Người kết giao vì lợi, cuối cùng thường tìm cách hại nhau
An
Hòa • Thứ Năm, 05/08/2021
(Tranh minh họa: Họa sĩ Đường Đại và Đinh Quan Bằng thời Thanh, Public Domain)
Từ xưa đến nay, những người vì mưu cầu lợi ích mà vứt bỏ đạo nghĩa thì cuối cùng không có kết cục tốt đẹp. Hơn nữa, những người kết giao hay hợp tác với nhau mà chỉ vì lợi, coi nhẹ đạo nghĩa thì cuối cùng sẽ để lại oán thù, thậm chí còn thường tìm cách hại nhau.
“Tiểu nhân kế hành kỳ lợi nãi bất lợi” là câu nói có xuất xứ từ cuốn “Lã Thị Xuân Thu”, nghĩa là kẻ tiểu nhân khi tính kế hành động thường thường đều chỉ nghĩ đến lợi, mong muốn có lợi ích, nhưng kết quả cuối cùng mà người đó nhận được lại thường ngược lại.
Câu nói này khuyên nhủ và cảnh tỉnh thế nhân khi hành động và suy nghĩ đều phải cẩn thận, lấy đạo nghĩa làm đầu, không thể chỉ nghĩ đến lợi ích, nếu không sẽ giống như đứng trước vực thẳm, cho dù hối hận cũng không kịp. Người quân tử khi mưu tính hành động điều gì thì đều suy xét đến đạo nghĩa trước tiên, không suy xét đến lợi ích cá nhân.
Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” cũng viết rằng, phàm là kẻ tiểu nhân vì lợi mà kết giao, khi bắt đầu làm việc thì nhiệt tâm hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nhưng cuối cùng lại vì lợi ích mà căm thù, sát hại lẫn nhau. Người thủ vững đạo nghĩa khi bắt đầu làm việc thì chân thành hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, thời gian càng lâu càng để lại trong nhau uy tín, cuối cùng trở thành những người thân thiết.
Chỉ những người tuân thủ đạo nghĩa mới có được nhân sinh tường hòa. Người cầu lợi ích sẽ mất đi rất nhiều thứ quý giá trong cuộc đời. Giữa được và mất có khi chỉ khác biệt ở một suy nghĩ, nhưng nếu sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng to lớn.
Trọng lợi mưu quyền, vứt bỏ đạo nghĩa, thì cái giá phải trả có lẽ sẽ rất thê thảm. Trong lịch sử những bài học giáo huấn như vậy có rất nhiều, nổi bật và thường được nhắc đến nhất là chuyện Thôi Trữ giết vua.
Thời Xuân Thu, tướng quốc nước Tề là Thôi Trữ đã hợp mưu với Khánh Phong giết chết Tề Trang Công. Sau khi Tề Trang Công chết, hai người lập Tề Cảnh Công làm vua. Tề Cảnh Công phong cho Thôi Trữ làm hữu tướng quốc và phong cho Khánh Phong làm tả tướng quốc. Hai vị tướng quốc này cùng nhau thao túng triều chính. Nhưng không lâu sau, Khánh Phong và Thôi Trữ lại mâu thuẫn với nhau.
Sau đó nhà Thôi Trữ có việc tranh chấp thừa kế giữa các con, xảy ra chuyện đánh giết lẫn nhau. Khánh Phong nhân chuyện đó đề nghị giúp Thôi Trữ diệt trừ nghịch tử. Thôi Trữ trong lúc giận dữ đã đồng ý. Khánh Phong nhân cơ hội đó giết chết hết các con của Thôi Trữ, diệt cả họ. Vợ Thôi Trữ cũng tự sát.
Thôi Trữ sau khi trở về nhà mới vỡ lẽ bị Khánh Phong lừa gạt, bèn tự sát. Cả nhà họ Thôi duy chỉ có một người con trai út là thoát được.
Triều chính nước Tề rơi vào tay một mình Khánh Phong. Nhưng Khánh Phong lại ham mê vui chơi, săn bắn, nên việc quốc chính ông ta đã giao hết cho người con lớn của mình là Khánh Xá.
Thấy Khánh Phong cùng con trai chuyên quyền, bốn đại phu Bão, Cao, Loan và Trần đã mưu trừ họ Khánh. Mùa đông năm đó, thừa dịp Khánh Phong đi săn, chỉ có Khánh Xá ở nhà, tướng Lư Bồ Quý đã phát động binh biến, được bốn nhà mang quân trợ giúp, cuối cùng toàn bộ gia tộc họ Khánh bị diệt. Khánh Phong đang ở ngoài ngao du nên thoát, một mình lưu vong ở nước Lỗ.
Nước Tề bức ép nước Lỗ phải giao Khánh Phong ra, Khánh Phong bèn chạy sang nước Ngô. Sở Linh Vương biết chuyện liền dẫn quân tấn công nước Ngô, bắt được Khánh Phong, xử tử Khánh Phong trước dân chúng.
Thôi Trữ và Khánh Phong kết giao vì lợi, vì quyền lực mà giết vua. Thôi Trữ chủ mưu cuối cùng lại bị Khánh Phong giết cả nhà. Khánh Phong diệt cả nhà Thôi Trữ, cuối cùng cả nhà ông ta cũng không thoát. Đây chẳng phải chính là báo ứng hay sao?
An Hòa biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét