Mon, 28/08/2023 - Huệ
Minh
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị
chém đầu
St 2:1-8; Tv 139:1-3,4-6;
Mt 23:23-26
Thân phận ngôn sứ
Thánh Gioan tẩy giả là người anh họ của
Chúa Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông
Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật
tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Marcô, nơi chương thứ 6, các
câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan tẩy giả.
Tin Mừng hôm nay là một thảm kịch diễn
ra trong một bữa tiệc, kết thúc thật là bi thảm với cái chết oan nghiệt của
Gioan Tẩy Giả. Ông đã bị bỏ tù vì dám quở trách Hêrôđê Antipa về tội ngoại tình
lộ liễu. Cuối cùng ông đã phải chết cách bi thảm vì sự thật.
Trình thuật này khiến ta nghĩ đến số
phận đang chờ đón Chúa Giêsu, báo trước cho thấy cuộc khổ nạn, cái chết và cuộc
an táng sau này của chính Ngài. Ông Gioan là chính hình ảnh phản ánh Chúa
Giêsu, đến độ mới chỉ nghe danh tiếng Chúa Giêsu, vua Hêrôđê đã bị ám ảnh, mường
tượng đó chính là hiện thân của Gioan Tẩy Giả trỗi dậy nên mới quyền năng như
thế.
Cả
cuộc đời và cả cái chết của ông Gioan đều báo trước cho sứ mạng Tiền Hô, tiền
hô cả khi sống và cả lúc chết cho Đấng Cứu Thế. Cái chết của vị Ngôn sứ cuối
cùng nói lên số phận của các Ngôn sứ là thế đó. Mở đầu và kết thúc đoạn Tin Mừng
này đều nhắc tới Chúa Giêsu, cho thấy cái chết của ông Gioan như mối liên hệ,
là báo trước cho cái chết của Chúa Giêsu. “Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem
đi mai táng, rồi đi báo cho Chúa Giêsu.”
Hêrôđia đã giữ mối hận thù đối với
Gioan. Và khi dịp thuận tiện xảy đến, bà đã ra tay sắp đặt để Gioan bị chém đầu.
Gioan đã phải chấp nhận những hậu quả nghiệt ngã cho việc giảng dạy chân lý
Phúc âm.
Thánh Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa
sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho
Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công
khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan tẩy giả đã khích lệ các môn đồ của mình
đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh
mình phải lu mờ đi. Trong chương thứ nhất Tin Mừng theo thánh Gioan, thánh
Gioan tẩy giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người
ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy
sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia.
Gioan không phải là ánh sáng, nhưng
Gioan tới để minh chứng về ánh sáng. Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật,
là ánh sáng. Gioan đã không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai
gai mắt của con người, của xã hội đương thời và của nhân loại. Gioan đã có lần
nói: “Có Đấng đến sau ông và ông không xứng đáng cởi giây dép của Ngài”. Gioan
quả thực đã tới trần gian để dọn đường cho Chúa Cứu Thế.
Làm công tác dọn đường, Gioan đã sống đích
thực sứ mạng của vị tiên tri. Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không bao giờ sợ
nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp sự hiểm nguy. Để làm chứng
cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm tưởng Gioan là
Đức Kitô: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan đã lớn lên trong sự
minh chứng cho sự thật. Chống lại hành động loạn luân và dâm dật của đôi dâm phụ
Hêrôđê và Hêrodias. Gioan Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời
ngôn sứ của mình: cái chết. Hêrôdias vì không chấp nhận sự thật, không chịu nổi
lời quở trách của vị tiên tri. Nên đã căm thù tìm cơ hội khử trừ vị ngôn sứ đầy
uy tín. Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh nhật, Hêrodiađê đã làm ngây
ngất vua Cha. Cái đầu, vẫn là sự căm tức ngông cuồng của Hêrôdias. Đầu của vị
ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước mặt Hêrôđê.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống hoàn toàn
đúng nghĩa của một vị ngôn sứ chân chính, đích thực, Ngài đã hoàn toàn đáp trả
lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa: “Ngài đã không sợ hãi, lớn tiếng trước
mặt các Vua Chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”. Thánh Gioan
Tẩy Giả đã vạch mặt chỉ tên mọi người sống bê tha, tội lỗi. Lời rao giảng sám hối
và phép rửa cải tà qui chánh, cải hoá nội tâm của Ngài đã nói lên một sự thực
muôn đời: “Tất cả đều phải sám hối và ăn năn”. Thánh nhân đã không chùn bước
trước những thế lực mạnh nhất lúc đó là Hêrôđê. Ngài đã can đảm nói lên việc
Hêrôđê cướp vợ của anh mình là Philíp, nàng Hêrôđia… Sự can đảm và cương quyết
của Ngài đã bị cường bạo đè bẹp bằng lời hứa thật đê hèn và thô bạo. Nhưng cái
chết của thánh Gioan Tẩy Giả đã minh chứng cho chân lý ngàn đời: “Sự thật sẽ giải
phóng tất cả”.
Gioan Tẩy Giả đã chết đi để bảo vệ
cho sự thật, minh chứng cho Chúa Giêsu: “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”
(Ga 14, 6).
Gioan Tẩy Giả chỉ là vị ngôn sứ dọn
đường cho Chúa Cứu Thế: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, để dọn đường cho
Chúa đến” (Mc 1,23) và khi Đấng Thiên Sai đến, thánh nhân xác định rõ ràng:
“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Thánh Gioan Tẩy Giả
đã trở nên chứng nhân tuyệt vời và hoàn hảo nhất nơi Đức Kitô Giêsu.
Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận
cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của
vị ngôn sứ. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gioan Tẩy Giả
đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình. Cái đầu phải trả là giá nặng
nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập
giá đối với người Do Thái lúc đó. Gioan Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng
cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại. Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói
lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của
Thiên Chúa: “Ngài không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến
mạng sống cho công bình và chân lý”.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và
sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu,
ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một
cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người
Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh
thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi
trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu.
Chúng ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm
tin và lòng trung thành với Chúa Kitô. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy
thốt lên: "Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong
Chúa Giêsu Kitô".
28.8
Thánh Augustinô, Gmtsht
St 1:2-5,8-10; Tv
149:1-2,3-4,5-6,9; Mt 23:13-22
Kết Án Tội Mù Quáng
Augustinô chào đời năm 354 trên đất
Phi Châu đầy sức sống. Xuất thân từ một gia đình trung lưu với những khuynh hướng
tôn giáo hỗn hợp: Cha chàng là Patricius, một người ngoại đạo sống khá phóng
túng, nuôi nhiều tham vọng cho cậu con trai đầy hứa hẹn này. Mẹ chàng là
Monica, một Kitô hữu sốt sắng đã dành cho chàng một tình thương đặc biệt sáng
suốt, đã phải khuyên răn và khóc lóc nhiều về hạnh kiểm của con mình nhưng cuối
cùng đã được chứng kiến cuộc trở lại của Augustinô và đồng thời được Augustinô
dẫn lên những đỉnh cao của chiêm niệm và lòng say mê Thiên Chúa.
Nói về thiếu thời của mình, Augustinô
tự nhân: “Tôi chỉ ham chơi”. Cậu bé thần đồng ấy rất sợ đi học, nhưng khi đã bị
đẩy đến trường thì cậu trở thành một học sinh ưu tú vượt hẳn các bạn đồng liêu.
Đặt nhiều hy vọng vào con đường học vấn
của cậu, thân sinh đã gửi cậu đến Carthagô là một trong những trung tâm văn hóa
trứ danh nhất thời đó. “Tôi đến thành Carthagô, tất cả chung quanh tôi vùng dậy
những quay cuồng đam mê ngang trái”.
Augustinô học hành xuất sắc bao nhiêu thì
ăn chơi cũng sành sỏi bấy nhiêu. Chàng đã yêu và yêu tha thiết với sức đam mê
mãnh liệt của loài người với một trái tim nóng hổi, với tất cả giác quan nhạy
bén. “Lao mình vào tình ái, tôi muốn bị kẹt trong đó luôn”.
Với tài hùng biện sẵn có, Augustinô tự
rèn luyện khoa ăn nói và làm quen với các văn hào la tinh, với các triết gia Hy
Lạp. Một hôm tình cờ chàng giở quyển Hortensius của Cicéron, và nhận được ánh
sáng bừng chiếu qua những hàng chữ của tác giả.
“Quyển sách này đã đổi hẳn các tình cảm
của lòng con, hướng con về với Chúa, các ước nguyện và ý muốn của con được xoay
chiều. Tất cả những ước mộng viển vông trở thành phi lý. Với một sức mạnh phi
thường, con thèm muốn đức khôn ngoan bất diệt. Con bắt đầu đứng dậy trở về với
Ngài”.
Từ Carthagô, cuộc sống dần đưa chàng
đi tìm kế sinh nhai tại Rôma, Milan. Augustinô nay đã 30 tuổi, với thời gian,
nhiều mộng đẹp đã tan vỡ. Những khó nhọc của cuộc sống giúp chàng trưởng thành
hơn.
Cho tới một ngày kia, ơn Chúa đã toàn
thắng, như một cơn gió lốc cuốn đi tất cả những do dự, khắc khoải trong lòng
Augustinô. Một hôm, ngồi ngoài vườn với một người bạn chí thân, Augustinô nghe
tiếng trẻ nhỏ nhẩm câu:
“Hãy cầm lấy mà đọc”. Nghe vậy, Người
mở thánh thư và câu đâu tiên Người đọc là: “Hãy mặc lấy Đức Kitô và đừng thỏa
mãn với những đam mê xác thịt”.
Câu này quả dành riêng cho Augustinô
đó. Đây chính là lời đáp của ơn trên. Augustinô chạy báo tin vui này cho mẹ. Bà
điềm nhiên trả lời: “Mẹ đã biết mà, Mẹ ở đâu thì con cũng sẽ đến đó”. Sứ mệnh của
bà đã chấm dứt, bà mừng rỡ thấy Augustinô bắt đầu cuộc sống mới. Từ nay,
Augustinô sẽ rảo bước trên con đường của Luật Chúa.
“Dưới sự hướng dẫn của Ngài, Lạy
Chúa, con đã bước vào chính thâm tâm con. Con đã làm được điều đó nhờ sức Chúa
nâng đỡ.”
Sau khi khám phá Thiên Chúa là Đấng
đáng để cho ta bán hết tất cả để đi theo, Augustinô quyết tâm rút vào sa mạc sống
ẩn dật để được thưởng thức Chúa, nhưng Augustinô sẽ không bao giờ được sống ẩn
dật lâu. Danh tiếng của ngài đã được truyền lan, dân chúng theo đuổi Augustinô
xin ngài hướng dẫn họ, xin ngài cố vấn cho họ trong công ăn việc làm, chỉ dẫn
cho họ đường ngay nẻo chính.
Một hôm, trong khi dự lễ tại Hippone,
dân chúng nảy ra ý kiến: Augustinô sẽ làm Linh mục của họ, và hơn thế nữa sẽ là
Giám Mục chăn dắt học. Ý dân là ý trời, ngay lúc đó Augustinô được tôn làm làm
Linh mục và sau một thời gian Augustinô trở thành Giám Mục của dân.
Vì mến Chúa đi đôi với yêu người,
Augustinô mang tất cả kinh nghiệm, kiến thức rộng lớn của mình để phục vụ anh
em. Nhưng trên hết mọi sự, Augustinô là con người của tình yêu: Ngài dành trọn
vẹn tất cả khả năng yêu đương cho Chúa và cho anh em, điểm nổi bật của Ngài là
một trái tim nóng hổi.
Năm 430, sau một cơn hấp hối,
Augustinô về với Chúa, Đấng mà Ngài đã tha thiết mến yêu.
Toàn chương 23 Phúc Âm thánh Mátthêu
ghi lại những lời kết án của Chúa Giêsu đối với các Luật sĩ và Biệt phái. Nhưng
trước khi công bố 7 lời kết án đó, tác giả Mátthêu ghi lại nhận định chung của
Chúa Giêsu (c.1-12): Chúa Giêsu, Ngài đề ra luật sống mới cho tất cả những ai
muốn theo Ngài, Ngài là vị thầy duy nhất thay thế Môsê và các vị thầy nhân loại
khác, Ngài muốn cho các môn đệ đừng rơi vào thái độ của những Luật sĩ và Biệt
phái: mù quáng, giả hình, vụ hình thức, chú trọng đến cái phụ thuộc mà bỏ quên
giáo lý làm linh hồn cho những hình thức bên ngoài.
Ba lời lên án của Chúa Giêsu trong
Tin Mừng hôm nay có cùng một điểm chung là sự mù quáng. Vì mù quáng, các Luật
sĩ và Biệt phái chẳng những không được vào Nước Trời, mà còn cản trở những ai
muốn vào đó; vì mù quáng, họ chỉ muốn khoe khoang lòng nhiệt thành tông đồ của
họ, chứ không thực sự nhằm đến ơn cứu rỗi của những người họ muốn đưa về cùng
Chúa; vì mù quáng, họ thay đổi luật Chúa theo ý riêng để có lợi cho cá nhân, chứ
không thực sự màng đến luật Chúa.
Ðó là ba lời kết án của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã tự ví mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm chiên lạc, như
thầy thuốc cần cho bệnh nhân, như một Vị Thiên Chúa quyền năng sẵn sàng tha thứ
và giải phóng con người tội lỗi. Thế nhưng, Ngài đã không sợ đưa ra những lời kết
án mạnh mẽ, thẳng thắn: "Khốn cho các ngươi", không phải vì Ngài
không còn lòng nhân từ và tha thứ, nhưng vì sự cứng lòng chai đá của con người
đã đến mức tột cùng; không hoán cải khỏi thái độ giả hình, mù quáng, lạm dụng
tôn giáo, con người không thể hưởng được tình yêu thương nhân từ của Thiên
Chúa.
Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh
chúng ta khỏi thái độ mù quáng, khép kín, tư lợi, và cho chúng ta biết sống
khiêm tốn, chân thành trước mặt Chúa và đối với anh em, để chúng ta xứng đáng
hưởng chúc lành của Chúa.