Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Tại sao một số người Hồi Giáo thích chặt đầu?




Tại  sao  một  số  người  Hồi  Giáo  thích  chặt  đầu?
(Wed, 13/01/2016 - Vũ Văn An –Vietcatholic.net)





Hồi Giáo không ngần ngại thi hành hình phạt chặt đầu miễn là các thủ tục hợp luật được tuân giữ và tử hình là điều bắt buộc theo Luật Sharia. Theo truyền thống, điều này áp dụng cho các tội như sát nhân, ngoại tình, hoạt động đồng tính luyến ái, phản loạn chính trị, bỏ đạo, trong đó có việc trở lại một tôn giáo khác.

Chặt đầu vốn đã có từ lâu trong lịch sử loài người, nhưng điều đáng lưu ý trong thế kỷ 21 là: nó vẫn còn được thực hành bởi một số giới Hồi Giáo trong khi phần lớn thế giới coi nó như một chuyện ghê tởm. Các nhóm khủng bố ngày nay chứng tỏ rằng chặt đầu vẫn còn hết sức hiệu nghiệm trong việc gây kinh hoàng đối với người ta và nói lên sự khinh bỉ đối với nạn nhân. Chế độ hồi giáo trị của Nhà Nứớc Duy Hồi Giáo, tức ISIS, còn hãnh diện cho đăng tải những cuốn video đẫm máu vì một mục đích khác là gây phấn khích cho tuổi trẻ Hồi Giáo tham gia hàng ngũ của chúng chống lại các thẩm quyền tôn giáo truyền thống và tấn công các đồng đạo Hồi Giáo và cả những người không phải là Hồi Giáo đáng ghét.

Chúng ta đã thấy nhiều điển hình về việc trên: như việc ngày 2 tháng Giêng vừa qua, Saudi Arabia xử tử hình 47 người bị kết tội khủng bố và bất đồng chính kiến. Biến cố này bao gồm việc chặt đầu, trong đó có nhà tranh đấu Shia nổi tiếng, và xử bắn. Đối với vương quốc này, những vụ hành quyết như thế không phải là chuyện bất thường. Theo con số của truyền thông, vương quốc này từng chặt đầu khoảng 1,100 phạm nhân trong thời gian 1984-2004 và ít nhất 57 vụ riêng trong năm 2014, vì các tội từ buôn ma túy tới bỏ đạo. Một số chế độ Hồi Giáo trước đây vốn sử dụng hình thức trừng phạt này nhưng nay đã bỏ, không còn sử dụng nó nữa. Thành thử Saudi Arabia là nước khá “độc đáo” trong khía cạnh này dù nó vẫn tự hào là quốc gia muốn duy trì việc thực hành Hồi Giáo cách “tinh ròng và chân chính”.

Timothy Furnish, một vị tiến sĩ dạy môn lịch sử Hồi Giáo tại Cao Đẳng Perimeter thuộc Đại Học Tiểu Bang Georgia, trên mahdiwatch.org, có cho rằng các vụ chặt đầu các tù nhân đã có từ thời Tiên Tri Muhammad và trong các thế kỷ sau đó, việc người Hồi Giáo chặt đầu các kẻ thù còn sống hay đã chết thì vô vàn. Điển hình nổi tiếng nhất là vụ các người Madhist nổi dậy chặt đầu Tướng Charles Gordon của Anh năm 1885 tại Sudan.

Người ta cũng chẳng ngại dựa vào di sản luật pháp Hồi Giáo để thỉnh thoảng thi hành việc chặt đầu ở bên ngoài luật lệ như một số chặt đầu phụ nữ để bảo vệ danh dự gia đình hay việc những người duy Hồi Giáo sát hại các thường dân vô tội. Một điển hình trước đây là năm 2002, họ đã chặt đầu ký giả Daniel Pearl của Wall Street Journal, từng được diễn tả lại trong phim “A Mighty Heart”, có lẽ vì anh vừa là nhà báo vừa là người Do Thái. Ngoài ra, wikipedia.org còn liệt kê 24 vụ ISIS chặt đầu 305 nạn nhân kể từ giữa năm 2014.

Hội Đồng Liên Hệ Hoa Kỳ và Hồi Giáo cho rằng “Trong Kinh Kôrăng, không có điều gì biện minh cho các vụ chặt đầu” nhưng điều này chỉ đúng đối với các vụ khủng bố Hồi Giáo sát hại người vô tội thôi. Giáo Sĩ Mohamad Adam el-Sheikh ở Virginia còn nhấn mạnh rằng “các vụ chém đầu không hề được Kôrăng nhắc đến” nhưng ông quên rằng việc chặt đầu từng được Kinh này yêu cầu trong các vụ hành quyết chính thức. Nên phân biệt hai bối cảnh vừa nhắc với việc chặt đầu trong chiến tranh là việc được kinh thánh Hồi Giáo cho phép trong hai đoạn Kôrăng sau đây, dựa vào bản dịch của Majid Fakhry, được Đại Học Al-Azhar của Ai Cập công nhận:

“Khi Chúa Tể ngươi mạc khải cho các thiên thần: ‘Ta ở với ngươi, nên ngươi hãy hỗ trợ những người có đức tin. Ta sẽ gây kinh hoàng trong tâm hồn những kẻ không tin; do đó, hãy đánh vào cổ và đánh vào các đầu ngón tay của chúng, vì chúng chống lại Allah và Tiên Tri của Người; và ai chống lại Allah và Tiên Tri của Người [phải bị] hình phạt hết sức nghiêm khắc của Allah” (sura 8:12-13).

“Khi ngươi gặp những kẻ không tin, hãy đánh vào cổ chúng cho tới khi chúng đổ máu…” (sura 47:4).

Chú giải cổ điển của A. Yusuf Ali, được phổ biến rộng rãi tại Saudi Arabia, cho hay các mạc khải trên được ngỏ với Muhammad trong trận Badr (năm 624 CN) khi các đội quân trổi vượt về số lượng của ông ở Medina “bị đe dọa tiêu diệt bởi việc xâm lăng từ Mecca”. Do đó, theo quan điểm Hồi Giáo, các giáo huấn trên biện minh cho cuộc chiến tự vệ vì sự sống còn của cộng đồng và đức tin.

Còn về chiến thuật chiến đấu, Yusuf Ali cho rằng sura 47 có nghĩa thế này “một khi trận chiến đã bắt đầu, ngươi hãy thi hành nó một cách mạnh mẽ hết sức, và phải đánh vào những chỗ hiểm nhất đối với sinh mạng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngươi không thể tuyên chiến với chiếc bao tay con nít”. Về sura 8, ông nhận định rằng “phần yếu hiểm nhất của một người có vũ trang là phía trên cổ. Một cú đánh vào cổ, vào mặt, hay vào đầu khiến nó hết đời. Nếu hắn có áo giáp thì khó mà đụng tới tim hắn”. Còn về “các đầu ngón tay”, ông giải thích rằng “nếu tay hắn bị loại khỏi hành động, thì hắn không còn múa được gươm hay giáo hay một thứ vũ khí nào khác nữa, và dễ dàng trở thành tù binh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét