Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

SAU LƯNG ANH ĐỜN ÔNG

SAU  LƯNG  ANH  ĐỜN  ÔNG
(chuyên phiếm của Gã Siêu-CGVN)


Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có truyện rằng :
Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu.
Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc.
Lúc chồng về nhà, nàng xin từ bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi :
- Tại làm sao?
Nàng nói :
- Án Tử người gầy thấp và bé nhỏ, nhưng làm đến tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông ấy vẫn có ý chín chắn và khiêm nhường, như chưa bằng ai. Chớ như chàng cao lớn đẫy đà, mới chỉ làm được một tên đánh xe tầm thường và hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng. Thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi.
Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chừa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế, lấy làm lạ, bèn hỏi. Tên đánh xe bèn đem việc nhà mà kể lại. Án Tử bèn cất cho làm đại phu.
Qua câu chuyện trên, gã bèn nhớ tới một câu nói, được xếp vào hàng “ranh ngôn”, như sau:
- Mặc dù vợ không có công sinh ta ra, nhưng lại có công nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người.
Câu ranh ngôn này, được một tác giả nào đó ngẫu hứng làm thành một bài thơ với tựa đề là “Sợ Vợ”:
- Dù không sinh đẻ ra ta,
  Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao.
  Khi ta đau ốm xanh xao,
  Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay.
  Sợ ta đi trật đường rầy,
  Vợ liền theo dõi, kéo ngay về nhà.
  Khi ta tán tỉnh ba hoa,
  Vợ liền “quát nạt”, để mà răn đe.
  Vợ mà dạy, phải lắng nghe,
  Mai sau “khôn lớn”, mà khoe mọi người.
  Nói ra xin hãy chớ cười,
  Vợ ta, ta sợ! Vợ người…còn lâu!
Câu ranh ngôn này còn được chứng thực bằng những kinh nghiệp đời thường.
Bên cạnh nhà gã có một anh chàng mới lớn, tính tình rất ngang bướng, lại thích làm đại ca, nên hễ có chỗ nào đánh nhau, hắn liền vác búa, vác dao tới tham dự, cho dù chỉ là đánh hôi, đánh chùa…Vì thế, hắn được coi là một đại họa cho bà con lối xóm.
Trong một lần “đánh hội đồng”, phe hắn gây thương tích hơi bị nặng cho một anh chàng ở làng khác. Đàn em bỏ chay, hắn đứng ra chịu tội, nên được ưu ái mời vô nhà tù mấy năm.
Trong trại cải tạo, hắn được tôn làm đại bàng vì thái độ ngông nghênh coi trời bằng vung. Hết thời gian ngồi bóc lịch, hắn trở về quê cũ. Chẳng hiểu ông già bà già hắn tỉ tê, dỗ ngon dỗ ngọt thế nào,  mà bỗng dưng hắn bằng lòng đi lấy vợ.
Và cũng kể từ khi có bà xã kè kè bên cạnh, hắn như người được lột xác, được thuần hóa, trở nên hiền hòa, chí thú làm ăn, dễ thương và dễ mến, khiến bàn dân thiên hạ phải tấm tắc ngợi khen.
Thành thử, mỗi khi có người cha hay người mẹ nào than phiền về đứa con ngỗ nghịch của mình, các cụ trong dân đều góp ý :
- Cứ bắt cái vợ cho nó là xong ngay. Chỉ mình vợ nó mới trị được nó mà thôi.
Sự dạy dỗ của chị vợ tuy âm thầm mà lại kết quả, tuy êm dịu mà lại thành công, đúng với kế sách :
- Mưa dầm, thấm đất.
- Mật ngọt chết ruồi.
Hay như bàn dân thiên hạ thường nói :
- Người ta bắt được nhiều ruồi bằng một giọt mật, còn hơn bằng cả một thùng dấm chua!
Cũng vì thế, mà gã mới nghiệm ra rằng :
- Sau lưng anh đờn ông đức độ, đều có bóng dáng một chị đờn bà.
Sách “Cổ Học Tinh Hoa” cũng có truyện rằng :
Đời nhà Đường, giặc Lý Hy Liệt đã đánh được Châu Biện, kéo đến đánh huyện Hạng Thành. Quan huyện Hạng Thành là Lý Khản, muốn chạy trốn. Bà huyện, người họ Dương, bèn nói :
- Giặc đến cướp thành thì phải hết sức giữ thành. Giữ mà không được, thì phải liều chết với thành. Nay ông lại chực chạy trốn, nghĩa là làm sao ? Bây giờ cứ mộ quân cho nhiều, khao thưởng cho to, thiết tưởng còn có thể giữ được thành.
Nói rồi, chính bà huyện hội họp cả nha lệ, sĩ dân lại mà hiểu dụ rằng :
- Quan huyện là chủ của các ngươi thật đấy, song chẳng qua chỉ ở đây độ dăm ba năm, rồi cũng thiên đi nơi khác, không liên can lắm bằng cách ngươi sinh trưởng ở đất này, gây dựng cơ nghiệp ở đất này, mồ mả cha ông ở đất này. Vậy sống chết, các ngươi cũng phải hết sức mà giữ lấy thành thì mới được.
Ai nấy nghe đều cảm động, rơm rớm nước mắt và đoan xin liều chết để cố giữ thành. Bà huyện hạ lệnh rằng :
- Ai lấy gạch đá đánh được giặc, thưởng tiền một nghìn. Ai lấy gươm giáo giết được giặc, thưởng tiền một muôn.
Tất cả được hơn một trăm người kéo nhau ra giữ thành, chống lại với giặc. Bà huyện thân đi trông nom lương thực cho quân lính. Khi giao chiến, quan huyện trúng phải một mũi tên lui về, ý không muốn đánh nữa. Bà huyện giận mà nói :
- Ông không ở đây, thì ai chịu liều chết ? Cho dù ông giữ thành mà chết, lại chẳng hơn là chết ở xó giường ư ?
Ông huyện nghe cảm kích, hăng hái hơn trước, lại chạy lên thành, liều đánh một trận nữa. Quân giặc túng thế phải kéo đi. Huyện Hạng Thành nhờ vậy mà được an toàn.
Câu truyện trên thật đúng với kinh nghiệm của các cụ ta ngày xưa :
- Gái ngoan làm quan cho chồng.
Trong công việc làm ăn, không phải lúc nào anh chồng cũng gặp được cảnh thuận buồm xuôi gió, trái lại nhiều lúc đã phải cắn răng chịu đựng  những cảnh xất bất xang bang, cũng như những thất bại ê chề.
Vì vậy, anh chồng rất cần đến sự góp ý của chị vợ, để đánh giá đúng mức tình hình, có được một cái nhìn sáng suốt và đưa ra những giải pháp vừa hợp tình lại vừa hợp lý, bởi vì:
- Hai cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu.
Hay như ca dao cũng bảo :
- Chồng khôn vợ được đi hài,
  Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông,
Hơn thế nữa, trong những lúc thất vọng nản chí, anh chồng rất cần đến những lời an ủi và khích lệ của chị vợ, để lấy lại sự bình tĩnh và can đảm.
Và nếu như cả hai vợ chồng đều cộng tác với nhau, thì  quả thật là trên cả tuyệt vời :
- Chồng như đó, vợ như hom.
- Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
  Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.
Với sự cộng tác như vậy, gã thầm nghĩ: Khó khăn nào cũng có thể vượt qua, thử thách nào cũng có thể giải quyết. Hay như tục ngữ đã nói :
- Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn.
Sau đây gã xin đưa ra hai  thí dụ chứng thực cho kinh nghiệm gã vừa mới trình bày.
Đầu tiên là trường hợp của cặp vợ chồng bác học, ông bà Curie.
Ông đã phải ba năm đeo đuổi mới đạt được mục tiêu. Bí quyết của họ là yêu thương nhau trong  sự cộng tác. Về tài năng, có thể nói ông tám lạng thì bà cũng nửa cân, nhưng cả hai đều biết tôn kính và nể trọng nhau. Cùng học và cùng làm việc trong phòng thí nghiệm. Bằng chứng là ghế giáo sư vật lý tại đại học đã được dành cho bà, là người phụ nữ đầu tiên, thế chỗ cho ông sau khi ông mất.
Lúc nhận chức, bà chỉ khiêm tốn nói :
-Tôi thử cố gắng dạy.
Và quả nhiên, bà đã thành công không kém gì ông.
Tiếp đến là trường hợp của bà Nixon.


Sự nghiệp của ông tổng thống nước Mỹ này phần lớn là do bà vợ. Bà luôn ở bên ông trong mọi việc và trong mọi lúc để chia sẻ những cực nhọc thuở hàn vi, cũng như  phụ giúp đắc lực cho ông trong việc tranh cử, soạn diễn văn, tiếp đón quan khác. Bà là người đầu tiên xứng đáng để cho ông giới thiệu với các ký giả lúc tuyên thệ nhận chức tổng thống.
Thảo nào mà các vị quan lớn, mỗi khi đi đâu cũng kéo theo cái “rờ mọc” là bà xã của mình, để tạo nên mình hình ảnh hài hòa và đẹp đẽ trước mặt bàn dân thiên hạ.
- Chồng sang vợ được đi giày,
  Vợ sang chồng được nhiều ngày cậy trông.
Ngay cả Clinton, tổng thống của nước Mỹ, mặc dù đang bị báo chí làm rùm beng vì chuyện lẹo tẹo tình cảm với cô tập sinh Monica, còn Hilary, mặc dù đang giận thâm gan tím ruột vì chuyện ăn…phở của đức ông chồng, thế mà cả hai người vẫn cứ đàng hoàng khoác tay nhau trong những chuyến công du, như chẳng hề có những ngọn sóng ngầm trào dâng trong cõi lòng.
Từ những sự việc cụ thể kể trên,  một lần nữa gã lại nghiệm ra  rằng :
- Sau lưng anh đờn ông thành công, đều có bóng dáng một chị đờn bà.
Tuy nhiên, như một đồng tiền có hai mặt: mặt phải và mặt trái, đã nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu sau lưng anh đờn ông đức độ và thành công, đều có bóng dáng một chị đờn bà, thì sau lưng anh đờn ông bị thất bại te tua, cũng đều có bóng dáng một chị đờn bà.
Chắc hẳn tận đáy lòng, chị vợ nào mà lại chẳng muốn cho anh chồng của mình gặt hái được những thành quả tốt đẹp trên bước đường công danh và sự nghiệp, thế nhưng lắm khi chỉ vì những lời nói và những thái độ của mình, một cách hữu ý hay vô tình, đã tích cực góp phần đẩy  anh chồng của mình vào một tình trạng thê thảm.
Dĩ nhiên là có rất nhiều cách hại chồng, nhưng trong phạm vi bài viết này, gã chỉ xin trình bày một “độc chiêu” mà thôi. Đó là có những chị vợ đã vô tình “chặt chân tay của chồng”, bằng cách làm cho chồng mất hết bạn bè, cũng như mất hết người cộng tác trong công việc giao dịch và làm ăn.
Đối với anh chồng, bạn bè cùng phái là một nhu cầu rất cần thiết cho cuộc sống, như tục ngữ đã xác quyết:
- Giàu vì bạn, sang vì vợ.
Có những anh chồng còn mạnh dạn tuyên bố:
- Nhiều chuyện tớ chỉ dám nói với bè bạn, chứ không thể nào nói với bà xã được.
Dĩ nhiên, có những người bạn mà vừa nhìn mặt, chị vợ đã thấy ghét, chẳng hạn như bạn ăn nhậu, bạn cờ bạc…Đó là điều rất bình thường và chính đáng, vì chị vợ không muốn anh chồng sa đà vào những chốn chơi bời, đề rồi trở thành hư thân mất nết lúc nào cũng không hay.
Thế nhưng, có những chị vợ muốn chiếm giữ độc quyền anh chồng bên mình. Hết giờ làm việc là phải trở về nhà với vợ con, không được cà kê dê ngỗng chỗ ở này hay chỗ khác, với anh nọ và anh kia. Thậm chí, chị vợ còn tỏ ra bực bội mỗi khi bạn bè của anh chồng tới nhà chơi.
Bạn bè cùng lớp mỗi năm có thói quen họp mặt một lần và năm nay, mọi người đều nhất trí và đồng ý sẽ gặp nhau tại nhà anh. Anh vui vẻ nhận lời vì cho đó chỉ là chuyện nhỏ.
Tuy nhiên, khi về nhà bàn với chị vợ, thì chị vợ lại đưa ra đủ thứ lý do để từ chối, không muốn “đăng cai” tổ chức , nào là nhà cửa chặt chội, nào là ăn uống bầy hầy và tốn kém…
Anh chồng ra sức thuyết phục:
- Điều chính yếu không phải là chuyện ăn uống phủ phê hay nhà cửa tiện nghi, mà là một không gian ấm cúng để được thoải mái sống cái tình bè bạn và nhớ lại những kỷ niệm xa xưa.
Bất đắc dĩ chị vợ phải chấp nhận. Tới ngày gặp gỡ, mặt mũi chị vợ lạnh tanh lạnh ngắt như bánh bao chiều. Không nói một lời, không cười một tiếng, làm cho bầu khí bỗng trở nên nặng nề và ngột ngạt, mặc dù anh chồng đã ra sức cứu vãn bằng những cái bắt tay và những câu chuyện cười, đồng thời chữa cháy bằng những ly rượu mời…
Khi ra về, một tên bạn ghé tai và nói nhỏ với anh:
- Chắc là tụi này cạch đến già, hỏng dám tới nhà bạn nữa đâu.
Mới đây, hôm mồng hai tết, một anh bạn dẫn con tới chúc tuổi. Trong lúc anh chồng vui vẻ tiếp bạn, thì chỉ vợ đi qua đi lại, nói xiên nói xỏ, đại khái rằng:
- Tôi không muốn những hạng người như anh giao du với nhà tôi.
Thấy hoàn cảnh không được thuận lợi để ngồi uống với nhau ly rượu mừng xuân, anh bạn bèn bỏ của chạy lấy người, dẫn con ra về cái một. Và khi anh bạn vừa đi khỏi, thì liền diễn ra cảnh vợ chồng đóng cửa…dạy nhau. Thế là những ngày đầu năm đang vui bỗng biến thành buồn và mất toi một cái tết.
Đối với những bạn bè cùng phái mà còn như vậy, huống nữa là đối với những bạn bè khác phái của anh chồng. Việc kiểm soát lại càng trở nên gắt gao và nghiêm ngặt, còn hơn cả lệnh giới nghiêm.
Ai cũng phải công nhận điện thoại di động thật tiện lợi và hữu ích, vì mình có thể liên lạc được với nhau ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thế nhưng, đối với anh chồng thì lại khác. Kể từ khi được chị vợ sắm cho một “con dế nho nhỏ xinh xinh”, anh chồng cảm thấy sự tụ do của mình bị cắt xén và lúc nào cũng nhận ra sự canh chừng của chị vợ ở sát ngay bên mình.
Bất kỳ lúc nào chị vợ cũng có thể gọi để kiểm tra xem anh chồng có mặt trong sở hay là lại đang vi vút ở đâu và với ai…Nếu trong giờ làm việc, mà điện thoại “tạm thời không liên lạc được”, hay “ở ngoài vòng phủ sóng”, thì chị vợ bèn tức tốc chạy thẳng tới sở hay gọi tới gọi lui cho đám bè bạn để điều tra về sự…mất tăm mất tích đột xuất này.
Giữa đêm hôm khuya khoắt mà bỗng có tiếng dế kêu, thế nào chị vợ cũng hỏi xem ai gọi và gọi để làm gì. Nếu anh chồng trả lời ngập ngừng thì hẳn là có vấn đề. Còn nếu anh chồng trả lời trơn tru, thì lại bị cho là dẻo mép, quen thói dối vợ có bài bổn dọn sẵn.
Nắm vững tình hình của hai vợ chồng là như vậy, đám bè bạn “trời đánh thánh vật không chết” lâu lâu lại cắt một thang thuốc, bày ra một trò chơi, bằng cách “phệu” một tin nhắn thật lâm ly và bi đát, cho chui tọt vào máy của anh chồng…Rồi chờ xem chiến sự xảy ra như thế nào?
Nếu chẳng may chị vợ khám phá ra một tin nhắn được lưu lại trong máy với những lời lẽ nhõng nhẽo hay ngọt ngào, thì anh chồng chỉ còn nước từ chết đến bị thương mà thôi.
Những giận hờn triền miên không biết đến bao giớ mới hết, những day dứt kéo dài tưởng chừng như vô tận, mặc cho anh chồng ra sức thanh minh thanh nga. Và dù anh chồng có thề sống thề chết, thì cũng chẳng tạo được một chút niềm tin nơi chị vợ.
Mặc dù không được huấn luyện hay trải qua trường lớp, chị vợ vẫn cứ nghiễm nhiên là một nhà thám tử. Và dưới mắt chị vợ, thì hình như mọi phụ nữ đều có thể trở thành tình địch, trở thành người thứ ba, sẵn sàng chớp lấy anh chồng của mình.
Người ta thường bảo, có yêu thì mới ghen, như tục ngữ đã diễn tả:
- Ớt nào là ớt chẳng cay,
  Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng,
  Vôi nào là vôi chẳng nồng,
  Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.
Một cái ghen sáng suốt, nhẹ nhàng có thể làm cho tình yêu thêm mặn nồng, nhưng trái lại một cái ghen mù quáng và điên khùng có thể giết chết tình yêu và dẫn tới những hậu quả thảm khốc. Gã đã từng thấy có chị vợ đã nổi máu ghen khi anh chồng gặp gỡ, chào hỏi và nói chuyện với đám học trò mình.
Sống trong cảnh bị “kìm kẹp” như vậy, anh chồng không bị suy sụp tinh thần mới là chuyện lạ, bởi vì chẳng còn ai muốn giao du và đi lại với anh ta nữa.
Còn rất nhiều những “độc chiêu” khác nữa. Chẳng hạn như vì tiêu xài theo kiểu con nhà lính tính nhà quan,  bóc ngắn cắn dài, khiến tình trạng tài chánh trong gia đình bị thâm thủng nặng nề, hay vì lòng tham không đáy của mình, chị vợ chỉ mong sao anh chồng kiếm được nhiều tiền lắm bạc bằng những lời tỉ tê. Và thế là anh chồng cũng liều nhắm mắt đưa chân, nhận phong bì hối lộ, còn chị vợ thì mở cửa sau để nhận quà cáp. Rồi tới một ngày ông chồng bị công an sờ gáy và mời vô khám nằm bóc lịch…
Chẳng hạn như cái tật phát ngôn bùa bãi, thích nói hành nói tỏi người này người nọ, thậm chí sẵn sàng kể ra những thói hư của chồng, để mua vui cho bàn dân thiên hạ, bất chấp sự ngượng ngùng, tủi hổ của anh chồng…
Những “độc chiêu” này, khi có dịp gã sẽ bàn tới sau. Còn bây giờ xin lặp lại lời đã nói ở trên như một kết luận:
- Nếu sau lưng anh đờn ông thành công rực rỡ, đều có bóng dáng một chị đờn bà, thì sau lưng anh đờn ông thất bại te tua, cũng đều có bóng dáng một chị đờn bà.

Tác giả:  Chuyện phiếm của Gã Siêu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét