Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Nghe và rao giảng lời Chúa – Kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

 

Nghe  và  rao  giảng  lời  Chúa –

Kính  thánh Têrêsa  Hài  Đồng  Giêsu

Wed, 29/09/2021 - Q. Vũ


Nghe và rao giảng lời Chúa.

Chủ đề phụng vụ lời Chúa hôm nay nói về việc rao giảng và thái độ nghe lời Chúa.

1. Bài tin mừng Luca thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng tin mừng ở những nơi mà chính Người sẽ tới sau, với thông điệp rõ ràng, ngắn gọn: “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Chúa Giêsu nói: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít... này Thầy sai các con như chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường”. Vì cánh đồng truyền giáo mênh mông, có rất nhiều người cần được nghe giảng, nên Chúa Giêsu đã chọn thêm 72 môn đệ khác ngoài nhóm 12, để đi dọn đường trước khi Người đến. Người đi tiên phong rao giảng bao giờ cũng khó khăn, nguy hiểm, nên Chúa Giêsu ví như là “cừu non giữa bầy sói”, họ có thể sẽ gặp những khó khăn, chống đối, bách hại, nhưng không vì thế mà sợ hãi không thi hành nhiệm vụ. Tại sao Ngài lại làm vậy? Liệu có hiệu quả không? Đi rao giảng ở những nơi chưa từng được nghe tin mừng hay chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, mà còn không cho mang theo tiền bạc, vật dụng cần thiết cho bản thân, thì đúng là ‘đem con bỏ chợ’. Chắc chắn Chúa Giêsu không như vậy, vì hành trang Ngài chuẩn bị cho các ông quan trọng hơn thứ người đời cần, đó là “Sự bình an”. Chúa bảo: “vào nhà nào, các con hãy nói: Bình an cho nhà này!”. ‘Bình an’ của Chúa Giêsu có gì đặc biệt? tin mừng kể: sau khi Chúa Giêsu sống lại, hiện ra với các môn đệ đang sợ hãi người Do Thái, Ngài nói: “Bình an cho các con”, câu nói của Chúa Giêsu đã làm tan mọi nỗi sợ hãi của môn đệ. Bình an là không sao động, lo lắng, sợ sệt trong tâm hồn, ai cũng mong được bình an, cầu chúc nhau câu bình an. Bình an của Chúa Giêsu còn vượt xa các kiểu bình an thế trần, khi kết lễ, chủ tế chúc mọi người ra về bình an, bình an đó là chính Chúa Giêsu mà họ mới được lãnh nhận qua Thánh Thể, Ngài là nguồn mạch sự bình an. Ở đây, Chúa Giêsu ban cho các môn đệ ‘bình an’ là chính Thần Khí của Ngài làm hành trang quý giá để các ông cũng cho người khác làm quà, và nếu người ấy đáng nhận quà bình an, thì các ông ở lại đó, chủ nhà sẽ lo cho ăn uống cũng như các vật dụng cần thiết khác. Không chỉ có sự bình an, mà Ngài còn ban cho các môn đệ quyền năng trên các thần dữ và chữa lành bệnh tật. Vì thế mà khi rao giảng trở về, các ông hớn hở khoe với Chúa Giêsu “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc. 10,17), họ đã trở thành  những người thợ lo việc linh hồn đáng được trả công phần xác. Đấy là những hành trang vô cùng thiết thực cho công việc rao giảng khẩn cấp, đến nỗi chẳng kịp “chào hỏi ai dọc đường”. Để nói lên sự gấp rút trong việc rao giảng cho cánh đồng đã chín vàng mà thiếu thợ gặt, Chúa Giêsu còn bảo một người xin về chôn cha mình trước rồi mới theo Chúa, mà rằng: “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi hãy đi rao giảng nước Thiên Chúa” (Lc. 9,60). Rõ ràng Chúa Giêsu không đẩy chiến sĩ ra sa trường tay không, mà những vũ khí Ngài trang bị còn hiệu quả hơn nhiều cách chuẩn bị của con người. Đừng để những lo toan vụn vặt cuộc sống làm cản trở bước đường rao giảng tin mừng. Chỗ khác Chúa nói: “Ai đón nhận người Thầy sai đến là đón nhận Thầy, ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy” (Ga. 13,20), như vậy Chúa Giêsu đồng hoá Ngài với môn đệ được sai đi rao giảng. Hôm nay Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ sai đi rao giảng, ngoài nhóm 12, là hình ảnh tất cả mọi tín hữu trong Giáo Hội cũng được kêu gọi đi loan báo tin mừng cho toàn nhân loại. Mỗi người đã được lãnh nhận bí tích rửa tội là đã được tháp nhập vào Đức Kitô, nên cùng tham dự chức tư tế và ngôn sứ, để đi rao giảng nước trời cho những người xung quanh mình. Ta đã được lãnh nhận bình an trong thánh lễ là lời Chúa và Thánh Thể, bình an ấy cũng phải được chia sẻ cho người khác.

2. Đối với những người được nghe lời rao giảng phải có thái độ thế nào? Chúa nói: “khi vào thành nào mà không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa phố chợ mà nói: ‘cả đến bụi đất dính vào chân, chúng tôi cũng phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết điều này là: nước Thiên Chúa đã đến gần”. Chúa Giêsu không bảo các ông phải kiên nhẫn, năn nỉ người ta nghe, mà rất dứt khoát, nghe thì ở lại, không thì đi chỗ khác. Và sự trừng phạt cho người không chịu nghe lời rao giảng rất nặng nề. Chúa bảo: “Ngày ấy, thành Sodoma sẽ được xét xử khoan dung hơn thành này”. Thành Sodoma thời Abraham, nổi tiếng dâm đãng, tội lỗi, nên Thiên Chúa đã dùng lửa trời mà thiêu hủy, chỉ còn ông Lót là người công chính thoát được. Như thế người không chịu nghe lời Thiên Chúa sẽ bị tội nặng hơn cả những loại tội luân lý gớm ghê mà con người phạm. Ta hãy chú ý lời này của Chúa Giêsu, vì nó rất quan trọng khi nhìn lại cách ta đối xử với lời Chúa. Hãy xem dân Do Thái trong thời lưu đày họ yêu quý lời Chúa trong sách luật như thế nào:

3. Bài đọc 1 trích sách tiên tri Nơkhemia: ‘khi thầy Esdra mang luật ra trước cộng đồng đọc cho toàn dân, họ đều đứng dậy lắng nghe, họ thưa Amen, Amen và cúi mình phủ phục sát đất. Sau đó một số người đọc từng đoạn trong sách luật và giải nghĩa cho người ta hiểu điều đã đọc. Lúc đó toàn dân khóc lóc vì được nghe các lời trong luật. Các tư tế và thư ký nói với họ rằng: “hãy ăn thịt béo và uống rượu ngon, vì ngày này là ngày thánh dành cho Thiên Chúa nên chớ buồn sầu”... vì thế dân đầy hân hoan vui mừng vì họ hiểu những lời mình được nghe giảng dạy’. Thật là một hình ảnh đẹp của những người lắng nghe lời Thiên Chúa. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận lời Chúa như vậy không? Có vui mừng vì được nghe lời Chúa hay không? Hay ngược lại ta xem thường lời Chúa? Gia đình mình có quyển sách kinh thánh nào không? Nếu có thì có chịu đọc không? Khi dự lễ có thích nghe đọc và nghe giảng lời Chúa không? Có năng học hỏi và suy gẫm lời Chúa không?.

Thông điệp Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ khi rao giảng là: “nước Thiên Chúa đã gần đến”, ngày nay, thông điệp ấy vẫn còn nguyên giá trị. Nước Chúa đã ở trong tầm tay ngay trước mắt chúng ta, nước ấy là tin mừng lời Chúa, là chính Chúa Giêsu Đấng cứu độ, chúng ta có vui mừng đón nhận hay không? Đừng tưởng ta đã được rửa tội và lãnh một số bí tích rồi là đủ, vì ma quỷ có thể sẽ đến cướp lấy lời đã gieo trong lòng. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu: “Ai nghe lời Ta mà không đem ra thực hành thì như người ngu đần xây nhà mình trên cát, khi mưa sa, nước lũ, nó liền sụp đổ”. Còn những người không chịu nghe lời Chúa thì sao? Có nhà đâu mà sụp đổ!?

“Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là Lời tin mừng đã rao giảng cho anh em”. (câu THTM).

*********

Kính  thánh Têrêsa  Hài  Đồng  Giêsu.

Xin trích dẫn bài viết về thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh, để có một sự chiêm ngưỡng tổng quát về vị thánh trẻ có một tâm hồn vĩ đại trong sự đơn sơ nhỏ bé.

Têrêsa chào đời tại Alençon, Pháp. Cô là con của Louis Martin - một thợ đồng hồ, và Zélie-Marie Guérin - một người dệt đăng-ten. Louis đã từng muốn đi tu nhưng lại bị từ chối vì không biết tiếng Latin. Người mẹ đã từng muốn làm nữ tu nhưng bị cho biết bà không có ơn gọi. Thay vào đó, bà khấn là nếu kết hôn, bà sẽ dâng hết các con mình cho Giáo hội. Louis và Zélie-Marie gặp nhau vào năm 1858 và lấy nhau chỉ ba tháng sau đó. Cha mẹ của Têrêsa rất đạo đức. Họ có chín người con, nhưng chỉ có năm cô con gái - Marie, Pauline, Léonie, Céline và Thérèse (Têrêsa) - là sống sót đến tuổi trưởng thành. Têrêsa là con út trong nhà. Mẹ qua đời vì bệnh ung thư vú năm 1877 khi Têrêsa chỉ mới bốn tuổi. Têrêsa theo học tại Tu viện của dòng Bênêđictô. Khi được chín tuổi, chị Pauline - người đã đảm nhận vai trò là "người mẹ thứ hai" của cô - gia nhập một tu viện Dòng Cát Minh tại Lisieux, Têrêsa cũng muốn vào Dòng Cát Minh như chị, nhưng khổ nỗi vẫn còn nhỏ quá. Ở tuổi 15, sau khi chị Marie cũng gia nhập tu viện ấy, Têrêsa lại thử xin vào dòng một lần nữa, nhưng cha bề trên của tu viện lại không cho vì Têrêsa còn quá trẻ. Cha Têrêsa đem cô con gái 15 tuổi của mình đi hành hương Rôma. Trong một buổi tiếp kiến chung với Giáo hoàng Lê-ô 13, Têrêsa đã xin người cho phép mình nhập dòng ở tuổi 15 nhưng Giáo hoàng lại nói: "Này con, hãy làm theo ý bề trên quyết định". Ít lâu sau, Giám mục Bayeux ra quyền cho bề trên dòng nhận Têrêsa, và tháng 4 năm 1888, Têrêsa đã trở thành nữ tu Dòng Cát Minh. Năm 1889, cha Têrêsa lên cơn đột quỵ và đến năm 1894 thì qua đời. Sau cái chết của cha, Céline - người đã lo cho ông - gia nhập tu viện mà các chị em kia đang sống.

Thánh Têrêsa được biết đến nhiều nhất bởi linh đạo "Đường Thơ ấu" của mình. Trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, Têrêsa đã thấu hiểu rằng để đạt được điều ấy và bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa, thì không cần phải thực hiện những việc làm anh hùng hoặc "cao siêu". Têrêsa viết: "Tình yêu chứng tỏ chính nó bởi việc làm, vì vậy làm sao con có thể chứng tỏ tình yêu của mình được? Con không thể làm được những việc cao siêu. Cách duy nhất để con chứng tỏ tình yêu của mình là bằng cách rắc hoa; những bông hoa này là tất cả những hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói và thực hiện mọi việc làm bé nhỏ nhất với tình yêu...". Linh đạo "Đường Thơ ấu" này cũng xuất hiện trong con đường người nữ tu trẻ tiến đến đời sống thiêng liêng: "Đôi lúc, khi con đọc các bài viết thiêng liêng, nơi mà sự hoàn hảo được cho thấy với một ngàn cản trở cũng như những ảo tưởng xung quanh nó, tâm trí bé nhỏ tội nghiệp của con trở nên mệt mỏi, con đóng cuốn sách lại, để đầu óc con như bị cắt ra làm đôi và trái tim con như bị co rút lại. Con mở Kinh Thánh ra, và ngay lúc đó, tất cả đều trông thật là rực rỡ, một chữ duy nhất đã mở ra những chân trời vô tận cho linh hồn của con. Sự hoàn hảo trông thật là dễ dàng. Con thấy đó là đủ để nhận ra sự hi hữu của mình và vì như vậy, dâng trọn bản thân mình, như một đứa trẻ, vào cánh tay của Chúa nhân lành. Để lại cho những tâm hồn vĩ đại, những trí óc vĩ đại những cuốn sách to tát con không thể hiểu nổi, con vui mừng hớn hở về sự bé nhỏ của mình, bởi vì "chỉ có trẻ nhỏ và những ai có đầu óc như vậy sẽ được nhận vào bữa tiệc thiên đàng".

Những đoạn văn như trên cho thấy Têrêsa chứa nhiều tình cảm và cũng rất ngây thơ. Điều này được thể hiện rõ qua cách người nữ tu tiến đến sự cầu nguyện: "Đối với con, cầu nguyện là sự dấy lên của trái tim; nó là một cái nhìn đơn sơ về Thiên đàng, nó là tiếng kêu của nhận diện và tình yêu, ôm ấp cả khổ cực lẫn niềm vui. Nói một cách khác, nó là một cái gì đó cao quý, siêu nhiên, mở rộng tâm hồn con ra và kết hợp nên một với Chúa... Con đã không có dũng cảm để tìm trong sách các lời kinh đẹp đẽ... Con giống như một đứa con nít chưa biết đọc, chỉ nói với Chúa tất cả những gì con muốn và Ngài sẽ hiểu thấu."

Những năm cuối cùng của Têrêsa được đánh dấu với sự suy sụp sức khỏe và chịu đựng một cách kiên trì vì căn bệnh lao phổi, không lời than thở. Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896, Têrêsa bắt đầu ho ra máu. Căn bệnh lao phổi đã đi đến hồi nghiêm trọng. Têrêsa đã có liên lạc với một cơ sở truyền giáo của dòng Camêlô ở bên Đông Dương thuộc Pháp và đã được mời đi, nhưng vì bệnh tình, nên đã không đi được. Tháng 7 năm 1897, Têrêsa được chuyển đến bệnh xá của tu viện, nơi người nữ tu trẻ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, ở tuổi 24. Trên giường bệnh, người ta nói rằng Têrêsa đã trối: "Con đã đạt đến mức mà không thể nào chịu đau khổ được nữa, bởi vì đau khổ đã trở nên quá ngọt ngào đối với con."

Thánh Têrêsa thành Lisieux được biết đến hôm nay qua cuốn hồi ký thiêng liêng của mình, “Chuyện một Tâm hồn”, được viết theo lệnh của hai bề trên tu viện. Đức Giáo hoàng Piô XI đặt thánh Têrêsa làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Năm 1944, Giáo hoàng Piô XII đặt Têrêsa làm vị thánh bổn mạng của nước Pháp cùng với Thánh Jeanne d'Arc. Với Tông thư “Khoa học Tình yêu Chúa”, ngày 19 tháng 10 năm 1997, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là một trong 33 Tiến sĩ Hội thánh của Hội thánh Toàn cầu - một trong ba người phụ nữ duy nhất được trao tặng danh hiệu này (hai người kia là Têrêsa Avila và Catarina Siena). Thánh Têrêsa là vị thánh duy nhất được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cùng với Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Têrêsa có thể được nói là một trong những vị thánh Công giáo nổi tiếng nhất từ thời các Tông đồ. Là một trong các Tiến sĩ Hội thánh, Têrêsa là đối tượng của nhiều bài bình luận và nghiên cứu thần học, và là một cô thiếu nữ trẻ tuổi đầy lôi cuốn, người mà thông điệp của mình đã làm cảm động hàng triệu người, Têrêsa vẫn là trung tâm của lòng sùng kính từ các tín hữu. Hồi ký của người phụ nữ trẻ này đã nêu cảm hứng cho nhiều người, bao gồm nhà văn Ý Maria Valtorta. Trong nhiều năm, di cốt của Người đã chu du vòng quanh thế giới: hàng ngàn người hành hương đã xúm đến cầu nguyện trước Thánh nữ Têrêsa.

Trích tự thuật của thánh Têrêsa.

“Con là một linh hồn rất bé mọn, chỉ có thể dâng những điều bé mọn cho Chúa. Con sẽ sống trên Thiên đàng bằng cách làm điều tốt ở trần gian. Sau khi con chết con sẽ "đổ mưa" hoa hồng. Con cảm thấy nơi mình ơn gọi của một Linh mục. Với một tình yêu bao la, ôi lạy Chúa, con sẽ nâng Người trên đôi tay của mình, khi tiếng con gọi Ngài, Ngài ngự xuống từ chốn thiên đình. Và với một tình yêu cao vời, con sẽ đem Ngài đến với các linh hồn! Nhưng hỡi ôi! trong khi khao khát được trở thành một  Linh mục, con lại khâm phục và ganh tị sự khiêm nhường của Thánh Phanxicô thành Assisi và con cảm thấy ơn gọi để theo gương người, từ bỏ phẩm giá cao cả của thiên chức Linh mục. Ôi Giêsu, tình yêu của con, ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm được... ơn gọi của con là Tình yêu! Vâng, con đã tìm được chỗ mình bên trong lòng Hội thánh và chính Ngài, ôi lạy Chúa, Đấng đã ban cho con chỗ ấy; trong trái tim của Giáo hội, Người Mẹ của con, con sẽ được yêu. Tất cả mọi thứ đều là bởi ơn trên, tất cả mọi thứ đều là ảnh hưởng trực tiếp bởi tình yêu của cha chúng ta - khó khăn, mâu thuẫn, sỉ nhục, tất cả sự đau khổ của một linh hồn, gánh nặng của cô, nhu cầu của cô - tất cả, tại vì nhờ chúng, cô phát hiện được điểm yếu của mình. - Tất cả đều là ân huệ, tại vì tất cả đều là quà tặng từ Chúa. Cho dù là vai trò của cuộc sống hay những chuyện không lường trước được - đối với một trái tim biết yêu, mọi thứ đều tốt lành.”

Mừng kính thánh Têrêsa hôm nay, không gì bằng chúng ta noi theo các gương lành của Ngài trên đường thơ ấu thiêng liêng:

- Luôn chăm chỉ cầu nguyện trong mọi lúc, mọi nơi, và năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

- Làm tất cả mọi công việc dù là bé nhỏ, nhưng với tâm tình yêu mến Chúa Giêsu, xin Người thánh hóa thành những việc có giá trị đối với Người.

- Chịu đựng những đau khổ trong cuộc sống như những ân ban từ Thiên Chúa, để cùng vác thập giá mình lên đồi Calvê hiến tế với Chúa Giêsu mỗi ngày trong thánh lễ.

- Sống tinh thần đơn sơ, phó thác, khiêm tốn như trẻ nhỏ theo lời Chúa Giêsu dạy.

- Hãy luôn ao ước những điều tốt lành làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét