Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Sep 21, 2014 - Chúa nhật 25 thường niên năm A

Sep 21, 2014 - Chúa nhật 25 thường niên năm A
Chân  lý  chính  yếu  của  Kito  giáo



 Các Bạn thân mến,
Từ  đầu thế kỷ 21 đến nay, gần như tất cả các nước trên thế giới vướng vào tình trạng kinh tế trì trệ, khó khăn, người ta gọi là“suy thoái kinh tế toàn cầu”.Phồn thịnh như nước Mỹ, cũng không tránh khỏi nạn thất nghiệp kéo dài ở các tiểu bang, vấn đề việc làm trở nên bức xúc với mọi tầng lớp xã hội. Không có việc làm giữa một xã hội được trang bị, cung cấp nhiều thành qủa của nền văn minh tiên tiến hẳn ảnh hưởng nặng nề đến mọi vấn đề, mọi khía cạnh, mọi sinh hoạt. Nhiều bạn trẻ học hành chuyên môn hẳn hoi nhưng cũng không kiếm được việc làm tương xứng. Tình trạng đó làm nhiều người thất nghiệp mỏi mệt, mất niềm tin. Nhiều người phải chấp nhận làm những công việc không phù hợp, không đúng khả năng chuyên môn, thậm chí còn thấp kém, với đồng lương bất xứng. Thật phí phạm sức lao động trí óc cùng chân tay, uổng công đào tạo, rèn luyện… ảnh hưởng không nhỏ đến ý chí con người và tương lai đất nước!
Nếu người thất nghiệp chờ đợi mãi mà giờ chót lại được thu nhận để làm việc với mức lương cao, thi họ sẽ vui sướng biết chừng nào?! Mà còn cả gia đình họ cũng biết ơn ông chủ quảng đại, đã thông cảm nỗi khổ tâm gần như tuyệt vọng của họ.
Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu ví Nước Trời giống như câu chuyện một ông chủ vườn nho đi tìm người làm vườn cho mình; ông thâu nhận tất cả những ai muốn làm việc, bất kể giờ nào, dù quá trễ.
Khi trả lương, ông lại trả cho mỗi người đều bằng nhau là một quan tiền. Những người thợ làm việc từ sáng sớm cằn nhằn vì chủ đã trả cho người vào làm sau cũng được ngang bằng với họ. Đang khi họ đã phải chịu nắng nôi vất vả suốt cả ngày.
Chủ không bất công vì trả lương sòng phẳng theo thỏa thuận ban đầu là một đồng. Còn việc ông trả cho người sau bằng người đầu là do lòng nhân hậu của ông. Rõ ràng không sai hợp đồng, công bằng và còn thực hiện lòng tốt của ông. Cảnh như tưởng tượng này lại là câu chuyện thường xẩy ra ở xứ Palestin. Nơi mà sau mùa thu hoạch nho là tới mùa mưa ngay. Nếu không kịp trước mùa mưa thì nho sẽ bị hư hại; vì vậy người ta phải chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Nên bất cứ người nào muốn làm việc cũng được thu nhận dù người đó chỉ có thể làm được một giờ.
Tiền công phần lớn là do thỏa thuận. Ở Palestin, chợ là nơi trao đổi lao động. Những người làm thuê, lao động thấp, hay những ai muốn làm việc, đều đến đó từ sáng sớm với dụng cụ lao động của mình và chờ ở đấy cho tới khi có người đến mướn làm việc. Có khi họ phải chờ đến năm, sáu giờ chiều, chứng tỏ họ muốn và cần làm việc như thế nào. Những người này hoàn toàn sống nhờ lòng thương xót và dựa vào cơ hội làm việc. Vì họ luôn sống trong de dọa bị đói khát nếu một ngày thất nghiệp, vì đối với họ, thất nghiệp là một tai họa, bởi lương công nhật của họ chỉ có một đồng, nên chẳng ai có thể để dành số tiền đó trong một ngày.
 Đây là một dụ ngôn rực rỡ, chứa đựng một chân lý chính yếu của Kito giáo, mặc dù lần đầu nghe có vẻ như chỉ có thể áp dụng giới hạn.
Cũng vậy, sau này Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho mọi người gia nhập vào Hội Thánh, vào Nước Trời. Dù là dân ngoại vào trễ hay dân Do Thái vào từ ban đầu, đều được hưởng ơn cứu độ như nhau.
Đức Giêsu còn dạy chúng ta đừng quá tự hào về bản thân mình. Cần đổi mới cái nhìn về người khác, để ngày càng thêm lòng tôn trọng tha nhân, phá bỏ hàng rào ngăn cách như sự ganh ghét ích kỷ, đố kỵ và sự trả thù ti tiện. Để chúng ta có thể sẵn lòng chia sẻ niềm vui với những người làm vào lúc cuối ngày, những người hàng xóm sống ngay bên cạnh, vì chúng ta nhận ra họ không phải là đối thủ, nhưng là anh em của chúng ta.
Dụ ngôn như:
1. Lời cảnh cáo cho các môn đệ:
-  Trong mọi khía cạnh, dụ ngôn như lời cảnh cáo các môn đệ, những người đã được Đức Giesu mời gọi từ sáng sớm để di làm vườn nho cho Ngài, hiển nhiên họ đã vất vả, khó nhọc chịu đựng rất nhiều, hơn hết mọi người.
-  Nhưng Đức Giesu nói với họ rằng dù là người đến với Ngài ngay từ ban đầu, đã vất vả và nhận được nhiều đặc ân... Nhưng không vì thế mà đòi hỏi một vinh dự, một địa vị đặc biệt hơn những người sẽ gia nhập Hội Thánh sau này.
-  Bởi tất cả mọi người, không phân biệt thời gian thâm niên...đều qúi như nhau và đều có gía trị đối với Thiên Chúa. Vì trong Hội Thánh của Ngài, thâm niên không hẳn là vinh dự.
-  Cảnh báo với những đầy tớ từ sáng sớm, vẫn phải biết cộng tác với Thiên Chúa, mời gọi nhiều người vào làm vườn nho. Biết chung vui với Ngài khi có thêm tội nhân và anh chị em lương dân về làm con cái Ngài, để họ cũng được chia sẻ ơn cứu độ với mình.
-  Đức Giêsu mời gọi họ phải có cái nhìn đứng đắn về Thiên Chúa: Ngài là Đấng công bình, nhưng không cứng ngắc trong khuôn khổ lề luật. Ngài hoàn toàn tự do trong tình yêu thương. Ngài giàu lòng từ bi nhân ái và luôn tìm dịp để trao ban ân sủng cho mọi người.
-  Thiên Chúa dã chứng tỏ Ngài là Chúa của kẻ trộm lành biết sám hối, là chủ của người thợ làm trễ vào giờ thứ mười một, và Ngài cũng là cha đầy lòng từ bi nhân hậu của đứa con hoang đàng, cùng như của người con cả…
2. Lời cảnh cáo đối với người Do Thái:
-   Khi Đức Giêsu ra giảng đạo, các kinh sư và người Pharisêu cùng có thái độ bất mãn khi thấy Ngài đối xử thân tình với bọn thu thuế, gái điếm và những kẻ tội lỗi.
-   Người như vị mục tử tốt lành: đi tìm từng con chiên lạc, đem lại cho những người bất hạnh niềm vui và hạnh phúc. Mời gọi họ sám hối và hứa sẽ ban Nước Trời cho họ.
-   Như vậy, người tội lỗi cũng được hưởng hạnh phúc ngang với các kinh sư và những người Pharisêu. Những người này vốn tuân giữ từng điều khoản dù nhỏ nhặt của luật Môsê, tự coi mình là công chính.
-  Trước thái độ nhân từ và khoan dung đối với các tội nhân của Đức Giêsu, các đầu mục Do Thái này đã tỏ thái độ ganh ghét vì nghĩ rằng mình đã không được tôn trọng.
-   Mọi người Do Thái đều biết rõ ràng và không bao giờ quên họ là dân được tuyển chọn riêng của Thiên Chúa.
-   Điều đó là nguyên nhân để phát sinh tính kiêu ngạo, căm ghét người ngoại bang, và còn mong muốn họ bị hủy diệt.
-  Người Do Thái nghĩ rằng nếu người ngoại bang được cho là thân hữu của Hội thánh thì phải vào như những kẻ thấp kém hơn họ.
-  Nhưng trong đạo Chúa thì không thể có quan niệm ưu đãi chủng tộc, dòng giống, thân phận...
-  Thực tế đôi khi chính những người tin Chúa lâu năm có thể học hỏi được nhiều điều nơi những tân tín hữu, những người mới vào cộng đồng đức tin.
3. Những bài học nguyên thủy của dụ ngôn:
 Ngày nay, đọc lại dụ ngôn này sau hằng ngàn năm khi nó được viết ra, thì câu chuyện đó lại được hiểu thêm về nhiều sự dạy dỗ khác cho chúng ta. Vì xét cho cùng, điều quan trọng trong cuộc sống này không phải là những gì người khác nghĩ về chúng ta, hoặc chúng ta đã làm việc chăm chỉ như thế nào trong vườn nho của Chúa. Mà là những gì Thiên Chúa nghĩ về chúng ta và tình yêu thôi thúc chúng ta làm việc.
    a) Trong dụ ngôn có sự an uỉ của Thiên Chúa:
-  Dù chúng ta bước vào nước trời sớm hay muộn, lúc mới sinh, trưởng thành hay khi tuổi tác đã xế chiều, tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương quan tâm như nhau.
-  Chúng ta nên suy nghĩ xa về sự an ủi này:
     . Một người qua đời sau những năm tháng đầy vinh dự, người ấy đã làm xong công việc, đã hoàn thành công tác của cuộc đời mình.
      . Người khác được Chúa cất đi khi còn rất trẻ, trước khi cánh của đời sống được mở ra.
      . Đối với Thiên Chúa, cả hai đều được Ngài hoan nghênh như nhau, và được Chúa Cứu Thế chờ đợi như nhau.
      . Vì trong cái nhìn của Thiên Chúa, không có người nào có đời sống qúa sớm hay qúa trễ.
   b) Lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa: tín hữn cần hiểu rằng:
-  Không có gì bi đát buồn tủi hơn một người không được xử dụng.
-  Không có gì phí phạm khi có những nén bạc bị bỏ không.
-  Không có gì buồn bằng nghề nghiệp của mình bị mai một.
-  Không có gì lo lắng buồn thảm, bồn chồn hơn là người đứng từ tảng sáng đến xế chiều mà không có ai thuê mướn làm việc.
-  Trong dụ ngôn, chủ vườn nho đã biết rõ tâm lý ấy, ông đã không chịu nổi khi thấy họ bị ở không, không có công việc làm, tâm lòng ông xúc động, tình thương xót đã khiến ông phải cho họ việc làm.
-  Hơn nữa, theo lẽ công bằng thì ai làm nhiều giờ sẽ được nhiều tiền lương hơn, nhưng ông chủ lại biết rõ một đồng thì không phải là số lượng lớn, nên không thể nào đủ sống cho một ngày.
-  Vì thế nếu người làm công trở về nhà với một đồng tiền như vậy thì vợ con họ sẽ lo lắng và bị đói khát.
-  Nên ông chủ đã vượt qua lẽ công bằng để trả cho họ nhiều hơn số tiền họ đáng được. Đây là việc làm đáng được thông cảm, hoan nghênh và trân trọng.
-  Dụ ngôn còn nêu lên hai chân lý mẫu mực cho người làm công, mà mọi ngươi phải tranh đấu để bảo vệ, đó là quyền của một người được làm việc và quyền của một người có số lương đủ sống theo việc làm của họ.
   c) Lòng đại lượng của Thiên Chúa:
Ở đây, những người thợ này không làm việc như nhau, nhưng được trả tiền lương bằng nhau, cho chúng ta những bài học lớn:
         * Thứ nhất:
          . Mọi công việc đối với Thiên Chúa đều bằng nhau.
              . Không phải ở số lượng công việc làm, nhưng ở tình yêu thúc đẩy và tinh thần, động cơ làm công việc ấy.
          . Như một đồng tiền của bà góa có gía trị hơn nửa gia tài của người biệt phái trong Tin Mừng.
              . Bao lâu chúng ta còn làm công việc, đều được xếp như nhau trước mặt Thiên Chúa.
         * Thứ hai:
               . Tất cả mọi sự Chúa ban cho chúng ta là bởi ân sủng của Ngài.
               .  Không ai có thể làm ra những điều Chúa ban. Cũng không ai xứng đáng với ân sủng đó.
           .  Tất cả những gì Chúa ban không phải để trả công, nhưng là qùa tặng cho chúng ta, không phải là phần thưởng, mà là ân sủng, “tất cả đều là hồng ân”.
   d) Bài học:
-  Điểm chính yếu của sự làm việc là tinh thần làm việc.
-  Người làm công thỏa thuận với chủ, thì họ có một hợp đồng làm việc. Họ làm việc vì tiền lương, vì kiếm tiền, càng nhiều càng tốt.
-  Còn những người đến sau, không có một giao kèo hay thỏa thuận nào. Điều đó chứng tỏ họ muốn làm việc, họ sẵn sàng để cho chủ định đọat tiền lương, phần thưởng cho họ.
-  Đó là điểm khác biệt căn bản giữa người làm việc chỉ nghĩ đến tiền công và người làm việc vì là tín hữu của Đức Kito.
-  Vì thế, chúng ta cần có thái độ làm việc vì niềm vui của sự làm việc và niềm vui của sự phục vụ Chúa và anh em.
-  Đây là lý do để kẻ đầu trở nên cuối và kẻ cuối trở nên đứng đầu!
-  Và đây cũng là điều trái ngược của đời sống tín hữu là kẻ nào nhắm vào phần thưởng thì sẽ mất phần thưởng, còn kẻ nào không quan tâm đến phần thưởng thì sẽ được phần thưởng lớn lao.

Lạy Chúa, Chúa đã ban thời gian, công vieệc cho chúng con, và cho chúng con có ngày, tháng, năm mới với những việc làm mới.
Xin giúp chúng con biết dùng thời giờ, công việc cách khôn ngoan, hầu chúng con biết làm việc với tất cả khả năng và vì Chúa cùng anh em để mỗi buổi chiều tối, chúng con không bỏ dở dang một công việc nào, không làm việc nào cẩu thả, sai lầm...
Xin cho trái tim chúng con nên giống trái tim nhân hậu bao dung của Chúa, để  chúng con vượt lên mọi tranh chấp nhỏ nhen và mọi trả thù ti tiện hầu tâm hồn chúng con luôn được bình an.  Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con.Amen.

 Than men,
duyenky



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét