Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Sep 28, 2014 - Chúa nhật 26 thường niên năm A

Sep 28, 2014 - Chúa  nhật  26  thường  niên  năm  A
Thiên  Chúa  quan  tâm  tới  gía  trị  đích  thật                                               
             
Các Bạn thân mến,
Các bài đọc chúa nhật tuần này mời gọi chúng ta khám phá cuộc sống của chính mình, xem hài lòng hay bất mãn về mối tương giao hiện tại giữa mình và Đức Giêsu.  Có ao ước thân tình sâu sắc hơn với Ngài không?  Có muốn yêu thương gia đình anh em, láng giềng giống như Đức Giêsu truyền dạy yêu thương họ không?
Đó là bước đầu để chúng ta có thể thấy rõ thái độ tận căn với nếp sống hiện tại của mình. Hầu nhóm tia lửa, làm thành ngọn lửa thúc đẩy chúng ta làm những điều ích lợi cho cuộc đời mình.
Cuối cùng thực hiện việc làm quan trọng là hướng về cuộc sống mới, cầu nguyện, cảm nghiệm...
Trong cuộc sống thuộc linh, chúng ta phải chiến đấu liên tục để từ Kitô hữu bình thường thành Kitô hữu tốt; rồi cố gắng từ Kitô hữu tốt trở thành Kitô hữu xuất sắc. Cuối cùng, từ Kitô hữu xuất sắc trở thành Kitô hữu gương mẫu.
Vi sự hối cải là một tiến trình, một cuộc du hành tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta rời bỏ cõi đời này.
Tin Mừng chúa nhật tuần này là một bài học thiết thực cho những kẻ thích nói mà ngại làm, những kẻ chỉ muốn đẹp lòng mọi người bằng những lời hứa xuông, những lời ngọt bùi có cánh, những lời nói theo chiều hướng:"lời nói không mất tiền mua!" Và cũng là bài học cho những ai coi thường:"Mật ngọt chết ruồi" và coi thường những người thấp kém hơn mình.
Khi đến trần gian, Đức Giesu thường cảnh tỉnh nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời ấy, những người vốn tự hào về công nghiệp của mình. Kể câu chuyện về hai người con, lúc cha họ kêu gọi di làm vườn nho cho ông, Đức Giesu đã làm nổi rõ cái giây phút hiện tại của họ.
Người con cả sở dĩ được chấp nhận dù trước đó không vâng lời Cha nhưng sau đó hối hận vâng theo. Trái lại, người con thứ, trước đã mau mắn đáp vâng lời cha rồi sau lại không làm theo ý cha nên cũng bằng không.
 Ý nghĩa của đọan Tin Mừng thật rõ ràng: thời đó, những nhà lãnh đạo Do Thái thường nói là họ tuân giữ lời Thiên Chúa, nhưng rồi họ không làm theo lời Ngài. Còn những kẻ thu thuế và kẻ mại dâm là những người bị coi là đi con đường riêng, nhưng rồi họ lại đi vào con đường của Thiên Chúa.
Cũng là bài học cho cả nhân loại mọi thời, mọi nơi, bởi ở đâu cũng có nhiều người mà lời nói của họ không đi đôi với việc làm.
Dụ ngôn không khen ngợi hạng người nào, vì cả hai người con, thật ra không ai đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha mình. Dụ ngôn chỉ đưa ra hai bức tranh về hai hạng người bất toàn, trong đó có hạng tốt hơn.
Bởi đứa con lý tưởng là đứa con chấp nhận mệnh lệnh của cha mình với thái độ vâng phục và kính trọng trọn vẹn không thắc mắc. Tuy nhiên trong câu truyện này vẫn có nhiều chân lý vượt ra ngoài tình trạng bình thường. Đặc biệt Đức Giêsu cảnh cáo thái độ giả hình của bọn đầu mục Do Thái, cùng những ai giống như thế, và kêu gọi họ hoán cải để được cứu độ.
1.    Người con thứ nhất:
-    Ám chỉ các người thu thuế và gái điếm, hạng người bị xã hội Do Thái khinh dể, vì có đời sống tội lỗi công khai, gây gương xấu cho kẻ khác.
-    Rộng ra là những người sống trái với thánh ý Thiên Chúa. Họ đã từ chối không tuân giữ luật pháp của Ngài. Sau đó nhận ra lỗi lầm, hối hận và hoán cải, tin theo lời rao giảng của Đức Giêsu mà sám hối để làm theo ý muốn của Thiên Chúa.
-    Đây là hạng người làm nhiều hơn nói. Số lượng có thể ít, nhưng chúng ta cũng có thể gặp họ ở mọi nơi, mọi lúc.
-    Họ đại biểu cho lương dân, những người biết gía trị thật của con người không ở những lời tốt đẹp người đó nói ra, mà do hành động của họ.
-    Họ có thể làm điều tốt nhưng thiếu vui vẻ hòa nhã, thiếu thiện chí sốt sắng nên hỏng việc.
-     Đôi khi họ tự ty mặc cảm sai lầm rồi nản lòng, ở lì trong tội lỗi của họ.
-    Họ còn có thể cho mình là kẻ duy vật, cứng đầu...nhưng người ta thấy họ làm những việc tốt lành, tử tế một cách kín đáo, như thể không muốn cho ai biết về những việc tốt đẹp ấy.
-    Chúng ta cũng gặp nhiều kẻ nói không quan tâm đến nhà thờ, đến tôn giáo, đến giữ luật lệ nhưng lại sống một đời sống có Chúa hơn nhiều Kito hữu phô trương bên ngoài.
-    Vì thế câu truyện này cũng dạy chúng ta rằng con người có thể làm hỏng nhiều  điều tốt lành vì cách người ấy làm.
-    Dù hạng người thứ nhất được ưa chuộng hơn, nhưng thật ra họ cũng không phải là người hoàn hảo. Vì người tốt nhất là người nói và làm đi đôi với nhau.
-    Thiên Chúa mong sự thay đổi tốt đẹp nơi chúng ta, nên Ngài đã cho nhiều cơ hội để chúng ta tự hoàn chỉnh đời sống của mình.
-    Vì thế chúng ta cũng nên cho chính mình và anh em nhiều cơ hội sửa đổi sai trái, để hoàn thiện như Thiên Chúa muốn.
2.  Người con thứ hai:
-    Là hạng người tự hào mình công chính, đạo đức, ám chỉ các đầu mục của dân Do Thái là các thượng tế và kỳ mục.
-    Họ có thể như những đứa con hiếu thảo, sẵn sàng vâng theo lời cha dạy.
-       Nhưng mới chỉ vâng lời cha mình bằng mặt chứ chưa bằng lòng, nên thường  không làm theo ý muốn của cha
-         Đây là thái độ“nói mà không làm”,thái độ đạo đức giả của các thượng tế và kỳ lão. Họ giữ luật Môsê từng chi tiết nhưng lại không tin Đấng được Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu.
-    Họ cũng là loại người nói nhiều hơn làm, thường hứa hẹn đủ điều rồi chẳng làm gì cả. Và ở đâu cũng có rất nhiều hạng người này.
-   Đại biểu cho dân Do Thái và những người tự mãn, không cố gắng sống tốt hơn.
-    Như đứa con thứ hai tỏ ra lịch thiệp bên ngoài và mau mắn nói vâng lời cha, tuy nhiên đó chỉ là vâng lời xuông, ngoài môi miệng.
-   Cần biết rằng lời hứa không tạo uy t­ín, không thể thay thế được việc làm, dù lời nói tốt cũng không thể thay thế cho những nghĩa cử.
-   Nhiều lần chúng ta cũng đi theo lối này, không đi theo đường công chính, mà mải mê theo đường thế gian, đường đam mê tội lỗi.
-    Miệng nói kính thờ yêu mến Thiên Chúa, nhưng lại luôn từ chối không làm theo thánh ý Ngài.
-   Nói yêu thương thông cảm với anh em nhưng không thật lòng chia sẻ những gì mình có.
3.  Những lưu ý:
-         Trong thực tế đời sống, có khi cả hai thái độ của hai người con này lẫn lộn trong cư xử của chúng ta, bởi khi nghe lời Chúa, không ai có thái độ chống đối, mà thường có ý ngay lành, vui vẻ đón nhận, còn thực hành hay không thì thuộc sự cố gắng sống đạo chân thành của mỗi cá nhân. 
-         Nhưng đời sống giữ đạo của Kitô hữu lại chỉ quan trọng ở điểm thực hành, sự vâng phục một cách lễ phép mau lẹ vui vẻ, chứ không ở sự hứa hẹn.
-   Thiên Chúa quan tâm tới gía trị đích thật, không chấp nhặt qúa khứ, không chú trọng lời nói, mà chú ý tới việc làm, là con đường mở rộng cho tương lai, khuyến khích cả người tốt lẫn kẻ xấu ngày càng hướng đến điều tốt hơn.
-    Bởi gía trị thật của đời người không nằm ở qúa khứ đạo đức hay tội lỗi của người ấy, mà ở hiện tại người đó có quyết tâm sống tốt lành hay không.
-   Thực tế những gì hôm qua thì đã qua, chuyện ngày mai thì chưa tới, còn việc hôm nay thì đang ở trong tầm tay.
-    Nhưng không vì vậy mà nghĩ rằng mình thuộc hạng công chính, rồi mê man với ảo tưởng đạo hạnh về mình.
-   Cũng không phải vì mình thuộc hạng thu thuế, đĩ điếm để rồi đương nhiên được ưu ái, mà buông xuôi.
-    Con người có thể thay đổi, nên cả hai người con trong dụ ngôn đều có thể là bài học cho chúng ta.
-    Con người lại không phải là một món đồ được sản xuất hàng loạt, mà là một tác phẩm đang được thực hiện từng bước tiến tới sự tuyệt diệu.
-        Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng cái hôm nay mới là cái mang tính quyết định. Chính vì thế nhiều lúc chúng ta cần phải có thái độ theo một cách nào đó với những gì đã qua và với những gì chưa tới.
-      Đừng quá bám víu vào sự đã qua cho dù đó là những thành quả lẫy lừng, những chiến công hiển hách hay những thất bại ê chề, những lỗi lầm tủi nhục.
-       Nếu quá khứ là những màu hồng thì đáng trân trọng, nhưng hãy coi chừng chuyện thường tình của kiếp người là rất dễ ngủ quên trên chiến thắng và nhất là hãy đề phòng cám dỗ tự kiêu, tự mãn, một cám dỗ thường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
-       Lỗi lầm nào cũng để lại vết thương đau. Nhưng đừng để bị ám ảnh bởi những sai lầm, hay thất bại của quá khứ mà nản chí, buông xuôi. Cần biết tích lũy những vết thương đau thành chuỗi kinh nghiệm làm nền tảng cho những thành quả hôm nay.
-      Đừng quá ảo vọng vào những gì chưa đến. Tương lai thường chất chứa những sự tốt đẹp, vì đó là ước mơ, là hoài bảo của con người. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước cám dỗ xa rời thực tế.
-      Người có lương tri bình thường thì không vô tâm, bạc tình khi sống quay lưng với cội nguồn lịch sử và cũng ít có ai sống mà không hướng tới tương lai.
-      Thiên Chúa là Đấng của hôm nay: vi hiện tại quan trọng nhất, cái có tính quyết định nhất.
-     Trước đây, sống công chính mà bây giờ làm điều gian ác thì phải chết. Người tội lỗi xưa làm nhiều sự gian ác mà bây giờ bỏ điều dữ, làm điều chính trực công minh thì sẽ được sống.
-        Sống mà không có ngày mai là một cuộc sống thiếu định hướng, thiếu tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên cái của ngày mai phải được đặt nền tảng vững vàng trên cái của hôm nay.
-         Đừng để sang ngày mai, những gì tốt đẹp và phải đạo có thể làm trong ngày hôm nay, vì xét về mặt tiêu cực, dưới nhãn quan đức công bằng thì nếu giam tiền công nhật của người làm công đến hôm sau là đã phạm lỗi bất công. Còn trên bình diện đức ái thì nếu bỏ qua một việc tốt, một việc lành trong khả năng và hoàn cảnh của hôm nay thì đã phạm một điều tồi tệ, đó là tội thiếu sót.
-        Lúc sinh thời, mỗi khi gặp những người bệnh tật, dù đó là ngày lễ nghỉ và theo luật Do Thái giáo bấy giờ thì không được phép, nhưng Đức Giêsu vẫn ra tay thi ân giáng phúc, bất chấp nhiều luật sĩ và biệt phái giận dữ chống đối và thậm chí còn tìm cách giết Người.
-         Phải làm ngay hôm nay, lúc này, ở đây những điều chính đáng và phải đạo trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Bởi nhiều lúc, chính khi không làm điều thiện là làm điều ác, không cứu sống là giết chết, không bênh vực công lý là toa rập với sự gian dối, bất công…
-       Những kẻ tự cao là những người luôn nhớ và muốn kẻ khác nhớ mình đã làm nên sự gì đó.
-       Những người tự ti là những người không thể quên và nghĩ rằng người ta không thể quên mình đã lầm lỡ một sự gì đó.
-       Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó mà không bao giờ làm.
-      Những người hèn nhát là những người luôn khát khao một sự gì đó mà không dám làm.
-       Còn những người công chính là những người bắt tay làm ngay những sự phải làm, đáng làm, nên làm, hôm nay, lúc này.

 Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con nói, quyết định, lên kế hoaạch về công kia việc nọ, đặc biệt về tự sửa lỗi lầm để quay lại với Chúa, nhưng rồi chúng con lại không làm!
Xin Chúa tha thứ và ban ơn để chúng con không bao giờ bỏ qua một công việc hay trì hoãn một quyết định tốt nào sang ngày mai, khi chúng con có thể hoàn thành ngày hôm nay.
 Cùng xin giúp chúng con sống xứng đáng người con ngoan, để bất cứ khi nào Chúa kêu gọi, chúng con cũng sẵn sàng vâng lời và thực hiện trọn vẹn ý Ngài muốn. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
Than men,
duyenky
             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét