Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

'Tôi có một giấc mơ' - câu nói từ trái tim Martin Luther King

 

'Tôi  có  một  giấc  mơ' - câu  nói  từ  trái  tim  Martin  Luther  King

Thứ hai, 6/9/2021, VnExpress.net



MỸCó đội ngũ cố vấn viết diễn văn, nhưng khi bước lên sân khấu, Martin Luther King quyết định cất tiếng nói từ trái tim: 'I have a dream' (Tôi có một giấc mơ).

Ngày 28/8/1963, trước hơn 250.000 người, mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn "Tôi có một giấc mơ" trước Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington, DC.

Cùng với diễn văn Gettysburg của Abraham Lincoln năm 1863, "Máu, vất vả, nước mắt và mồ hôi" của Winston Churchill năm 1940, bài diễn văn của Martin Luther King được đánh giá có sức ảnh hưởng nhất lịch sử nhân loại. Nó khơi dậy một phong trào đấu tranh dân quyền và là bước đệm dẫn đến sự ra đời của đạo luật Dân quyền năm 1964 và đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965.

Tuy nhiên, ít người biết bốn từ nổi tiếng "I have a dream" (Tôi có một giấc mơ) vốn không có trong bản thảo.

Ảnh: AFP

Martin Luther King khi đang thực hiện bài diễn thuyết gây chấn động nước Mỹ ngày 28/8/1963. Ông được trao giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ảnh: AFP.

Martin Luther King là con thứ hai trong gia đình ba con của một mục sư và giáo viên, sống ở một khu phố của người Mỹ gốc Phi giàu có. Cũng như rất nhiều người da đen trong thời kỳ này, Martin đã chứng kiến và từng là nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc. Ngay từ thời sinh viên, ông đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng mình. Từ giữa những năm 1950 đến trước khi bị ám sát 1968, ông đã đi nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết.

Martin được biết đến như một người có tài hùng biện và có ảnh hưởng trong cộng đồng người da đen. Chính vì thế, nhà hoạt động dân quyền A. Philip Randolph đã liên hệ với Martin, cùng với nhiều nhân vật nổi bật khác, để tổ chức sự kiện March on Washington (Tuần hành về Washington) vì việc làm và tự do, ngày 28/8/1963.

Trong số này có nhiều diễn giả là lãnh đạo các phong trào sinh viên, cựu chiến binh và các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng. Vì mọi người nhận phát biểu trước, nên Martin nhận nói cuối cùng, với bài hùng biện giới hạn trong 4 phút. Dù vậy, ông có mục tiêu rất rõ ràng, đó là muốn có một bài phát biểu có tác động đến quốc gia, giống như Gettysburg của Tổng thống Lincoln.

Ba đài truyền hình lớn vào thời điểm đó là ABC, CBS và NBC đều hứa sẽ đưa tin về sự kiện, vì vậy Martin biết trọng trách là rất lớn. Ông giao cho hai cố vấn Stanley Levison và Clarence Jones viết diễn văn cho mình.

Mặc dù hài lòng với bản thảo, mục sư vẫn muốn nhận càng nhiều góp ý càng tốt. Đêm trước sự kiện, ông tập hợp các cộng sự tại tiền sảnh của khách sạn Willard, chứ không phải phòng riêng, đề phòng trường hợp bị nghe lén. Mỗi người đưa ra một ý kiến.

Cụm từ "Tôi có một giấc mơ" đã bị cắt bỏ vì nó gần như là chủ đề xuyên suốt các bài phát biểu trước đây. Martin đã nói về "giấc mơ" vào tháng 4/1963, tại một cuộc họp ở nhờ thờ về việc "nhìn thấy những chàng trai và cô gái da đen đi bộ đến trường với những cậu bé và cô bé da trắng, cùng nhau chơi trong công viên và đi bơi". Ông tiếp tục giấc mơ đó tại một bài phát biểu ở Detroit vào tháng 6/1963, rằng hy vọng "người da đen có thể mua hoặc thuê nhà ở bất cứ đâu với tiền họ có và họ sẽ có thể kiếm được việc làm".

Vì lẽ đó, tất cả đồng ý cắt bỏ câu này. Một cố vấn thậm chí mạnh mẽ phản bác: "Đừng sử dụng những câu nói như 'Tôi có một giấc mơ'. Nó sáo rỗng. Anh đã sử dụng nó quá nhiều lần rồi". Với rất nhiều ý kiến, cuối cùng 4 giờ sáng, Martin Luther King chào mọi người lên phòng đi ngủ.

Ngày 28/8, bất chấp cái nóng ở thủ đô, người dân đổ đến quảng trường, nơi có rất nhiều người nổi tiếng xuất hiện. "Thật đáng kinh ngạc. Vượt xa ước tính của chúng tôi. Con số tham gia phải ít nhất 250.000 người. Và ngay đến lúc này chúng tôi cũng không biết Martin sẽ nói gì", Jones kể.

Đến lúc mục sư phát biểu, đám đông đã giãn bớt vì cái nóng và ngột ngạt. Giống như cách Lincoln bắt đầu với câu nói mà nay trở thành khuôn mẫu "Four score and seven years ago" (Tám mươi bảy năm trước), Martin Luther King cũng viện dẫn "Five score years ago (Một trăm năm trước) và nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên ngôn giải phóng nô lệ. "Nhưng một trăm năm sau, những người da đen vẫn chưa được tự do", ông nói, trước khi mô tả tình trạng cuộc sống của người Mỹ gốc Phi ở Mỹ.

Sau đó, ông chuyển sang mục đích của cuộc tuần hành. Những lời nói của Martin có tác động mạnh, song không có hiệu ứng mạnh như ông mong đợi. Bất chợt ông dừng lại tích tắc. Đúng lúc đó, ca sĩ nhạc phúc âm Mahalia Jackson đứng cách bục phát biểu hơn 4 m, hét lên: "Hãy nói với họ về giấc mơ, Martin".

Dẹp tờ diễn văn sang một bên, mục sư 34 tuổi nói: "Tôi vẫn còn một giấc mơ. Đó là một giấc mơ ăn sâu vào giấc mơ Mỹ.

"Tôi mơ rằng một ngày kia đất nước của chúng ta sẽ vươn lên và thực sự tồn tại với niềm tin: "Chúng tôi coi sự thật này là điều hiển nhiên: rằng con người được tạo ra bình đẳng.

Tôi mơ rằng một ngày kia, trên những ngọn đồi đỏ ở Georgia, những người con của các nô lệ và những người con của các chủ nô sẽ cùng ngồi lại như những người anh em.

Tôi mơ rằng một ngày kia, thậm chí cả những vùng đất khô cằn ngột ngạt trong bất công và đàn áp như Mississippi, cũng sẽ chuyển thành ốc đảo của tự do và công lý.

Tôi mơ rằng sẽ có một ngày bốn đứa con của mình được sống trong một quốc gia, nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da, mà được công nhận bởi phẩm cách.

Ngày hôm nay tôi có một giấc mơ...".

Từ đây, ông đi đến một kết thúc đầy kịch tính, gióng lên hồi chuông từ đầu này đến đầu kia của đất nước.

Nhìn lại sự kiện này, tiến sĩ Jones ghi nhận một sự thay đổi đáng kinh ngạc ngay khi Martin ném tất cả các lời lẽ chuẩn bị sẵn. "Từ lúc bỏ văn bản sang một bên, anh ấy mang tư thế của một nhà truyền đạo. Và đó là thông điệp mà nước Mỹ cần phải nghe", Jones nói. Ngay cả Martin cũng thừa nhận, không gì có tiếng vang hơn việc nói trước đám đông bằng tin tưởng vào chính bản thân mình.

Mặc dù bài phát biểu dự kiến kéo dài 4 phút, nhưng cuối cùng lên tới 16 phút và giống như phát súng quyết định tạo ra bối cảnh thuận lợi để Quốc hội và Chính quyền Liên bang ghi nhận những đòi hỏi của người Mỹ da đen như quyền bầu cử, quyền đối xử bình đẳng và các quyền dân sự khác để thông qua đạo luật Dân quyền năm 1964 và đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965.

Vị trí nơi Mục sư Martin đọc bài diễn văn bất hủ ngày nay. Ảnh: AP

Vị trí nơi Mục sư Martin đọc bài diễn văn bất hủ được đánh dấu và trở thành một di tích lịch sử. Ảnh: AP

Tại lễ kỷ niệm 50 năm bài phát biểu của Martin Luther King, cựu tổng thống Barack Obama đã tự coi mình là minh chứng về sự tiến bộ bình đẳng chủng tộc đã đạt được, dù cho biết con đường hiện thực hóa giấc mơ của cố mục sư Luther King vẫn còn dài. "Không ai có thể sánh được với sự lỗi lạc của King, nhưng cùng một ngọn lửa thắp sáng trái tim của tất cả những ai sẵn sàng đấu tranh vì công lý, tôi biết ngọn lửa đó vẫn còn", ông nói.

"Sau hơn nửa thế kỷ, bài diễn văn của Martin Luther King vẫn được nhắc đến mỗi ngày, khi được giảng trong trường học, được in trong sách giáo khoa đại học, được giới thiệu trong nhiều bộ phim tài liệu và thậm chí còn được trích dẫn trong âm nhạc của Michael Jackson và rapper Common", tờ New York Times bình luận.

Mục sư Martin bị ám sát tối 4/4/1968 khi đang đứng trên ban công ở Memphis, nơi ông tới để hỗ trợ một cuộc đình công, gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Năm ngày sau, Tổng thống Mỹ Johnson đã công bố một ngày để tang.

Ngày nay, những tư tưởng của Martin Luther King được lưu giữ và tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ ủng hộ công bằng xã hội và quyền bình đẳng cho tất cả, bất kể màu da hay tầng lớp xã hội.

Bảo Nhiên (Theo Biography/History)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét