Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015
Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015
Chuyện lạ (Chúa Nhật IV TN, năm B)
Chuyện lạ
(Chúa Nhật IV T N, năm B)
Cuộc sống
hàng ngày trôi đi có vẻ rất bình thường, thế nhưng vẫn có nhiều chuyện lạ với
nhiều mức độ khác nhau. Cái gì lạ cũng khiến người ta tò mò vì trong con người
luôn có tính hiếu kỳ. Cũng vì lợi dụng tính hiếu kỳ của con người mà có những kẻ
xấu đồn thổi những chuyện không đâu nhằm lừa bịp. Nhẹ dạ cả tin thì “chết” thôi!
Tuy nhiên, có những
thứ thực sự kỳ lạ thì người ta lại không để ý, vì cứ cho rằng đó là “tự nhiên”. Thật ra đó là một phép lạ
lớn lao, lớn lắm. Đó là gì? Không khí. Thật vậy, thiếu không khí chỉ
trong một khoảng thời gian rất ngắn thì người ta sẽ ngộp và… chết chắc, mọi
sinh vật khác cũng chung số phận như thế!
Chuyện lạ “phổ biến” trong Kinh Thánh, đặc biệt là
thời Cựu Ước, là sự xuất hiện của các ngôn sứ (tiên tri). Thiên Chúa đã cấm
hành nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt,
chiêu hồn (Ðnl 18:10-11), thế mà con người vẫn nhiễm “máu” mê tín, dị đoan, ngay cả những người Công giáo ngày nay vẫn
chưa “dứt” nổi kiểu mê tín này! Đó là
máu hiếu kỳ, tính tò mò, chạy đua đi tìm… “sự
lạ”. Thấy gì khác thường một chút đã
cho là “phép lạ”. Đức Tin ấu trĩ quá!
Sách Đệ Nhị Luật (Thứ
Luật) cho biết: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh
em; anh em hãy nghe vị ấy” (Ðnl 18:15). Điều đó xảy ra vì dân
chúng đã xin với Đức Chúa tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội. Họ đã nói: “Chúng
tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi
không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết” (Ðnl 18:16).
Đức Chúa chứng thực: “Chúng
nói phải” (Ðnl 18:17). Và Ngài cam kết: “Từ giữa anh em của chúng,
Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ
đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả
những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời
của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta thì chính Ta sẽ hạch tội nó.
Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không
truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó
phải chết” (Ðnl 18:18-20). Bịa đặt hoặc cố chấp thì ai cũng sẽ bị trừng
phạt, dù là người nói hoặc kẻ nghe.
Từng ngày trôi qua,
biết bao điều lạ mà người ta không cho là lạ, lại chỉ mơ tưởng “sự lạ” ở đâu đâu, chẳng khác là ảo
tưởng, thích chuyện hão huyền. Cứng đầu cứng cổ thật, đâu khác gì dân Ít-ra-en
xưa. Vậy mà vẫn tự cho mình là “ngoan
đạo”. Kể cũng “lạ” thật đấy!
Tác giả Thánh Vịnh
nhận biết các điều lạ xảy ra xung quanh chúng ta hằng ngày nên không thể im
lặng, mà phải lên tiếng mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung
hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung
hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2).
Không chỉ chúc tụng
Chúa mà còn phải thờ lạy Ngài, đó là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta,
những người luôn được Ngài trao ban biết bao Hồng Ân mỗi ngày, đơn giản và cơ
bản nhất là sự sống. Ăn cây nào, rào cây nấy. Nhận lãnh thì phải biết ơn. Đồng
thời hãy mời gọi người khác cùng hành động: “Hãy vào đây ta cúi mình
phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên
Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7).
Vâng, ước gì điều ước này được chúng ta thực hiện luôn luôn!
Ngày xưa, Thiên Chúa
đã nhắc nhở dân Chúa: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại
Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng
thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta
làm” (Tv 95:8-9). Và ngày nay, đó cũng chính là lời khuyến cáo dành riêng
cho mỗi chúng ta.
Xơ cứng cũng có nhiều
dạng với mức độ khác nhau. Xơ gan là một dạng ung thư bất trị, nhưng xơ cứng
tâm linh còn nguy hiểm hơn, vì đó là dạng “ung
thư tâm linh”, có thể bất trị cả đời này lẫn đời sau, nhưng nếu chịu điều
trị thì lại khả dĩ chữa lành. Đúng là “chuyện
lạ” thật!
Thánh Phaolô nói về
một dạng lạ về tâm linh: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo
lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp
lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ,
thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì
chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng
thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1 Cr 7:32-34). Gọi
là lạ nhưng lại không lạ. Những người này cũng vẫn là những người bình thường
như chúng ta, không có gì khác thường. Tuy nhiên, không lạ mà lại lạ, họ sống
giữa đời thường mà lại không thuộc về đời thường, vì họ không thấy có sức hút
nào bằng sức hút của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô khuyên
thật chứ không đùa, không có ơn Chúa thì không thể hiểu được. Dĩ nhiên, tất cả
đều là tự nguyện, không bắt buộc, và cũng không thể ép buộc. Thánh Phaolô giải
thích: “Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị
em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề
nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn
bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1 Cr 7:35). Rất chi tiết.
Rất rạch ròi. Rất minh bạch. Và cũng rất chân thành.
Như chúng ta đã biết,
cuộc sống có rất nhiều điều lạ, từ điều nhỏ tới điều lớn, từ đơn giản tới phức
tạp. Thời nào cũng thế, đất nước nào cũng thế, dân tộc nào cũng vậy. Cũng là
con người cả thôi, tính hiếu kỳ luôn chực chờ “nổi dậy”. Nhưng cần lưu ý rằng có điều lạ tốt và cũng có điều lạ
xấu. Chúa Giêsu giáng sinh làm người, chịu chết trên Thập Giá, rồi phục sinh
vinh quang. Vô cùng lạ, lạ hơn mọi thứ lạ khác. Các bí tích cũng toàn là những
chuyện lạ. Cả đời chúng ta chứng kiến biết bao chuyện lạ, nói đúng ra là phép
lạ!
Một hôm, Đức Giêsu và
các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Hôm đó là ngày sa-bát, Ngài vào hội
đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài. Họ sửng sốt vì
thấy quá đỗi lạ lùng. Tại sao? Vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các kinh sư.
Từ ngạc nhiên này tới
ngạc nhiên khác. Ngay lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế nhập,
nó la lên: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông
đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của
Thiên Chúa!” (Mc 1:24). Còn hơn cả sự lạ lùng. Chắc hẳn dân chúng càng
sửng sốt hơn. Nó không phải quỷ thường, mà là quỷ ô uế.
Nghe nó nói vậy, Đức
Giêsu quát mắng nó, bắt nó câm miệng và buộc nó phải xuất ra khỏi nạn nhân. Thần
ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Nạn nhân được
tự do, thoát khỏi nanh vuốt kìm cặp của ma quỷ, đó là nhờ quyền phép của Đức
Giêsu, Con-Thiên-Chúa-làm-người, Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta, Đấng Emmanuel.
Thấy vậy, mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế
nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho
cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1:27).
Không lạ sao được khi
mà người ta mục kích sở thị chứ chẳng phải nghe đồn hoặc truyền khẩu. Tiếng
lành đồn xa. Lập tức danh tiếng Ngài đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền
Galilê.
Lạy Thiên Chúa, xin
giúp chúng con biết phân biệt cái gì là điều lạ và cái gì là bình thường, cái
gì là tốt và cái gì là xấu, để chúng con tin và hành động theo đúng Thánh Ý
Ngài. Xin giúp chúng con vạch rõ làn ranh giữa cái thiện và cái ác để chúng con
không mơ hồ giữa cõi thế gian này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu,
Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Feb 2, 2015 - Chúa nhật 4 thường niên năm B
Feb 2, 2015 - Chúa nhật 4 thường niên năm B
Đức Giesu khống chế ma qủi
Các Bạn thân mến,
Theo niềm tin tôn giáo thì thời nào
quyền năng của ma quỷ cũng liên tục chế ngự, quấy nhiễu, làm con người xa lánh
bản thân mình, bị quấy nhiễu bởi sự sợ hãi và vì hoạt động của các thần ô
uế.
Tin Mừng thánh Macco hôm nay cho thấy phép lạ đầu tiên của
Đức Giesu là khống chế rồi trục xuất ma quỷ. Ngài phục hồi con người về với
chính mình. Ngài khôi phục lương tâm và sự tự do của con người. Để niềm tin của
con người trong Đức Giêsu sẽ thành công trong việc chiến đấu với sự dữ đã làm
con người xa lánh bản thân và lìa bỏ Thiên Chúa.
Hai phép lạ đầu tiên chúng ta nhìn thấy nơi Đức Giesu hôm
nay là: cách thức giảng dạy của Ngài về Thiên Chúa và quyền năng của Ngài.
Tin Mừng của Thiên Chúa được công bố bởi Đức Giesu phải được
coi là một việc làm nhẹ gánh cho con người trên các thần ô uế. Ngài mở ra một
phương cách thanh tẩy mới cho nhân loại. Bởi trong những ngày ấy, ai bị xem là ô
uế thì không thể đến trước Thiên Chúa
để cầu nguyện hoặc nhận lãnh phép lành của Thiên Chúa như Ngài đã hứa với
Abraham. Mà người ấy phải thanh tẩy bản thân mình trước.
Việc thanh tẩy có nhiều luật lệ và nghi thức tạo ra khó khăn
cho đời sống dân chúng nên nhiều người bị thiệt thòi.
Việc trừ quỷ xẩy ra tại nhà hội hôm nay tạo ra sự ngạc nhiên
cho người ta nhất. Nó đi thẳng vào tâm điểm của Tin Mừng Nước Trời. Bằng phương
cách ấy, Đức Giêsu đã trả họ lại với trí khôn tỉnh táo và lương tâm thanh khiết.
1. Nhà Hội:
-
Với người Do Thái, nhà hội là nơi để cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng dạy Lời
ấy.
- Như vậy nhà hội rất quan
trọng để hướng dẫn, dạy đạo, nên có ảnh hưởng lớn nhất, vì chỉ có một đền thờ
Gierusalem duy nhất để thờ phượng và dâng của lễ.
-
Trong nhà hội không cử nhạc, không ca hát, cũng không dâng của lễ.
-
Luật pháp qui định rằng bất cứ nơi nào có mười gia đình người Do Thái thì phải
có một nhà hội.
- Nhà
hội có tổ chức chặt chẽ, gồm các viên chức như: chủ, người quản lý của bố
thí để phân phát, và một người phục vụ.
- Không
có người chuyên nghiệp rao giảng hay giáo sư thường trực.
- Chủ
hội chỉ định người giảng dạy trong từng buổi họp.
- Nếu
ai có thông điệp nào mới muốn truyền đạt, hay một vấn đề gì cần thảo luận thì
có quyền trình bày nơi nhà hội.
- Như
thế nhà hội là nơi tốt nhất tạo cơ hội cho người ta truyền rao một sứ điệp nào
đó đến dân chúng.
- Vì
thế Đức Giesu có thể tự do bắt đầu chiến dịch của Ngài trong những nhà hội này.
- Thoạt
đầu người ta chỉ biết Ngài như một người có thông điệp muốn rao truyền.
- Nhưng
họ đã sớm nhận ra cả về phương pháp, nội dung và bầu không khí giảng dạy của
Ngài đều như một sự mặc khải mới mẻ.
- Theo
người Do Thái, điều thiêng liêng nhất là Luật Pháp, là kinh Torah.
- Trái
tim của Luật Pháp là Mười điều răn.
- Luật
pháp hoàn toàn từ Thiên Chúa, Ngài đã trực tiếp trao cho Mose.
- Luật
Pháp thanh khiết và có tính ràng buộc tuyệt đối.
- Luật
pháp thiêng liêng như thế nên: Luật pháp trở thành luật lệ tối cao cho đời sống
và đức tin; cùng hàm chứa tất cả những gì cần thiết để hướng dẫn, điều khiển đời
sống.
- Luật
pháp đòi hỏi phải được nghiên cứu hết sức tỷ mỉ, cẩn thận và chỉ phát biểu những
nguyên tắc quan trọng, tổng quát mà thôi.
- Nhiệm
vụ của các thầy thông giáo là truyền dạy và khai triển luật pháp.
- Chính
những điều suy diễn này được gọi là" luật pháp truyền miệng",
nó trói buộc hơn cả luật thành văn. Được lưu truyền hết thế hệ thầy thông giáo
này đến thế hệ thầy thông giáo khác.
- Các
thầy thông giáo lại có nhiệm vụ xét xử các vụ kiện tụng, nên sau đó lại tạo ra
nhiều luật lệ mới khác.
- Vì
thế cuộc sống của người Do Thái bị bao trùm vô vàn vô số những luật lệ khắt
khe, chi tiết, tỉ mỉ.
- Nay
được nghe Đức Giesu giảng dạy, họ như được làn gío mát dịu từ Thiên Chúa thổi
tới nên họ phấn khởi, hạnh phúc.
2. Sự
giảng dạy đầy quyền năng:
- Các bài đọc hôm nay đề cập đến quyền
lực, quyền năng. Đó là quyền bính tối cao của Thiên Chúa nơi Đức Giesu.
- Nên Đức Giesu khác với các thầy thông giáo, Ngài giảng dạy cách độc lập, lời lẽ khẳng định, tích cực, có quyền uy của riêng Ngài, được bày tỏ qua lời nói và việc làm. Làm người nghe cảm phục và kinh ngạc vì Ngài có quyền trên cả qủi thần. Từ đó họ nhận ra được chân dung của Ngài.
- Nên Đức Giesu khác với các thầy thông giáo, Ngài giảng dạy cách độc lập, lời lẽ khẳng định, tích cực, có quyền uy của riêng Ngài, được bày tỏ qua lời nói và việc làm. Làm người nghe cảm phục và kinh ngạc vì Ngài có quyền trên cả qủi thần. Từ đó họ nhận ra được chân dung của Ngài.
- Lời giảng
dạy của Ngài không chỉ chủ đích truyền đạt kiến thức lý thuyết, mà còn giảng
dạy với tâm tình yêu thương, quan tâm đến hạnh phúc của người nghe.
- Trong sự kinh ngạc về giáo lý của Đức Giêsu, người ta bắt
đầu phát triển một nhận thức quan trọng.
- Do đó
Ngài đã thuyết phục được lòng trí người nghe, đưa họ về với Thiên Chúa.
- Chúng
ta cũng có kinh nghiệm để nhận định và phân biệt sự khác nhau giữa một bài
thuyết trình theo kiến thức sách vở và một bài thuyết trình theo sự hiểu biết
và kinh nghiệm cuộc sống.
- Một
người nói từ bên trong, từ kinh nghiệm, là làm chủ của sự kiện, còn người nào
nói từ bên ngoài, thì như một khán gỉa, hoặc như một người mới làm quen với
những sự kiện dựa trên chứng cứ của một người thứ ba nào đó.
- Có một số người có khả năng ưu việt về mặt
tinh thần, làm cho họ có năng quyền về mặt luân lý.
- Đức
Giesu có loại quyền này, loại quyền năng phát xuất từ việc sống theo tính cách
của một con người chính trực, tinh tuyền.
- Chúng ta cần ý thức noi theo Ngài, để giảng
dạy, nói, làm những gì Thiên Chúa truyền, chứ không phải những gì chúng ta muốn.
- Nên
cần cầu nguyện, gặp gỡ, để lãnh nhận ý truyền của Thiên Chúa.
- Cũng lưu ý rằng quyền bính thực sự nằm trong
một trật tự luân lý, tuy nhiên vì dân chủ tự do lạc hướng nên xã hội bị khủng
khoảng về vai trò của quyền bính.
- Vì thế hiện nay nhiều người, nhiều gia đình đang
bị khủng khoảng về vai trò của quyền bính, về ai sẽ là chủ gia đình, chồng, vợ
hay con cái? Người làm ra tiền, nắm kinh tế hay người vai vế lớn?
- Hãy
nguyện xin Chúa cho chúng ta biết tôn trọng quyền năng Ngài đã sắp đặt. Đừng cố tình xáo trộn.
3. Đức Giêsu khống chế ma quỷ:
- Sứ mạng của Đức Giesu là tiêu diệt ma
quỉ, chống
trả lại quyền năng của thần ô uế, nói
chung là những ác thần, và các hình thức xấu sa ô uế tội lỗi khác.
- Nhưng Ngài không nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ, nhưng nhờ
quyền năng Thiên Chúa khiến nó phải khuất phục. Ngài cũng thông ban cho
các tông đồ quyền này.
- Hôm nay Đức Giêsu đã chinh phục và trục xuất
thần ô uế. Một lần nữa, ấn tượng về Tin Mừng của Ngài tỏ rõ trên dân chúng.
- Ngày
nay nhiều người không còn nghĩ đến ảnh hưởng của thần ô uế, vì có khuynh hướng
cắt nghĩa theo văn minh khoa học tiến bộ.
- Nhưng
chúng ta phải tin rằng, thần ô uế không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là
một quyền lực cụ thể bành trướng trong thế giới, đó là những con rắn qủi quyệt,
tên dối trá, kẻ cám dỗ lộng hành quậy phá cá nhân, gia đình, cộng đòan, xã hội,
giáo hội dưới nhiều hình thức tinh vi, khéo léo, kín đáo, trực tiếp hay gián
tiếp để phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa, đưa con người vào vòng tội lỗi trầm
luân như chúng.
- Nó
làm xáo trộn, khủng hoảng, mất mát những gía trị nhân bản, đạo đức của cá nhân,
gia đình, xã hội, tôn giáo, gây ảnh hưởng về sức khỏe, sự đòan kết, sự tín
trung, tình thương yêu và nhiều mặt khác...
- Một điều đáng
chú ý là ma qủi có thể đột nhập vào con người, nó có mặt cả trong Nhà Hội, nơi
Đền thờ.
- Cần
phân biệt:
* Ma: theo lối hiểu thông thường là hồn người chết
trở về để liên hệ, ám ảnh, hay phá quấy người sống. Tuy nhiên tin hay
không tùy người.
. Tín hữu chúng ta tin linh hồn chỉ hiện về khi
được phép Chúa để làm một việc cần nào đó.
. Hiểu theo nghĩa này
thì ma là có thật.
* Qủi: theo Kinh thánh thì là loài thiên thần kiêu
căng, bị Thiên Chúa đầy xuống hỏa ngục.
. Qủi hoàn toàn có thật, kinh thánh cũng nhiều
lần nhắc đến và chính Đức Giesu cũng bị chúng cám dỗ.
. Nó được phép quấy nhiễu con người.
- Khoa
học đã có tác dụng lớn lao trong việc trừ ma đuổi qủi ra khỏi xã hội con người.
- Tuy
nhiên hiện nay vẫn còn số ít trường hợp con người bị ma qủi nhập vào, ám hại
cách này cách khác.
- Giáo
Hội cũng ban quyền đặc biệt cho một số linh mục, một số vị tu hành được phép
trừ ma qủi.
- Ảnh
hưởng và sức phá hoại của chúng rất nặng nề, nằm trong phạm vi nội giác và vô
hình nhiều hơn, nên chúng ta ít gặp và khó tin.
- Đừng coi thường, cần cảnh giác, đương đầu với chúng, trong cuộc chiến đấu chống
các cơn cám dỗ để giữ lòng trong sạch, trung tín với Chúa.
- Mặc
dù đôi khi chúng ta lẫn lộn, thường đổ lỗi tất cả những gì xấu xa cho Satan.
- Bởi
Satan được phép cám dỗ con người, nhưng đối với Đức Giesu thì tất cả những ai
tìm cách ngăn cản người khác thực hiện sứ mệnh Thiên Chúa, thì người đó cũng bị
coi là Satan. Như khi Phero ngăn cản Chúa đi chịu chết, Ngài cũng gọi ông là
Satan!
- Như
vậy ngoài việc công nhận sự hiện hữu của qủi, chúng ta còn phải nhìn nhận một
thực tại quan trọng khác là sự ác, sự xấu và tội lỗi, do chính chúng ta gây ra
qua hình thức cám dỗ, hành động trái chân lý, công bằng và bác ái.
- Chúng
ta cần nhắc nhở mình dứt khoát chọn sự thiện, công lý, tình thương; đồng thời
tỉnh thức đề phòng những cám dỗ mà người khác đem đến cho chúng ta, cũng
đừng cám dỗ người khác.
- Còn
loại Satan chuyên đội lốt thiên thần ánh sáng, làm trò bịp bợm, gỉa vờ đạo hạnh
để sai khiến, biến chúng ta thành tay sai cho nó ngay chính lúc chúng ta tưởng
mình đang phục vụ Thiên Chúa và anh em.
- Hãy cảnh giác với những quyến rũ ngọt ngào, những hứa hẹn hấp dẫn, những tự
phụ, những thành công...
- Nhìn
vào bản thân, thấy nhiều khi mình cũng sống dưới sự thống trị của ma qủi, đó là
những cám dỗ qua giác quan, trí tưởng tượng, lòng tham, ham muốn, tương quan
lệch lạc…
- Mặt
khác, nhận ra quyền lực của ma qủi còn để hiểu được sự mỏng giòn yếu đuối của
con người mà khiêm tốn nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Marco còn muốn đề phòng mọi lạm dụng, không muốn
người ta kêu tên Đức Giesu một cách vô cớ, tức là một cách không xứng đáng.
Nghĩa là theo Marcô, chỉ những ai chấp nhận đi qua mầu nhiệm thập giá mới hiểu
được Chúa và mới được quyền đọc tên Ngài, mới có Thánh Thần giúp đỡ để kêu tên
Ngài khiến ma quỷ, tội lỗi rời xa.
- Ngày nay, khi
người ta không thể giải thích được một hiện tượng, một vấn đề hoặc sự đau đớn,
đôi khi họ cầu cạnh đến các lời giải thích và phương cách chữa trị truyền thống
hoặc tục lệ cổ xưa và họ nói rằng: đó là bị tà ma, bị Trời phạt, bị quỷ ám. Người
này tìm cách khắc phục bằng phép thuật, cầu vong ồn ào. Người kia tìm chuyên
gia trừ quỷ để trục xuất thần ô uế.
- Số khác được khuyến khích bởi nền văn hóa mới
và tàn bạo ngày nay, chống trả lại sức mạnh của sự dữ qua những phương cách
khác. Họ tìm hiểu nguyên do của sự dữ. Họ tìm thầy thuốc, dược thảo, giúp đỡ
lẫn nhau, kêu gọi hội họp, chống trả lại sự ghét bỏ của người khác, tổ chức câu
lạc bộ các bà mẹ, nghiệp đoàn, đảng phái và nhiều hình thức hiệp hội khác để
xua đuổi sự dữ và cải thiện đời sống của người dân.
- Hiện nay, ngoài việc
trừ quỉ, Hội Thánh còn có sứ mệnh chống lại những sự dữ thuộc về
ma quỉ như: ma thuật, đồng bóng, mê tín dị đoan. Bài trừ tận
gốc các tệ nạn xã hội như: ma túy, mãi dâm, rượu chè, cờ bạc, phim
ảnh sách báo khiêu dâm, bạo lực.
- Hội Thánh cũng
phải hòa giải các tranh chấp, đấu tranh chống lại bất công bóc lột.
Cuối cùng Hội Thánh còn phải cộng tác với chính quyền và các tổ
chức nhân đạo bài trừ các thứ giặc nghèo đói, dốt nát và mê tín.
- Ngoài ra, Hội Thánh cũng khuyên các tín hữu phòng tránh sự khôn
ngoan giả dối của thế gian và ma quỉ, đề phòng các tiên tri giả là
tay sai của ma quỉ đến rao giảng giáo lý sai lạc trái với giáo lý
tông truyền của Hội Thánh.
- Lời Chúa hiện nay vẫn đầy uy quyền trong Hội
Thánh, Tin Mừng hôm nay cũng cảnh giác chúng ta, đừng tưởng được nghe Lời Chúa
và kêu tên Ngài là đủ để xua đuổi tà thần ra khỏi tâm hồn và đời sống của mình;
nhưng còn phải kết hợp với mầu nhiệm tử nạn của Ngài, chúng ta mới có sự sống
mới Ngài ban.
4. Sống theo Thần Khí:
- Ðức Giesu đã giáng thế, tử nạn và Phục sinh,
đã khai trương một cuộc sống mới. Ngài không đưa chúng ta ra khỏi thế gian
nhưng cho chúng ta không còn thuộc về thế gian nữa, tức là không ở trong luật
lệ của tà thần và tội lỗi.
- Chúng ta
có thể sống bậc tu hành, độc thân, hay có gia đình, nhưng đừng để xác thịt làm
khổ mình. Tuy nhiên ở bậc nào cũng phải sống đoan chính, khắng khít với Chúa,
bởi vì Chúa phục sinh đang ở giữa chúng ta và chúng ta đang ở trong thời sung
mãn.
- Hơn nữa, ơn của mầu nhiệm Phục sinh còn có
thể giúp chúng ta sống vượt khỏi các đòi hỏi của xác thịt. Những lo âu về đời
sống vật chất cho gia đình, về đời sống xã hội. Mến Chúa yêu người là phải để
tâm săn sóc đến đời sống vật chất và xã hội của người khác. Chính việc này,
cũng là nghĩa vụ phải chu toàn để đưa Nước Chúa đến chỗ Trời mới, Ðất mới.
- Sống lời Chúa hôm nay, chúng ta cần thực hiện:
. Khám
phá ra Đức Giesu là tiếng nói của Thiên Chúa.
. Đón rước Ngài và lắng nghe Ngài.
. Để Ngài đào tạo và hành động trong chúng ta
bằng Thánh Thần, cho chúng ta tập sống dũng cảm, bất khuất, chấp nhận thua
thiệt, hầu trở thành tiếng nói của Thiên Chúa trong gia đình, khu xóm và cộng
đồng.
- Giờ đây, niềm tin vào sự Phục sinh và
vinh quang chiến thắng là một
trong những mục đích của Tin Mừng, cứu giúp chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi. Đón
chờ nước Thiên Chúa đang đến, nghĩa là một quyền năng cao cả hơn đang đến. - Vì thế Máccô muốn nói với chúng ta:“Người Kitô hữu không được phép sợ hãi Satan!”
Nhờ vào sự phục sinh của Đức Kitô và nhờ vào hành động giải thoát của Ngài hiện
diện trong chúng ta, chúng ta phải đi theo con đường của Ngài với cảm nghiệm của sự chiến thắng đánh bại lại quyền
năng sự dữ!
Lạy Chúa, thế gian luôn có nhiều người bị ám bởi các thần ô uế,
bị chúng nhập vào tâm trí, làm lệch lạc đức tin, lối sống, lối nhìn, lối suy
nghĩ, lối hành động...
Nhưng chúng con biết
Đức Giesu đang sống. Ngài ở đó, tuy chúng con không nghe và cũng chẳng thấy gì. Nhưng Ngài có thật, thật hơn bất cứ những gì chung
quanh chúng con. Nên chúng con không còn cô độc, không còn sợ hãi bất cứ điều
chi.
Xin cho chúng con nhìn
lại bản thân mình, biết chủ đích phải đến là sống đời đoan chính theo ý Chúa, hầu
chúng con không bị cám dỗ và cũng không cám dỗ người khác.
Lạy Đấng Thánh của Thiên Chúa,"xin chớ để chúng con sa
chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ." Amen.
Than men,
duyenky
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)