Vinh quang Thập
Giá
(Lễ Suy Tôn Thánh Giá)
(Mon, 08/09/2014 - Trầm Thiên Thu
-Thanhlinh.net)
Ngày xưa, thập giá là
nhục hình ghê rợn nhất dành cho các tử tội. Chúa Giêsu cũng đã phải chịu nhục
hình này vì người ta liệt Ngài vào dạng tương tự “dân anh chị khét tiếng” hoặc “tội
phạm nguy hiểm”. Nhưng với Đức Kitô, thế cờ bị Ngài đảo ngược, chính thập-giá-khổ-đau
đó lại trở thành “đòn bẩy”, là đường
tới vinh quang, là lối vào ánh sáng, là vũ khí chiến thắng. Thập giá được Ngài
biến thành biểu tượng cứu độ và là phương cách giải thoát. Một Saolê đã từng
bách hại “tới bến” đối với những ai
yêu mến Thánh Giá, nhưng nhờ cú ngã ngựa, bị mù mắt thể lý mà lại sáng mắt tâm
linh, rồi trở thành một Phaolô “không
giống ai” với niềm ước mong: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều
gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). Việt ngữ thật kỳ diệu: THÁNH
GIÁ là cái GIÁ để NÊN THÁNH. Đó là điều mà Đức Giêsu Kitô đã xác định: “Ai
không vác thập giá mình mà theo Tôi thì không xứng với Tôi, không thể làm môn
đệ của Tôi” (Mt 10:38; Lc 14:27).
Hơn 1.600 năm sau, ĐGM
Pièrre Lambert de la Motte (1624–1679, Hội Thừa Sai Pháp) cũng hóa thành “dị nhân”, không giống ai khi ngài quyết
tâm chỉ yêu mến Thánh Giá mà thôi, bằng chứng là ngài đã lập Dòng Mến Thánh Giá
tại Việt Nam – bắt đầu từ Hải Phòng (Bắc Việt). Xưa cũng như nay, bất cứ ai
thích Thánh Giá đều bị coi là “ngược đời”
hoặc “điên loạn”. Thế nhưng Đức Kitô
đã khuyến cáo chúng ta phải “ vác thập
giá mà theo Ngài” (x. Mt 16:24). Thật là “căng” dữ nghen! Quả thật, phải thực sự tin tưởng và can đảm mới có
thể bước trên Đường Thập Giá – liên lỉ từng giây phút chứ không chỉ trong
thoáng chốc, trong vài ngày hoặc vài tháng.
Thập giá là dụng cụ để
xử tử phạm nhân mà người Phênixi đã dùng trước tiên, sau đó người Rôma cũng
dùng, nhưng chỉ dùng hình phạt này cho kẻ nô lệ, dân bị trị, những người thấp
hèn và những kẻ phạm các tội nặng nhất như trộm cướp, ít khi áp dụng cho công
dân Rôma. Về thập giá, nhà hùng biện trứ danh Cicéron (Rôma) đã mô tả là “cực hình ghê rợn và độc ác nhất” (crudelissimum et teterrimum supplicium).
Theo nhiều nhà nghiên
cứu Kinh Thánh, cây Thánh Giá được làm bằng gỗ tùng rất nặng, thanh dọc dài 4,5
m, thanh ngang dài 2,5 m, cả Thập Giá nặng khoảng 100 kg. Vác kéo lê thì giảm
sức nặng khoảng 30 kg. Như vậy, Chúa Giêsu còn chịu sức nặng 70 kg đè trên
thân xác đã yếu ớt vì đòn vọt, vác khệ nệ trên con đường dài 700 m, và
Ngài đã phải ngã quỵ 3 lần. Thông thường, khoảng giữa thập giá có một
miếng gỗ để tội nhân tì mông vào cho dễ đóng đinh, và đóng mỗi chân một
đinh. Ngày nay các nhà kỹ thuật đã đưa miếng gỗ đó xuống làm đế đỡ
chân và hai chân đóng chụm lại, đó vì tính mỹ thuật – tức là để nhìn cho “đẹp mắt” mà thôi.
Chúa Giêsu chịu hàm
oan và đau khổ tột cùng trên Chặng Đàng Thánh Giá. Cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng
là Hành trình Thập Giá, có rất nhiều thứ xấu xa trong mỗi chúng ta để chúng ta
phải cố gắng “chết” vì yêu mến Đức
Kitô. Hành trình đó là hành trình tử đạo liên lỉ, rất cần ngước nhìn lên Chúa
Giêsu bị treo trên Thánh Giá như dân Ít-ra-en xưa ngước nhìn lên con rắn đồng
để được chữa lành (Ga 3:13-15).
Trình thuật Ds 21:4-9
cho biết: Từ núi Ho, họ lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Ê-đôm,
trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách
Thiên Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập,
để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống?
Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Vì họ cứng đầu cứng cổ, Đức
Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải
chết.
Ngày nay, chúng ta
cũng chẳng hơn gì dân Ít-ra-en xưa, thậm chí còn ngang bướng và tinh vi hơn
nhiều. Ca dao Việt Nam nói: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, Khi nóng thì cứ
trái tai mà sờ”. Có lẽ chúng ta quen “xin
– cho” nên cứ mở miệng cầu nguyện
là xin này, xin nọ, xin tới tấp, xin đủ thứ, Chúa nghe không kịp mà vẫn bị đầy
lỗ tai. Chúa cũng mệt với lũ phàm nhân lắm! Chúng xin được thì cười trừ rồi
thôi, xin không được thì quay ngoắt 180 độ, đôi khi còn dám ngang nhiên trách “trời mù” nữa đấy. To gan thật!
Dân xưa ngang ngược
đến nỗi bỏ Chúa, đi đúc bò vàng mà tôn thờ. Nhưng họ chịu khổ hết xiết, đành
quay về với Chúa. Họ đến năn nỉ với ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội,
vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người
xua đuổi rắn xa chúng tôi”. Ông Môsê thương tình mà khẩn cầu Thiên Chúa cho
dân thoát ách tai ương. Thiên Chúa giàu lòng thương xót liền nói với ông Môsê: “Ngươi
hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn
lên con rắn đó, sẽ được sống”. Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và
treo lên một cây cột. Quả thật, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì
được cứu sống ngay.
Chúng ta ngày nay có
nhiều loại “bò vàng” lắm, đủ cỡ và đủ
kiểu. Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng đã có kinh nghiệm “xương máu” về chuyện tôn thờ ngẫu tượng: Mê tiền, ham lợi, ưa “chảnh”, khoái chức, đòi quyền,... Đó là
chưa nói đến đắm chìm trong tội lỗi đấy! Chu choa, nhiều kiểu lắm, nhiều dạng
lắm, nhiều mức độ lắm! Và cuối cùng, chúng ta gặp đau khổ, đành quay về với
Chúa, nhưng rồi chẳng được bao lâu, chúng ta lại như con ngựa quen đường cũ.
Thế mà Thiên Chúa vẫn thương xót và tha thứ. Vô cùng may mắn cho chúng ta.
Nhưng quả thật, chúng ta không thể nào hiểu nổi lòng thương xót của Ngài!
Tác giả Thánh Vịnh bày
tỏ Thánh Ý Chúa từ xưa: “Dân tôi hỡi, này nghe tôi dạy bảo, lắng tai
đón nhận lời lẽ miệng tôi. Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ, công bố
điều huyền bí thuở xa xưa” (Tv 78:1-2). Thiên Chúa biết phàm nhân chúng ta
là những “hạt bụi nhỏ nhoi” nhưng lại
vô cùng kiêu ngạo. Tuy nhiên, Ngài vẫn yêu thương, khuyên nhủ, dỗ dành, chỉ
mong chúng ta nhận biết và tôn thờ Ngài là Thiên Chúa toàn năng duy nhất.
Tuy nhiên, phàm nhân
chúng ta có cái đầu cứng và đầy máu kiêu ngạo, khoái đi đường tắt hơn đi đường
chính. Nhưng rồi cũng có lúc “giật mình” khi phải đương đầu với đau khổ: “Khi
Chúa giết họ, họ mới đi tìm Chúa, mới trở lại và mau mắn kiếm Người, mới nhớ
rằng: Thiên Chúa là núi đá họ ẩn thân, Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ”
(Tv 78:34-35).
Lúc đau khổ thì tỏ vẻ
chân thành hối lỗi, nhưng lúc an bình thì lại thích nổi loạn, nói hay mà làm
chẳng ra gì, Thiên Chúa biết chúng ta lọc lừa mà Ngài vẫn xót thương: “Miệng
họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người; còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó,
chẳng trung thành giữ giao ước của Người. Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha,
không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí” (Tv 78:36-38).
Nhưng rồi sẽ có ngày Thiên Chúa không còn dành thời gian chờ đợi chúng ta sám
hối nữa. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại cuối cùng, thời gian thương
xót cuối cùng, ai không sám hối và không chân thành tín thác vào Đức Kitô thì
hậu quả sẽ thê thảm đời đời!
Thánh nữ Faustina nhận
định: “Mọi sự bắt đầu bằng Lòng Thương Xót của Ngài và cũng kết thúc
bằng Lòng Thương Xót của Ngài. Mọi ân sủng tuôn chảy từ Lòng Thương Xót của
Ngài, và những giờ khắc cuối cùng đầy tràn Lòng Thương Xót của Ngài. Đừng để ai
nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa; mặc dù tội lỗi của con người đen tối như
màn đêm, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn nỗi đau khổ của chúng ta”
(Nhật Ký, số 1506).
Thánh Phaolô nói: “Đức
Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân
nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:2-8).
Trí tuệ và lý luận của chúng ta không thể phân tích để hiểu hết tình yêu của
Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, có tất cả những gì
cao quý nhất, thế mà Ngài lại bỏ tất cả, thậm chí là thí mạng, để tìm kiếm và
cứu chúng ta đem về cho Chúa Cha.
Thánh Phaolô kết luận: “Chính
vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn
ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:9-11).
Ngược lại, ai không chân nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người
thì chắc chắn không được Ngài đưa về Quê Trời vĩnh hằng: “Ai tin vào
Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì
đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:18). Thánh Gioan đã cho
chúng ta biết chắc chắn có sự sống đời đời (x. 1 Ga 5:13).
Thập giá là vinh
quang, là chiến thắng, chứ không là thất bại như loài người suy tưởng. Thi sĩ
kiêm kịch tác gia Pièrre Corneille (1606-1684, Pháp quốc) đã có nhận xét thú vị
và rất đúng: “Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh quang”.
Thật vậy, cuộc sống cho chúng ta thấy rằng không có niềm hạnh phúc nào mà lại
không có dấu vết của sự đau khổ.
Truyện “Hoàng tử và Thanh kiếm” kể thế này: Một
hôm, Vua Charles V kêu hoàng tử đến và cho quyền lựa chọn. Trên bàn, nhà
vua đặt một thanh kiếm và một triều thiên. Vua cha
hỏi: “Con chọn cái nào?”. Chần chừ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh
kiếm. Thấy lạ, vua cha hỏi: “Sao con lại chọn thanh kiếm?”. Hoàng
tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện và đáp: “Nhờ thanh kiếm này,
con sẽ được triều thiên kia”. Câu chuyện ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa thâm
thúy, cho thấy rằng đau khổ luôn đi trước hạnh phúc.
Một hôm, khi đàm đạo
với ông Ni-cô-đê-mô, Chúa Giêsu xác định: “Không ai đã lên trời, ngoại
trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa
mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì
được sống muôn đời” (Ga 3:13-15). Chính Chúa Giêsu đã xác định việc tin vào
Ngài là mối phúc, vì ai tin Ngài sẽ được lên trời với Ngài.
Và rồi chính Chúa
Giêsu lại tiếp tục xác định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban
Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn
đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án
thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:16-17).
Rõ ràng rồi, không còn gì khả nghi nữa. Tuy nhiên, tin Chúa Giêsu thì phải kiên
trì đồng hành với Ngài hết chặng đường thập giá: Một nhánh vươn lên trời đưa
chúng ta đến với Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô; một nhánh đưa chúng ta đến với tha
nhân, nhất là những người hèn mọn và đau khổ nhất. Không thể tách rời hai nhánh
của thập giá.
Ước gì mỗi chúng ta
luôn
tâm niệm: THÁNH GIÁ là cái GIÁ để NÊN
THÁNH.
Lạy Chúa Kitô, chúng
con xin tôn vinh Thánh Giá bằng cách chấp nhận đau khổ hằng ngày để vinh danh
Thiên Chúa, để cứu các linh hồn và để đền tội của chúng con. Xin cho chúng con
được nên một với Ngài trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển
trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét