Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Những thắc mắc thường gặp về chứng đau đầu Migraine

 

Những  thắc  mắc  thường  gặp  về  chứng  đau  đầu  Migraine

Chủ nhật, 5/9/2021, VnExpress.net

Migraine có phải là đau nửa đầu, nguyên nhân, cách điều trị... là những thắc mắc thường gặp.

Theo dõi phần giải đáp của TS.BS Lê Văn Tuấn - Chuyên gia Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Migraine là gì?

Migraine là một loại đau đầu nguyên phát, một bệnh thần kinh đặc trưng bởi các cơn đau đầu tái phát, cường độ đau thường nặng. Ngoài đau đầu, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác về thị giác, cảm giác, vận động...

Ngoài ra, Migraine còn có thể biểu hiện các triệu chứng khác mà không kèm đau đầu.

Đau đầu Migraine là một bệnh thần kinh thường gặp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Migraine có phải là bệnh đau nửa đầu không?

Migraine còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Migraine, Hemicrania, Megrin. Danh từ Migraine xuất phát từ tiếng Hy Lạp Hemicrania có nghĩa là đau nửa đầu, sau đó được chuyển thành từ Hiragana trong tiếng La Tinh và chuyển thành từ Migraine trong tiếng Pháp, sử dụng trong y khoa hiện đại.

Migraine thường biểu hiện dưới dạng các cơn đau đầu. Song các nghiên cứu cho thấy, Migraine chỉ có khoảng 60% các trường hợp là bị đau nửa đầu, số còn lại là biểu hiện đau đầu hai bên. Do đó, Migraine không đồng nghĩa với bệnh đau nửa đầu.

Migraine có phải là đau đầu vận mạch (còn gọi là đau đầu mạch máu) hay không?

Hiện tại, theo Phân loại đau đầu của Hội Đau đầu Quốc tế thì không có từ đau đầu vận mạch hay đau đầu mạch máu. Trước đây Migraine còn được gọi là đau đầu mạch máu hay đau đầu vận mạch vì người ta nghĩ cơ chế bệnh là do giãn mạch, tuy nhiên cơ chế bệnh hiện nay được biết là do xuất phát từ cơ chế thần kinh, sau đó mới ảnh hưởng đến mạch máu. Một lý do khác nữa là đau đầu Migraine thường có kiểu mạch đập nên gọi là đau đầu mạch máu, chiếm khoảng 50% các trường hợp. Điều này có nghĩa Migraine không phải là đau đầu vận mạch.

Đau đầu Migraine có thường gặp hay không?

Đau đầu Migraine là một trong những loại đau đầu thường gặp với tỷ lệ khoảng 10% dân số thế giới. Tỷ lệ nữ mắc đau đầu Migraine khoảng 18% và khoảng 6% ở nam giới.

Migraine có hay gặp ở trẻ em?

Migraine cũng hay gặp ở trẻ em. Tuổi trung bình của bé trai bị Migraine là 7 và ở bé gái là 11. Khoảng 5% trẻ em bị Migraine, trong đó có khoảng 20% ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi. Ở trẻ trong độ tuổi đi học thì Migraine chiếm khoảng 5-10%.

Người lớn tuổi có bị Migraine hay không?

Migraine là loại đau đầu thường gặp ở người trẻ tuổi và cũng không hiếm gặp ở người lớn tuổi. Trong số người lớn tuổi bị đau đầu thì Migraine chiếm khoảng 10-25%.

Migraine có khuynh hướng biến mất theo tuổi. Ở tuổi 70, chỉ 10% phụ nữ và 5% đàn ông bị đau đầu Migraine. Khoảng 40% người bị Migraine không có cơn đau đầu Migraine sau 65 tuổi.

Làm sao biết mắc Migraine?

Có 3 câu hỏi tầm soát để chẩn đoán Migraine. Nếu trả lời ít nhất 2 trong số 3 câu hỏi này thì có khả năng bạn bị Migraine. Các câu hỏi như sau:

Trong 3 tháng vừa qua, đau đầu có thường ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn không?

Bạn có thường cảm thấy buồn nôn khi đau đầu không?

Ánh sáng và âm thanh có thường làm bạn khó chịu mỗi lúc bị đau đầu không?

Có mấy loại đau đầu Migraine?

Migraine có nhiều loại khác nhau nhưng có thể chia thành 2 loại là Migrainevới tiền triệu và Migraine không có tiền triệu.

Tiền triệu là triệu chứng thần kinh thường xảy ra trước hoặc cùng thời điểm với đau đầu. Khoảng 15-30% bệnh nhân bị Migraine có tiền triệu. Tiền triệu có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau, thường gặp nhất là các vấn đề về thị giác.

Migraine không có tiền triệu được chia làm 2 nhóm:

Migraine từng đợt

Migraine mạn tính

Tiền triệu của Migraine là gì?

Tiền triệu là các triệu chứng thần kinh báo hiệu cơn đau đầu sắp xảy ra. Tiền triệu thường xuất hiện từ 5 - 60 phút với các biểu hiện điển hình bao gồm:

Thị giác: Các điểm nhấp nháy, lóe sáng, đường zig zag, các điểm mù

Cảm giác: Tê, ngứa

Vận động: Yếu cơ

Thính giác: Ù tai

Giác quan khác: Sự thay đổi khứu giác hoặc vị giác

Ngôn ngữ: Nói khó (rất dễ nhầm với tai biến mạch máu não)

Triệu chứng khác: Nhìn đôi, chóng mặt, mất thăng bằng

Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến của đau đầu Migraine.

Tại sao bị Migraine?

Nguyên nhân mắc Migraine vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, tình trạng có thể do những yếu tố bên ngoài và các yếu tố di truyền gây ra. Có một số gen được tìm thấy liên quan đến Migraine như gen KCN K18, CKIdelta, CACNA1A, ATP1A2, SCN1A.

Khoảng 90% bệnh nhân Migraine có tiền sử gia đình có người bị Migraine. Nghiên cứu ghi nhận, nếu cha hoặc mẹ bị Migraine thì 40% khả năng con cái cũng mắc chứng đau đầu này. Nếu cả cha và mẹ bị Migraine thì 75% con cái có thể bị Migraine.

Do đó, khi đi khám, nếu bệnh nhân ghi rõ tiền sử Migraine của gia đình mình sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán tốt hơn.

Cơn đau đầu Migraine thường diễn tiến như thế nào?

Cơn đau đầu Migraine thường trải qua 4 giai đoạn:

Các triệu chứng báo trước: Có thể xuất hiện vài giờ hoặc vài ngày trước đó với biểu hiện mệt mỏi, buồn ngủ hoặc hưng phấn.

Tiền triệu: Là triệu chứng thần kinh trước khi cơn đau đầu xuất hiện.

Giai đoạn đau đầu: Cơn đau đầu điển hình kéo dài từ 4-72 giờ nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.

Giai đoạn sau cơn: Giai đoạn này có thể kéo dài 1-2 ngày với các biểu hiện khó tập trung, cảm giác mệt mỏi, trầm cảm, khó nhớ.

Yếu tố nào làm xuất hiện cơn đau đầu Migraine?

Migraine là do những thay đổi nội tại của bệnh nhân, tuy nhiên có những yếu tố khác thúc đẩy làm xuất hiện cơn đau như:

Bỏ bữa ăn

Do thực phẩm, đồ uống

Mất ngủ

Ngủ nhiều

Thay đổi hormone theo chu kỳ kinh ở nữ giới

Ánh sáng

Tiếng ồn

Do thuốc

Thay đổi thời tiết

Mất nước

Mùi

Caffeine có tác động đến Migraine như thế nào?

Caffeine là thành phần quan trọng có trong nhiều chất như cà phê, sô cô la. Caffeine có hai vai trò đối nghịch đối với Migraine, đó là giảm đau và gây ra cơn đau đầu. Việc ăn, uống thực phẩm chứa cafein thường xuyên, hoặc ngưng đột ngột chất này có thể làm xuất hiện cơn đau đầu Migraine.

Nghiên cứu ở Mỹ ghi nhận, người bị Migraine từng đợt khi uống 1-2 cốc cafe mỗi ngày có thể làm giảm tần số cơn đau. Tuy nhiên, nếu uống từ 3 cốc trở lên có thể có nhiều rắc rối xảy ra.

Gánh nặng của Migraine

Gánh nặng của Migraine được xác định bởi tần số, độ nặng, thời gian cơn đau cũng như các triệu chứng kết hợp trong cơn đau. Migraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh và xã hội. Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) xác định Migraine là một trong những bệnh thường gặp gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong cơn đau đầu Migraine, khoảng 50% bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng phải nằm nghỉ.

 

Phụ nữ bị Migraine nếu hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ

Cách nào theo dõi những ảnh hưởng do Migraine

Một cách đơn giản là đánh giá sự ảnh hưởng của Migraine thông qua thang điểm MIDAS (The migraine disability assessment test). Thang điểm này bao gồm các câu hỏi sau:

Bao nhiêu ngày trong 3 tháng qua bạn phải nghỉ làm hay nghỉ học vì đau đầu?

Bao nhiêu ngày trong 3 tháng qua bạn phải giảm công việc hay học tập ít nhất 50% vì đau đầu?

Bao nhiêu ngày trong 3 tháng qua bạn không làm việc nhà, việc gia đình do đau đầu?

Bao nhiêu ngày trong 3 tháng qua bạn phải giảm công việc nhà, việc gia đình ít nhất 50% vì đau đầu?

Bao nhiêu ngày trong 3 tháng qua bạn không tham gia các hoạt động của gia đình, xã hội hay giải trí vì đau đầu?

Nếu bạn có điểm MIDAS:

0-5: không ảnh hưởng

6-10: ảnh hưởng ít

11-20: ảnh hưởng vừa

Trên 20: ảnh hưởng nặng

Khi bạn có điểm từ 6 trở lên thì nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh.

Người bị Migraine thường hay có bệnh nào kèm theo?

Người bị Migraine thường hay có các bệnh khác kèm theo (bệnh đồng mắc) bao gồm:

Mất ngủ

Trầm cảm

Loét dạ dày

Đau ngực

Động kinh

Cường độ đau đầu Migraine tăng nếu bạn có các bệnh viêm đồng mắc như vảy nến, dị ứng, các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, mất ngủ.

Migraine có thể được điều trị khỏi hay không?

Hiện nay không có thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh Migraine. Tuy nhiên, bác sĩ có thể được điều trị để làm giảm các triệu chứng bằng việc dùng các loại thuốc cắt cơn đau.

Hiện, một tỷ lệ khá cao những người bị Migraine vẫn chưa được chẩn đoán hoặc chưa từng điều trị hoặc điều trị bằng phương pháp chưa phù hợp. Theo TS.BS Lê Văn Tuấn, bác sĩ Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bị Migraine nên đến khám ở chuyên khoa nội thần kinh để được tư vấn, điều trị hiệu quả.

Những đặc điểm nào gợi ý Migraine có thể chuyển sang dạng mạn tính?

Migraine thường biểu hiện là các cơn đau đầu cấp, khoảng thời gian giữa các cơn thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có cơn đau đầu thường xuyên nếu mắc Migraine mạn tính. Migraine mạn tính khó điều trị hơn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Lưu ý, Migraine có thể chuyển thành mạn tính nếu:

- Điều trị không còn hiệu quả so với trước đây

- Có nhiều cơn Migraine mỗi tháng

- Bạn cần phải dùng thuốc giảm đau mỗi ngày để cắt cơn đau

- Thường bị đau đầu quanh chu kỳ kinh

- Không tìm được thuốc điều trị Migraine hiệu quả

(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét