Fri, 11/08/2023 - Huệ Minh
Hạnh phúc chính là Thập giá đời mình
Thánh nữ Clara sinh vào khoảng năm
1193 tại thành Assisi, nước Ý. Thánh Phanxicô Assisi cũng sống tại thành phố
này. Clara thường nghe Phanxicô thuyết giảng. Trái tim Clara bừng lên niềm khao
khát mãnh liệt là muốn bắt chước tấm gương của Phanxicô.
Như Phanxicô, Clara cũng muốn sống cuộc
đời nghèo khó và khiêm nhường vì Chúa Chúa Giêsu. Nhưng khổ nỗi song thân của
Clara không bao giờ chấp nhận một dự định như vậy! Thế rồi, vào một buổi tối
Chúa nhật Lễ Lá năm 1212, lúc vừa tròn 18, Clara đã rời bỏ gia đình thân thương
và mái nhà sang trọng của mình. Và trong một nguyện đường bé nhỏ nằm bên ngoài
thành phố Assisi, Clara đã dâng hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Phanxicô cắt mái
tóc dài của Clara và trao cho Clara một tu phục nâu kết bằng vải thô. Clara ở với
các sơ Bênêđictô cho tới khi có nhiều chị em cùng đến tham gia với ngài. Song
thân của Clara đã cố gắng dùng mọi phương thế để bắt Clara về nhà nhưng không
được. Chẳng bao lâu sau đó, cả Annê, cô em 15 tuổi của Clara, cũng đến xin gia
nhập với ngài.
Cũng có nhiều thiếu nữ muốn trở nên
những “phu nhân nghèo” của Đức Chúa Giêsu. Sau đó ít lâu, người ta thấy hình
thành một cộng đoàn đạo đức nhỏ. Họ sống trong căn nhà tọa lạc gần bên nhà thờ
thánh Đamianô, căn nhà được chính thánh Phanxicô Assisi sửa lại. Thánh nữ Clara
và các chị em của ngài đã khấn không bao giờ ăn thịt, luôn đi chân không, sống
trong căn nhà nghèo khó với bầu khí thinh lặng và cầu nguyện.
Tuy nhiên, họ rất hạnh phúc vì được sống
cuộc đời nghèo khó như Đức Chúa Giêsu. Lần kia, có một đội quân hung hãn đã tiến
vào công phá thành Assisi. Dù đau nặng, thánh nữ Clara cũng nài xin chị em đưa
mình tới cửa sổ. Thánh nữ cho đặt Mình Thánh Chúa ngay tại nơi các binh lính có
thể trông thấy. Sau đó, thánh nữ Clara quỳ xuống và nài xin Thiên Chúa ra tay cứu
thoát các nữ tu và thành phố. Thánh nữ nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy bảo
vệ những chị em này, những người mà giờ đây con không thể bảo vệ nổi!” Và dường
như có một tiếng nói bên trong phát ra: “Ta sẽ luôn gìn giữ chúng trong sự quan
phòng của Ta!” Ngay lúc ấy, một sự sợ hãi thình lình giáng xuống trên kẻ địch,
và họ đã nhanh chân rời bỏ thành phố.
Thánh nữ Clara làm bề trên hội dòng
được 40 năm, trong đó suốt 29 năm chịu bệnh. Nhưng thánh nữ nói rằng dầu sao
cũng rất vui vì được phục vụ Đức Chúa Giêsu. Một số người lo ngại rằng các nữ
tu sẽ bị khổ vì phải sống quá nghèo. Nhưng thánh nữ Clara đã sống hầu hết đời
mình để bảo vệ điều mà ngài gọi là “đặc ân thanh bần.” Đức thánh cha đã cố gắng
giảm bớt những đòi hỏi của lời khấn thanh bần trong tu luật của Clara, nhưng
thánh nữ đã giải thích rằng ngài và các chị em thuộc hội dòng của ngài được mời
gọi sống từ khước hết mọi của cải, và chỉ hoàn toàn tin cậy vào một mình Thiên
Chúa mà thôi. Thánh nữ Clara về trời ngày 11 tháng Tám năm 1253. Chỉ hai năm
sau, đức thánh cha Alêxanđơ IV đã tôn phong Clara lên bậc hiển thánh.
Thập giá đời mình chính là những lao
công khó nhọc, những vui buồn – sướng khổ, những thất bại – thành công, những nụ
cười – nước mắt, những lúc nắng – lúc mưa, những lúc xum vầy – chia xa…
Thập giá làm nên hạnh phúc, vinh
quang của con người.
Sinh ra trên trần gian, ai cũng như
ai: ăn để sống, lao động để phát triển. Người giàu hay kẻ nghèo, không ai cho
ai hạnh phúc, cũng không ai lấy hạnh phúc của người cho chính mình. Hạnh phúc
phải được tôi luyện, trả giá bằng chính đời sống của mình.
Vác thập giá mình, chính là chu toàn
bổn phận, trách nhiệm của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng phải vui
tươi, tín thác vào Chúa. Chúng ta phải nhìn nhận cuộc sống của chúng ta chính
là món quà quý giá mà chính Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người, tuỳ theo khả
năng. “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí” (1 Cr 12, 4).
“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi
người” (Rm 12, 6).
Như vậy, chúng ta mỗi người ai cũng
có một thập giá cho riêng mình, thập giá ấy Chúa ban cho mỗi người vừa đủ với sức
của mình.
Bất kỳ một biểu hiện thất vọng, u buồn,
buông thả, chán chường, tức giận, buồn tủi, cô đơn, sa đoạ, so sánh hơn thua, tự
mãn, kiêu căng… đều là dấu hiệu của vấp ngã trên đường vác thập giá mình.
Chính lúc chúng ta không vác thập giá
đời mình là lúc chúng ta đang đau khổ, bất hạnh.
Sự tin tưởng, vui tươi, phó thác vào
Thiên Chúa chính là động lực mãnh liệt để ta vác thập giá đời mình. Thập giá
tôi luyện mỗi cuộc đời con người.
Trong chúng ta, có mấy người đã vác
thập giá mình một cách trọn vẹn! với bổn phận làm con, làm cha, làm mẹ, làm ông
bà… đã chẳng một lần muốn buông bỏ thập giá đời mình.
Dấu hiệu của sự buông bỏ thập giá
mình luôn kèm theo một câu “NẾU”. nếu như chồng tôi, nếu như vợ tôi, nếu như
hoàn cảnh đời tôi, nếu tôi được như thế này, thế kia… câu nếu này đã chối bỏ ân
ban thập giá của Chúa.
Nhiều người muốn đi tìm thập giá đời
mình bằng những hội đoàn đạo đức: họ xem hội đoàn đạo đức là nơi họ sẽ nên
thánh, nhưng khi họ tham gia vào rồi thì một thời gian lại chán bỏ; bỏ hết hội
đoàn này rồi tham gia hội đoàn khác. Chẳng có hội đoàn nào chu toàn được bổn phận.
Đó chỉ là đi kiểm niềm vui theo sở thích, hết niềm vui thì hết hội đoàn.
Có những người chẳng cần hội đoàn
nào, họ lo tìm kiếm làm việc bác ái. Nhưng rồi khả năng tiền bạc, thời gian chẳng
có, việc làm bác ái cũng chẳng đâu vào đâu. Họ trở nên người nhàn rỗi mà không
biết làm gì.
Như vậy, thập giá đời mình chính là
ân sủng Chúa ban cho mỗi người tuỳ theo khả năng. Chúng ta chỉ cần chu toàn khả
năng Chúa ban là đã vác thập giá mình mọi ngày theo Chúa. Khả năng ấy như những
nén bạc Chúa trạo cho mỗi người. Kẻ năm nén, kẻ ba nén và kẻ một nén. Hãy sinh
lợi cho Chúa bằng chính đời sống Tin Mừng của mình, chúng ta sẽ được sự sống
vĩnh hằng, hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét