Liên đới Liên đới
Liên đới Liên đới
(Chúa Nhật XXIII TN, năm A)
Mon,
01/09/2014 - 17:25Tác giả: Trầm Thiên
Thu
Liên đới là sự ràng
buộc lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ. Bất cứ cái gì cũng có tính liên đới,
ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Thật vậy, khi một chi thể trong Nhiệm
thể Chúa Kitô phạm tội, tất cả chúng ta đều chịu đau khổ, một số người ảnh
hưởng trực tiếp. Tội của mình có ảnh hưởng tới người khác, tội của người khác
có thể “dính líu” tới mình.
Là phàm nhân, tất cả
chúng ta đều yếu đuối. Do đó, khi chúng ta muốn hòa giải với Thiên Chúa, chúng
ta cũng phải giải hòa với Giáo hội, không chỉ với người này hay người nọ mà có
thể chúng ta đã làm tổn thương. Vì thế, “cấu trúc tội lỗi” cũng có “chiều
kích xã hội”. Tại sao? Vì nó nằm trong cách mà chúng ta có thể phạm tội – không chỉ là
hành động trực tiếp của mình, mà còn là động thái gián tiếp liên can các tội
lỗi do người khác phạm trực tiếp.
Nói chung, dù là điều
tốt hay xấu cũng đều có tính liên đới với nhau. Về tính liên đới, Tóm lược Học
thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (gọi tắt là Giáo huấn Xã hội Công giáo –
GHXHCG, Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Compendium of the Social
Doctrine of the Church) gọi liên đới là một nguyên tắc cốt lõi của
GHXHCG [1]: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của
con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá, các
quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân
tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày càng gắn bó hơn... Việc gia tăng tương thuộc
giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt
không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của
việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương tác giữa
các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt
không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của
việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu”. [2]
Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II nói: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện
ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội
quốc gia và quốc tế” (Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40).
Ngày xưa, Thiên Chúa
đã nhắn nhủ với con người: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm
người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay
Ta báo cho chúng biết” (Ed 33:7). Đó là trách nhiệm của chúng ta, không của giới nào hoặc giai
cấp nào.
Không chỉ vậy, Ngài
còn cảnh báo: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn
ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ
con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta
sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải
từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nó sẽ phải chết
vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33:8-9). Rõ ràng chúng ta có
trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Điều đó vừa là TÍNH liên đới vừa là TÌNH
liên đới. Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng (bằng cách này hay cách nọ,
trực tiếp hoặc gián tiếp). Ai thấy điều sai trái mà im lặng, đó là đồng lõa
hoặc hèn nhát. Thật vậy, chỉ muốn lên thiên đàng một mình là ích kỷ!
Thiên Chúa là Tình Yêu
và Chân Lý: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8:32). Thật hạnh
phúc khi chúng ta biết tôn thờ chính vị Thiên Chúa duy nhất này. Hạnh phúc đó
không thể giữ trong lòng mà phải thể hiện ra cho mọi người khác cùng biết: “Hãy
đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh
Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2).
Bổn phận của chúng ta
không chỉ là chúc tụng Ngài, mà chúng ta còn phải tôn thờ Ngài và vâng theo
Thánh Ý Ngài: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan
Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân
Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95:6-7a).
Phàm nhân yếu đuối nhưng
rất “chảnh” và bướng bỉnh. Xơ gan là
chứng bệnh quái ác. Xơ cứng bất cứ cơ phận nào cũng nguy hiểm. Xơ cứng lòng tin
còn nguy hiểm hơn nhiều. Cứng lòng là cố chấp. Cố chấp là phạm tới Chúa Thánh
Thần. Mà tội phạm tới Chúa Thánh Thần thì không được tha cả đời này lẫn đời sau
(x. Mc 3:28-29; Mt 12:31-32). Thật đáng sợ vì cực kỳ nguy hiểm! Vâng lời Chúa
thì phải canh tân đời sống, không thể trì hoãn, thay đổi cách sống càng sớm
càng tốt. Rất cấp bách!
Vì yêu thương, vì
thương xót, Thiên Chúa lại tiếp tục nhắn nhủ mỗi chúng ta, Ngài thực sự không
muốn ai cố chấp mà phải hư mất đời đời: “Ngày hôm nay, ước gì anh em
nghe tiếng Chúa! Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa
trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù
đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:7b-9). Hoán cải ngay hôm nay, ngay bây
giờ, thì hiện tại, chứ không là “sẽ”
của thì tương lai – dù là tương lai gần nhất.
Trong tương quan của
tình liên đới, Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân
tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8). Yêu thương là chu toàn luật Chúa. Rất đơn
giản và ngắn gọn, xem chừng dễ nhưng lại khó lắm, vì khi “xòe” chiếc-quạt-yêu-thương ra, chúng ta thấy cả một bầu trời bao
la lắm, chỉ trong “hình quạt” đó thôi
cũng chứa biết bao vấn đề liên quan chữ YÊU. Đó là sự liên quan, cũng là tính
liên đới vậy.
Thật vậy, Thánh Phaolô
đã giải thích: “Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình,
không đượcgiết người, không được trộm cắp, không được ham
muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu
người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không
làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm
13:9-10). Cụm từ “không làm hại”
cũng ẩn chứa biết bao điều liên quan thể lý và tinh thần, liên quan đức ái. Khó
lắm, nhưng ai thực sự có lòng yêu thương của Đức Kitô thì có thể làm được.
Chúa Giêsu nói về tính
liên đới tâm linh giữa những con người đối với nhau: “Nếu
người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó,
một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được
người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người
nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng
nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu
Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một
người thu thuế” (Mt 18:15-17).
Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng. Có bốn
giai đoạn: Nói riêng (nói nhỏ), nói bán công khai, nói công khai, loại bỏ. Dạng “cấp bốn” là “hết thuốc chữa” vì cố chấp, nói theo
ngôn ngữ thời @ là BoTay.com, không còn hy vọng gì nơi họ nữa!
Vì muốn cứu tội nhân,
Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội cho các môn đệ qua thiên chức linh mục:“Thầy
bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm
buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi
như vậy” (Mt 18:18). Chúa Giêsu nói “cầm
buộc” hoặc “tháo cởi” ở đây không có nghĩa là ưa thì “cởi”, ghét thì “buộc”,
mà là phải luôn cố gắng tìm cách “tháo
cởi” cho người khác. Ngài thiết lập chức linh mục là để thay Ngài yêu
thương và tha thứ, để phục vụ chứ không để hưởng thụ hoặc “chảnh” (Mt 20:28), thật buồn khi vẫn có một số linh mục lại “thích” làm ngược lại điều Chúa dạy:
Phục vụ ít, hưởng thụ nhiều! Linh mục chỉ là các phàm nhân bình thường, nhưng
được Thiên Chúa tuyển chọn và được hành động nhân danh Đức Giêsu Kitô, là bình
sành nhưng chứa đựng kho tàng của Thiên Chúa (2 Cr 4:7). Kỳ diệu quá! Ước mong
sao các linh mục phải thực sự nghiêm túc với ý thức đó, đừng tự tôn mà làm đau
lòng Đức Kitô!
Về việc hiệp lời cầu
nguyện, Chúa Giêsu nói: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai
người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên
trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì
có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:19-20). Cầu nguyện là điều cần thiết và tốt lành,
nhưng việc cầu nguyện chung được Chúa Giêsu đề cao. Việc cầu nguyện chung luôn
cần thiết là “giờ kinh gia đình”,
nhất là buổi tối, nhưng việc làm tốt lành này lại đang bị “xói mòn” vì người ta đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho cái sự “quên lãng” của mình!
Dĩ nhiên chúng ta vẫn
có thể và cần phải cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý: Có lẽ chúng
ta thường chỉ cầu xin nhiều hơn cầu nguyện, và chúng ta cũng thường “quên” nhân danh Đức Giêsu Kitô, đúng
như Ngài đã trách các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân
danh Thầy” (Ga 16:24). Một lời trách nhẹ nhàng mà đau điếng. Và đó cũng là
lời trách mà Đức Giêsu Kitô đang nói với mỗi chúng ta hôm nay vậy!
Lạy Thiên Chúa, xin
giúp chúng con biết thật lòng yêu thương và thứ bằng cả tấm lòng như chính Ngài
đã nhân hậu với chúng con, hành động bằng cả con người của chúng con, không chút
gì vì danh lợi của riêng mỗi chúng con, tất cả chỉ vì sáng danh Ngài mà thôi.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[1] Bảy nguyên tắc
trong GHXHCG: (1) Tôn trọng con người, (2) Cổ vũ gia đình, (3) Bảo vệ quyền tư
hữu, (4) Lao động vì công ích, (5) Tuân giữ nguyên tắc bổ trợ, (6) Tôn trọng
lao động và người lao động, (7) Theo đuổi hòa bình và chăm nom người nghèo. Rút
gọn là bốn nguyên tắc chính: (1) Nhân phẩm, (2) Công ích, (3) Bổ trợ, (4) Liên
đới.
[2] Hội đồng Giáo
hoàng Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo
Hội Công giáo (2005), số 192.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét