THÂN PHẬN ĐỜN ÔNG
Việt Nam vừa mới trải qua cơn đại dịch cúm gà. Không
phải chỉ có gà mà thôi đâu nhé, nhưng còn có cả những loại gia cầm khác, như
vịt, ngan, ngỗng…Hơn thế nữa, không phải chỉ có gia cầm mà thôi đâu nhé, nhưng
còn có cả những loại chim chóc sống trên rừng cũng như sống trong lồng. Ở đâu
dịch bệnh xuất hiện, thì ở đó lập tức mọi gà vịt…đều bị thu gom đem chôn hay
đem đốt trong đường bán kính ba cây số.
Thiệt hại do dịch bệnh này gây nên lên tới hàng mấy
chục triệu đô la, ấy là chưa kể tới gần hai chục mạng người phiêu diêu miền cực
lạc vì bị lây nhiễm.
Ngoài ra, dịch bệnh này còn tạo nên những tình huống
giở khóc giở cười, giở mếu máo, gã xin ghi lại để nhỡ lần sau gặp phải thì còn
biết đường che chắn, chứ đừng kín trước, hở sau.
Thứ nhất, thật tội nghiệp cho những gia đình nghèo. Vợ
chồng và con cái làm lụng quần quật, chắt chiu bao nhiêu năm tháng mới gầy được
một đàn vịt đẻ. Vào một buổi sáng đẹp trời, đàn vịt đẻ đang tung tăng bơi lội
dưới ao, thì bỗng cán bộ thú y đến và phán :
- Vùng này mắc…dịch.
Và thế là a-lê-hấp, tóm cổ toàn bộ đàn vịt đẻ, cho vào
bao tải mà đem đi chôn. Mặc cho đàn vịt đẻ giãy giụa kêu la :
- Cạc, cạc, cạc…
Vợ chồng và con cái chỉ còn biết đứng há hốc miệng mà
trông theo đến độ ứa cả nước mắt. Không biết ngày mai sẽ ra sao, nếu không còn
những đồng tiền bán trứng.
Thứ hai, thật tội nghiệp cho những người nuôi chim
kiểng. Khi lệnh đã được ban ra, thì tất cả những loài chim quí hiếm này cũng
đều phải chịu chung một số phận như gà với vịt mà thôi.
Báo “Tuổi Trẻ
Chủ Nhật” số 1065 ra ngày 08.02.2004 có đăng một mẩu chuyện ngắn mang tựa
đề “Tiếng gọi của con chim sáo” của
tác giả Bích Ngân, đại khái như thế này :
Sau nhiều năm tháng vừa học vừa làm, hai vợ chồng trẻ
dốc toàn bộ vốn liếng mới thành lập được một trại gà nho nhỏ. Khi trại gà vừa
mới ra lò thì anh chồng đột ngột qua đời. Trại gà liên tục phát triển vừa đúng
một năm thì xảy ra dịch cúm. Thế là toàn bộ số gà nuôi trong trại đều bị cán bộ
đến bắt và mang đi chôn, chỉ còn lại một con chim sáo.
Hôm nay, chị vợ tổ chức lễ giỗ đầy năm cho anh chồng
và cũng để nhớ tới đàn gà thân thương của mình đã bị…ngỏm củ tỏi. Đang lúc thắp
nén nhang tưởng niệm, thì chị vợ bỗng giật mình vì nghe thấy tiếng nói quen
thuộc :
- Hằng ơi, anh yêu em lắm.
Đó là tiếng nói của con chim sáo. Tiếng nói ấy khiến
chị vợ cảm thấy như hồn anh chồng đã nhập vào nó. Thế nhưng cùng lúc đó,
anh cán bộ thú y xuất hiện và bảo cho chị hay:
- Cả chim sáo cũng phải hủy diệt.
Suốt đêm, chị vợ trằn trọc không tài nào ngủ nổi. Cuối
cùng, chị vợ quyết định mở lồng trả tự do cho con chim sáo. Và khi anh cán bộ
đến, chị nói :
- Đêm hôm qua, con chim sáo nhà tôi đã bị mèo vồ mất
rồi.
Chị vừa dứt lời, thì một giọng nói vang lên :
- Hằng ơi, anh yêu em lắm.
Thì ra đó vẫn là giọng nói của con chim sáo. Mặc dù
được tự do, nhưng con chim sáo không nỡ rời xa chủ, nó bay vào kẹt tủ. Và bây
giờ nó lên tiếng nói. Tiếng nói của nó là như một lời tố giác:
- Lạy ông tôi ở bụi này.
Và anh cán bộ thú y chỉ cần thò tay ra, chụp lấy và
nhét vào bao. Còn chị vợ đứng nhìn. Những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên gò má
lúc nào cũng chẳng hay.
Và để an ủi cho những khổ chủ, cũng như bù lỗ phần nào
những thiệt hại, nhà nước đã qui định như sau:
- Gia cầm đẻ, mười lăm ngàn đồng một con.
- Gia cầm thịt, năm ngàn đồng một con.
- Trứng, hai trăm đồng một quả.
- Thức ăn gia cầm, ba ngàn đồng một ký.
Có một anh chàng cắm dùi tại Vĩnh Long, chuyên nghề
gây gà nòi để mang đi đá. Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, anh ta đã huấn
luyện được một chú gà nòi, bách chiến bách thắng. Đá đâu thắng đó. Đá nhớn
thắng nhớn, đá nhỏ thắng nhỏ, càng đá càng thắng. Có thể nói được rằng chú gà
nòi của anh ta thuộc hàng bất khả chiến bại, nổi tiếng khắp vùng đồng bằng sông
Cửu Long.
Một ông phú hộ ở tận Lâm Đồng, cũng là dân mê đá gà,
đã chấp nhận mua chú gà nòi của anh ta với gía hai mươi triệu đồng. Mặc dù tiếc
đứt ruột, nhưng anh ta vẫn chấp nhận mang chú gà nòi đi bán, vì gia đình đang
gặp phải nhiều khó khăn về tiền bạc.
Sáng hôm ấy, anh ta hí hửng ôm chú gà nòi đem trao cho
chủ mới. Thế nhưng, khi xe vừa mới qua khỏi Long An, thì liền bị công an ách
lại, tịch thu chú gà nòi vì đã có lệnh cấm di chuyển và mua bán gia cầm. Thế là
anh ta phải trở về nhà với hai bàn tay trắng, rồi sau đó phát khùng, phát điên.
Nhìn vào bảng giá bù lỗ, gã bỗng cảm thấy tủi phận bởi
vì gia cầm đẻ giá những mười lăm ngàn, còn gia cầm thịt giá có năm ngàn. Như
vậy có nghĩa là một chị gà mái giá mười lăm ngàn, còn một anh gà
trống chỉ có năm ngàn mà thôi. Mái gấp ba lần trống. Từ đó, nhân rộng ra trong
xã hội hôm nay, quả thực đờn bà quí giá hơn đờn ông, không phải chỉ gấp ba, mà
còn gấp bốn, gấy bảy và gấp…bội lần.
Viết tới đây, gã bèn nhớ tới một câu “ranh ngôn” xác định bậc thang giá trị ở
phương tây, vốn thường được quí ông thở dài não nuột mà nhắc tới như để ý thức
về thân phận bèo bọt và răn đe cho chính mình:
- Thứ nhất là trẻ nít, Thứ hai là đờn bà, Thứ ba là
chó con, Rồi thứ bốn mới tới đờn ông.
Như vậy, phe đờn ông con giai từ xưa vốn đã vỗ ngực tự
hào mình là “bậc tu mi nam tử”, thì
bây giờ hãy cúi đầu xuống như muông chim, bởi vì mình chỉ nằm vào hàng bét
giem, hàng chót hết của bậc thang giá trị mà thôi, thua cả chó con. Đúng như
các cụ ta đã cay cú:
- Ba đồng một mớ đờn ông,
Đem về mà bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
Ba trăm một mụ đờn bà,
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.
Thân phận cánh đờn ông con giai vốn dĩ đã đen như mõm
chó. Thế nhưng, để sống cho đúng cái thân phận bẽ bàng của mình lại càng khó
hơn, nhất là đối với những anh chàng đã trót dại kéo theo một cái “rờ mọc” là bà xã dấu yêu, sở dĩ
như vậy bởi vì đờn bà con gái mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm, mãi mãi vẫn là một
nghịch lý, mãi mãi vẫn là một sự ngược đời và tréo cẳng ngỗng. Gã xin đưa ra
những trường hợp cụ thể, trong đó những anh chồng ở vào cái thế việt vị,
bất nhóc nhách, tiến thoái lưỡng nan.
Trường hợp thứ nhất, đó là có những anh đờn ông luôn
chăm chú việc nhà, làm tất tật mọi sự mà chẳng hề quản ngại, hay nề hà chi cả,
từ sửa chiếc ghế gãy đến thổi cơm và may vá, đúng như tục ngữ đã
nói :
- Làm trai rửa bát quét nhà,
Vợ gọi thì dạ: bẩm bà…em đây.
Thế nhưng, xem ra các chị đờn bà lại không ưa týp đờn
ông mềm nhũn này là mấy, bởi vì phần lớn các chị thường mơ ước người yêu lý
tưởng của mình phải là người có quyền có thế, phải là người xốc vác, dám đương
đầu với mọi cơn gian nan thử thách, cũng như dám gánh vác những công việc lớn
lao ngoài xã hội, trở thành một điểm tựa vững chắc cho mình nương nhờ. Người
yêu lý tưởng ấy đã được tục ngữ mô tả:
- Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên.
- Làm trai quyết chí tang bồng,
Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.
Tuy nhiên, quyền thế không phải là một quà tặng từ
trời rơi xuống, không phải là một thứ tình cho không biếu không, nhưng là kết
quả của biết bao nhiêu phấn đấu, của biết bao nhiêu bon chen, thậm chí của cả
biết bao nhiêu luồn lách mới leo lên được ghế nọ ghế kia.
Trong khi phấn đấu, bon chen, luồn lách như vậy, anh
đờn ông thường tất bật ngược xuôi, bận rộn với hàng đống công việc, thành thử
chẳng còn thời giờ dành cho vợ cho con. Điều này thì chẳng chị đờn bà nào ưa
cả, bởi vì anh chồng phải là của riêng mình, trọn vẹn “chăm phần chăm”, không được chia sớt một ly ông cụ nào cả.
Cũng trong chiều hướng đó, các cụ ta ngày xưa
thường bảo:
- Nhàn cư vi bất thiện. Sự nhàn rỗi vốn là nguyên nhân
sinh ra những thói hư tật xấu.
Vì nhàn rỗi, nên mấy anh đờn ông mới tụ họp đàn đúm
rồi tổ chức ăn nhậu với nhau. Nhậu đến độ ngoắc cả cần câu, nhậu đến độ quên cả
đường về. Nhậu đến độ sáng xỉn, chiều say và cả tối lăn cũng quay.
Vì nhàn rỗi, nên mấy anh đờn ông mới tụ họp, gây sòng
đỏ đen với nhau. Ngày xưa thì tổ tôm, xóc đĩa. Ngày nay thì xì phé, sập xám, cá
độ bóng đá…nhiều khi mất toi cả cơ đồ, sản nghiệp:
- Cờ bạc là bác thằng bần,
Áo quần bán hết, ngồi trần tô hô.
- Cờ bạc là bác thằng bần,
Ruộng nương bán hết, chôn chân vào cùm.
Dưới mắt các chị đờn bà thì những anh đờn ông nào quá
rảnh rỗi, hay nói đúng hơn, những anh đờn ông nào quá lười biếng, chẳng dám
động tay vào bất cứ công việc gì, chỉ thích làm dám đốc, dám xúi mà lại chẳng
dám làm, những anh đờn ông nào trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại
nằm….tất cả chỉ là hạng vô tích sự mà thôi.
Các chị thích ngắm nhìn những anh đờn ông bận rộn và
say mê với công việc. Tuy nhiên, nếu bận rộn và say mê đến độ quên cả vợ lẫn
con, thì các chị lại chẳng thích tí nào. Ngoài ra, còn trở nên một mối nguy
hiểm đe dọa sự ổn định và tồn tại của gia đình.
Kinh nghiệm cho thấy: Thượng đế đã dựng nên người đờn
bà để yêu và để được yêu. Nơi họ, trái tim nắm giữ địa vị ưu tiên, cũng như
chiếm lấy vai trò số một. Họ không thể nào chấp nhận bị quên lãng.
Không ít chị vợ đã hậm hực tức tối khi thấy anh chồng
mê bóng đá hơn mê chính mình. Một chị vợ đã tâm sự như sau:
- Vào những ngày nghỉ cuối tuần, mình chỉ mong anh ấy
ở nhà để chia sẻ tâm sự và sống riêng với nhau, thế mà anh ấy vẫn cứ đi biệt,
mất tăm mất tích. Không lao vào công việc thì cũng ngồi xòe hay ăn nhậu với các
chiến hữu, tới tận sáng thứ hai mới vác xác về thì làm sao mà chịu nổi. Mình
chỉ mong tìm lấy một bờ vai để tựa đầu mà cũng chẳng có.
Rất nhiều cuốn phim đã mổ xẻ về đề tài này và thường
dẫn tới một kết quả không mấy sáng sủa, đó là đổ vỡ tan tành.
Chẳng hạn anh chồng là một bác sĩ, ban ngày thì miệt
mài làm việc trong phòng thí nghiệm, ban tối về tới nhà lại chăm chú đọc sách,
hết ngâm kíu này tới ngâm kíu khác. Mặc cho chị vợ đi vào giấc ngủ cô đơn. Và
thế là chị vợ bèn tìm cách trả thù bằng cách tìm một anh bồ nhí, để giải khuây
và lấp đầy những khoảng trống cho bõ ghét.
Chẳng hạn anh chồng là một cảnh sát tận tụy với nghề
nghiệp của mình. Ngày nghỉ có lệnh, cũng đi. Giữa đêm có điện thoại, cũng lập
tức lên đường xuất phát. Mặc cho chị vợ luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ.
Và cuối cùng chị vợ đành phải ca bản anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình
nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi.
Trường hợp thứ hai, đó là có những anh đờn ông vui vẻ
chấp nhận chung sống cùng cái nghèo theo kiểu:
- Người quân tử ăn chẳng cầu no, mặc chẳng cầu ấm.
Hình như không bao giờ có được một đồng xu dính túi:
- Việc nhà phó mặc cho bu nó,
Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.
Dưới mắt các chị đờn bà, những anh đờn ông loại này
cũng chỉ là hạng vô tích sự, thậm chí còn được phong làm chuyên viên “bám váy vợ”. Các chị thường thích những
anh đờn ông giỏi kiếm tiền. Trong những lúc riêng tư, các chị vốn hay chì
chiết, đay nghiến và day dứt những anh chồng dốt kiếm tiền như sau:
- Khốn khổ thân tôi lấy phải thằng chồng ngu ơi là
ngu. Chồng người ta kiếm tiền như nước đem về nuôi vợ nuôi con. Còn anh thật là
vô công rồi nghề. Sản nghiệp này đều do một mình tôi mà có. Rời cái tay tôi ra
ấy hả, lập tức cái nhà này tiêu tùng liền.
Kinh nghiệm cũng cho thấy: người ta thường lấy tiền để
nhử đờn bà, người ta thường lấy đờn bà để nhử đờn ông và người ta thường lấy
đờn ông để nhử…ra tiền. Đúng là một cái vòng lẩn quẩn.
Thế nhưng, tiền nhiều bạc lắm lại nảy sinh ra những hệ
lụy mà chẳng chị đờn bà nào muốn. Đúng vậy, khi còn hàn vi, anh đờn ông thường
chí thú mần ăn, trung thành với vợ và chăm chỉ với con. Thế nhưng, khi tiền bạc
đã rủng rỉnh thì lại thường hay “rửng
mỡ”. Và cái thói rửng mỡ này thiên
biến vạn hóa đến quỉ thần cũng không lường nổi.
Có anh thì sau một ngày làm việc, thân thể bãi hoải,
bèn phải đi tắm hơi một phát hay đi tìm mấy em vừa xoa lại vừa bóp, vừa mát xa
lại vừa mát gần, nói một cách văn vẻ là đi “vật
lý trị liệu”.
Có anh khi nhậu thì hay ngứa tay ngứa chân, bèn phải
gác nhờ lên bờ vai hay cặp đùi của các em. Thậm chí còn táy máy chỗ này chỗ nọ.
Có anh lại cứ đinh ninh:
- Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Thế nên bèn kết mô đen với một cô bồ nhí theo kiểu
chán cơm nhà thì vác tù và mà đi ăn phở.
Hơn thế nữa, như trên gã đã trình bày: người ta thường
lấy tiền để nhử đờn bà. Những anh đờn ông rủng rỉng tiền bạc sẽ trở thành như
một đốm lửa, khiến cho nhiều bà nhiều cô nhòm ngó và đeo bám, sẵn sàng hóa kiếp
thành những con thiêu thân lao mình vào lửa. Chẳng thế mà bây giờ, mấy anh Việt
kiều hay mấy ông Đài Loan xếnh xáng bỗng trở nên có giá trên thị trường hôn
nhân. Điều này hẳn quí bà quí cô ghét cay ghét đắng ghét vào tận lái tim!!!
Trường hợp thứ ba, đó là có những anh đờn ông thích
sống lặng lẽ như một chiếc bóng. Không hào quang. Không tỏa sáng. Sẵn sàng đếm
từng bước chân âm thầm của mình trên những sỏi đá cuộc đời.
Dưới mắt các chị đờn bà hạng đờn ông này chỉ là như
một thứ cơm nếp nhão, khiến họ ngán đến tận cần cổ. Các chị thích ông xã của
mình phải có tiếng có tăm, khiến cả và thiên hạ phải tâm phục khẩu phục và các
chị cũng được thơm lây.
Đúng thế, làm đờn bà con gái thế mà sướng. Hôm qua
mình chỉ là cái Tèo, cái Mít. Thậm chí còn mang thân phận “ô-sin”, phải đi ở đợ làm đầy tớ cho
thiên hạ…nửa chữ cắn đôi sợ cũng chưa thông, thế mà hôm nay bỗng nghiễm nhiên
trở thành bà bác sĩ, bà kỹ sư…mà chẳng cần phải chăm chỉ học hành hay vất vả
bon chen chi cho mệt.
Thế nhưng, tiếng tăm của anh đờn ông đôi lúc khiến các
chị vợ cũng phải thất điên bát đảo, mất ăn mất ngủ, bởi vì một khi được ngưỡng
mộ, anh đờn ông sẽ trở nên như một thỏi nam châm thu hút được sự chú ý nhiều
người phụ nữ khác, khiến họ mê tít thò lò, hay ít nữa anh ta cũng trở thành
người của quần chúng, chứ không còn là riêng của chị vợ nữa. Những điểm này các
chị vợ muốn tống khứ đi càng sớm càng tốt.
Và sau cùng, trường hợp thứ tư, đó là có những anh đờn
ông cù lần cù lèo, như chàng hai lúa miền quê.
Loại đờn ông này xem ra không đủ sức làm cho các chị
vợ nở mày mở mặt cùng bá quan văn võ. Các chị thường ưa thích những anh chồng
vừa đẹp trai, lại vừa hào hoa phong nhã. Thế nhưng sự hào hoa phong nhã này lại
thường là đầu mối gây nên khổ đau.
Thực vậy, làm sao các chị có thể chịu đựng nổi anh
chồng lúc nào cũng mỉm cười mần duyên hay liếc mắt đưa tình với những cô gái
khác.
Có lẽ phe đờn ông con giai nên ghi tâm khắc cốt và
phải thuộc nằm lòng cái nguyên tắc căn bản này, đó là ở mọi nơi và trong mọi
lúc, nếu có ga lăng thì chỉ được phép ga lăng với một mình bà xã mà thôi. Bằng
khôn
g, thì tẩu hỏa nhập ma, cơn giận bốc lên đùng đùng…lúc đó bà xã sẽ biến
thành bà chằng, hay bà chi chi nữa, thì chỉ có trời mới biết.
Tóm lại, thân phận anh đờn ông con giai vốn dĩ đã rẻ
như bèo, thế mà sống đúng cái thân phận bèo bọt ấy lại chẳng dễ tí nào, bởi vì:
- Bằng lòng với số phận phó thường dân, trên răng dưới
cát tút cũng chẳng xong, mà có quyền có thế cũng chẳng ổn.
- Hàn vi không một đồng xu dính túi cũng chẳng xong,
mà có tiền có bạc cũng chẳng ổn.
- Vô danh tiểu tốt cũng chẳng xong, mà có tiếng có tăm
cũng chẳng ổn.
- Cù lần cù lèo theo kiểu hai lúa cũng chẳng xong, mà
hào hoa phong nhã cũng chẳng ổn.
Làm đờn ông con giai quả là khó lắm vậy thay. Vì thế,
gã bèn thầm thĩ nguyện cầu cho phe ta:
- Kiếp sau xin chớ làm chồng,
Làm cây thông đứng mà trông….qưới bà!!!
Tác giả: Chuyện Phiếm của Gã
Siêu (gasieu@gmail.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét