li-sa bảo tiểu đồng đi gọi bà ấy. Nó lại đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa. Ông Ê-li-sa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai”. Bà tế nhị nói: “Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!”. Quả nhiên, sau đó bà ấy có thai, và năm sau, cũng vào độ mà ông Ê-li-sa đã nói, bà hạ sinh một con trai. Cuộc giao tiếp thật đẹp, thận trọng và đầy tính nhân bản, vì cả đôi bên đều tỏ ra rất tế nhị.

Theo thời gian, đứa trẻ lớn lên. Một ngày kia, khi đi kiếm cha nó ở giữa những người thợ gặt, nó nói với cha: “Ôi, cái đầu con! Cái đầu con!”. Người cha bảo anh đầy tớ bồng nó về cho mẹ nó. Người tớ trai đem nó về cho bà mẹ. Đứa trẻ ngồi trên đầu gối bà đến trưa, rồi nó chết. Bà đem nó lên đặt trên giường dành cho người của Thiên Chúa, đóng cửa lại, để nó ở trong rồi đi ra. Bà đi gọi chồng và bảo chồng sai đầy tớ với một con lừa cái đến với bà, bà sẽ chạy đến người của Thiên Chúa, rồi sẽ về. Người chồng hỏi tại sao bà lại đi gặp ngài vào ngày hôm đó, vì không phải là ngày đầu tháng, cũng chẳng phải là ngày sa-bát. Nhưng bà bảo ông cứ yên tâm.

Rồi bà cho thắng lừa và nói với anh đầy tớ đưa bà đi, chỉ dừng xe khi bà bảo. Bà lên đường và đi đến với người của Thiên Chúa ở núi Các-men. Vừa thấy bà đằng xa, người của Thiên Chúa nói với tiểu đồng Giê-kha-di ra đón bà Su-nêm, hỏi ông bà và cậu bé có được mạnh khoẻ không. Bà bình tĩnh và tế nhị trả lời: “Vâng, mạnh khoẻ cả”. Nhưng khi đến gần người của Thiên Chúa ở trên núi, bà ôm lấy chân ông. Giê-kha-di tiến tới, đẩy bà ra, nhưng người của Thiên Chúa bảo: “Để yên cho bà ấy, vì tâm hồn bà đang phải cay đắng. Đức Chúa đã giấu ta điều ấy, Người không cho ta biết”. Khi ấy, bà nói: “Nào tôi có xin ngài cho tôi được đứa con đâu? Tôi đã chẳng nói là xin đừng đánh lừa tôi đó sao?”.

Ông Ê-li-sa bảo Giê-kha-di thắt lưng, cầm gậy của ông mà đi, gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại, rồi đặt gậy của ông trên mặt cậu bé. Mẹ cậu bé nói: “Có Đức Chúa hằng sống và có ngài đang sống đây, tôi xin thề sẽ không rời xa ngài”. Ông trỗi dậy và đi theo bà. Giê-kha-di đã đi trước hai người và đặt gậy trên mặt cậu bé; nhưng không nghe thấy tiếng, không thấy động đậy. Anh ta quay lại đón ông Ê-li-sa và trình ông: “Cậu bé đã không thức dậy”. Khi ông Ê-li-sa tới nhà thì cậu bé đã chết, nằm trên giường của ông. Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa. Sau đó, ông làm động tác “kỳ lạ” lắm: Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra. Và điều kỳ diệu xảy ra!

Ông Ê-li-sa gọi Giê-kha-di và bảo đi gọi bà Su-nêm. Đây là lần thứ ba nó làm theo lời ông Ê-li-sa. Nó đi gọi bà; bà đến với ông, và ông nói: “Bà hãy đem con đi!”. Bà đi vào, quỳ dưới chân ông, rồi sụp xuống đất lạy ông. Sau đó, bà đem con đi và ra khỏi phòng.

Sau vụ việc này, chúng ta còn được biết thêm về vụ “nồi cháo độc” (x. 2 V 4:38-44). Đúng ông Ê-li-sa là “người của Thiên Chúa”. Nồi cháo đầy độc tố nhưng mọi người ăn lại không chết. Thật kỳ diệu!

Ngôn sứ Isaia nói: “Vì lòng mến Sion, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62:1-2). Không hạnh phúc nào mà vắng bóng gian khổ, không thành công nào mà không có thất bại. Vinh quang có được là nhờ dày công khổ luyện. đó là điều tất yếu.

Tất cả gian khó đã qua, tủi nhục đã hết: “Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay” (Is 62:3). Và từ nay, chẳng ai còn réo tên mà mỉa mai là “đồ bị ruồng bỏ” hoặc mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”, nhưng được trìu mến gọi là “ái khanh”,“duyên thắm chỉ hồng”. Tại sao? Vì được Đức Chúa đem lòng sủng ái và lập hôn ước. Hoàn toàn thuộc về Chúa, hạnh phúc biết bao! Kinh Thánh so sánh: “Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về; như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62:5). Đó cũng là hình bóng của chúng ta, những người đã được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc bằng Giá Bửu Huyết của Ngài.

Vì thế, chúng ta phải dành trọn cả cuộc đời mà nức tiếng xưng tụng Thiên Chúa, đồng thời còn phải mời gọi người khác cùng hợp lời tán dương. Ngày xưa, tác giả Thánh Vịnh đã không thể cầm lòng nên phải thốt lên: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn. Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:1-3).

Nói rồi thôi, hứa rồi quên. Bản chất phàm nhân là thế, và hầu như chúng ta đều có máu của dòng tộc “họ hứa”. Thiên Chúa biết điều đó nhưng Ngài vẫn tế nhị. Chính Ngài đã cảnh cáo dân xưa, và Ngài cũng đang cảnh báo đối với mỗi chúng ta ngày nay: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán” (Tv 95:8-10).

Người Việt thường nói: “Ăn cây nào, rào cây nấy” hoặc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ý khuyên chúng ta phải biết ơn người khác. Tuy nhiên, tục ngữ là tục ngữ, hay vẫn thấy hay, thích vẫn thấy thích, nhưng quên thì cứ quên, làm ngơ vẫn làm ngơ. Chưa được ơn thì van xin đêm ngày, được tha rồi thì “quên” nói lời cảm ơn, như mười người phong cùi được lành mà chỉ có một người Samari biết trở lại cảm ơn Chúa. Và chúng ta cũng thường đối xử như vậy đối với Thiên Chúa đấy. Thế nhưng Ngài luôn tế nhị, Ngài làm ngơ chứ không phải Ngài không biết!

Đặc sủng tuy nhiều, nhưng chung một gốc, đó là xuất phát từ Thiên Chúa, vì ông Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3:27). Đó là chân lý muôn thuở, bất biến. Thánh Phaolô phân tích: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12:4-7).

Thánh Phaolô lý giải rạch ròi: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (1 Cr 12:8-11). Tôi thế này, bạn thế kia, người khác thế nọ. Không ai giống ai. Đừng tưởng tôi “ngon” hơn người mà khoe mẽ, vênh vang tự đắc. Được ơn mà không làm vinh danh Chúa và không sinh lợi thì còn khốn hơn người khác!

Trình thuật Ga 2:1-12 là câu chuyện về tiệc cưới tại Cana, một đoạn Kinh Thánh Tân Ước rất quen thuộc. Qua đó, chúng ta thấy được sự tế nhị của Đức Maria trước tình huống khó xử của người khác.

Đức Mẹ và Đức Giêsu cùng dự một tiệc cưới tại Cana, miền Galilê, các môn đệ cũng được mời. Tiệc vui đang lúc cao trào thì có “sự cố” ngoài dự tính của gia chủ: Hết rượu. Đức Mẹ rất tinh ý nên biết nhà đám đang khó xử vì thiếu rượu, Đức Mẹ rất tế nhị nên nói nhỏ với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Thế nhưng Đức Giêsu lại thản nhiên: “Mẹ ơi, chuyện đó can gì đến Mẹ và Con? Giờ của Con chưa đến”. Mặc dù nghe Con Trai nói vậy, Đức Mẹ vẫn tin tưởng và liền đi nói với gia nhân: “Hễ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Tông đồ Gioan cũng là thực khách tại tiệc cưới đó nên cho biết rõ là ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Tính đồng mỗi chum chứa một trăm lít nước, vậy sáu chum là sáu trăm lít.

Đức Giêsu bảo với những người phụ giúp làm tiệc: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”. Đã nghe Đức Maria dặn trước, họ liền làm theo mà không thắc mắc gì. Họ đổ nước vào các chum đầy tới miệng. Xong rồi Ngài bảo họ múc và đem cho ông quản tiệc. Họ liền đem cho ông. Người quản tiệc nếm thử thì thấy rượu hảo hạng mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết, ai nấy đều ngạc nhiên. Người quản tiệc liền gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Nói thì nói chứ chú rể cũng biết ất giáp chi đâu, chỉ cười trừ thôi. Hôm đó, chú rể hẳn là người được nhân đôi hạnh phúc.

Đó là dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu đã thực hiện khi công khai sứ vụ. Cana là ngôi làng nhỏ bé trong miền Galilê nhưng đã được nhiều người biết đến, vì Đức Giêsu đã chọn làm nơi bày tỏ vinh quang Thiên Chúa. Thấy dấu lạ nhãn tiền, các môn đệ đã tin vào Ngài.

Lạy Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót, xin giúp con luôn tin yêu Ngài trong mọi hoàn cảnh, luôn biết tế nhị trong mọi tình huống của cuộc sống để khả dĩ phần nào minh chứng Ngài là Thiên Chúa duy nhất, chí minh và chí thiện. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét