Wed, 23/08/2023 - 11:34
Tác giả: Huệ Minh
Tl 9:6-15; Tv
21:2-3,4-5,6-7; Mt 20:1-16
Chiến
thắng lòng ghen tị
Chúa Giêsu đã dùng dụ
ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay
người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời
là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức
hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn
kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: “Này bạn, tôi đâu có xử bất
công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn
mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn,
tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?”. Thiên Chúa đối xử tốt
với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi.
Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu
thương của Thiên Chúa.
Trình thuật tin mừng hôm
nay là cả một câu chuyện về tình yêu và lòng thương xót của Thiên chúa. Cho dù
bạn là ai, tuổi tác thế nào, địa vị ra sao, tài năng vượt trội hay hạn chế, sức
khỏe dồi dào hay suy kiệt, bạn vẫn nhận được lời mời gọi của thiên Chúa “Hãy
vào làm vườn nho cho ta.”
Vì thế không bao giờ là
quá muộn màng để chúng ta có thể làm việc cho Chúa, và đồng thời bất cứ lúc nào
chúng ta cũng có cơ hội để làm việc cho Người với một phần thưởng gấp trăm luôn
sẵn sàng chờ đợi để trao ban cho chúng ta.
Những ai đã từng thất
nghiệp hẳn sẽ cảm được một niềm vui lớn lao như thế nào khi nghe tin mình được
tuyển dụng, có được việc làm với một mức lương hậu hĩnh. Vì vậy, ‘Đi làm vườn nho cho Chúa’ là một
lời mời gọi, hiệu triệu đặc biệt các Kitô hữu sống đức tin, làm chứng nhân cho
tình yêu của Thiên Chúa trong gia đình, tại giáo xứ, và ở những nơi chúng ta hiện
diện để danh Chúa được ‘rạng rỡ vinh quang’. Đồng thời chúng ta tin rằng ‘lương
bổng’ Thiên Chúa ban cho chúng ta sẽ luôn dư dật. Vì thế, bạn và tôi còn chần
chờ lưỡng lự gì nữa trước lời mời gọi đi ‘làm vườn nho’ cho Chúa.
Thiên Chúa không bao giờ
chê bỏ những thiện chí và cố gắng của chúng ta và Ngài luôn đưa tay ra cho
chúng ta nắm lấy để cứu vớt, để đỡ nâng. Đồng thời đến lượt chúng ta, chúng ta
cũng hãy đưa tay ra cho những anh em đồng loại để nâng đỡ, cảm thông, sẻ chia với
một tình yêu không tính toán. Thiên Chúa là Đấng công bình, nhưng sự công bình
của Ngài là sự công bình của tình yêu thương xót. Có lẽ chúng ta sẽ không so đo
khi một người thân yêu của chúng ta đang có nguy cơ lâm vào cảnh thất nghiệp,
nhưng lại được nhận vào làm việc cùng chúng ta, với một mức lương như chúng ta,
mà trái lại chúng ta sẽ vui mừng khôn xiết cho họ.
Cũng thế, trong ‘vườn
nho’ yêu thương của Thiên Chúa sẽ không có chỗ cho sự so đo tính toán, nhưng
hoàn toàn là một tình yêu vô vị lợi. Nếu ta tự mãn về lòng ‘đạo đức’ hay sức lực,
tài năng của mình cống hiến cho Giáo hội thì hãy coi chừng, vì Chúa cảnh báo:
“Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải
xuống hàng chót.” (c.16) Vì vậy chúng ta hãy quảng đại làm việc cho Chúa với hết
khả năng của mình để Giáo hội – ‘Vườn nho của Chúa’ sinh nhiều hoa trái tốt
lành mà không so đo tính toán, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho sau.
Cuối ngày, những người thợ
vườn nho đi làm từ sáng sớm, đã được chủ trả tiền công đúng như thoả thuận,
không thiếu một hào. Thế nhưng họ vẫn không hài lòng, lại còn lẩm bẩm kêu trách
chủ vườn đã cho những người đến làm sau được hưởng đồng lương bằng họ. Họ tỏ ra
bất bình và ghen tị với các đồng nghiệp chỉ vì những người nầy ít tốn mồ hôi
hơn mà cũng được hưởng tiền công bằng mình.
Lòng ghen tị đã xuất hiện
từ khởi thuỷ loài người. Ca-in ghen tị với A-ben chỉ vì lễ vật của A-ben được
Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật của anh thì bị Thiên Chúa khước từ. Lòng ghen
tị đã xui khiến Ca-in đánh chết đứa em thân yêu.
Lòng ghen tị sục sôi
trong lòng vua Sa-un khi Đa-vít chiến thắng Gô-li-át và đập tan quân thù nên
dân chúng ca tụng Đa-vít hơn cả vua, khiến vua Sa-un lùng sục Đa-vít tận thâm
sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy. (Samuen I,
chương 17-18).
Người ta không muốn cho kẻ
khác trội hơn mình và thậm chí không muốn cho người khác bằng mình. Ai cũng muốn
mình nổi bật hơn, chói sáng hơn, vinh quang hơn người khác. Khi khát vọng nầy
không được thoả mãn, và nhất là khi thấy người khác thành công, thắng lợi hơn
mình, thì lòng ghen tị phát sinh.
Chỉ có Chúa là ông chủ tốt
bụng, không đến để khai thác sức lao động của công nhân, nhưng chăm lo cho đời
sống của từng người.
Thiên Chúa là ông chủ tốt
bụng quan tâm tới từng người, đặc biệt là người bị bỏ rơi. Người thợ không có
ai thuê là người kém may mắn trong xã hội. Bị xã hội gạt ra ngoài lề. Chỉ có
Thiên Chúa mới quan tâm, mời họ vào làm vườn nho cho Chúa.
Thiên Chúa là ông chủ tốt
bụng, không chỉ có công bình mà còn có tình thương. Công bình tuyệt đối chỉ có
trong hỏa ngục. Xã hội không tình thương không thể sống được. Xã hội là một
toàn thể, là một gia đình Thiên Chúa. Trong một toàn thể, cần phải có sự hài
hòa trong tổng thể. Ta liên đới với người khác. Ta không thể hạnh phúc một
mình. Người đau khổ là lời chất vấn lương tâm trách nhiệm của ta. Thiên Chúa dậy
ta hãy quan tâm tới anh em bé nhỏ khi trả cho người thợ chỉ làm 1 giờ số lương
đủ sống cho cả gia đình.
Thiên Chúa là ông chủ tốt
bụng, không nhìn con người theo hiệu năng công việc nhưng nhìn theo tình người.
Xã hội hôm nay nhìn con người theo hiệu năng. Nên những người già cả, ốm yếu bị
loại trừ. Trong mắt Thiên Chúa, con người không những là nhân vị đáng kính trọng
mà còn là những người con đáng yêu mến. Theo nhãn quan thiêng liêng, những người
bất hạnh, đau khổ là nguồn ơn phúc cho chúng ta vì những đau khổ của họ thông
phần vào sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Qua trang Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giê-su phê phán những người biệt phái vì họ đã ghen tị với những người
thu thuế và tội lỗi chỉ vì những người nầy được Chúa Giê-su yêu thương và tiếp
đón.
Lòng ghen tị làm xấu đi
những tương quan tốt đẹp giữa anh em, bạn bè. Lòng ghen tị còn xui khiến người
ta làm hại nhau, làm cho xã hội chậm tiến và kém phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét