Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Vẻ đẹp của thế giới vi mô trong cuộc thi ảnh Nikon

 


Thứ hai, 20/9/2021, VnExpress,net

Vẻ  đẹp  của  thế  giới  vi  mô  trong  cuộc  thi  ảnh  Nikon

Hãng máy ảnh nổi tiếng của Nhật Bản công bố những tác phẩm ấn tượng trong cuộc thi Nikon Small World lần thứ 47.


Ra mắt vào năm 1975, Nikon Small World được xem là diễn đàn hàng đầu để giới thiệu vẻ đẹp của cuộc sống vi mô dưới lăng kính hiển vi. Cuộc thi được tổ chức thường niên, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các nhà sinh vật học, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và những người đam mê chụp ảnh nghiệp dư.

Cuộc thi năm nay đã thu hút hơn 1.900 bài dự thi từ 88 quốc gia. Các tác phẩm xuất sắc nhất được công bố vào tuần trước bởi hội đồng giám khảo bao gồm nhà truyền thông khoa học Hank Green, Tiến sĩ Nsikan Akpan từ Đài phát thanh Công cộng New York, biên tập viên khoa học Robin Kazmier tại PBS NOVA, Tiến sĩ Alexa Mattheyses từ Đại học Alabama và Tiến sĩ Hesper Rego từ Trường Y khoa Yale.

Trong ảnh là phần phụ trichome (màu trắng), khí khổng (màu tím) và mạch vận chuyển nước (màu xanh) của lá sồi của tác giả Jason Kirk từ Đại học Y khoa Baylor của Mỹ đạt giải Nhất. Tác phẩm được tổng hợp từ khoảng 200 bức ảnh riêng lẻ, chụp bởi kính hiển vi tùy chỉnh, kết hợp ánh sáng lọc màu với ánh sáng phản xạ khuếch tán.

Giải Nhì được trao cho cho bộ đôi Esmeralda Paric và Holly Stefen từ Trung tâm Nghiên cứu Chứng mất trí nhớ tại Đại học Macquarie của Australia. Hình ảnh phức tạp này cho thấy 300 nghìn tế bào thần kinh trong hai khu vực riêng biệt, kết nối với nhau bằng các sợi trục (axon).

Tác phẩm chụp chân sau, móng vuốt và khí quản của một con rận Haematopinus suis đứng ở vị trí thứ 3. Nó được ghi lại bởi nhà sinh vật học Frank Reiser từ Trường Cao đẳng Cộng đồng Nassau ở New York, Mỹ.

Bức ảnh xếp thứ 4 cho thấy vẻ đẹp đáng kinh ngạc của một tế bào thần kinh cảm giác trong phôi thai chuột. Tác phẩm do nhà nghiên cứu Paula Diaz từ Khoa Sinh lý học thuộc Đại học Công giáo Chile chụp bằng kính hiển vi huỳnh quang.

Đứng ở vị trí thứ 5 là hình ảnh cận cảnh chiếc vòi hút của một con ruồi nhà (Musca domestica), chụp bởi nhiếp ảnh gia người Đức Oliver Dum.

Cấu trúc phức tạp này là hệ mạch 3D của não chuột trưởng thành (vỏ não cảm giác xúc giác). Hình ảnh do Tiến sĩ Andrea Tedeschi từ Trung tâm Y tế Wexner tại Đại học Bang Ohio của Mỹ chụp bằng kính hiển vi đồng tiêu lọt vào top 6.

Bức ảnh đứng ở vị trí thứ 7 của bộ đôi Tong Zhang và Paul Stoodley tại Đại học Bang Ohio cũng được chụp bằng kỹ thuật kính hiển vi đồng tiêu. Nó cho thấy cái nhìn cận cảnh đầy mê hoặc về phần đầu của một con ve.

Xếp thứ 8 là ảnh chụp mặt cắt của ruột chuột dưới ánh sáng huỳnh quang. Tác phẩm được chụp bởi Tiến sĩ Amy Engevik từ khoa Y học tái tạo và Sinh học tế bào thuộc Đại học Y khoa South Carolina của Mỹ.

Hình ảnh tuyệt đẹp này được nhiếp ảnh gia người Hà Lan Jan van IJken chụp bằng kỹ thuật xếp chồng hình ảnh, sử dụng kính hiển vi trường tối. Nó cho thấy các cơ quan bên trong của một con bọ nước (Daphnia). Tác phẩm đứng ở vị trí thứ 9.

Xếp cuối cùng trong top 10 là bức ảnh chụp tĩnh mạch (màu nâu) và những chiếc vảy (màu cam) trên cánh của một trong những loài bướm lớn nhất thế giới, Morpho didius. Đây là bài dự thi của nhiếp ảnh gia người Pháp Sébastien Malo.

Ảnh: Nikon Small World

Singapore biến vỏ sầu riêng thành băng y tế

 Thứ ba, 21/9/2021, VnExpress.net

Singapore  biến  vỏ  sầu  riêng  thành  băng  y  tế

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) phát triển thành công quy trình biến chất thải thực phẩm thành băng gel kháng khuẩn.

Đĩa Petri chứa các bước biến vỏ sầu sầu riêng thành băng kháng khuẩn, với sản phẩm cuối cùng đặt cạnh băng y tế thông thường để so sánh. Ảnh: Reuters.

Đĩa Petri chứa các bước biến vỏ sầu sầu riêng thành băng kháng khuẩn, với sản phẩm cuối cùng đặt cạnh băng y tế thông thường để so sánh. Ảnh: Reuters

Quy trình bao gồm việc cắt nhỏ và đông khô vỏ sầu riêng bỏ đi, sau đó chiết xuất bột cellulose và trộn với glycerol. Hỗn hợp này tạo ra hydrogel mềm và cuối cùng được cắt thành các dải băng gel kháng khuẩn.

"Ở Singapore, chúng tôi tiêu thụ khoảng 12 triệu quả sầu riêng mỗi năm. Ngoài phần múi (thịt), chúng tôi không thể làm gì nhiều với vỏ và hạt. Vỏ sầu riêng - chiếm hơn một nửa thành phần của sầu riêng - thường bị vứt bỏ và đốt, góp phần tạo ra chất thải môi trường", Giáo sư William Chen, Giám đốc chương trình khoa học và công nghệ thực phẩm tại NTU, cho hay.

Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng công nghệ này cũng có thể biến chất thải thực phẩm khác như hạt đậu nành và ngũ cốc đã qua sử dụng thành hydrogel, giúp hạn chế lãng phí thực phẩm của đất nước.

Giáo sư William Chen (trái) và Tiến sĩ Tracy Cui, các tác giả của nghiên cứu. Ảnh: Reuters

Giáo sư William Chen (trái) và Tiến sĩ Tracy Cui, các tác giả của nghiên cứu. Ảnh: Reuters

So với băng y tế thông thường, băng organo-hydrogel có thể giữ cho vùng vết thương mát và ẩm hơn, giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất thải thực phẩm và nấm men để làm băng kháng khuẩn tiết kiệm chi phí hơn so với các loại băng có đặc tính kháng khuẩn đến các hợp chất kim loại đắt tiền như ion bạc hoặc đồng.

"Ưu điểm của loại băng y tế này là: ẩm! Vì vậy, nó ngăn vết thương bị khô và giảm cảm giác ngứa, thích hợp cho những người mắc bệnh về da như bệnh chàm", Chen nhấn mạnh.

Tan Eng Chuan (75 tuổi) là một người buôn bán sầu riêng. Khi vào mùa, ông bán được ít nhất 30 thùng sầu riêng mỗi ngày, tương đương 1.800 kg. Chia sẻ với Reuters, ông tin rằng việc tận dụng các phần bỏ đi của trái cây làm băng y tế là một sự đổi mới, giúp nông nghiệp phát triển bền vững hơn.

Đoàn Dương (Theo Reuters)

Tháng Các Linh Hồn: ‘Tương Tác’ Với Ông Bà Tổ Tiên

 

Tháng  Các  Linh  Hồn: 

‘Tương  Tác’  Với  Ông  Bà  Tổ  Tiên

Người Việt Nam chúng ta có truyền thống nhớ về tổ tiên rất tốt đẹp. Riêng với người Công giáo, truyền thống này lại được thể hiện cách đặc biệt trong Tháng Mười Một, tháng Giáo Hội hướng về việc cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng nhiều người hiện nay, nhất là người trẻ, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý, có thể đặt câu hỏi: tại sao tôi phải làm vậy? Liệu có ích gì khi phải thực hành một truyền thống nào đó? Vì thế, thiết tưởng việc suy tư về ý nghĩa và giá trị của hành vi kính nhớ tổ tiên là điều cần thiết. Ở đây, tôi chỉ giới hạn phần suy tư này vào một khía cạnh, với câu hỏi sau: liệu chúng ta có thể tương tác với tổ tiên đã qua đời của mình hay không?

Tại sao lại đặt ra câu hỏi đó? Vì tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta có thể nhìn ra được khả thể rằng ông bà tổ tiên vẫn có vai trò và sự hiện diện theo nghĩa nào đó trong đời sống của mình, và chúng ta vẫn có thể có sự ‘tương tác’ với sự hiện diện đó trong những khía cạnh nhất định, thì việc kính nhớ ông bà tổ tiên sẽ mang tính chất sống động và cụ thể, thay vì chỉ là một hành vi vô thức theo tập tục hoặc truyền thống văn hoá đạo đức mơ hồ nào đó.

Để hình dung ra những mức độ và khía cạnh hiện diện của ông bà tổ tiên, điều kiện trước hết là chúng ta phải mở rộng tầm nhìn về cuộc đời mình, để thấy được tính toàn thể vốn có của nó. Lối sống thời hiện đại dường như đang thu hẹp tầm nhìn và ý thức của chúng ta về chính mình. Não trạng chung của xã hội hiện nay khiến chúng ta ‘đóng khung’ đời người trên căn bản của ‘thành công – thất bại’; và điều này lại lấy ‘tiền bạc – danh tiếng’ làm tiêu chuẩn. Mô thức này khiến cho toàn bộ cuộc sống bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt theo các yếu tố: hiệu quả, nhanh chóng, đào thải. Từ đó, đời sống con người chỉ còn được nhìn đến ở vài khía cạnh: hưởng thụ – quyền lực – sức khoẻ – và tuổi thọ. Nếu cuộc đời được hạch toán theo kiểu một ‘bản thu-chi’, nó quả là tẻ nhạt, nghèo nàn! Trong khi đó, cuộc sống tự nó lớn lao hơn nhiều so với cái khung nhỏ hẹp đó. Vì thế, nhiều người mơ hồ nhận ra rằng cuộc sống của mình đang trở nên xa lạ, vì nó đang thiếu hoặc mất dần những gì khác nên có trong cuộc đời.

Khi tự thu bé tầm nhìn về cuộc đời, chúng ta đang quên lãng hoặc đánh mất bao nhiêu khía cạnh quan trọng khác, như khía cạnh mở ra trong tương quan với người khác, khía cạnh liên hệ gần gũi với quá khứ, với văn hoá và lịch sử. Cũng vậy, chúng ta cũng đánh mất khả năng ngạc nhiên và nhạy bén trước những gì thuộc ý thức về sự siêu việt, hay niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, vv. Tuy nhiên, con người đâu phải chỉ là vật chất, mà còn là tinh thần nữa! Vì thế, chúng ta cần định hình tầm nhìn về đời sống con người trong tính toàn thể lớn lao của nó, với bao khía cạnh phong phú khác ngoài tiền bạc – danh vọng – quyền lực; và trong tầm nhìn đó, ta thấy rõ sự hiện diện rất cụ thể của ông bà tổ tiên trong đời sống của mình.

Trước hết, con người có lịch sử của mình. Lịch sử đó không phải chỉ là những gì đã qua, mà còn là những gì đang hiện diện nơi chính chúng ta. Ngay đến cơ thể vật lý của mỗi người cũng bao hàm sự hiện diện đó. Thật vậy, như dân gian vẫn nói, chúng ta không từ ‘lỗ nẻ’ mà có, nhưng được trao ban và tiếp nối cuộc sống thể lý từ tổ tiên mình. Vì thế, một cách rất cụ thể, có thể nói tổ tiên đang hiện diện ngay cả nơi thân thể của ta. Hơn nữa, tính cách và lối sống của ta cũng một phần được hình thành từ cội nguồn tiên tổ, với những đặc nét về văn hoá, phong tục, tôn giáo, vv., mà họ đã truyền lại cho ta.

Xét một cách sâu xa hơn, ông bà tổ tiên cũng hiện diện nơi những yếu tố định hình nên ý thức nhân bản lẫn ý thức tôn giáo của mỗi cá nhân. Thật vậy, nơi tầng ý thức của ta, thậm chí cả tầng vô thức, luôn có tiếng gọi nhắc nhở về thân phận ắt tử của đời người, và sự nhắc nhở đó gắn chặt với mối liên hệ với tổ tiên của mình. Chúng ta ‘biết’ mình sẽ không tồn tại mãi trên cuộc đời này, vì ta ý thức được rằng mọi người đi trước, nhất là các bậc tổ tiên, đều đã trải qua sự thật đó. Sự nhắc nhở này mang tầm mức quan trọng thiết yếu với con người, vì, nói theo kiểu triết gia Heidegger, chúng ta chỉ thực sự sống tư cách con người khi đảm nhận ý thức về sự ắt tử của mình. Đối diện với tính ắt tử giúp ta hiểu rõ sự ngắn ngủi của kiếp người, khiến ta biết trân trọng cuộc đời và sống chân thật với chính mình hơn. Quan trọng hơn, nó khiến ta truy vấn về ý nghĩa và cùng đích cuộc sống này, và hướng hy vọng về một đời sống mai sau, nơi ta có khả năng hiệp thông trở lại với tổ tiên mình. Vì thế, có thể nói ông bà tổ tiên hiện diện nơi ý thức hiện sinh của ta về cuộc sống.

Sự hiện diện của ông bà tổ tiên cũng không chỉ giới hạn trong đời sống cá nhân, mà còn trong đời sống cộng đồng xã hội nữa. Chết không có nghĩa là bị cắt đứt hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội. Thực tế, người chết đã trở thành một phần của lịch sử, của văn hoá và của bao khía cạnh khác trong một dân tộc; và do đó, họ cũng là một phần của hiện tại, và cần được nhìn đến như là một thành viên của xã hội đang sống.

Tóm lại, chúng ta có thể tương tác thật sự với tổ tiên của mình một cách rất sống động và cụ thể, đơn giản vì họ thực sự hiện diện cách năng động trong nhiều khía cạnh của đời sống chúng ta. Điều kiện cần là chúng ta phải tái ý thức về sự hiện diện đó, để thấy được sự thật rằng mình có sự liên hệ và gắn kết gần gũi với họ.

Trong truyền thống văn hoá Việt Nam, và trong các tôn giáo nói chung, chúng ta có nhiều cách thức thực hiện việc tương tác với ông bà tổ tiên của mình. Ví dụ, chúng ta có các tập tục quen thuộc như làm giỗ, niệm hương, viếng mộ, cúng bái, dâng lễ cầu siêu, lễ Vu Lan, vv.

Với Ki-tô hữu, ngoài những khía cạnh văn hoá và truyền thống, việc kính nhớ tổ tiên còn được chú trọng ở những hình thức thiêng liêng, như dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, vv. Hơn nữa, sự tương tác này được diễn đạt một cách sinh động qua tín điều về sự hiệp thông giữa ba thành phần của Giáo hội hoàn vũ: Giáo Hội lữ hành của những người trên trần gian, Giáo Hội khải hoàn của các thánh trên thiên quốc, và cộng đoàn của những người đang chịu thanh luyện. Vì thế, như Công Đồng Vatican II dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.” Ở chiều ngược lại, “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa […] các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha.” Có thể nói, mức tương tác đó đạt đỉnh cao ở trong phụng vụ, nhất là Thánh Lễ. Phụng vụ Thánh lễ là một thực tại thánh thiêng, là biến cố mở ra một không gian gặp gỡ đặc biệt giữa con người và Thiên Chúa, trong đó diễn ra sự hiệp thông của cộng đoàn hoàn vũ từ cả ‘ba thế giới’ nói trên. Vì thế, Thánh Lễ là không gian nơi ta có thể thực sự gặp gỡ và hiệp thông với ông bà tổ tiên của mình cách sống động, hay, nói như Đức Thánh Cha Benedictô XVI, là nơi thế giới của sự hữu hạn được tham dự vào thế giới của vĩnh cửu.

Sự tương tác nói trên có thể được diễn tả cách đặc biệt và đậm nét trong Tháng Mười Một, vốn là thời gian được Giáo hội dành riêng để kính nhớ các linh hồn ông bà tổ tiên. Trong tháng này, ngoài những hình thức tương tác kể trên, chúng ta cũng được mời gọi canh tân đời sống đạo đức và thực hiện các việc bác ái phúc đức, để lời nguyện của chúng ta dành cho ông bà tổ tiên được đẹp lòng Thiên Chúa. Thiết tưởng, đó là một cách thức báo hiếu rất cụ thể, và cũng là hình thức để làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú và trọn vẹn.

Khắc Bá, SJ – CTV Vatican News

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

11 lợi ích của trứng gà luộc đối với sức khoẻ

 

11  lợi  ích  của  trứng  gà  luộc  đối  với  sức  khoẻ

LĐO | 20/10/2021

Trứng gà luộc là cách chế biến được nhiều người lựa chọn bởi cách làm này không những đơn giản, dễ làm mà còn giữ được trọn vẹn thành phần dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tăng cường sức khỏe não bộ

Trứng gà luộc rất tốt cho sức khỏe não bộ nhờ chứa nhiều hợp chất gọi là choline. Sự kết hợp của các yếu tố lành mạnh như protein và choline trong trứng gà luộc sẽ giúp não bộ hoạt động tốt, đặc biệt là ngay sau bữa sáng.

Duy trì sức khỏe đôi mắt

Trứng gà luộc chứa vitamin A rất tốt cho việc duy trì sức khỏe của mắt. Vì vậy, kết hợp trứng gà luộc với cơm và salad trong chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp ngăn ngừa cận thị và viễn thị.

Thúc đẩy sức khỏe của xương và móng

Một quả trứng gà luộc mỗi ngày sẽ giúp bạn chăm sóc và tăng cường sức khỏe của xương cũng như ngăn ngừa các vấn đề về xương như loãng xương khi tuổi càng cao. Ngoài ra, chất oxy hóa trong trứng gà luộc cũng giúp cho móng tay trông hồng hào và khỏe mạnh hơn.

Ngăn ngừa ung thư vú

Để ngăn ngừa ung thư vú, bước đầu tiên là thay đổi lối sống lành mạnh hơn, đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia dựa trên nghiên cứu khoa học khuyên chúng ta nên ăn trứng gà luộc trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Điều trị bệnh thiếu máu

Trứng gà luộc giúp điều trị bệnh thiếu máu nhờ chứa chất sắt, có thể cải thiện hiệu suất của các hợp chất trong tế bào hồng cầu hemoglobin. Hemoglobin có chức năng liên kết oxy với hồng cầu để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan khác trong cơ thể.

Ngăn ngừa rụng tóc

Hàm lượng vitamin A và vitamin E trong trứng gà luộc rất hữu ích để ngăn ngừa rụng tóc và đẩy nhanh quá trình mọc tóc. Ngoài ra, thành phần axit béo trong trứng gà luộc đã được chứng minh là giúp tóc trở nên bóng mượt và khỏe mạnh hơn khi tiêu thụ thực phẩm này thường xuyên.

Hạn chế hấp thụ calo

Hàm lượng dưỡng chất có trong trứng gà luộc đã được chứng minh là có thể hạn chế sự hấp thụ quá nhiều calo trong cơ thể. Do đó, món ăn này rất thích hợp đối với những người thực hiện chế độ ăn kiêng.

Xây dựng và sửa chữa các tế bào của cơ thể

Hàm lượng choline trong trứng gà luộc sẽ phục vụ cho việc sửa chữa các tế bào bị tổn thương của cơ thể.

Kiểm soát cholesterol xấu

Trứng gà luộc là nguồn cung cấp hàm lượng omega 3 dồi dào, có tác dụng làm giảm cholesterol và cholesterol xấu trong cơ thể.

Tốt cho lưu thông máu

Để hệ thống tuần hoàn hoạt động tốt, hãy bổ sung trứng gà luộc trong thực đơn bữa sáng. Bởi các thành phần có trong trứng gà luộc được chứng minh là rất tốt cho quá trình lưu thông máu của cơ thể.

Tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể

Hàm lượng vitamin B12 cao trong trứng gà luộc sẽ giúp cải thiện và tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể.

PHỐ HOÀI (THEO HEALTHBENEFITSOF)


7 thói quen tưởng vô hại nhưng gây mất ngủ

 Thứ hai, 20/9/2021, VnExpress.net

7  thói  quen  tưởng  vô  hại  nhưng  gây  mất  ngủ

Lo lắng và căng thẳng gây rối loạn não bộ, dẫn đến mất ngủ nhiều đêm. Ngoài ra, một số thói quen tưởng vô hại cũng là thủ phạm gây nên tình trạng này.

Lao ngay vào giường

Sau một ngày bận rộn, việc cuối cùng bạn muốn là kê cao gối ngủ một giấc. Nhưng có thể bạn sẽ gặp tình trạng đi làm về, lên giường ngay mà mãi không thể ngủ. Nguyên do là não bộ của chúng ta chưa kịp chuyển chế độ.

Hãy làm một số hoạt động thư giãn nhẹ nhàng vào buổi tối để giúp não tạo khoảng trống giữa ngày và đêm, để nhanh buồn ngủ hơn. Các hoạt động đó không cần phức tạp, chỉ cần giúp đầu óc tĩnh lặng như: tắm nước ấm, đọc một cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng, thiền.

Uống trà

Các loại trà thảo mộc có tác dụng thư giãn, cải thiện và điều trị chứng mất ngủ. Tuy nhiên, các loại trà khác, đặc biệt là trà đen có chứa nhiều caffeine, có thể gây căng thẳng và mất ngủ.

Tác động của caffeine có thể xảy ra ngay cả khi bạn uống từ buổi chiều hoặc đầu giờ tối. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Giấc ngủ lâm sàng, tháng 11/2013, hấp thụ caffeine 6 giờ trước giấc ngủ có thể làm giấc ngủ của bạn ngắn đi một giờ.

Dùng sai loại chăn

Nhiều người không thể ngủ nếu không có chăn. Nhưng chọn chăn thế nào để có giấc ngủ ngon rất quan trọng.

Chăn được làm từ polyester rất dễ giặt, độ bền cao, nhưng không thoáng khí nên dùng rất bí, dễ đổ mồ hôi. Hãy chọn một chiếc chăn len, vì giúp bạn giữ ấm và cho da dễ thở.

Tập thể dục muộn

Thể dục giúp bạn thư giãn và giảm bớt lo lắng nên sẽ cải thiện giấc ngủ. Nhưng thể dục quá muộn trong ngày gây hại nhiều hơn lợi.

Đến phòng tập trong vòng một giờ trước khi ngủ sẽ không có thời gian để nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Bạn sẽ khó ngủ và hay thức giấc vào ban đêm. Nếu bạn là cú đêm và thích thể dục buổi tối, hãy tập các bài có cường độ thấp, ít nhất bốn giờ trước khi ngủ.

Bỏ bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nếu vì bận rộn mà bỏ bữa sáng sẽ ảnh hướng đến cân nặng, khả năng tập trung và chất lượng giấc ngủ. Những người bỏ bữa sáng thường không ngủ ngon giấc, hay cáu kỉnh khi thức dậy.

Mặc đồ dài tay đi ngủ

Theo nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa quốc gia (Mỹ), tháng 5/2012, chúng ta ngủ ngon hơn khi nhiệt độ cơ thể giảm nhẹ. Vì vậy, một số bộ đồ ngủ dài tay có thể khiến bạn trằn trọc, khó ngủ.

Nếu khỏa thân đi ngủ không phù hợp với bạn, nên chọn quần áo ngủ nhẹ làm từ vải tự nhiên và thoáng khí như lanh hoặc cotton.

Trải thảm cạnh giường ngủ

Theo tiến sĩ Pawel Wargocki, Hiệp hội các Kỹ sư Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí Hoa Kỳ, chúng ta dễ ngủ hơn nếu nhiệt độ trong phòng phù hợp và chất lượng không khí tốt.

Vì vậy, đặt thảm cạnh giường có thể giúp căn phòng trông ấm hơn, nhưng lại là lựa chọn sai lầm, nếu muốn ngủ ngon. Thảm chứa nhiều bụi, là nơi lý tưởng để vi khuẩn có hại sinh sản.

Nhật Minh (Theo Brightside)

LỄ CÁC ĐẲNG

 

LỄ  CÁC  ĐẲNG

9/5/2011

linh-hon.jpg

Lễ ngày 2 tháng 11 có nhiều cách gọi. Cuốn “Những ngày lễ Công Giáo” chính thức của giáo phận ghi là: “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”, người ta thường gọi là “Lễ các đẳng linh hồn”, hay vắn tắt hơn thì gọi là “Lễ các đẳng”.

Một lần nọ, trước ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, cha sở thông báo: “Ngày mai là lễ các đẳng, chúng ta nhớ cầu nguyện cho các đẳng”. Thế rồi, công an xã mời cha đến xã làm việc một tuần lễ, với lý do là “Chúng ta chỉ có một đảng, sao linh mục kêu gọi cầu nguyện cho các đảng?” ! [1]

Lễ ngày 2 tháng 11 có nhiều cách gọi. Cuốn “Những ngày lễ Công Giáo” chính thức của giáo phận ghi là: “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”, người ta thường gọi là “Lễ các đẳng linh hồn”, hay vắn tắt hơn thì gọi là “Lễ các đẳng”.

Nguồn gốc.

Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).

Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma. Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vaticanô II cũng dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..." (GH 50), về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng dạy: "Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa... các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha..." (GH 49). Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.

Thuật từ tiếng Latin.

Lễ này tiếng Latin là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, tiếng Anh gọi là “Commemoration of all the Faithful Departed”, có khi cũng gọi là All Souls’ Day (Lễ các linh hồn) hay Defuncts’ Day (Lễ các người đã qua đời). Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đúng, nhưng bình dân vẫn gọi là “Lễ các đẳng”. Vậy chúng ta tìm hiểu từ vựng này.

Nghĩa của các, đẳng.

Các: Có chín chữ Hán, ở đây là chữ, nghĩa là (đại từ). (1) Mỗi một: Các bất tương đồng (không ai giống ai). (tt). (2) Khác: Các biệt. (3) Tất cả, hết thảy: Các vị (quý vị).

Đẳng: có hai chữ Hán, ở đây là chữ, nghĩa là (dt.) (1) Thứ bậc: Thượng đẳng (bực trên nhất); Trung đẳng (bực giữa); Hạ đẳng (bực dưới nhất, hạng bét). (2) Phức số: Ngã đẳng (Nhóm chúng tôi). (3) Bậc thang: Thổ giai tam đẳng (Cầu thang đất có ba bậc). (đt.) (4) Ðợi chờ: Đẳng đãi (Chờ đợi). (5) Bằng nhau, đều: Đại tiểu bất đẳng (Lớn nhỏ không đều). (6) Cân lường. (tt.) (7) Hạng: Nhĩ thị hà đẳng nhân (Anh là hạng người nào). (pht.) (8) Vân vân: Đẳng đẳng.

Nghĩa của từ “các đẳng”.

Các đẳng là tất cả thứ bậc. Thuật từ “Các đẳng linh hồn” để chỉ tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục [2] (thuộc thành phần Hội thánh đau khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội Thánh vinh quang).[3] Có người cho rằng quan niệm về “linh hồn mồ côi” và “các đẳng linh hồn” v.v. chịu ảnh hưởng tư tưởng “cô hồn các đẳng” của ngoại giáo. Như Phật Giáo chia địa ngục ít nhất có 18 tầng và quỷ cũng có nhiều cấp bậc. Trong “Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh” [4] có rất nhiều thứ quỷ: quỷ đau đầu, quỷ mặc áo rách, quỷ ngủ bờ ngủ bụi, quỷ đói, quỷ nam căn[5] bị thối rửa… Hay trong xã hội loài người cũng chia làm nhiều giai cấp, tức là thứ bậc khác nhau trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh... Trong tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” [6] đề cập đến 10 hạng “cô hồn”: Thiền tăng, nho sĩ, đạo sĩ, thiên văn địa lý, lương y, quan liêu, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” [7] cũng nói đến 10 loại: Vua chúa, tể thần, đại tướng, kẻ ham giàu, kẻ ham danh, thương nhân, binh lính, quý nữ, kỹ nữ, bần nhân gặp nạn chết oan... Con số 10 chỉ là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo”[8] mà thôi. Phải chăng, chính những hoàn cảnh này đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta?

Thực ra, trong xã hội trần gian bao giờ cũng có nhiều thứ bậc, đẳng cấp, giai tầng... Khi lìa trần, người ta không thể mang theo mình bất cứ của cải vật chất nào. Mọi thứ bậc, đẳng cấp, địa vị của con người ở trên đời không có ý nghĩa gì trước Tòa Phán Xét. Thiên Chúa xét xử con người theo “công trạng” [9] nó đã làm ra. Chúa không hỏi chúng ta là ai, thuộc giai cấp nào trên thế gian, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về “nén bạc” (ân sủng và tình yêu) mà Chúa giao phó đã được sinh lợi thế nào. Như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Nên nhớ Người sẽ không khiển trách họ về hạnh kiểm, tội lỗi hay lời báng bổ; mà chỉ vì không ích lợi gì cho ai. Như kẻ đã chôn nén của bạc mình, đời sống y không có gì khiển trách, nhưng y không làm ích gì cho ai khác.”[10]

Vì vậy, khi nói “các đẳng linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người xa lạ. Khi còn ở đời này, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo khó mọn hèn. Họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”. [11] Tất cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện của chúng ta.

Các đẳng linh hồn” không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp, điạ vị như khi còn ở thế gian hay trong Luyện Ngục có bao nhiêu đẳng cấp, thứ hạng linh hồn. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì chúng ta không biết.

Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”.... hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đời đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu.[12]

Linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc, ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mọi linh hồn đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mọi người đều được Chúa yêu thương bằng một tình yêu riêng biệt, không ai giống ai, Ngàivẫn không ngừng gọi chúng ta bằng chính tên riêng của từng người: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62,2) và tình yêu đó luôn luôn đầy tràn: “Ơn của Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9).

Bản văn Công Giáo đầu tiên sử dụng từ “các đẳng” mà chúng tôi được biết là “Văn Tế Các Đẳng Linh Hồn” của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): “Nhớ các đẳng xưa: Tay Chúa dựng hình, tính thiêng gởi xác. Di luân tài mạng chịu thiên tư, lý dục thị phi đầy địa bộ...”. Cụm từ “các đẳng”, “các đẳng linh hồn” đã được sử dụng từ lâu trong Giáo hội tại Việt Nam để chỉ các tín hữu đã qua đời đang còn thanh luyện chờ ngày hưởng phúc thanh nhàn bất diệt. Lịch phụng vụ của Roma xưa nay ghi lễ ngày 02/11 là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”. Lịch phụng vụ ởViệt Nam thì dịch là: “Lễ Các Linh Hồn” [13], “Lễ Linh Hồn” [14], “Lễ Cầu Cho Mọi Tín Hữu Qua Đời”[15], sau này dịch là “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Thiết nghĩ cách dịch “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” thì sát nghĩa với nguyên bản, nhưng nên hiểu đó vẫn là nói tắt, vì đầy đủ phải là Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời Đang Còn Thanh Luyện (hay đang ở luyện ngục). Cách nói “Lễ các đẳng” cũng là cách nói tắt, mang âm hưởng văn hóa bản địa về “cả thảy vong linh” thuộc “thập loại chúng sinh” gồm cả “cô hồn các đẳng”! Phải chăng các tiền nhân của chúng ta đã hội nhập văn hóa trong khi tạo ra cụm từ này để phiên dịch?

Trường hợp những ngày lễ Feria V in Cena Domini, Feria VI in Passione Domini, chúng ta dịch là Lễ Tiệc Ly (Thứ Năm Tuần Thánh), Lễ Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa (Thứ Sáu Tuần Thánh), nhưng người bình dân vẫn quen gọi là “Lễ Rửa Chân”, “Lễ Hôn Chân”... vừa đơn giản, tượng hình lại dễ nhớ. Tất nhiên không đủ nghĩa, không nên sử dụng nữa.

Kết luận.

Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen xin lễ cho các linh hồn tổ tiên nội hay ngoại, linh hồn thân nhân, linh hồn mồ côi, linh hồn ngoại đạo, thai nhi, linh hồn người chết vì tai nạn… và trong Thánh lễ hàng ngày, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho mọi người đã qua đời. Đó là những thực hành rất tốt để tưởng nhớ người đã qua đời, thực thi bổn phận “hợp thông cùng các thánh”.

Ngày “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, chính xác là ngày “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Còn “Lễ Các Đẳng” là cách nói vắn tắt, hiểu theo giáo lý Công Giáo như đã trình bày, thì không đúng cho lắm, những nếu đặt trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thì việc tiếp tục sử dụng nó cũng không có gì ngăn trở.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

[1] Trong văn nói, một số người Nam bộ phát âm “các đẳng” thành “các đảng”, cũng như “cô hồn” thành “cu hồn”, nên “cúng cô hồn các đẳng” thì nói là: “cúng cu hồn các đảng”.

[2] Lưu ý là luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn, luyện ngục hoàn toàn khác xa hoả ngục và sự thanh luyện được hiểu về trạng thái hơn là một ‘nơi chốn’, lại càng không thể nói ‘thời gian’ bao lâu (x. GLCG số 1030-1032).

[3] Thời xưa chưa có mục từ “tất cả”. Các danh từ chỉ tổng lượng thời xưa là: Cả, cả và, cả thảy, hết cả, hết thảy.

[4] Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh, gồm 17 chuyện, theo truyền thuyết thì do An Thế Cao dịch, nhưng được ghi nhận là thất dịch, thuộc đời lưỡng Tấn.

[5] Tức bộ phận sinh dục.

[6] Còn gọi là “Phật kinh thập giới”, không rõ tác giả, viết dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1442-1497), là áng văn viết bằng chữ Nôm cổ theo thể biền ngẫu.

[7] Tác phẩm của Nguyễn Du (1765-1820), được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm. Theo Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hàng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn cầu siêu để giải thoát cho hàng triệu linh hồn.

[8] Theo giáo lý Phật Giáo, con người chúng ta do lực của nghiệp và phiền não của chính bản thân mà cứ mãi luân hồi chuyển sinh trong 6 chủng loại thế giới sinh tồn đầy những khổ đau, gọi là lục đạo đó là: thiên, a-tu-la, nhân, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục.

[9] Xem BGCN, Số 07/2010, tr. 106.

[10] Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng XX sách Công Vụ tông đồ (Jean Comby, Để đọc lịch sử Giáo Hội, q.I, tr.115).

[11] Có những người vì lý do nào đó mà không lãnh nhận bí tích Rửa Tội được, nên không trở thành Kitô hữu. Nhưng nếu họ sống theo những giá trị của Phúc Âm thì, nói theo từ ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ cũng là những “Kitô hữu vô danh” (Chrétien anonyme).

[12] Công đồng Florence (1431) đã định tín: Có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội.

[13] Niên Giám 1964, tr.11

[14] Địa phận Hà Nội, Sách Lễ, Nxb Hiện Tại, 1967.

[15] Sách Lễ Giáo Dân, 1971, tr. xxix và tr. 1572. Cách dịch này rất dễ hiểu lầm là: Lễ cầu cho mọi tín hữu chết hết (!)