Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Chuyện phiếm của Gã Siêu : ĐẸP VÀ XẤU

Chuyện  phiếm  của  Gã  Siêu: ĐẸP  VÀ   XẤU
(Thứ sáu - 12/09/2014 - tinvui@dmin)


Người ta thường bảo: Nhân sao vật vậy. Thế nhưng, trong lãnh vực làm đẹp thì lại không phải vậy. Nơi loài vật, con đực thường hay làm đẹp để lấy điểm với con cái. Vì thế trong tiếng Pháp, danh từ ‘’Coquetterie’’ có nghĩa là sự làm dáng, bắt nguồn từ chữ ‘’coq’’ có nghĩa là anh gà trống! Nơi loài người thì khác, đờn bà con gái vốn được coi là phái đẹp, và nghệ thuật làm đẹp vốn là nghề của các nàng. Thậm chí có kẻ đã tuyên bố một cách hung hăng con bọ xít như sau: Là đàn bà con gái, mà nếu không biết làm đỏm mí lại ăn quà vặt thì hỏng còn là đờn bà con gái nữa.

Để sửa sang và chỉnh đốn cho cái hình dong bên ngoài, người ta đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc. Trước hết, giới thầy thuốc đã nhảy vào vòng chiến. Với lưỡi dao giải phẫu, các vị đã cắt chỗ này, xẻ chỗ kia và bơm chỗ nọ theo nhu cầu thẩm mỹ và theo sự đòi hỏi của khách hàng. Thế nhưng, chuyện đời nhiều lúc oái ăm, những người muốn làm đẹp chẳng may gặp phải những ông lang băm, những thầy thuốc dổm, thì chẳng những tiền mất tật mang, mà hơn thế nữa cái sắc đẹp vốn ít ỏi của mình lại sớm tàn phai, ấy là chưa kể tới những bệnh tật và đau đớn như hậu quả tất nhiên của sự trục trặc này.
Xét về những nơi những chốn được làm đẹp, gã nhận thấy rằng: Hễ hở ra chỗ nào thì các nàng liền vội trang điểm chỗ ấy liền tù tì. Từ cái răng cái tóc là góc con người, đến cái môi cái miệng để mà mần duyên, thậm chí đến cả cái móng chân móng tay đều được các nàng trau chuốt một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Chỉ có các nhà chế tạo mỹ phẩm là hốt bạc.

T
hế nhưng, cái đẹp khách quan, cái đẹp có cân đo đong đếm này thì lại rất hiếm và kéo dài chẳng được bao lâu, vì có tuổi trẻ nào mà lại không già, có sắc đẹp nào mà không bị tàn phai. Hay như dân Đức vốn thường bảo: Phàm trên cõi đời này có ba thứ phù du hơn hết, đó là tiếng dội, mống trời và nữ sắc. Vì thế, khi nói đến cái đẹp, chúng ta thường hiểu là cái đẹp chủ quan, cái đẹp “hợp nhãn” với mình. Đúng vậy, Voltaire đã tự hỏi: Thế nào là đẹp? Và ông đã mày mò đưa ra một câu trả lời bất hủ và hóm hỉnh. Ông thẳng thừng tuyên bố với bàn dân thiên hạ: Đẹp chính là con cóc cái dưới mắt con cóc đực.
Thực vậy, một khi tình yêu đã thấm và hai bên đã “chịu đèn mí nhau”, thì cái nhìn chủ quan sẽ tô hồng mọi sự: Yêu nhau muôn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Thậm chí ngay cả đến những chỗ khuyết điểm, người ta vưỡn cứ thấy tuyệt vời: Yêu nhau củ ấu cũng tròn, trái bồ hòn cũng ngọt. Ngay cả đến những cái xấu, người ta vẫn cứ thấy đẹp tuốt: Mũi nàng những tám gánh lông, chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho. Đêm nằm thì ngáy o o, chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Vì thế, có những cô nàng xét về ngoại hình, với cái nhìn khách quan, thì sẽ bị xếp vào hàng thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao, hay Chung Vô Diện trong kiếm hiệp của Kim Dung, nghĩa là dưới điểm trung bình xa lắc xa lơ, thế mà vẫn đắt giá, vớ được những ông chồng ngon lành cả về thể xác lẫn tinh thần, cả về tiền bạc lẫn địa vị, khiến cho thiên hạ phát thèm, có nằm mơ cũng chẳng thấy, chỉ vì những cô nàng này có được nét duyên thầm.
Còn khi tình yêu đã vỗ cánh bay đi, thì cô nàng xinh đẹp thưở ban đầu liền trở thành “cái con mụ nọ”, “cái con mẹ kia”, để rồi anh chồng đi lang thang tìm kiếm của lạ, theo kiểu: Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay. Khi không còn say men tình yêu nữa, thì cái ngày xưa người ta bảo là “cho vui nhà”, thì bây giờ lại trở thành nguyên nhân gây nên đổ vỡ. Người ta lôi nhau ra ba tòa quan lớn để ly dị chỉ vì ông chồng hay bà vợ có tật ”kéo gỗ” mỗi khi nằm ngủ. Hay như tục ngữ đã diễn tả: Còn duyên anh cưới ba heo, hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.
Xem như vậy, cái đẹp khách quan cũng như chủ quan đều khó lòng đứng vững với thời gian. Vì thế, đờn ông con giai và nhất là đờn bà con gái cần phải tìm kiếm cho mình một cái đẹp vượt thời gian, một cái đẹp tự bên trong, xuất phát bởi cái đức, chứ không phải là cái đẹp hời hợt bên ngoài, dù có mặn mòi đến đâu chăng nữa cũng không thể đi xa hơn làn da! Chính cái đức mới tạo nên cho chúng ta một cái đẹp vượt thời gian, một nét duyên thầm làm cho người khác phải cảm phục và say đắm. Các cụ ta ngày xưa đã sớm nhận ra nét duyên ngầm vượt thời gian này, nên đã bảo: Cái nết đánh chết cái đẹp. Chứ không như bây giờ: Cái đẹp đè bẹp cái nết.
Viết tới đây, thì hình ảnh mẹ Têrêxa thành Calcutta bỗng tỏa sáng trước mặt gã. Mẹ Têrêxa đứng bên vương phi Diana, quả là hai thái cực trái ngược nhau. Vương phi Diana là một cô gái cao ráo, đẹp đẽ. Gã chỉ nói đến cái “hình dong bên ngoài”, chứ chả dám đá động tới những khía cạnh khác, chẳng hạn như địa vị xã hội, tình cảm cá nhân. Trong khi đó, mẹ Têrêxa chỉ là một bà lão không hơn không kém. Thân hình thì thấp bé, họa chăng có cao hơn ông Giakêu được một tí xíu. Còn mặt mũi thì nhăn nheo, mang nặng dấu ấn của thời gian. Áo quần thì thùng tha thùng thình. Thế mà lúc còn sống, mẹ đã được biết bao nhiêu người quí mến và khi nằm xuống, mẹ đã được biết bao nhiêu người thương tiếc. Sở dĩ như vậy cũng chỉ vì cái đức của mẹ. Phải, cái đức của mẹ chính là nét duyên thầm thu hút mọi người và làm cho cả và thế giới phải khẩu phục tâm phục mẹ hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Hình như có một câu danh ngôn, đại khái khuyên chúng ta như thế này: Con ơi, ngày con mở mắt chào đời, mọi người đều vui mừng hớn hở, còn con lại cất tiếng khóc. Con hãy sống thế nào, để khi con nhắm mắt buông tay, mọi người sẽ khóc thương con, còn con sẽ vui mừng hớn hở.
Nét duyên thầm vượt thời gian này ai cũng có thể thực hiện được mà chẳng tốn đồng xu cắc bạc để chạy ra cửa tiệm, lôi về đủ thứ mỹ phẩm lỉnh kỉnh. Đúng thế, ai cũng có thể và phải làm được miễn là biết kiên nhẫn và cố gắng.
Để kết luận, gã xin kể lại mẩu chuyện về một người vợ xấu: Nguyễn Thị là vợ của Hứa Doãn, nhan sắc thuộc loại ma chê quỉ hờn. Khi cưới về, thấy nàng xấu quá, Hứa Doãn muốn bỏ đi bèn nói: Đờn bà có tứ đức công, dung, ngôn, hạnh. Nàng được mấy? Nguyễn Thị liền thưa: Thiếp chỉ kém có dung mà thôi. Rồi nàng hỏi lại: Kẻ sĩ có bách hạnh, chàng được mấy? Hứa doãn đáp: Ta có đủ cả. Nguyễn Thị nói: Trong bách hạnh thì đức là đầu. Chàng là kẻ hiếu sắc chứ không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ cả bách hạnh được? Nghe vậy, Hứa Doãn lấy làm xấu hổ và từ đó luôn yêu thương kính trọng vợ mình.
  
Thái độ của Hứa Doãn có lẽ chưa đủ để đánh thức những kẻ háo sắc hôm nay. Bởi vì rất nhiều người vẫn cắm đầu cắm cổ chạy theo cái đẹp bên ngoài mà quên cái đẹp bên trong. Và mỗi lần đọc trên báo thấy những mẫu quảng cáo tìm người: Cần tuyển nữ nhân viên có ngoại hình đẹp. Gã lại ngậm ngùi cho thói đời bạc bẽo, xót xa và đớn đau cho nhữn “cô em-gái-trời-bắt-xấu”.

Thế rồi, gã bèn thở dài thườn thượt và mặt lại cứ dài thoòng ra như…mặt ngựa.

Gã Siêu



 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét