VẤN ĐỀ PHỤC VỤ
Monday,
October 11, 2021
Tương tự nhiều vấn đề “tế
nhị” khác, Phục Vụ là vấn đề muôn thuở. Phục Vụ đối lập với Hưởng Thụ. Cả hai đều
có vần Ụ nên cả hai đều khó thực hiện, vì cái gì bị “đắp ụ” đều gây rắc rối, và
ai cũng thích mình là ông CỤ chứ không khoái là thằng CU. Cả chữ Phục Vụ và Hưởng
Thụ đều quan trọng ở dạng động từ hơn là danh từ, nghĩa là phải hành động cụ thể
chứ không nói suông. Vì Chúa Giêsu truyền lệnh: “Hãy phục vụ, đừng hưởng thụ.”
(Mc 9:35)
Ý Chúa hoàn toàn khác hẳn
ý phàm nhân. Người ta muốn làm lớn thì Ngài bảo phải làm nhỏ, người ta thích
khoác lác thì Ngài cấm khoe khoang, người ta ưa an nhàn thì Ngài bắt phải làm
việc, người ta khoái vơ vét vào thì Ngài bảo phải chia sẻ. Cứ thế và cứ thế: Phục
vụ.
Nhưng phục vụ là thế nào?
Phục vụ là giúp đỡ mọi người – có thể đó là những việc PHẢI LÀM theo bổn phận,
theo trách nhiệm, hoặc có thể là việc MUỐN LÀM vì tự ý, tình nguyện. Tinh thần
phục vụ không làm cho người ta thấp kém mà làm cho người ta nên cao quý, vì phục
vụ là dâng hiến chính con người bé nhỏ của mình cho Thiên Chúa, Đấng tối cao
tuyệt đối. Phục vụ người khác là phục vụ Thiên Chúa – phục vụ Ngài qua tha
nhân. Đó là điều thực sự khó!
Trong xã hội loài người,
hằng ngày các công ty, siêu thị, cửa hàng hoặc quán xá luôn có những đợt tuyển
nhân viên phục vụ. Công việc của người phục vụ rất bình thường, đôi khi bị coi
là tầm thường, nhưng thật ra lại rất cần thiết. Có thể nói rằng không có họ thì
các sinh hoạt xã hội khó tồn tại. Không có các công nhân thì giám đốc chỉ bó tay,
và xã hội sẽ không có sản phẩm để tiêu thụ. Cách phân biệt “cao – thấp” là do
quan niệm của những người thiển cận, nông cạn – tương tự dạng “thiểu não” mà
thôi. Chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu, cũng không có nghề nào hơn nghề
nào.
Thật vậy, tiền nhân nhận
xét chí lý: “Nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông... nhất nông, nhì sĩ.” Ảnh hưởng
“cao – thấp” là do quan niệm xưa: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. Kẻ sĩ được coi
là “dân ngon lành.” Thế nhưng hết gạo ăn thì “ngon” cái nỗi gì? Ai hơn, ai kém?
Liệu còn sức để vênh cái mặt lên? Còn trong gia đình, ai to hay nhỏ mà phân biệt
việc giặt giũ, đi chợ, nấu ăn, rửa chén, quét nhà,…?
Trong cuộc sống, mọi người
đều phục vụ lẫn nhau, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc bằng cách nào đó. Đừng
tưởng tôi tớ mới phải phục vụ chủ nhân, mà chính chủ nhân cũng phải phục vụ tôi
tớ bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có nhân viên mới phải phục vụ giám đốc, mà
chính giám đốc cũng phải phục vụ nhân viên bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có
đệ tử mới phải phục vụ sư phụ, mà chính sư phụ cũng phải phục vụ đệ tử bằng
cách nào đó; đừng tưởng chỉ có giáo dân mới phải phục vụ linh mục quản xứ, mà
chính linh mục cũng phải phục vụ giáo dân bằng cách nào đó; đừng tưởng chỉ có bề
dưới mới phải phục vụ bề trên, mà chính bề trên cũng phải phục vụ bằng cách nào
đó; đừng tưởng chỉ có người nhỏ mới phải phục vụ người lớn, mà chính người lớn
cũng phải phục vụ người nhỏ bằng cách nào đó; v.v…
Rất nhiều mối quan hệ
trong xã hội, mọi mối quan hệ đều liên đới với nhau. Vợ chồng đối với nhau, cha
mẹ và con cái đối với nhau, anh chị em đối với nhau, bạn bè đối với nhau,...
nói chung là con người đối với con người. Chúa Giêsu đã có nguyên tắc sống: “Ai
làm đầu phải hầu thiên hạ.” (x. Mt 20:25-28; Mc 10:40-45) Đó là luật.
Kinh Thánh cho biết rằng,
sau khi được Chúa Giêsu chữa khỏi chứng sốt nặng, nhạc mẫu của ông Phêrô liền
chỗi dậy PHỤC VỤ Người. (x. Mc 1:29-31; Lc 4:38-39) Chính Chúa Giêsu đã từng
minh định: “Thầy sống giữa anh em như MỘT NGƯỜI PHỤC VỤ.” (Lc 22:27) Quả thật,
ngay tại Bữa Tiệc Ly, trước khi bị bắt, chính Chúa Giêsu đã đích thân hạ mình bằng
cách quỳ xuống mà rửa chân cho các môn đệ, Ngài muốn làm gương và dạy về tầm
quan trọng của sự phục vụ (x. Ga 13:3-20) cho mọi người, nhất là những ai muốn
trở nên hoàn thiện.
Vấn đề phục vụ có liên
quan thái độ “chảnh” – vì phục vụ trái ngược với kiêu căng. Người ta thường
thích “sai” người ta làm cái này, việc nọ, và phải như thế mới oai. Chỉ là ảo
tưởng và ngu xuẩn, vì đi ngược lại đường lối của Chúa mà lại dám hãnh diện. Một
hành động mà hai tội: khinh người và kiêu ngạo. Việc phục vụ rất bình thường mà
lại quá nhiêu khê. Phục vụ là dấn thân, rất cần phải khiêm nhường thật lòng mới
có thể phục vụ hết mình. Nếu không thì thêm tội chứ chẳng thấy phúc đâu!
Thật lạ, vấn đề phục vụ
còn liên quan nịnh bợ, tâng bốc, ranh mãnh, mưu thâm kế độc. Cứ thấy “ông to,
bà lớn” thì họ tìm mọi cách đưa đón, đâm thọt, đãi bôi, gièm pha,… cốt để tỏ ra
mình có uy, tìm mọi cách “bợ trên, đạp dưới.” Lũ sai nha bất nhân đó chỉ là
“cáo mượn oai hổ,” chứng tỏ đầu óc kém cỏi, ngu dốt với cái đầu rỗng tuếch. Họ
chỉ trích người khác mà lại tự thú sự ngu xuẩn xấu xa của chính mình, ngu dại
mà cứ tưởng mình giỏi giang.
Thời nay có những người rất
dị hợm, không muốn phục vụ mà chỉ muốn hưởng thụ. Việc nhỏ không làm vì chê là
nhỏ nhặt, việc lớn cũng không thể làm vì không đủ năng lực. Tiến sĩ, giáo sư,
giảng viên,… nhưng lại chưa học hết trung học phổ thông. Tục ngữ Đức có câu nói
thú vị: “Người ta bắt thỏ rừng bằng chó săn, bắt đàn bà bằng bạc tiền, và bắt kẻ
ngu si bằng lời khen dối trá.” Mắc bẫy mà cứ tưởng mình hay. Thật kinh khiếp!
Từ ngàn xưa, ngôn sứ
Isaia cho biết: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người
hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.” (Is 53:10) Nghe chừng rất lạ,
vì có vẻ rất… “ngược đời,” nhưng như vậy mà lại không như thế. Nghịch mà thuận,
gọi là nghịch-lý-thuận.
Rất đơn giản với lý do vừa
mặc nhiên vừa minh nhiên: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh
sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của
Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” (Is
53:11) Bất cứ ai chân thành theo Chúa sẽ được tha thứ tội lỗi, được “giải án,
tuyên công,” được công chính hóa, vì chính Thiên Chúa “bù lỗ” cho họ. Ôi, hạnh
phúc vô cùng!
Thật diễm phúc khi chúng
ta nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, (Xh 20:3; Xh 34:14; Đnl 4:35;
Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 6:4; Đnl 32:39; Nkm 9:6; Gđt 8:20; Kn 12:13; Is
43:10-13; Is 44:8; Is 45:5-6; Is 46:9; Đn 3:28-29; Đn 14:41; Hs 13:4; Mc 12:29;
Ga 5:44; Ga 17:3; 1 Cr 8:4; 1 Tm 2:5; Gl 3:20) giàu lòng thương xót, (Ep 2:4)
công minh chính trực, (Dcr 9:9b; Hc 5:3; Br 2:6; Br 2:9; Đn 9:14; Tv 7:18; Tv
9:9; Tv 11:7; Tv 25:8; Tv 67:5; Tv 146:7) không thiên vị bất cứ ai. (1 Pr 1:17;
Gl 2:6; Cv 10:34) Đặc biệt là mọi lời Ngài nói đều nên trọn: “Lời Chúa phán quả
là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công
minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất.” (Tv 33:4-5)
Thiên Chúa nhất định là Đấng
chân thật, còn mọi người đều giả dối. (Rm 3:4) Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối,
Ngài “không thể bị cám dỗ làm điều xấu và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.” (Gc
1:13) Thánh Vịnh gia đã minh chứng: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống
trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi NGƯỜI LUÔN CHE CHỞ PHÙ
TRÌ.” (Tv 33:18-20) Lòng thương xót và lòng trắc ẩn vĩnh viễn có nơi Thiên
Chúa, vì Ngài là Tình yêu. (1 Ga 4:8 và 16)
Phàm nhân chúng ta có biết
yêu thương cũng bởi nhờ Ngài, bắt nguồn từ Nguồn Yêu Thương của Ngài. Thiếu
tình yêu, chắc chắn con người sẽ chết sớm, thậm chí chết ngay khi còn thở. Vì
thế, chúng ta phải biết không ngừng cầu xin Ngài: “Xin đổ tình thương xuống
chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.” (Tv 33:22) Thiên
Chúa hiện diện nơi những con người thật, sinh động bằng xương bằng thịt.
Có yêu thương thì mới sẵn
sàng phục vụ, không yêu thương thì người ta không muốn phục vụ – dù có thể họ vẫn
biết cách phục vụ. Nhưng để có thể phục vụ, người ta phải biết yêu thương; để
có thể yêu thương, người ta phải biết lắng nghe nhau, đặc biệt là lắng nghe
Thiên Chúa. Ước gì mọi người đều biết sẵn sàng và mau mắn như cậu Samuel ngày
xưa: “Lạy Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1 Sm 3:9) Cuộc
sống là thực tại, không là chiêm bao hay mộng ảo.
Thật vậy, Chúa Giêsu là vị
Thượng Tế biết cảm thương, luôn chạnh lòng thương xót người khác, luôn động
lòng trắc ẩn trước những con người khốn khổ. Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta
có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con
Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.” (Dt 4:14) Tuyên
tín là điều cần thiết, nhưng lại không đơn giản, vì đơn giản và cụ thể như việc
làm dấu Thánh Giá mà nhiều người vẫn e ngại, nhất là khi có người khác tôn giáo
hoặc ở nơi công cộng. Họ lý luận bằng cách phát âm là “làm dấu” thành “làm giấu.”
Chúa Giêsu nói: “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ
tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy
trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự
trên trời.” (Mt 10:32-33) Đó là phương trình công bằng.
Thánh Phaolô dùng phủ định
cách để làm nổi bật sự xác định: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng
không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi
phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại
gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi
khi cần.” (Dt 4:15-16) Không đến với Lòng Chúa Thương Xót không chỉ là dại dột
mà là ngu xuẩn. Tuy nhiên, nếu ảo tưởng thì chúng ta chỉ “lợi dụng” Lòng Chúa
Thương Xót mà thôi, bởi vì TIN mình được Chúa thương thì KHÔNG LÀ KIÊU NGẠO,
nhưng TƯỞNG mình được Chúa thương thì lại LÀ KIÊU NGẠO!
Người ta kiêu ngạo vì ảo
tưởng, vì ảo tưởng nên không yêu thương – mà yêu thương rất thực tế, cần hành động
cụ thể. Do đó, không yêu thương thì không thể phục vụ. Sự phục vụ đối lập với
quyền hành, địa vị, chức tước, vì người có chức quyền không muốn phục vụ, chỉ
muốn “chỉ dạy” và muốn được phục vụ. Chúng ta khó phục vụ bởi vì chúng ta ÍCH KỶ,
Ỷ LẠI, NGẠI KHÓ, SỢ HÈN, QUEN “CHẢNH.” Thánh Tiến sĩ Thần bí Têrêsa Avila nhận
xét: “Chúng ta quá tự ái, quá vận dụng tài trí trần gian để khoe khoang mình,
đó là SỰ DỐI TRÁ to lớn và NGÔNG CUỒNG, các thánh nhân không như thế.”
Trình thuật Mc 10:35-45
là câu chuyện đầy kịch tính về vấn đề phục vụ – lúc cũng là thời sự nóng bỏng.
Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và “lấy lòng”
Ngài bằng cách rào trước đón sau: “Thưa Thầy, chúng con MUỐN THẦY THỰC HIỆN cho
chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Ngài hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện
cho các anh điều gì?” Họ không ngần ngại vào thẳng vấn đề: “Xin cho hai anh em
chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy
được vinh quang.”
Chúa Giêsu trách mắng họ
và nói thẳng: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy
sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Họ có vẻ “vô tư” khi trả
lời Ngài: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống;
phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả
Thầy thì THẦY KHÔNG CÓ QUYỀN CHO, nhưng Thiên Chúa đã CHUẨN BỊ CHO AI thì kẻ ấy
mới được.” Lời Chúa Giêsu luôn gây sốc cho nhiều người, khiến họ thực sự thấy
“ngại” lắm. Đó cũng là tâm trạng của mỗi tín nhân thời nay vậy.
Nghe vậy, mười môn đệ kia
ĐÂM RA TỨC TỐI với ông Giacôbê và ông Gioan. Bản tính ghen tỵ trong con người
luôn muốn chỗi dậy, sẵn sàng vùng lên bất cứ lúc nào, nhất là khi cảm thấy mình
“lép vế” hơn người khác. Ghen tỵ vì tự ái, vì “cái tôi” luôn ích kỷ, không muốn
thua thiệt. Tính ghen tỵ có ở mọi nơi và trong mọi người, dễ nhận ra trong các
cộng đoàn – cả xã hội và tôn giáo. Trong các giáo xứ, đoàn thể, cộng đoàn tu
trì, nhóm từ thiện, thậm chí ngay trong gia đình, chúng ta vẫn thấy có tính
ghen tỵ – với các mức độ khác nhau. Con gà còn tức nhau vì tiếng gáy kia mà! Tự
ái và ghen tỵ là “chướng ngại vật” khiến chúng ta khó “từ bỏ mình” theo ý của
Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu biết các đệ tử
đang hậm hực với nhau vì muốn tranh giành quyền hành, Ngài gọi các ông lại và
nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống
trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em
thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ
anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” Rõ ràng quá,
không có gì khó hiểu, nói ngắn gọn là “ai muốn làm đầu phải hầu người khác.”
Sao “ngược đời” vậy? Chúa
Giêsu minh chứng cụ thể: “Con Người đến KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI TA PHỤC VỤ,
nhưng là ĐỂ PHỤC VỤ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:45)
Chúng ta không thể viện cớ với bất cứ lý do gì để tự biện hộ nữa. Thật vậy, cứ
“xem quả thì biết cây.” (Mt 12:33; Lc 6:44) Rất rõ ràng.
Lúc này, và hơn bao giờ hết,
thiết tưởng chúng ta phải suy tư và cố gắng nhiều, đồng thời chân thành cầu
nguyện như Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng
sự Chúa trong mọi người.” Lời cầu này mệnh danh là Kinh Hòa Bình vì đậm chất phục
vụ theo Ý Chúa – phụng sự Chúa TRONG mọi người. Quả thật, đúng như lời Chúa
Giêsu đã xác định khi “phân loại” Chiên và Dê: “Mỗi lần các ngươi LÀM cho một
trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã LÀM cho chính Ta, mỗi
lần các ngươi KHÔNG LÀM cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta là các
ngươi đã KHÔNG LÀM cho chính Ta.” (x. Mt 25:31-46)
“Hãy tỏ lòng nhân hậu,
nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người.”
Đó là lời nhắn nhủ của Thánh Pôlycarpô (+155), giám mục tử đạo. Vâng, lỗi tại
tôi mọi đàng!
Lạy Thiên Chúa, xin ban
thêm can đảm thu mình lại để Ngài lớn lên. Con chỉ là kẻ vô dụng bất tài, nhưng
vì Tôn Danh Ngài, xin biến con thành khí cụ của Ngài. Xin cho con thấy Ngài
trong tha nhân, và họ cũng thấy Ngài con. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu,
Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét