Mon, 14/08/2023 - Trầm
Thiên Thu
SỰ NGUYỀN RỦA và ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU
Khi quở trách những người
Pharisêu vì hiểu sai trọng tâm của Luật Môsê, Chúa Giêsu đưa ra một lời tuyên bố,
không bị ảnh hưởng bối cảnh trước mắt, mà vẫn còn vang dội ngày nay: “Những điều
từ miệng mà ra là từ trong lòng, thì làm ô uế.” (Mt 15:18)
Điều gì ở trong lòng mà lời
nói chúng ta thể hiện? Một lần nữa, Chúa Giêsu khá thẳng thắn: “Vì tự lòng phát
xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp,
làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn
ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế.” (Mt 15:19-20)
Đó là một loạt những ham
muốn tội lỗi xấu xa – gọi chung là “dục vọng” – bên trong chúng ta mỗi khi thức
giấc, và qua những lời nói không trong sạch của chúng ta, chúng ngấm sâu vào thế
giới. Lời nói không thánh thiện có nhiều loại: ngồi lê đôi mách, gièm pha, vu
khống, gian dối, xảo trá, lừa bịp, phàn nàn, mắng nhiếc, than thở, nguyền rủa.
Việc kiểm soát miệng lưỡi chúng ta có vẻ giống như nhiệm vụ khó nhọc, vì ngay cả
Tân Ước cũng thừa nhận: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có
khả năng kiềm chế toàn thân.” (Gc 3:2)
Trong tất cả các tội lỗi
này, hiện tượng chửi rủa cung cấp một cửa sổ đặc biệt mà qua đó chúng ta nhận
thấy ba khía cạnh quan trọng của đời sống Kitô hữu: sự rối loạn của tâm hồn,
nhu cầu tự kỷ luật, vị trí của Kitô hữu trên thế giới.
Trong lời nói thông thường
và những tình huống căng thẳng, những lời chửi rủa gần như chấm câu ở mọi câu,
đặc biệt là ở nam giới. Được sử dụng như danh từ, động từ, tính từ và thán từ,
từ ngữ chửi rủa, người nói tin tưởng, thêm điểm nhấn và kịch tính cho câu chuyện.
Chúng được xã hội chấp nhận như một phần của bối cảnh từ vựng.
Khi huấn luyện các môn thể
thao dành cho thanh thiếu niên, tôi nhận thấy rằng trẻ em bắt đầu chửi thề ngấm
ngầm với nhau vào khoảng 8 tuổi; đến 10 tuổi, chúng làm như vậy một cách công
khai, nơi chúng có thể bị khiển trách nhẹ, nhưng những người lớn xung quanh
chúng phần lớn nhìn theo cách khác – chính chúng cũng sử dụng những từ ngữ
tương tự.
Đúng vậy, những lời chửi
rủa bộc lộ tình trạng rối loạn trong tâm hồn chúng ta, tâm hồn bị giằng xé giữa
dục vọng và Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta nên trọn lành trong Ngài. Tuy
nhiên, hơn thế nữa, sự thờ ơ khi thốt ra những lời nguyền rủa chỉ ra một mối
nguy hiểm lớn cho đời sống thiêng liêng: chấp nhận tội lỗi như một phần bình
thường của cuộc sống – chứ không phải như một điều gì đó phải chiến đấu và phải
loại bỏ hằng ngày.
Từ đó, chỉ còn vài bước để
loại bỏ hoàn toàn tội lỗi như một thực tế, như thời hiện đại của chúng ta đã
làm rất hiệu quả. Một kết luận tồi tệ hơn có thể theo sau: thái độ ung dung và
nguy hiểm của ý nghĩ rằng “dù sao mình cũng sẽ xuống Hỏa Ngục, vậy điều mình
nói hay làm có gì khác biệt chứ?”
Đây là sự ô uế mà Chúa
Giêsu nói đến, và Thánh Phanxicô Salê đã nắm bắt rõ ràng mối nguy hiểm ngấm ngầm
mà thói quen chửi thề có thể tạo ra: Một lời nói không trong sạch rơi vào một
tâm trí yếu đuối sẽ lây lan sự lây nhiễm của nó như một giọt dầu trên áo, và
đôi khi nó sẽ chiếm lấy trái tim đến mức lấp đầy nó bằng vô số suy nghĩ và cám
dỗ dâm đãng.
Đây cũng là căn bệnh lây
lan không chỉ ở người nghe mà còn ở chính người nói. Các tội nhân phạm tội trọng
không được sinh ra mà được tạo ra qua sự phát triển của chứng ung thư là tội nặng
và sau đó là tội nhẹ.
Lớn lên trong một môi trường
mà những lời chửi rủa phổ biến như bất kỳ môi trường nào khác, những người trẻ
tuổi không được hưởng lợi từ nền văn hóa Kitô giáo đã kết luận một cách hợp lý
rằng “đó là cách người lớn nói chuyện” và họ làm theo. Để chống lại sự quyến rũ
giả tạo của từ ngữ này đòi hỏi phải có kỷ luật tự giác cao độ, đặc biệt là khi
lần đầu tiên cố gắng từ bỏ thói quen xấu.
Đa số sẽ không thành công
nếu chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn tạm thời để làm sạch vốn từ ngữ của một người.
Nhưng nếu nhận ra rằng chửi rủa làm mất lòng Chúa, Đấng yêu thương chúng ta nhiều
hơn mức có thể tưởng tượng, thì chúng ta có thể có được động lực siêu nhiên rất
cần thiết để thông thạo ngôn ngữ của mình. Nếu chúng ta có thể cưỡng lại cám dỗ
chửi thề, chúng ta sẽ phát triển đức tính tự kiềm chế để không rơi vào những
cám dỗ khác.
Tôi vẫn luôn biết ơn
chàng sinh viên trẻ sau đại học đã dẫn dắt tôi và một nhóm sinh viên đồng nghiệp
đi khắp Âu châu nhiều năm trước. Anh đã mắng tôi sau khi tôi buông vài câu chửi
tục trong lúc chúng tôi không phân biệt được đoàn tàu. Lời quở trách khiến tôi
nhức nhối – nhưng tôi hiểu ngay rằng nếu tôi muốn trở thành một người Công giáo
tốt lành, tôi phải uốn lưỡi mình. Với nỗ lực phối hợp ơn Chúa, chỉ mất hai tuần
để tôi có thể vĩnh viễn từ bỏ những lời xấu xa đó.
Không chửi thề trong một
thế giới đầy nguyền rủa là lời nhắc nhở liên tục rằng Kitô hữu không bao giờ hoàn
toàn thoải mái trong thế giới này. Những cuộc trò chuyện và tình huống đầy những
điều xấu xa hoặc tội lỗi sẽ khiến lương tâm chúng ta nhức nhối, vì chúng ta biết
đó là sai. Là Kitô hữu có thể có nghĩa là ở một mình với Chúa, đau khổ trong im
lặng, đồng thời được bao quanh bởi những người khác.
Thành thật mà nói, tôi
chưa bao giờ có can đảm để quở trách những người lớn hơn mình vì ngôn ngữ màu
mè của họ, mặc dù tôi không chắc điều đó sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên,
điều thú vị trong những năm qua là những người quen và cộng sự thuộc nhiều loại
khác nhau đã nhận thấy rằng tôi không sử dụng những từ này và đã nhận xét một
cách khen ngợi về mục đích đó trong một số trường hợp. Thật ngạc nhiên, chỉ đơn
giản là kiềm chế những lời nguyền rửa, và được dùng như phương tiện truyền bá
Phúc Âm thầm lặng. Trong thế giới tràn ngập những lời lẽ tục tĩu, không tham
gia chuyện đó mới có thể làm chứng cho sự thật.
Chúng ta không cần phải
có tấm lòng trong sáng để cố gắng nhổ bật gốc những tật xấu – kể cả những tật xấu
nhỏ như chửi bậy – và đạt được đức hạnh. Làm như vậy có thể biến sự ô uế thành
sự thánh hóa, nhưng chỉ với ân sủng của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy lưu ý
lời khuyên của Thánh Phaolô: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn
anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn
bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3:15)
DAVID G BONAGURA, JR.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét